Cổ đông lớn liên tiếp cắt giảm cổ phần trong 'con rồng AI' SenseTime Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

SenseTime là loại công ty dựa dẫm vào nguồn vốn đầu tư trong nhiều năm nhưng thua lỗ hết năm này qua năm khác. Bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ, vấn đề chỉ là thời gian trước khi bong bóng SenseTime vỡ.

Công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime đang bị các cổ đông lớn liên tục cắt giảm cổ phần nắm giữ.

Công ty đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ liên quan tới những lo ngại về người Duy Ngô Nhĩ. SenseTime đã lỗ lũy kế 43,83 tỷ CNY (khoảng 6,14 tỷ USD) trong 5 năm qua.

SenseTime cùng với Megvii Technology, Yitu Technology và Cloudwalk Technology là bốn “con rồng AI” của Trung Quốc.

Theo những người trong ngành, ba “con rồng AI” khác cũng đang có kết quả kinh doanh dưới mức kỳ vọng do lệnh trừng phạt của Mỹ.

Thông tin về vốn chủ sở hữu do Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong (HKEX) cung cấp vào ngày 19/06 cho thấy Alibaba Group Holding Ltd. đã bán 50 triệu cổ phiếu của SenseTime vào ngày 15/06 với giá trung bình là 2,2670 HKD (đô la Hong Kong) (khoảng 0,295 USD) trên mỗi cổ phiếu. Lần này, Alibaba đã cắt giảm lượng cổ phần nắm giữ trị giá 113,35 triệu HKD (khoảng 14,74 triệu USD) và tỷ lệ sở hữu của nó giảm xuống còn 5,91%. Vào ngày 20/06, giá đóng cửa của SenseTime giảm xuống còn 2,25 HKD (khoảng 0,293 USD).

Đây là lần thứ hai trong tháng này Alibaba giảm tỷ lệ nắm giữ trong SenseTime Group, với lần cắt giảm gần nhất vào ngày 05/06, khi họ bán 70 triệu cổ phiếu với giá trung bình là 2,1974 HKD (0,2857 USD) mỗi cổ phiếu, thu về 153,82 triệu HKD (20 triệu USD) và giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 6,84%.

Alibaba đã cắt giảm cổ phần của mình trong SenseTime ba lần trong năm nay, lần đầu tiên là vào ngày 11/04, khi họ cắt giảm 40 triệu cổ phiếu.

Giá cổ phiếu của SenseTime đã giảm 50% khi giai đoạn khóa giao dịch hết hạn vào ngày 30/06/2022 và đóng cửa vào ngày hôm đó ở mức 3,13 HKD (khoảng 0,41 USD) trên mỗi cổ phiếu, thấp hơn giá chào bán là 3,85 HKD (khoảng 0,5 USD).

Khi Alibaba cắt giảm cổ phần vào ngày 11/04, giá cổ phiếu của SenseTime Group đang ở mức cao nhất kể từ khi dỡ bỏ lệnh cấm giao dịch.

Ngoài Alibaba, SenseTime Group cũng nhiều lần bị các cổ đông lớn khác cắt giảm cổ phần kể từ khi lệnh cấm giao dịch được dỡ bỏ.

Ví dụ, Tập đoàn Softbank đã năm lần giảm tỷ lệ nắm giữ kể từ ngày 05/12 năm ngoái.

Trung Quốc: Các cổ đông lớn liên tiếp cắt giảm cổ phần trong 'con rồng AI' SenseTime
Một gian hàng của công ty trí tuệ nhân tạo Trung Quốc SenseTime trưng bày tại Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới năm 2021 ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 07/07/2021. (Ảnh: STR/CNS/AFP qua Getty Images)

Lần cắt giảm gần đây nhất là vào ngày 06/04, khi nó cắt giảm 50 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần xuống 13,95% và rút ra lượng tiền mặt khoảng 138 triệu HKD (khoảng 17,94 triệu USD).

Tương tự, quỹ đầu tư quốc gia Ảrập Xêút - Quỹ đầu tư công, một cổ đông lớn khác của SenseTime Group - đã giảm tỷ lệ nắm giữ 5 lần kể từ tháng 12 năm ngoái và tỷ lệ nắm giữ cổ phần của quỹ cũng giảm xuống còn 13,95%.

Chờ đợi bong bóng vỡ

Ông Sho Tokumori, Chủ tịch của một công ty công nghệ cao Nhật Bản, giải thích về tình hình của SenseTime.

Ông nói với The Epoch Times vào ngày 21/06: “Tôi không ngạc nhiên chút nào khi SenseTime đang trải qua làn sóng giảm cổ phần của các cổ đông lớn".

