Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc đang cảm thấy sức ép từ những vụ đột kích, bắt giữ cùng với luật chống gián điệp sửa đổi. Cùng lúc đó, chính quyền Bắc Kinh lại đang ra sức chào đón họ. Tuy nhiên, trên thực tế, dòng vốn đầu tư ngoại quốc vẫn đang tháo chạy khỏi Trung Quốc.

Nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục suy yếu. Trong lúc đó, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng một cách tiếp cận mạnh tay trong việc quản lý các công ty nước ngoài trong những tuần gần đây. Chiến thuật này đã hạn chế nguồn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc và tạo ra một dòng vốn khổng lồ chảy khỏi đất nước.

Trong khi đó, Thủ tướng Trung Quốc đã hoan nghênh nhiệt liệt các giám đốc điều hành toàn cầu tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc vào cuối tháng 3. Các chuyên gia cho biết, các động thái mâu thuẫn - vừa hoan nghênh và vừa không tin tưởng - đã làm nổi bật tính mâu thuẫn và tư tưởng "dám tranh đấu" của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nhà báo độc lập Zhuge Mingyang tin rằng, các cuộc công kích các công ty nước ngoài là “một động thái trả đũa ngớ ngẩn” của ĐCSTQ trước các biện pháp trừng phạt kinh tế và công nghệ mà Mỹ và các nước phương Tây khác áp đặt lên Trung Quốc.

Theo công ty phân tích đầu tư Exante Data, từ ngày 21 đến 26 tháng 4, các nhà đầu tư toàn cầu đã rút ròng 3,17 tỷ USD khỏi chứng khoán Trung Quốc thông qua kênh đầu tư xuyên biên giới Shanghai-Hong Kong/Shenzhen-Hong Kong Stock Connect.

Dòng vốn tháo chạy vừa rồi là lớn nhất trong vòng 5 tháng qua. Nó diễn ra chỉ vài tuần sau khi ĐCSTQ bắt đầu một loạt các động thái cứng rắn nhằm trấn áp các công ty nước ngoài.

Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc
Các binh sĩ của Tiểu đoàn Cảnh vệ Danh dự của Quân đội Giải phóng Nhân dân diễu hành bên ngoài Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, gần Quảng trường Thiên An Môn, Trung Quốc, vào hôm 20/05/2020. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Đột kích, bắt giữ, thắt chặt kiểm soát

Đầu tháng 3, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ một nhân viên của công ty dược phẩm Nhật Bản Astellas Pharma.

Vào ngày 26/03, Tập đoàn Mintz, một công ty nghiên cứu doanh nghiệp của Mỹ, tuyên bố rằng, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng của công ty ở Bắc Kinh và bắt giữ cả 5 nhân viên của họ ở Trung Quốc.

Vào ngày 31/03, các nhà chức trách đã công bố một cuộc thanh tra an ninh mạng đối với Micron Technology, một nhà sản xuất bộ nhớ máy tính của Mỹ.

Vào tháng 4, trong một cuộc đột kích bất ngờ, giới chức trách Trung Quốc đã đến văn phòng Thượng Hải của công ty tư vấn Mỹ Bain & Company, tịch thu điện thoại và máy tính, đồng thời thẩm vấn nhân viên. Tờ Financial Times đã đưa tin về cuộc đột kích vào ngày 26/04.

Gần đây nhất, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào nhiều địa điểm của công ty tư vấn kinh doanh Capvision, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin vào ngày 08/05. Trong một bài báo hôm thứ 3 (09/05), South China Morning Post cho biết, “công ty bị buộc tội giúp thu thập thông tin về ngành công nghệ quân sự Trung Quốc cho người nước ngoài”.

Cùng với đó, vào ngày 26/04, Bắc Kinh đã công bố luật chống gián điệp sửa đổi của Trung Quốc, mở rộng định nghĩa về hoạt động gián điệp và tăng cường quyền thực thi của các cơ quan an ninh quốc gia. Các sửa đổi là lần điều chỉnh đầu tiên kể từ khi ban hành luật vào tháng 11/2014. Chúng cho phép các cơ quan chính phủ kiểm tra các cơ sở và thiết bị điện tử của công ty, cũng như điện thoại thông minh và máy tính xách tay của cá nhân.

