Tự kỷ là gì? Nguyên nhân và 3 nhóm dấu hiệu tự kỷ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tự kỷ là gì? Nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ là do đâu? Các dấu hiệu nhận biết bệnh tự kỷ là gì? Bài viết dưới đây sẽ gửi đến bạn chi tiết bệnh tự kỷ là gì và một số thông tin liên quan.

1. Tự kỷ là gì?

Tự kỷ là gì? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tự kỷ (tiếng Anh là Autism[1]) là một nhóm những rối loạn phức tạp liên quan đến sự phát triển của não bộ.

Năng lực và nhu cầu của người bị bệnh tự kỷ là khác nhau và có thể tiến triển theo thời gian. Trong khi một số người bị bệnh tự kỷ có thể sống độc lập thì một số khác có thể bị khuyết tật và cần được chăm sóc, hỗ trợ suốt đời.

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ[2] (National Institute of Mental Health - NIH), bệnh tự kỷ ảnh hưởng đến cách người bệnh tương tác với người khác, giao tiếp, học hỏi và cư xử.

Cũng theo nghiên cứu, mặc dù bệnh tự kỷ là một chứng rối loạn kéo dài suốt đời nhưng các phương pháp điều trị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể cải thiện các triệu chứng; cũng như hoạt động hàng ngày của bệnh nhân.

Tự bế là gì?

Theo ThS.TS Tôn Thất Hưng, thuật ngữ “tự kỷ” (Autism) có gốc từ Hy Lạp là “Autos”. Từ này nghĩa là “tự thân”: con người tự thu rút vào thế giới riêng của mình; tự cách ly bản thân với thế giới bên ngoài. Vì vậy, tự kỷ còn được gọi là “tự bế” nghĩa là tự mình đóng cửa với bên ngoài.

2. Nguyên nhân tự kỷ

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, các nghiên cứu cho thấy yếu tố gen di truyền cùng với môi trường sống có thể tác động dẫn đến bệnh tự kỷ.

Một số yếu tố có liên quan đến khả năng mắc chứng tự kỷ như:

  • Có anh chị em bị tự kỷ.
  • Có cha mẹ lớn tuổi.
  • Mắc một số bệnh di truyền; ví dụ như: hội chứng Down hoặc hội chứng Fragile X.
  • Chỉ số cân nặng lúc sinh rất thấp...

Hiện, nguyên nhân tự kỷ chính xác vẫn là một ẩn số.

3. Dấu hiệu tự kỷ

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, mặc dù bệnh tự kỷ có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi; nhưng bệnh này được mô tả là “rối loạn phát triển" vì các triệu chứng thường xuất hiện trong khoảng thời gian hai năm đầu đời của trẻ.

Theo Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders - DSM-5) - một hướng dẫn do Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (American Psychiatric Association - APA) tạo ra được các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sử dụng để chẩn đoán rối loạn tâm thần - những người mắc bệnh tự kỷ thường có 3 nhóm dấu hiệu:

  • Khó khăn trong hoạt động giao tiếp và tương tác với người khác;
  • Các sở thích hạn chế và các hành vi lặp lại;
  • Các triệu chứng tự kỷ ảnh hưởng đến khả năng hoạt động ở trường học; nơi làm việc; và những lĩnh vực khác trong cuộc sống.

Dưới đây là một số ví dụ về các hành vi phổ biến ở những người được chẩn đoán mắc bệnh tự kỷ. Không phải tất cả những người bị tự kỷ sẽ có tất cả các hành vi này; nhưng hầu hết sẽ có một số hành vi dấu hiệu của tự kỷ được nhắc tới dưới đây.

Dấu hiệu tự kỷ trong hành vi giao tiếp/ tương tác xã hội bao gồm:

  • Hành vi giao tiếp bằng mắt ít hoặc không nhất quán.
  • Có vẻ như không nhìn; hoặc không lắng nghe những người đang nói chuyện cùng.
  • Không thường xuyên chia sẻ sở thích; cảm xúc; hoặc sự thích thú với các đồ vật hoặc hoạt động; bao gồm cả hành vi không thường xuyên chỉ vào hoặc cho người khác xem đồ vật.
  • Không phản hồi hoặc phản ứng chậm khi được gọi tên; hoặc với những lời mời thu hút sự chú ý.
  • Gặp khó khăn trong khi nói chuyện qua lại.
  • Thường nói dài dòng về một chủ đề yêu thích mà không để ý rằng những người khác không quan tâm; hoặc không cho người khác cơ hội để phản hồi.
  • Thể hiện nét mặt, chuyển động và cử chỉ không khớp với những gì đang được nói.
  • Có giọng nói khác thường, có thể nghe giống như hát; hoặc đều đều; hoặc giống như robot.
  • Gặp khó khăn trong việc hiểu quan điểm (ý kiến) của người khác; hoặc không có khả năng dự đoán hoặc hiểu hành động của người khác.
  • Khó điều chỉnh hành vi đối với các tình huống xã hội.
  • Gặp khó khăn khi chia sẻ trong trò chơi giàu trí tưởng tượng; hoặc trong việc kết bạn.
dấu hiệu tự kỷ
(Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/ Pexels)

Các hành vi hạn chế hoặc lặp đi lặp lại có thể bao gồm:

  • Lặp lại một số hành vi nhất định; hoặc có những hành vi bất thường. Ví dụ như: lặp lại các từ hoặc cụm từ (một hành vi được gọi là Echolalia - chứng nhại lời).
  • Có sự quan tâm sâu sắc lâu dài đối với các chủ đề cụ thể. Ví dụ như: các con số; chi tiết; hoặc dữ kiện.
  • Thể hiện sự quan tâm quá mức, chẳng hạn như với các vật thể chuyển động hoặc các bộ phận chuyển động của vật thể.
  • Trở nên khó chịu với những thay đổi nhỏ trong thói quen và gặp khó khăn khi chuyển đổi.
  • Trở nên nhạy cảm hơn; hoặc ít nhạy cảm hơn những người khác đối với những kích thích lên giác quan; chẳng hạn như: ánh sáng, âm thanh, quần áo hoặc nhiệt độ.

Những người bị tự kỷ cũng có thể gặp vấn đề về giấc ngủ và dễ cáu kỉnh.

Các dấu hiệu của bệnh tự kỷ được phát hiện càng sớm thì các phương pháp điều trị và dịch vụ chăm sóc sức khỏe càng có thể được thực hiện sớm.

Một số điểm mạnh ở người mắc chứng tự kỷ

Những người mắc chứng tự kỷ cũng có thể có nhiều điểm mạnh. Đó có thể là:

  • Người học mọi thứ một cách chi tiết và ghi nhớ được thông tin trong thời gian dài.
  • Là người học về thị giác và thính giác mạnh mẽ.
  • Xuất sắc trong môn toán học, khoa học, âm nhạc hoặc nghệ thuật.
dấu hiệu nhận biết tự kỷ
(Ảnh minh họa: Polina Kovaleva/ Pexels)

Trên đây là những thông tin về tự kỷ là gì; nguyên nhân; và các dấu hiệu bị tự kỷ. Việc chăm sóc người bị tự kỷ cần được đi kèm với nhiều hành động từ gia đình, cộng đồng và xã hội để có thể tiếp cận và hỗ trợ được tốt hơn.

Minh Giang

Tài liệu tham khảo

[1] Autism/ World Health Organization

[2]Autism Spectrum Disorder/ National Institute of Mental Health



BÀI CHỌN LỌC

Tự kỷ là gì? Nguyên nhân và 3 nhóm dấu hiệu tự kỷ