“Không phải vì AI không tốt mà vì SenseTime hoạt động không tốt. Trên thực tế, không chỉ SenseTime không hoạt động hiệu quả, không công ty nào trong số bốn 'con rồng AI' của Trung Quốc có kết quả làm hài lòng”.

Ông Tokumori cho biết, SenseTime là loại công ty đã dựa dẫm vào vốn đầu tư trong nhiều năm nhưng thua lỗ hết năm này qua năm khác - vấn đề chỉ là thời gian trước khi bong bóng vỡ.

“Điểm mạnh của SenseTime nằm ở khả năng nhận dạng hình ảnh và dữ liệu lớn, rất khác so với AI tạo sinh hiện đang được chú ý. Thứ nhất, doanh thu của nó từ việc tung ra công nghệ mới là yếu”, ông giải thích.

“Với sự suy yếu liên tục của nền kinh tế Trung Quốc, hoạt động mua sắm của chính phủ đã giảm dần qua từng năm và lợi nhuận là chẳng thấy đâu kể cả khi không có lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nhà đầu tư đã mất kiên nhẫn và không còn tin vào miếng bánh lớn sẽ không bao giờ có được”.

Danh sách đen

Vào ngày 10/12/2021, Bộ Tài chính Mỹ thông báo rằng họ đã đưa SenseTime Group vào Danh sách các công ty liên hợp công nghiệp - quân sự Trung Quốc không thuộc SDN (NS-CMIC) vì chính quyền Trung Quốc đã lợi dụng SenseTime Group để phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt chống lại người Duy Ngô Nhĩ ở vùng Tân Cương của Trung Quốc.

Trung Quốc: Các cổ đông lớn liên tiếp cắt giảm cổ phần trong 'con rồng AI' SenseTime
Camera an ninh AI (Trí tuệ nhân tạo) với công nghệ nhận dạng khuôn mặt được trưng bày tại Triển lãm Quốc tế Trung Quốc về An toàn và An ninh Công cộng lần thứ 14 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/10/2018. (Ảnh: Nicolas Asfouri/AFP qua Getty Images)

Kết quả là, SenseTime Group đã hoãn đợt IPO tại Hong Kong được lên kế hoạch vào ngày 17/12/2021 và đã bắt đầu đợt IPO tại Hong Kong vào ngày 20/12 cùng năm.

SenseTime trước đó đã được đưa vào Danh sách thực thể của Mỹ vào năm 2019, một danh sách đen về xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ của Mỹ.

Ông Tokumori cho biết các lệnh trừng phạt có tác động toàn diện.

“SenseTime chỉ cung cấp các thuật toán, nghĩa là các thuật toán của SenseTime được chạy trên phần cứng của bên khác. Ví dụ: tính năng nhận dạng khuôn mặt của SenseTime được chạy trên camera của Hikvision - với sự cố của Hikvision, sẽ không có đơn đặt hàng nào cho SenseTime”, ông nói.

“Một tác động khác của lệnh trừng phạt đối với SenseTime là các công ty nước ngoài ngại hợp tác với SenseTime và một mình hoạt động kinh doanh trong nước không thể đảm bảo định giá hiện tại của nó”.

Trung Quốc: Các cổ đông lớn liên tiếp cắt giảm cổ phần trong 'con rồng AI' SenseTime
Hình ảnh camera Hikvision trong một trung tâm mua sắm điện tử ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 24/05/2019. (Ảnh: Fred Dufour/AFP qua Getty Images)

Hikvision đã được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách Công dân bị chỉ định và Người bị Chặn Đặc biệt (Danh sách SDN) vào năm 2022. Động thái này tác động đến hơn 180 quốc gia và khu vực sử dụng các sản phẩm của Hikvision.

Lợi nhuận ròng cả năm 2022 của công ty giảm 23,59% so với cùng kỳ năm ngoái và trong quý đầu tiên của năm nay, doanh thu giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và lợi nhuận ròng, thứ được phân bổ cho các cổ đông, đã giảm 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giống như SenseTime, ba "con rồng AI” khác của Trung Quốc cũng bị Mỹ đưa vào “danh sách các công ty liên quan đến quân sự” nhằm hạn chế các nhà đầu tư Mỹ đầu tư vào các công ty này. Trong số các công ty đó, lợi nhuận vận hành của Cloudwalk Technology vào năm 2022 đã giảm 51,06% so với cùng kỳ năm ngoái và khoản lỗ của nó tăng 237 triệu CNY (nhân dân tệ) (khoảng 33 triệu USD) so với năm 2021.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Cổ đông lớn liên tiếp cắt giảm cổ phần trong 'con rồng AI' SenseTime Trung Quốc