Tượng Phật cứu bé gái 8 tuổi đang rơi từ trên cao xuống - chuyện thật hay tin đồn?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Câu chuyện xảy ra ở huyện Kinh Dương, một bức tượng Phật đã giơ tay cứu một bé gái đang rơi từ trên cao xuống. Câu chuyện này được lan truyền mạnh trên mạng, và cũng có nhiều người không tin, nhưng cũng có nhiều người tin.

Tượng Phật cứu bé gái đang rơi

Vào năm 2002, tại huyện Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, một bé gái tinh nghịch bất cẩn đã ngã từ tầng 12 của Sùng Văn Các và rơi tự do xuống. Nhưng trong khi bé gái đang rơi thì một bức tượng Phật đã giơ tay đã đỡ bé gái. Thế là câu chuyện tượng Phật ở Sùng Văn Các, huyện Kinh Dương, tỉnh Thiểm Tây giơ tay đỡ bé gái ngã từ tầng 12 xuống đã lập tức được lan truyền rộng khắp huyện. Tuy nhiên, người tin thì rất ít:

  • “Làm sao có thể như thế được?”;
  • “Đây là tin đồn bịa chuyện thôi”;
  • “Tượng Phật bằng đá cứng như thế giơ tay đỡ bé gái từ tầng 12 rơi xuống, ai mà tin được?”;

Tuy nhiên, bất kể người ta tin hay không tin, thì khoảng hơn 1000 người tận mắt chứng kiến việc này khẳng định là sẽ tin.

Năm 2002, đúng dịp lễ hội Sùng Văn Các, một bé gái 8 tuổi tinh nghịch chui ra ngoài lan can bảo vệ trên tầng 12, do bất cẩn đã rơi từ tầng 12 xuống. Khi đó ở dưới đất có hơn 1000 người đang tham gia lễ hội, thăm quan tháp.

Đúng lúc bé gái đang rơi thì một pho tượng Phật ở tầng thứ 2 hướng tây nam của Sùng Văn Các đã giơ tay ra đỡ bé gái. Khi đó, những người ở dưới tháp đều kinh sợ, thì thấy bé gái đang ngồi trong lòng tượng Phật và khóc lớn không ngừng.

Người nhà bé gái sau đó đưa được bé gái xuống, và phát hiện ra bé hoàn toàn bình an vô sự, không bị xây xước chút nào.

Tượng Phật được cho là đã cứu bé gái đang rơi, sau được người nhà quàng dải lụa đỏ bày tỏ lòng thành kính. (Ảnh Minh Huệ)

Khi đó ở bên dưới có hơn 100 người nói rằng, họ nhìn thấy tượng Phật giơ tay ra đỡ bé gái đang rơi từ tầng 12 xuống. Nhưng tượng Phật là bằng đá, khi đó mọi người trong lòng rất nghi hoặc.

Sau đó, rất nhiều người già đã dâng hương cho pho tượng Phật này. Mỗi năm vào dịp lễ hội Sùng Văn Các, cả nhà bé gái đều đưa bé đến thắp hương và quàng lụa đỏ cho tượng Phật, biểu thị sự tín ngưỡng và tôn kính đối với tượng Phật.

Sùng Văn Các có tổng cộng gần 100 pho tượng Phật lớn nhỏ, nhưng chỉ có pho tượng Phật ở tầng 2 hướng tây nam là có quàng dải lụa đỏ.

Khi có một người nói rằng, anh ta nhìn thấy tượng Phật giơ tay đỡ bé gái rơi từ tầng 12 xuống, thì mọi người có thể không tin, nói rằng anh ta hoang tưởng. Khi có 2 người nói họ nhìn thấy tượng Phật giơ tay đỡ bé gái rơi từ tầng 12 xuống, thì mọi người vẫn có thể không tin, nói rằng họ ăn theo, té nước theo mưa. Nhưng khi có hơn 100 người nói rằng, họ nhìn thấy tượng Phật giơ tay đỡ bé gái rơi từ tầng 12 xuống, thì sẽ có nhiều người tin.

