Trung Quốc thắt chặt hoạt động cung cấp thông tin tài chính ra nước ngoài

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang tìm cách che đậy các bí mật kinh tế khi thắt chặt kiểm soát hoạt động cung cấp thông tin tài chính ra nước ngoài. Ngoài các giao dịch ngầm, khó khăn về kinh tế và tình trạng tham nhũng cũng là những thứ Bắc Kinh không muốn phơi bày.

Một cơ quan giám sát ngân hàng Trung Quốc đang tìm cách thắt chặt kiểm soát dữ liệu tài chính để tránh thông tin bị rò rỉ cho các cơ quan giám sát ngân hàng nước ngoài. Các chuyên gia tài chính tin rằng đây là một phần trong nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm che đậy các bí mật kinh tế và tình trạng tham nhũng của các quan chức cấp cao.

Vào ngày 11/11, Ủy ban Quản lý Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) đã đưa ra “dự thảo yêu cầu lấy ý kiến” về các sửa đổi đối với Đạo luật Giám sát và Điều tiết Ngân hàng. Các sửa đổi làm tăng các hạn chế đối với quyền truy cập vào dữ liệu tài chính, phương tiện truyền thông nhà nước The Paper đưa tin.

Các hạn chế được áp dụng cho các tổ chức tài chính, theo đó các tổ chức này bị cấm cung cấp các tài liệu, thông tin hoặc dữ liệu liên quan đến kinh doanh ra bên ngoài Trung Quốc mà không được phép. Các hạn chế cũng được áp dụng cho các cơ quan giám sát ngân hàng của nước ngoài, những tổ chức không được phép tiến hành điều tra và thu thập bằng chứng ở Trung Quốc mà không có sự đồng ý của chính quyền.

Cơ quan quản lý ngân hàng cấp cao cho biết đạo luật sửa đổi dự kiến ​​sẽ mở rộng thành 92 điều từ 52 điều trước đó. Đạo luật lần đầu tiên có hiệu lực vào tháng 02/2004.

“Cái gọi là đề xuất sửa đổi quy định ngân hàng của CBIRC chỉ là hình thức, trong khi các bước quan trọng của nó có thể đã được hoàn thành”, Zheng Zhicheng (tên giả), giáo sư kinh tế sống ở Trung Quốc, cho biết. Zheng đã nói chuyện với The Epoch Times vào ngày 15/11.

Mặc dù các cơ quan quản lý tuyên bố các quy định chặt chẽ hơn được dựa trên cân nhắc về an ninh quốc gia, nhưng Zheng coi động thái này là một nỗ lực của ĐCSTQ nhằm “thắt chặt kiểm soát dữ liệu lớn, bao gồm cả việc làm chủ quyền sở hữu và công bố tất cả dữ liệu và thông tin”.

Trung Quốc thắt chặt hoạt động cung cấp thông tin tài chính ra nước ngoài
Một người đàn ông đi ngang qua quầy của Ngân hàng Trung Quốc tại Trung tâm báo chí chính tại Thế vận hội mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, vào ngày 28/01/2022. (Ảnh: Fabrice Coffrin/AFP qua Getty Images)

Vỏ bọc cho giao dịch ngầm

Zheng cho biết các quy định mới có thể tạo vỏ bọc cho một số quan chức cấp cao có quan hệ sâu sắc với các công ty nước ngoài.

Ví dụ, Zheng trích dẫn việc một công ty Trung Quốc bị nghi ngờ mua lại một nhà sản xuất động cơ máy bay Ukraine. Vụ việc được phơi bày vào năm 2021 như một phần của “Hồ sơ Pandora”, một kho gồm 11 triệu tài liệu bị rò rỉ do Hiệp hội Các Nhà báo Điều tra Quốc tế công bố.

Công ty Trung Quốc, Công ty Đầu tư Công nghiệp Hàng không Skyrizon Bắc Kinh, sau đó đã được thêm vào danh sách người dùng cuối quân sự của Bộ Thương mại Mỹ, vì bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc. Danh sách này xác định các thực thể nước ngoài "tạo ra một nguy cơ không thể chấp nhận được khi sử dụng hoặc chuyển hướng sang 'việc sử dụng cuối cùng cho mục đích quân sự' hoặc 'người dùng cuối trong quân đội' ở Trung Quốc, Nga hoặc Venezuela".

Trong thông báo của mình, chính phủ Mỹ cho biết Skyrizon đang “tích cực tìm cách mua lại tài sản trí tuệ và công nghệ để nâng cao năng lực quân sự quan trọng đe dọa an ninh quốc gia của Mỹ”.

“Đây chắc chắn là một kiểu hoạt động theo cách thức của ĐCSTQ, sử dụng các công ty hoạt động ở nước ngoài để bí mật mua lại các doanh nghiệp quân sự ở nước ngoài”, Zheng nói.

“Nhưng công ty chỉ là một chiếc găng tay trắng [công cụ để ĐCSTQ có thể thực hiện ý đồ một cách trơn tru, an toàn, không lộ liễu] của ĐCSTQ: hoạt động thực tế của ngân hàng liên quan phải được giữ bí mật với công chúng, và dữ liệu thậm chí còn nhạy cảm hơn - đó là lý do tại sao ĐCSTQ sẽ tăng cường giám sát”, Zheng nói thêm.

Các bí mật cần che dấu

Còn nhiều điều mà ĐCSTQ cần che dấu. Nhà bình luận tài chính Zhang Jinglun, khi trò chuyện với The Epoch Times vào ngày 15/11, nói rằng chính quyền Trung Quốc không muốn xác nhận điều mà thế giới nghi ngờ: nền kinh tế Trung Quốc đã bị giáng một đòn nặng nề do chính sách zero-COVID. ĐCSTQ hiện đang hạn chế các ngân hàng cung cấp dữ liệu và tài liệu vì sợ rằng sự khó khăn của nền kinh tế, tham nhũng kinh tế và các hành vi bất hợp pháp của nó sẽ bị phơi bày.

Theo nhà bình luận Zhang, “Nhiều ngân hàng có một số khoản nợ xấu nhất định và một số thứ 'xám', thứ mà ngân hàng có thể giữ hoặc lưu trữ cũng không sao. Nhưng đối với các chính phủ cộng sản, việc ngăn chặn rò rỉ hoặc bị phơi bày là điều bắt buộc”.

Dữ liệu và tài liệu ngân hàng bị tiết lộ sẽ chứa tên và tài khoản của các quan chức tham nhũng và gia đình họ, mọi nỗ lực di chuyển hoặc che giấu tài sản gia đình ở nước ngoài, mọi dấu vết biển thủ công quỹ hoặc vốn nhà nước, v.v.

“Vì lợi ích của đảng cầm quyền, các cấp cao sẽ không cảm thấy yên tâm nếu các cơ quan ở nước ngoài có bằng chứng về hối lộ, gian lận hoặc các tội ác khác [do] cán bộ của đảng phạm phải”.

Bảo Nguyên

Theo Kane Zhang & Lynn Xu - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc thắt chặt hoạt động cung cấp thông tin tài chính ra nước ngoài