Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là nước thân Nga, tuy nhiên Trung Quốc không muốn gây đổ vỡ quan hệ với Mỹ và phương Tây trong cách ứng xử trước cuộc xung đột Nga - Ukraine. Mỹ và phương Tây là đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, là nguồn cung cấp công nghệ cao và kiểm soát hệ thống thanh toán quốc tế rất cần cho Trung Quốc.

Lập trường không rõ ràng của Trung Quốc trước cuộc xung đột Nga - Ukraine

Theo các nhà kinh tế, mặc dù Trung Quốc và Nga đã tuyên bố mối quan hệ đối tác “không có giới hạn”, với “không có lĩnh vực cấm trong hợp tác”, Bắc Kinh khó có thể làm bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho mối quan hệ kinh tế của họ với châu Âu và Mỹ. Trung Quốc từ lâu đã được hưởng lợi từ hội nhập toàn cầu và đang tìm cách duy trì trật tự kinh tế thế giới vốn đang đem lại nhiều lợi ích cho nước này.

Ngày 02/03, Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về việc Nga rút quân vô điều kiện khỏi Ukraine. Và Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng họ kiên quyết phản đối bất kỳ “lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp nào”.

Trong khi Mỹ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt và hạn chế xuất khẩu khác nhau đối với Nga, Trung Quốc vào ngày 24/02 đã chấp thuận việc nhập khẩu lúa mì từ tất cả các khu vực của Nga.

Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, trước thái độ không rõ ràng của Trung Quốc đối với cuộc xâm lược, Mỹ cố gắng buộc Trung Quốc tỏ rõ lập trường thông qua các biện pháp trừng phạt kinh tế hoặc kiểm soát xuất khẩu đối với một số công nghệ tương tự như các biện pháp đã được áp dụng đối với Nga.

Báo Wall Street Journal đưa tin, dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ: Nếu Trung Quốc “hoặc bất kỳ quốc gia nào khác muốn tham gia vào các hoạt động nằm trong phạm vi lệnh trừng phạt của chúng tôi, thì họ cũng sẽ phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của chúng tôi”.

Mỹ và phương Tây là khách hàng xuất khẩu lớn của Trung Quốc

Một báo cáo được công bố vào ngày 28/02 bởi Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, cho biết mặc dù Trung Quốc về mặt chính trị là thân Nga, nhưng nước này sẽ không thể làm bất cứ điều gì đe dọa phá vỡ quan hệ với phương Tây.

Ông Shearing viết: “Điều đó không có lợi cho kinh tế của Trung Quốc — việc tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu có giá trị hơn bất cứ thứ gì mà Nga có thể đem lại… Ông Tập có nhiều lý do mạnh mẽ hơn Putin để tránh sự rạn nứt hoàn toàn trong quan hệ với phương Tây".

Theo phân tích của Shearing, Trung Quốc đã thu được những lợi ích to lớn khi biến mình thành một trung tâm sản xuất toàn cầu. GDP bình quân đầu người của nó đã tăng từ mức dưới 5% của Mỹ vào năm 1990 lên gần 30% hiện nay. Hàng trăm triệu người Trung Quốc đã thoát nghèo trong quá trình này. Ngược lại, GDP bình quân đầu người ở Nga đã giảm từ mức hơn 50% của Mỹ vào năm 1990 xuống chỉ còn hơn 40% hiện nay.

Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
Các container hàng hóa được xếp chồng lên nhau tại cảng Diêm Điền ở Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, miền nam Trung Quốc vào ngày 21/06/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Ông Shearing viết: Do đó, Trung Quốc và Nga có những lợi ích khác nhau liên quan đến tình hình thế giới. Bắc Kinh tìm cách “[thiết lập] thẩm quyền của mình đối với trật tự kinh tế toàn cầu thay vì phá bỏ nó", và quyền tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu hiện tại của nước này có giá trị hơn bất cứ thứ gì Moscow có thể đem lại.

Bloomberg đưa tin: Mặc dù Moscow đã tăng cường quan hệ thương mại với Bắc Kinh trong thập kỷ qua với tư cách là một nhà cung cấp năng lượng quan trọng, nhưng ảnh hưởng kinh tế của Nga lại kém hơn so với các nước phương Tây. Các quốc gia phương Tây là khách hàng xuất khẩu lớn hơn nhiều của Trung Quốc, là nguồn cung cấp công nghệ và đầu tư lớn, đồng thời kiểm soát khả năng tiếp cận của Trung Quốc với hệ thống tiền tệ quốc tế.

Theo Bloomberg đưa tin, vào năm 2021, Nga chỉ nhận được 2% xuất khẩu của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với 17% của Mỹ.

Trung Quốc cần Mỹ và phương Tây đáp ứng nhu cầu công nghệ

Trong lĩnh vực công nghệ, Trung Quốc phụ thuộc vào ASML, một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Hà Lan, để sản xuất chip trong nước. Tuy nhiên, vào năm 2020, chính quyền Trump đã chặn không cho ASML bán các hệ thống in thạch bản EUV (siêu cực tím) — các thiết bị cần thiết để tạo ra các vi mạch tiên tiến — cho Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia. Các biện pháp này vẫn được chính quyền Biden áp dụng, tiếp tục đường hướng của Mỹ dưới thời Trump.

Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc tại Phòng Tiếp tân Ngoại giao của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, vào ngày 22/03/2018. Tòa Bạch Ốc cho biết Trump sẽ áp thuế đối với khoảng 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu để đáp trả cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. (Ảnh: MANDEL NGAN / AFP / Getty Images)

Theo Nikkei Asia, trong lĩnh vực ô tô, nơi Trung Quốc hiện là thị trường ô tô lớn nhất thế giới về cả sản xuất và bán hàng, khoảng 80% chip cần thiết cho động cơ và hộp số ô tô của nước này là từ nhập khẩu. Trong lĩnh vực hàng không, Trung Quốc hoàn toàn dựa vào chip do nước ngoài sản xuất cho máy bay dân dụng khu vực ARJ21 và máy bay loại C919 lớn hơn, cả hai đều sử dụng động cơ nhập khẩu. Đối với máy công cụ được điều khiển bằng máy tính (CNC) - rất quan trọng đối với sản xuất tiên tiến - Trung Quốc dựa vào nhập khẩu đối với 90% nhu cầu công nghệ của mình.

Vào ngày 25/02, Bộ Thương mại Mỹ đã đáp trả cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bằng cách thực hiện một loạt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế quyền tiếp cận của Nga với các công nghệ và các mặt hàng khác có thể duy trì khả năng quân sự hiếu chiến của nước này. Các biện pháp kiểm soát này chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực quốc phòng, hàng không và hàng hải của Nga, bao gồm chất bán dẫn, máy tính, viễn thông, thiết bị an ninh thông tin, laser và cảm biến.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo nói với The New York Times rằng các công ty Trung Quốc không tuân theo các hạn chế của Mỹ trong việc xuất khẩu sang Nga có thể bị cắt nguồn cung thiết bị và phần mềm của Mỹ phục vụ sản xuất sản phẩm - một cảnh báo nghiêm khắc khác đối với các công ty Trung Quốc.

Công ty viễn thông Huawei có trụ sở tại Trung Quốc đã phải trực tiếp hứng chịu các lệnh trừng phạt tương tự của Mỹ. Chính quyền Trump vào năm 2020 đã cắt Huawei khỏi nguồn cung cấp chip toàn cầu và các thiết bị điện tử khác được sản xuất bằng công nghệ của Mỹ, làm tê liệt các hoạt động kinh doanh di động và băng thông rộng đang phát đạt và đang mở rộng trên toàn thế giới của công ty này.

Trung Quốc phụ thuộc vào hệ thống thanh toán SWIFT

Nền kinh tế và thương mại của Trung Quốc cũng phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống thanh toán tài chính của Mỹ. Hầu hết tất cả các tổ chức tài chính trên toàn thế giới, bao gồm cả các ngân hàng thương mại nhà nước ở Trung Quốc, đều thực hiện giao dịch thông qua SWIFT, một hệ thống chuyển tiền quốc tế có trụ sở tại Bỉ. Mặc dù nó được quản lý bởi Liên minh Châu Âu, Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đối với hệ thống này do sự thống trị của đồng USD. Nếu Trung Quốc phải hứng chịu các lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ, SWIFT có thể loại bỏ các ngân hàng Trung Quốc, khiến Bắc Kinh không thể thực hiện các giao dịch nước ngoài.

Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine
Những người ủng hộ phong trào Những ngày thứ Sáu cho Tương lai cầm một tấm biển có logo của hệ thống nhắn tin ngân hàng SWIFT và cờ Nga trong cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Ukraine vào ngày 03/03/2022, tại Berlin. (Ảnh: John MacDougall / AFP qua Getty Images)

Một lệnh cấm SWIFT đối với Nga đã được Mỹ, Liên minh Châu Âu, Canada, Pháp, Đức, Ý và Vương quốc Anh công bố vào ngày 26/02 để đáp trả cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine.

Vào ngày 28/02, tỷ giá hối đoái của đồng rúp Nga so với USD giảm mạnh gần 30%, trong khi người dân ở Moscow xếp hàng dài để rút tiền mặt từ các máy ATM của ngân hàng.

Theo một báo cáo năm 2020 từ công ty chứng khoán Trung Quốc Guotai Junan, nếu Trung Quốc bị loại khỏi SWIFT, nước này có thể mất 300 tỷ USD thương mại mỗi năm, hơn 90 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 80 tỷ USD vốn FDI đầu tư ra nước ngoài mỗi năm.

Các bước đi thận trọng của Trung Quốc trước cuộc xung đột Nga - Ukraine

Vào ngày 28/02, ngày thứ tư Nga xâm lược Ukraine, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có bài phát biểu qua video tại cuộc họp kỷ niệm 50 năm Thông cáo Thượng Hải. Ông Vương nói: “Khi cánh cửa quan hệ Trung Quốc - Mỹ đã được mở ra, nó không nên được đóng lại một lần nữa", báo hiệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất không muốn gây đổ vỡ quan hệ với Mỹ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã sử dụng thuật ngữ “bối cảnh lịch sử phức tạp” khi đề cập đến cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine, trong khi ông Vương nói rằng Trung Quốc “tôn trọng chủ quyền của tất cả các nước”.

Bắc Kinh đã tiếp tục những bước đi thận trọng trước xung đột Nga-Ukraine, tìm cách duy trì mối quan hệ với Moscow nhưng không sẵn sàng công khai ủng hộ bất cứ bên nào, hy vọng tránh làm rạn nứt quan hệ với Mỹ và châu Âu.

Vào ngày 02/03, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cho biết họ sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga “không có nhiều cơ sở pháp lý”.

Tuy nhiên, vào ngày 03/03, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc hậu thuẫn đã quyết định tạm dừng mọi hoạt động liên quan đến Nga và Belarus do cuộc chiến ở Ukraine. Theo trang web chính thức, ĐCSTQ là cổ đông lớn nhất của AIIB, với hơn 30% cổ phần.

Nắm giữ 26,5% quyền biểu quyết, Trung Quốc có quyền phủ quyết đối với các quyết định lớn của bên cho vay đa phương của AIIB, vốn yêu cầu 75% đa số.

Bảo Nguyên

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không muốn làm mất lòng Mỹ và phương Tây trong cuộc xung đột Nga - Ukraine