Hơn nữa, pho tượng Phật này vốn có lai lịch, có cội nguồn lịch sử khá nổi tiếng. Sau khi xem lịch sử pho tượng, có thể mọi người sẽ giải thích được tại sao pho tượng Phật này lại hiển linh như thế.

Lịch sử tháp Sùng Văn

Sủng phi Thiến Thiến của Hoàng đế Vạn Lịch - vị Hoàng đế thứ 12 của triều Minh, sau khi qua đời, đã báo mộng cho Hoàng đế rằng linh hồn của cô đã bay đến đảo Bồng Lai. Thế là Hoàng đế cho vời Thượng thư Bộ Công đến, lệnh cho ông ta xây dựng một tòa Vọng Tiên Tháp cao 30 trượng ở một nơi cách Kinh 20 dặm.

Vị Thượng thư họ Lý này quê quán huyện Kinh Dương, làm quan hơn 20 năm vẫn chưa về quê, nên thường nhớ quê hương. Hôm nay nghe lệnh vua xây dựng tháp cách Kinh 20 dặm, thì tự nhiên vui mừng khôn thấu. Ông vội vàng đem theo phu nhân và con gái đi ngay trong đêm đó.

Sau khi về quê, việc Thượng thư xây tháp được mọi người biết đến, ông truyền chỉ dụ vua đến châu, huyện. Huyện huy động tiền bạc, và lập tức bắt tay vào việc lựa chọn địa điểm.

Bách tính trong vùng nghe nói Lý Thượng thư xây tháp ở Kinh Dương thì ai nấy đều vui mừng, tranh nhau quyên góp tiền bạc. Một thôn trang ở phía Nam huyện Kinh Dương xây dựng lò gạch để lấy gạch xây tháp. Vùng này sau này được gọi là Dao Phường (nghĩa là phường lò gạch). Có thôn thì chuyên xay lúa lấy gạo cung cấp cho những người xây tháp. Thôn này về sau gọi là Thôn Ma Tử (nghĩa là thôn cối xay).

Chỉ trong mấy ngày, những thợ thủ công khéo tay ùn ùn kéo đến. Khi họ đang vận chuyển đá làm móng thì Thượng thư Lý bị triệu về kinh thành.

Thì ra do hiểu nhầm chỉ dụ của vua, nhầm chữ Kinh trong từ Kinh Thành, thành chữ Kinh trong từ Kinh Dương, Thượng thư Lý chọn địa điểm xây tháp ở Kinh Dương, khiến Hoàng đế Vạn Lịch nổi giận, bị xử trảm.

Tin tức truyền về quê hương, người Kinh Dương ai nấy đều rơi lệ xót thương Thượng thư Lý. Lúc này, những người thợ nói: “Ngày nay Thượng thư đã bị hại chết, gạch đá chất đống ở bến sông, vậy chúng ta hãy xây một tháp kỷ niệm Thượng thư Lý”.

Thế là mọi người tập trung ở thôn nhà của Thượng thư Lý, mọi người bàn tán xôn xao, và muốn phu nhân Thượng thư đưa ra quyết định.

Thượng thư có một cô con gái tên là Thúy Vân. Tiểu thư Thúy Vân đang đau buồn không muốn sống, nghe thấy bà con bàn tán, thì tâm cô cảm động. Cô nghĩ: “Phụ thân đã không thể sống lại được rồi, chi bằng theo ý nguyện của bà con để hoàn thành nguyện vọng của phụ thân, xây dựng một tòa tháp cho quê hương”.

Cô bái biệt mẫu thân, thay sang trang phục nam, tự xưng là công tử của Lý Thượng Thư, đường hoàng, phóng khoáng, phong độ, khiến người ta không thể nào nhận ra được. Cô ngẩng mặt lên trời thầm thề nguyện rằng: “Không xây xong tháp không mặc trang phục nữ”.

Như thế, bên bến sông Kinh Hà lại tấp nập náo nhiệt, người vận chuyển vật liệu, người đào móng, dòng người đông đúc như biển người. Thúy Vân rất bận rộn, cô luôn đi đi lại lại trong dòng người.

