Trung Quốc tính toán điều gì khi mua vàng dự trữ 16 tháng liên tiếp?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuần trước, giá vàng lần đầu phá vỡ mức 2.300 USD/ounce. Kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của Mỹ, những vấn đề địa chính trị, và việc Trung Quốc tích lũy kim loại quý đã thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu cơ.

Trong thời kỳ hỗn loạn, các nhà đầu tư coi vàng là nơi trú ẩn an toàn và là hàng rào chống lại sự mất giá tiền tệ. Gần đây, giá kim loại quý đã tăng lên do các cuộc xung đột ở Trung Đông và Ukraine, cùng với lạm phát tăng vọt sau dịch Covid-19.

Trong đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC) nổi lên là một khách mua vàng lớn.

Trung Quốc đã và đang làm gì?

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, trong 16 tháng liên tiếp, PBC đã bổ sung vàng vào kho dự trữ của mình. Trong năm 2023, PBC đã mua 225 tấn vàng, gần bằng 1/4 số vàng mà tất cả các ngân hàng trung ương trên thế giới đã mua.

PBC hiện nắm giữ khoảng 2.257 tấn vàng trong kho.

Đồng thời, người tiêu dùng Trung Quốc cũng đổ xô đi mua vàng tiền, vàng thỏi và trang sức vàng sau khi đầu tư vào bất động sản, đồng nhân dân tệ và thị trường chứng khoán nước này giảm sút do những khó khăn kinh tế gần đây.

Ông John Reade, chiến lược gia trưởng thị trường tại Hội đồng Vàng Thế giới, nói với Bloomberg TV vào tháng trước: “Từ đầu năm, chúng tôi đã chứng kiến ​​lượng mua bán vàng lẻ khổng lồ tại Trung Quốc".

Tại sao Trung Quốc mua nhiều vàng đến vậy?

Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào đồng đô-la Mỹ để giao dịch với phần còn lại của thế giới. Là đồng tiền dự trữ của thế giới, hầu hết hàng hóa đều được định giá bằng USD và hơn một nửa giao dịch trên thế giới được thực hiện bằng đồng bạc xanh.

Trong 30 năm qua, Bắc Kinh đã xây dựng nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ, chủ yếu bằng đồng USD. Nhưng Trung Quốc lo ngại quá phụ thuộc vào đồng bạc xanh và muốn đa dạng hóa nguồn dự trữ của PBC.

Theo dữ liệu của Washington, Trung Quốc đang dần giảm lượng nắm giữ USD, vốn đã giảm 1/3 xuống còn khoảng 800 tỷ USD từ năm 2011. Đà sụt giảm đã tăng tốc kể từ dịch COVID-19.

Ảnh Pixabay

Mục tiêu đa dạng hóa nguồn dự trữ này phù hợp với mục tiêu của các quốc gia khác trong nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). BRICS thậm chí đưa ra ý tưởng về một loại tiền tệ chung trong tương lai. Điều này có khả năng thách thức vị thế đồng tiền tệ dự trữ thế giới của USD.

Các quốc gia BRICS lo ngại Washington sẽ vũ khí hóa đồng USD để duy trì vị thế kinh tế và địa chính trị toàn cầu của mình. Vị thế của đồng USD cho phép Mỹ vay tiền với chi phí thấp hơn nhiều. Washington cũng có thể sử dụng đồng tiền này như một công cụ ngoại giao, như để áp đặt các lệnh trừng phạt với Nga, Iran và Triều Tiên.

Ví dụ như, sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra hồi đầu năm 2022, Mỹ và Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều đợt trừng phạt với Moscow, gồm cả việc đóng băng dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương Nga. Dưới áp lực của Washington, hầu hết các ngân hàng Nga cũng bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Ông Reade nhận định: “Tôi nghĩ [các lệnh trừng phạt] đã khiến nhiều ngân hàng trung ương suy nghĩ cẩn thận về kho dự trữ của mình”.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc đa dạng hóa nguồn dự trữ còn lâu mới kết thúc và làn sóng mua vàng của các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục trong vài năm nữa.

Ngay cả sau gần 18 tháng mua vào, vàng chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ của PBC, thấp hơn nhiều so với ngưỡng dự trữ của ngân hàng trung ương tại các nước phát triển.

Nhiều nhà phân tích cho rằng giá vàng đã bị các nhà đầu cơ thổi phồng quá mức và nhu cầu mua kim loại quý của các ngân hàng trung ương có thể không đẩy giá tăng cao thêm nhiều.

Theo DW

Thùy Anh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc tính toán điều gì khi mua vàng dự trữ 16 tháng liên tiếp?