Vụ án hình sự Huawei được Thẩm phán Mỹ ấn định vào 1/2026

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đàm phán bế tắc, vụ án hình sự của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ chống lại Huawei đã được lên kế hoạch vào tháng 1/2026.

Vụ án hình sự của Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) chống lại Huawei Technologies của Trung Quốc đã được lên kế hoạch vào tháng 1/2026 sau khi các cuộc đàm phán để giải quyết kết thúc trong tình trạng “bế tắc”.

Trợ lý Luật sư Hoa Kỳ Alexander Solomon cho biết tại một cuộc họp thảo luận về tình hình ở Brooklyn, New York, vào hôm thứ 5 (4/4) rằng “sẽ là điều khôn ngoan khi sắp xếp ngày xét xử”, vì các cuộc thảo luận giải quyết đã dẫn đến bế tắc.

Thẩm phán quận Hoa Kỳ Ann Donnelly, người chủ trì vụ án, đã ấn định tháng 1/2026 là “thời điểm giữ chỗ” cho phiên tòa. Các công tố viên cho biết phiên tòa có thể kéo dài khoảng 4 đến 6 tháng, Reuters đưa tin.

Luật sư của Huawei cho biết công ty đang chờ kiến nghị tách vụ việc ra, tìm cách tách biệt cáo buộc gian lận ngân hàng với cáo buộc trộm cắp bí mật thương mại. Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cho rằng các cáo buộc có liên quan đến nhau.

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc đã bị truy tố vào năm 2018 về tội gian lận ngân hàng nhằm đánh lừa HSBC và các ngân hàng khác về hoạt động kinh doanh của họ ở Iran, quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Vào năm 2019, DOJ đã công bố hai cáo trạng chống lại Huawei, giám đốc tài chính của hãng, bà Mạnh Vãn Châu, và một số công ty con của công ty.

Trong bản cáo trạng gồm 13 tội danh, DOJ cho biết Huawei đã lừa dối một ngân hàng toàn cầu và chính quyền Hoa Kỳ về mối quan hệ của họ với một công ty Hong Kong có tên Skycom Tech, một công ty con không chính thức của Huawei mà đã tiến hành kinh doanh ở Iran.

Trong một bản cáo trạng gồm 10 tội danh riêng biệt, các công tố viên cáo buộc Huawei ăn cắp bí mật thương mại, phạm tội lừa đảo qua phương tiện thông tin điện tử và cản trở công lý đối với cáo buộc ăn cắp công nghệ robot từ T-Mobile để kiểm tra độ bền của điện thoại thông minh.

Vào năm 2020, DOJ đã bổ sung thêm nhiều cáo buộc vào vụ án, bao gồm cả việc Huawei bị cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ sáu công ty công nghệ Hoa Kỳ và giúp Iran theo dõi những người biểu tình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2009.

Bà Mạnh, con gái của người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại Sân bay Quốc tế Vancouver vào tháng 12/2018 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc bà tham gia vào kế hoạch sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để trốn tránh các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran.

Sau khi bà bị bắt, chính quyền Trung Quốc đã bắt giữ hai người Canada — ông Michael Kovrig và ông Michael Spavor — và buộc tội họ làm gián điệp. Động thái này được nhiều người coi là một chiến thuật thường được Bắc Kinh sử dụng, được gọi là “ngoại giao con tin”.

Họ được trả tự do sau khi bà Mạnh đạt được thỏa thuận hoãn truy tố với các công tố viên Hoa Kỳ vào năm 2021, trong đó bà thừa nhận đã đánh lừa các tổ chức toàn cầu về hoạt động kinh doanh của Huawei tại Iran.

Bà không nhận tội liên quan đến lừa đảo bằng phương tiện thông tin điện tử và gian lận ngân hàng. Năm 2022, một thẩm phán liên bang ở New York đã bác bỏ cáo buộc gian lận tài chính đối với bà Mạnh.

Sau vụ việc, Huawei bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm 2019 vì lo ngại an ninh quốc gia và vi phạm nhân quyền. Các biện pháp trừng phạt đã hạn chế khả năng tiếp cận các công nghệ quan trọng của Hoa Kỳ và làm tê liệt hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của công ty.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Vụ án hình sự Huawei được Thẩm phán Mỹ ấn định vào 1/2026