Hôm làm móng xảy ra khó khăn. Khi đào móng sâu hơn 3 trượng thì thấy bên dưới toàn là cát và bùn. Với nền địa chất như thế này thì sao có thể nâng đỡ được tòa tháp cao hai, ba mươi trượng được?

Thúy Vân bất giác buồn rầu. Tinh thần quyết tâm của Thúy Vân, đóng giả nam quyết xây dựng xong tháp mới đổi lại trang phục nữ, khiến Cửu Thiên Huyền Nữ cảm động. Cửu Thiên Huyền Nữ báo mộng cho Thúy Vân rằng: “Cô xây tháp này, cao hơn các tòa nhà trên thế gian, bến sông Kinh Hà e rằng không nâng đỡ nổi. Ta giúp cô vời 8 anh em nhà họ Kim đến, mỗi người một phương, làm tảng đá lót nền, như thế thì mới không xảy ra vấn đề gì”.

Thúy Vân trở dậy xem, quả nhiên trong hố móng có ánh sáng vàng kim rực rỡ. Cô vội vàng lệnh cho mọi người xuống hố móng vét sạch bùn và cát, thì thấy bên dưới có 8 tảng đá xanh xếp xung quanh, rộng 5, 6 trượng, trên có 8 người bằng đồng cao 1 thước. Ở giữa tảng đá có 4 câu thơ:

Lòng Trời lòng dân
Xây tháp sông Kinh
Hiếu nữ cảm Trời
Tháp tên Sùng Văn

Mọi người xem liền biết Ông Trời tương trợ, ai nấy đều dốc sức làm ngày làm đêm.

Thấm thoắt đã 7 năm trôi qua, tháp đã xây được 7 tầng rồi, so với kế hoạch thì vẫn còn 4 tầng nữa. Số tiền bạc quyên góp được cũng sắp dùng hết rồi. Thúy Vân bán hết tài sản trong nhà, bà con cũng tới tấp quyên góp thêm tiền bạc, nhưng vẫn thu không bù chi. Thúy Vân lo lắng, cô quyết định tu Đạo, đổi sang trang phục của Đạo cô, đi khắp vùng Quan Trung quyên tiền.

Thế là chưa đầy 6 năm sau, tháp đã xây được 13 tầng, còn cao hơn 2 tầng so với kế hoạch ban đầu.

Tháp Sùng Văn ở Kinh Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh Minh Huệ)

Sau đó, ở chính điện am Thúy Vân dưới tháp Sùng Văn, mọi người dựng tượng Thượng thư Lý. Mọi người còn dựng tượng vàng Cửu Thiên Huyền Nữ trên đỉnh tháp.

Ngày khánh thành tháp Sùng Văn, ở phía đông Kinh Dương, xung quanh tháp Sùng Văn, người tụ tập đông như biển, mọi người vui mừng ca hát nhảy múa. Sau này, họ đổi tên thôn ở phía bắc tháp là Vĩnh Lạc, hiện là thị trấn Vĩnh Lạc.

Thế là nguyện vọng người dân vùng Quan Trung đã hoàn thành việc xây dựng tòa tháp kỳ lạ cao 30 trượng này, trở thành một đại kỳ quan của Thiểm Tây, tên là tháp Sùng Văn.

Những sự tích như thế này trong lịch sử có rất nhiều, mà khoa học không thể nào giải thích nổi. Đơn cử 3 trường hợp sau.

Giếng Khóa Rồng ở Bắc Tân Kiều

Tương truyền, Giếng Khóa Rồng ở Bắc Tân Kiều là do Lưu Bá Ôn xây dựng để khóa một con ác long chuyên gây hại bốn phương. Sau này, quân Nhật tiến vào thành Bắc Kinh, khi quân Nhật tuần tra lục soát ở khu vực phụ cận Bắc Tân Kiều, họ nghi ngờ ngôi giếng cổ này che giấu quân đội chống Nhật. Thế là viên tiểu đội trưởng hạ lệnh chặt đứt sợi dây xích sắt treo trong giếng.