Các giám đốc điều hành nước ngoài lo ngại rằng theo luật sửa đổi, một số hoạt động kinh doanh thông thường - chẳng hạn như thu thập thông tin về thị trường địa phương, đối thủ cạnh tranh và đối tác kinh doanh - có thể bị coi là hoạt động gián điệp.

Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc
Biển hiệu của công ty Oracle được nhìn thấy phía trước tòa nhà văn phòng của công ty công nghệ Mỹ tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 16/09/2020. (Ảnh: NICOLAS ASFOURI/AFP qua Getty Images)

Làm nản lòng doanh nghiệp nước ngoài

Ông Anders Corr, người sáng lập Corr Analytics Inc. và là nhà xuất bản Tạp chí Rủi ro Chính trị, nói với The Epoch Times vào ngày 01/05 rằng, các động thái gây hấn của ĐCSTQ sẽ làm nản lòng các công ty nước ngoài muốn kinh doanh tại Trung Quốc.

“Các công ty nước ngoài sẽ không muốn dữ liệu của họ bị chính phủ Trung Quốc dễ dàng kiểm tra, vốn [họ] có thể sao chép dữ liệu thông qua các kỹ thuật gián điệp mạng và cung cấp cho các đối thủ Trung Quốc. Điều này sẽ làm giảm sự sẵn sàng của các công ty nước ngoài trong việc thiết lập các hoạt động kinh doanh lớn ở Trung Quốc hoặc đến Trung Quốc với dữ liệu liên quan tới bí mật kinh doanh”, ông nói.

Có một vấn đề khác đang làm nản lòng các công ty nước ngoài. Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã hạn chế hoặc thậm chí cắt hoàn toàn quyền truy cập từ nước ngoài vào nhiều loại cơ sở dữ liệu. Các quy định “hộp đen” hạn chế quyền truy cập vào thông tin đăng ký công ty, bằng sáng chế, tài liệu mua hàng, tạp chí học thuật và niên giám thống kê chính thức.

Ví dụ, nhiều khách hàng đã phát hiện ra rằng họ không còn có thể truy cập vào Công ty Công nghệ Thông tin Gió có trụ sở tại Thượng Hải, theo thông tin của Wall Street Journal. Thông tin Gió là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng nhất ở Trung Quốc. Dữ liệu kinh tế và tài chính của nó được sử dụng rộng rãi bởi các nhà phân tích và nhà đầu tư ở Trung Quốc và nước ngoài.

“Các nhà đầu tư đang lo lắng về việc Trung Quốc đàn áp các công ty kế toán [bao gồm cả kiểm toán] và thẩm định, cũng như việc họ cắt đứt các đường dẫn dữ liệu từng cung cấp cho các nhà đầu tư quốc tế thông tin định lượng và theo thời gian thực về các thị trường, vốn được dùng làm đầu vào cho các mô hình và thuật toán giao dịch của họ. Nếu không có những thứ này, các nhà đầu tư khó có thể hiểu được giá trị thực của tài sản đầu tư”, ông Corr nói.

Vào ngày 06/05, bà Lucia Dunn, giáo sư kinh tế tại Đại học bang Ohio, nói với The Epoch Times rằng, những hành động gần đây của ĐCSTQ cho thấy sự xấu đi nhanh chóng của mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước phát triển.

“Trung Quốc ngày càng gây nhiều khó khăn hơn cho các quốc gia muốn buôn bán và kinh doanh với họ. Các chiến thuật mà ĐCSTQ đang sử dụng hiện nay - tấn công văn phòng của các tổ chức nước ngoài, giam giữ nhân viên của các công ty nước ngoài, v.v. - là không thể chấp nhận được đối với phần còn lại của thế giới, và ĐCSTQ hẳn phải hiểu điều này. Vì vậy, có vẻ như họ có thể đã áp dụng một chiến lược có chủ ý để loại bỏ ảnh hưởng nước ngoài đối với đất nước của họ", bà nói.

Các động thái trái ngược

Các hành động của ĐCSTQ có vẻ trái ngược nhau: Thủ tướng Trung Quốc mới nhậm chức Lý Cường gần đây đã bày tỏ sự chào đón nồng nhiệt đối với các công ty nước ngoài, ngay cả khi tin tức về các cuộc đột kích bắt đầu lan truyền.

