Trung Quốc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm Chủ nhật (12/3), Tướng Li Shangfu (Lý Thượng Phúc) đã được bổ nhiệm làm tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc. Ông là nhân vật chủ chốt trong nỗ lực hiện đại hóa Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và nằm trong số cá nhân bị Hoa Kỳ trừng phạt vì mua vũ khí từ Nga.

Theo tờ Bloomberg, ông Lý Thượng Phúc đã trở thành tân Bộ trưởng Quốc phòng của Trung Quốc ở tuổi 65, thay thế Thượng tướng Ngụy Phượng Hòa.

Ông Lý Thượng Phúc sinh năm 1958 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ông có 31 năm làm việc tại Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương. Năm 2003, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Trước khi trở thành Bộ trưởng, ông Lý Thượng Phúc làm việc tại Lực lượng Hỗ trợ chiến lược. Đây là lực lượng được tái cấu trúc từ năm 2015 và có nhiệm vụ tập trung nghiên cứu, khai thác các lĩnh vực như chiến tranh không gian, tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử...

Hãng tin Reuters cho hay, các tướng lĩnh mới do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bổ nhiệm có thể đã được chọn vì lòng trung thành, nhưng những liên kết như vậy có thể phục vụ ít nhất một chức năng quân sự quan trọng trong bất kỳ kế hoạch xâm lược Đài Loan nào: duy trì sự gắn kết và tính quyết đoán.

Mặc dù Ủy ban Thường vụ gồm bảy người của Bộ Chính trị sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về bất kỳ hành động nào của Đài Loan, nhưng Quân ủy Trung ương sẽ vạch ra và thực hiện chiến lược, theo tám tùy viên quân sự châu Á và phương Tây.

Cũng trong phiên họp của Quốc hội Trung Quốc hôm 12/3, nhiều quan chức khác do Thủ tướng Lý Cường bổ nhiệm cũng đã được xác nhận chức vụ, trong đó có 4 Phó thủ tướng, gồm ông Đinh Tiết Tường, 60 tuổi, ông Hà Lập Phong, 68 tuổi, ông Trương Quốc Thanh, 58 tuổi, và ông Lưu Quốc Trung, 60 tuổi.

Tại đây, ông Tập tuyên bố Trung Quốc sẽ "không bao giờ cam kết từ bỏ việc sử dụng vũ lực" để giành lại quyền kiểm soát hòn đảo tự trị.

Giới phân tích an ninh cho rằng vũng lầy Ukraine của Nga đã cho thấy tầm quan trọng của tốc độ - cả trong xây dựng và thực hiện - đối với bất kỳ kế hoạch nào của Trung Quốc, một phần nhằm ngăn chặn các lực lượng Đài Loan và huy động viện trợ quốc tế.

Ông Alexander Neill, cố vấn chiến lược tại Singapore cho biết: “Nếu ông Tập Cận Bình định bóp cò ở Đài Loan, thì ông ấy không thể chấp nhận bất kỳ sự bất đồng nào từ Quân ủy Trung ương”.

"Để đạt được lợi thế, Trung Quốc phải hành động nhanh chóng, nhanh như chớp. Không có thời gian để do dự. Trung Quốc luôn duy trì lập trường này đối với Đài Loan. Đồng thời sự bế tắc của chiến sự tại Ukraine đã củng cố nhu cầu tránh sa lầy trong vấn đề hậu cần của Bắc Kinh”, ông Neil tiếp tục.

Các nhà ngoại giao khu vực cho biết, mặc dù vị trí mới của ông Lý Thượng Phúc trong hệ thống quân sự của Trung Quốc được coi là phần lớn mang tính ngoại giao và nghi lễ, nhưng việc bổ nhiệm ông Lý đang được dư luận theo dõi chặt chẽ vì lý lịch của ông.

Hãng Reuters đưa tin, nhiệm kỳ của ông bắt đầu khi Washington thúc đẩy khôi phục đối thoại và liên lạc quân sự với Bắc Kinh. Quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên tồi tệ khi Trung Quốc phản ứng giận dữ trước chuyến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022 của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ lúc bấy giờ là bà Nancy Pelosi.

Các chuyên gia cho rằng lý lịch của ông Lý với tư cách là một nhà kỹ trị - ông là một kỹ sư hàng không vũ trụ từng làm việc trong chương trình vệ tinh của Trung Quốc - sẽ giúp ông đóng một vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với PLA.

Ông James Char, một học giả an ninh tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, cho biết: “Nền tảng công nghệ của Bộ trưởng Quốc phòng này của Trung Quốc đặc biệt phù hợp với mục tiêu trở thành quân đội đẳng cấp thế giới vào năm 2049 của PLA”.

Năm 2016, ông Lý được bổ nhiệm làm phó chỉ huy Lực lượng hỗ trợ chiến lược mới của PLA - một cơ quan tinh nhuệ được giao nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển năng lực chiến tranh mạng và không gian của Trung Quốc.

Sau đó, ông được bổ nhiệm làm Lãnh đạo ban Phát triển Trang thiết bị của Quân ủy Trung ương (CMC), cơ quan quản lý quốc phòng của Trung Quốc, do Chủ tịch Tập Cận Bình đứng đầu.

Với tư cách đó, ông có tên trong danh sách trừng phạt do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ áp đặt vào tháng 9 năm 2018 do mua 10 máy bay chiến đấu Su-35 vào năm 2017 và các thiết bị liên quan đến hệ thống tên lửa đất đối không S-400 từ nhà xuất khẩu vũ khí chính của Nga - Rosoboronexport.

Một số học giả an ninh nhấn mạnh rằng các biện pháp trừng phạt - mặc dù không phải là yếu tố phá vỡ thỏa thuận cho các cuộc họp trong tương lai - có thể gây thêm rắc rối và có thể tạo đòn bẩy cho giới lãnh đạo quân sự của Trung Quốc.

Hồi tuần trước, khi được hỏi về sự thăng tiến sắp tới của ông Lý, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Trung tá Marty Meiners nói rằng quân đội Hoa Kỳ không có bình luận gì về các tin tức của giới truyền thông trước những thay đổi của dàn lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, Washington muốn duy trì liên lạc với Bắc Kinh.

Động thái này của Bắc Kinh có thể làm phức tạp thêm quan hệ Mỹ - Trung vốn đã căng thẳng sau vụ Washington bắn hạ một khinh khí cầu do thám Trung Quốc hồi tháng trước và căng thẳng về vấn đề Đài Loan. Đầu tháng 2, Trung Quốc từ chối yêu cầu của Mỹ tổ chức đối thoại để thảo luận về sự cố khinh khí cầu kể trên. Hôm 28/2, Lầu Năm Góc cho biết các quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã không liên lạc kể từ tháng 11/2022.

Lam Giang tổng hợp

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc bổ nhiệm tân Bộ trưởng Quốc phòng