Giếng Khóa Rồng với xích sắt cột trên miệng. (Ảnh: 未解之謎 扶搖)

Thế nhưng xích sắt rất rắn chắc, người Nhật tốn rất nhiều công sức vẫn chưa chặt đứt được. Sau đó, một người Nhật đưa ra ý kiến là kéo sợi xích sắt này lên khỏi giếng.

Thế là một nhóm binh sĩ Nhật bắt đầu kéo sợi xích sắt. Thế nhưng, quân Nhật kéo 7 ngày, cái giếng trông chỉ sâu hơn 10 mét, mà vẫn không kéo được đến đầu sợi xích sắt.

Lúc này, dưới giếng không ngừng phát ra những tiếng kêu ầm ầm như sóng thần, vô cùng đáng sợ. Đội quân Nhật Bản này ai nấy đều kinh sợ, đành phải thả sợi xích sắt trở lại giếng.

Sau này đến thời Cách Mạng Văn Hóa, “phá Tứ cựu”, các Hồng vệ binh không tin chuyện quỷ Thần, đã kéo đến chiếc giếng cổ này. Nghe nói người Nhật đã kéo sợi dây xích sắt lên, các Hồng vệ binh cũng kéo xích lên. Lần này, khi các Hồng vệ binh kéo xích sắt lên, có rất nhiều người đã chứng kiến và đến xem. Sợi xích kéo lên và đặt vào chiếc xe tải, nhưng vẫn chưa thấy tận cùng sợi xích.

Lúc này, từ dưới giếng bắt đầu phát ra những tiếng kêu gào đáng sợ, giống như tiếng nước nén áp suất cao trong đường ống nước, còn thấp thoáng nghe như tiếng sấm.

Các Hồng vệ binh vẫn không sợ, vẫn tiếp tục kéo sợi xích sắt lên. Ở trong giếng bắt đầu có nước cuộn dâng, và phun ra khỏi miệng giếng, giống như nước sôi vậy, và có mùi tanh tưởi. Thế nhưng không ai dám can ngăn các Hồng vệ binh đang kéo xích kia.

Những người có tuổi đều nói là gây họa rồi, đều rất lo lắng.

Sau đó, các Hồng vệ binh này cũng sợ hãi, xin chỉ thị cấp trên. Lúc này, nước cũng bắt đầu phun ra ngoài giếng rồi, rất nhiều nước. Mọi người đều rất sợ. Những Hồng vệ binh này sợ quá, vội vàng ném xích sắt xuống giếng. Sau khi ném hết xích xuống giếng thì nước giếng dần dần trở lại tĩnh lặng. Có người thề rằng: Đây là việc hoàn toàn chân thực.

Miếu Nương Nương Bắc Đỉnh

Hiện nay, những người già 80 tuổi đều biết miếu Nương Nương Bắc Đỉnh. Miếu Nương Nương Bắc Đỉnh là 1 trong 5 đỉnh núi nổi tiếng trong lịch sử của Bắc Kinh, là tòa kiến trúc có tính biểu tượng trên đường kéo dài về phía bắc của trục trung tâm Bắc Kinh, là minh chứng vật thực của sự phát triển và sự tích phong tục của người dân thành Bắc Kinh.

Năm 2003, miếu Nương Nương Bắc Đỉnh được công nhận là đơn vị bảo tồn văn vật cấp thành phố của Bắc Kinh. Nó nằm trong khu vực nhà thi đấu Olympic Bắc Kinh, tiếp giáp với Sân vận động Quốc gia, Trung tâm Bơi lội Quốc gia, hình thành sự đan xen giữa cổ điển và hiện đại.

Miếu Nương Nương Bắc Đỉnhở Bắc Kinh. (Ảnh: Wikimedia)

Khi xây dựng sân vận động tổ chim và nước lập phương (Trung tâm bơi lội), đơn vị thi công đã tháo dỡ miếu Nương Nương Bắc Đỉnh, và đã xảy ra những sự kiện linh dị chân thực liên quan đến công trình sân vận động tổ chim và nước lập phương.