Vào cuối tháng 3, ông Lý nói với các giám đốc điều hành nước ngoài, bao gồm cả Giám đốc điều hành Apple Tim Cook, rằng “Cánh cửa của Trung Quốc sẽ ngày càng mở rộng hơn” và kêu gọi họ “đầu tư vào Trung Quốc và thiết lập cơ sở nền tảng ở Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo bài báo vào tháng 2 của Nikkei Asia, đầu tư của các công ty nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 18 năm vào nửa cuối năm 2022. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc giảm 73% trong năm, mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1999.

Dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) chỉ ra rằng, đã có một dòng vốn ròng trị giá 11,2 tỷ USD rời khỏi Trung Quốc trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm ngoái. Đây là dòng vốn chảy ra lớn nhất kể từ quý III năm 2019, theo Nikkei Asia.

Foxconn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc
Một người đàn ông đi vào bên trong cửa hàng Apple ở Hong Kong vào ngày 10/10/2019. (Ảnh: PHILIP FONG/AFP qua Getty Images)

Chỉ lấy một ví dụ, gã khổng lồ công nghệ Foxconn gần đây đã gây chú ý khi họ nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Một trong những nhà cung cấp lớn nhất của Apple, hồi tháng 2, có thông tin cho rằng Foxconn đã nhận được chấp thuận đối với khoản đầu tư 270 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam.

Năm 2022, Foxconn bắt đầu sản xuất iPhone 13 tại Ấn Độ.

Hơn nữa, vào thứ 2 (08/05), Foxconn đã mua một khu đất rộng 13 triệu foot vuông ở khu vực Devanahalli (Ấn Độ) với mức chi phí là 37 triệu USD. Họ đang tìm cách mở rộng hoạt động sản xuất của mình ở Ấn Độ.

Khoảng 70% doanh thu của Foxconn hiện đến từ Trung Quốc, theo thông tin của Wall Street Journal vào ngày 15/03.

Đầu tư nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã hỗ trợ phần lớn cho sự phát triển của các thành phố hạng nhất của Trung Quốc. Các thành phố giàu có và phát triển nhất của Trung Quốc - Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến - là những địa điểm hấp dẫn nhất đối với đầu tư nước ngoài.

Ví dụ, theo hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc Global Times, vào đầu tháng 2, Thượng Hải là nơi đặt trụ sở khu vực của 891 tập đoàn đa quốc gia và 531 trung tâm R&D nước ngoài. Theo bài báo, thành phố đã thu hút khoản đầu tư nước ngoài kỷ lục 23,9 tỷ USD vào năm 2022.

Do đó, sự tháo chạy của vốn nước ngoài chắc chắn sẽ dẫn đến thất nghiệp ồ ạt. Theo ước tính chính thức được truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Trung Quốc sử dụng hơn 45 triệu lao động trực tiếp.

'Dám đấu tranh'

Nhà báo Zhuge tin rằng, việc ĐCSTQ đàn áp các công ty nước ngoài minh họa cho tính mâu thuẫn cực độ của ĐCSTQ. Cách tiếp cận của ĐCSTQ có thể được mô tả là “lừa dối, ác tâm và đấu tranh”.

Cuộc đàn áp cũng có thể được coi là biểu hiện của tư tưởng “dám đấu tranh” của ông Tập Cận Bình. Đây là một học thuyết chính sách đối ngoại mới được công bố tại Hội nghị Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3 năm nay.

Bà Dunn cũng chia sẻ quan điểm của mình về hệ tư tưởng “dám đấu tranh” của ông Tập Cận Bình.

“Người ngoài khó có thể hiểu hết tâm lý ‘dám đấu tranh’. Có lẽ Chủ tịch Tập nghĩ rằng ông ấy đã khiến phương Tây phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế, đến mức bây giờ ông ấy có thể 'rút phích cắm', điều sẽ làm suy yếu các nền kinh tế phương Tây”, bà nói.

“Tuy nhiên, tôi tin rằng loại chiến lược này đã đánh giá thấp tính bền vững về kinh tế của các nước phương Tây. Tôi cảm thấy rằng sau một thời gian điều chỉnh [trong đó] các quốc gia này cai bỏ lao động giá rẻ của Trung Quốc và lời hứa hư ảo về quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng 1,4 tỷ người, chúng ta sẽ thấy các nước phương Tây thực sự làm tốt hơn khi giảm bớt liên quan tới Trung Quốc".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vốn đầu tư ngoại tăng tốc rời khỏi Trung Quốc