Hiện nay, ai cũng thấy hai tòa kiến trúc công trình thể thao này rực rỡ ánh đèn, nhưng rất ít người biết được những câu chuyện linh dị đã xảy ra bên trong.

Miếu Nương Nương Bắc Đỉnh ở thôn Đại Đồn Bắc Đỉnh, quận Triều Dương, phía bắc tiếp giáp công trình “nước lập phương”, phía đông tiếp giáp sân vận động tổ chim.

Trong bản quy hoạch xây dựng ban đầu của sân vận động tổ chim, các công trình kiến trúc xung quanh đều phải tháo dỡ và di dời. Miếu Nương Nương Bắc Đỉnh cũng nằm trong danh sách tháo dỡ di dời.

Ở gần trục trung tâm của Bắc Kinh, giữa sân vận động tổ chim và nước lập phương là đất nghĩa trang cũ của Bắc Kinh. Khi mới thi công đã đào lên rất nhiều quan tài và hài cốt, nhưng việc thi công vẫn tiếp tục tiến hành.

Nhưng sau đó, khi tháo dỡ miếu Nương Nương Bắc Đỉnh thì mọi thứ không còn đơn giản nữa.

3 giờ chiều ngày 27 tháng 8 năm 2004, mấy người công nhân vừa tháo xong 2 cánh cổng của ngôi miếu thì khu vực lân cận sân vận động tổ chim nổi lên một trận cuồng phong hiếm thấy.

Theo tờ “Bắc Kinh ký sự” đưa tin, một cơn gió xoáy màu đen cuốn công trường thi công “nước lập phương” (Trung tâm bơi lội quốc gia) lên trời. Cơn lốc xoáy cao 7, 8 mét, rộng 3, 4 mét. Lốc xoáy cuốn theo cát và các tấm tôn làm tường bao công trình lên cao hơn chục mét, phá hủy gần như hoàn toàn công trình xây dựng tạm chịu sức gió cấp 7, toàn bộ công trình thi công bị san phẳng, công trường rơi vào tình trạng tê liệt, 44 công nhân bị thương, 2 người chết, sau đó lại sống lại một cách thần kỳ.

Từ những video hiện trường khi đó có thể thấy, cơn lốc xoáy màu đen trước tiên xé rách tường bao công trường quây bằng tôn lá, các tấm tôn bị xé toạc như tờ giấy, và bị cuốn lên không trung, xoay tròn phía trên ‘nước lập phương’. Cột cờ bằng thép inox cao mấy chục mét cũng bị gãy, một tòa nhà văn phòng cũng bị gió thổi nghiêng. Khung thép đổ xuống đập vào trên chục chiếc xe ô tô đỗ dưới lầu, còn cuốn cả một ký túc xá của công nhân lên rồi lại quật xuống đất, biến công trường thành khu đất bằng phẳng. Một tòa văn phòng khác thì bị bay toàn bộ mái.

Cơn lốc xoáy này hoành hành ở công trường thi công khoảng 20 phút. Các chuyên gia khí tượng nói rằng, đây là cơn lốc xoáy hình trụ, đột ngột xuất hiện, trăm năm không gặp, và gọi nó là “gió cuốn bụi”. Nhưng trong dữ liệu khí tượng Bắc Kinh, lại chưa từng có ghi chép về “gió cuốn bụi”, không ai biết cơn lốc xoáy này tại sao xảy ra.

Cơn lốc xoáy biến cả một công trường thi công thành bãi đất bằng, nhưng ngôi miếu Nương Nương Bắc Đỉnh nằm trong khu vực gió cuốn thì lại hoàn toàn bình yên vô sự. Mọi người đều cảm thấy vô cùng kỳ lạ, và cũng cảm thấy sợ hãi. Thế là rất nhiều người thầm cầu nguyện, họ cho rằng họ - những công nhân thi công, thực sự đã mạo phạm Thần Tiên, thế là họ vội vàng rời khỏi công trình ‘nước lập phương’, không làm nữa.

Tuy nhiên, công việc tháo dỡ di dời vẫn tiếp tục. Ngày hôm sau, một thông tin còn ly kỳ hơn từ công trình ‘nước lập phương’ truyền ra. Trên công trường thi công ‘nước lập phương’, họ đào được một cái hang rất lớn. Mấy công nhân hiếu kỳ nhìn vào hang xem, thấy trong hang toàn là rắn. Việc thi công lập tức dừng lại.

Đúng ngày dừng thi công đó, thì tối hôm đó, công trình sân vận động tổ chim và nước lập phương bị mất điện không rõ nguyên nhân. Mọi người nhìn về phương xa, thấy miếu Nương Nương Bắc Đỉnh vẫn có ánh đèn sáng rực đến sáng, giống như có vạn ngọn đèn đang thắp sáng, nhưng thực tế ở đó hoàn toàn không có điện.

Tổng công trình sư triệu tập cuộc họp ngay trong đêm. Cuối cùng, mọi người từ bỏ việc tháo dỡ di dời miếu Nương Nương. Tuy hao tổn nhiều tài lực vật lực, nhưng sau này việc thi công đều rất thuận lợi, và cũng đã bảo vệ được công trình kiến trúc cổ mấy trăm năm lịch sử này.

Cầu trên cao với cột trụ rồng ở Thượng Hải

Trước khi công trình đường trên cao đường Diên An ở Thượng Hải hoàn thành, thì còn một cột trụ cuối cùng vẫn chưa thi công được, bởi vì các máy đóng cọc dẫu đóng thế nào thì cũng không thể đóng được cọc xuống. Các chuyên gia đều rất sốt ruột, họ đã làm mọi cách mà không thể tiến hành được. Cuối cùng hết cách, họ đành thử vận may, mời một pháp sư già đến.

Vị pháp sư già xem xét xong thì nói: “Tôi biết giải quyết như thế nào rồi, nhưng tôi không thể nói ra được. Nói ra thì sau 3 ngày tôi sẽ chết”.

Chính quyền đã bỏ ra rất nhiều tiền xây dựng con đường trên cao này, chỉ còn lại một cột trụ, làm thế nào để hoàn thành?

Sau này các ban ngành chức năng đã thuyết phục và thống nhất phương án với vị pháp sư già. Sau đó, pháp sư già đã đồng ý nói. Ông nói rằng: “Cột trụ cuối cùng là trên lưng một con rồng, do đó không đóng cọc được. Ở nơi cần đóng cọc, cần thắp 3 nén hương thì có thể đóng được cọc”.

Sau khi thắp hương, quả nhiên là đóng được cọc. Cứ thế, họ đã hoàn thành cột trụ cuối cùng. Tuy nhiên, sau khi nói ra cách đóng cọc, 3 ngày sau, vị pháp sư già quả nhiên tử vong.

Hiện nay đến đường trên cao đường Diên An, Thượng Hải, có 1 cột trụ duy nhất là có hoa văn rồng.

Cột trụ duy nhất có hoa văn rồng ở Thượng Hải. (Ảnh chụp màn hình 未解之謎 扶搖)

Thế giới quá rộng lớn, những sự việc liên quan đến phong thủy, mệnh lý như thế này, vẫn bị khoa học phê phán là mê tín, nhưng quả thực trong lịch sử có quá nhiều sự việc mà khoa học vẫn không thể nào giải thích nổi. Cho dù ngày nay khoa học kỹ thuật đã phát triển vượt bậc như thế này, vẫn còn rất nhiều người tín Thần Phật, tin Thượng Đế.

Câu nói trí tuệ của người xưa để lại rằng: “Thà tin là có, chớ tin là không”. Xã hội loài người đã tồn tại hàng nghìn hàng vạn năm, có rất nhiều sự việc được truyền thừa từ đời này đến đời khác, thì nhất định nó có giá trị tồn tại.

Theo Mishiquwen
Trung Hòa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tượng Phật cứu bé gái 8 tuổi đang rơi từ trên cao xuống - chuyện thật hay tin đồn?