4 điều quan trọng về chế độ ăn uống cho bệnh nhân thận để tránh điều trị lọc máu sớm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Điều chỉnh lượng protein, hàm lượng calo, nước và muối là những chiến lược điều trị chính cho những người bị biến chứng thận.

Người Trung Quốc cổ đại có câu: “30% chữa bệnh, 70% nuôi dưỡng”. Chúng ta thấy rằng người xưa nhấn mạnh vào việc điều chỉnh chế độ ăn uống (nuôi dưỡng) hơn là dùng thuốc (chữa bệnh), và xem đó là phương tiện tốt nhất để điều trị bệnh.

Việc theo dõi chế độ ăn uống hợp lý có thể đẩy nhanh quá trình phục hồi của cơ thể sau khi mắc bệnh, trong khi chế độ ăn uống không đúng cách có thể gây tổn thương, khiến cơ thể dễ mắc bệnh hoặc khiến các bệnh cũ tái phát.

Trong y học cổ truyền Trung Hoa, liệu pháp ăn kiêng là phương pháp cơ bản và hiệu quả nhất để điều trị bệnh suy thận mãn tính. Liệu pháp ăn kiêng nhằm mục đích giảm bớt gánh nặng cho thận và trì hoãn sự suy giảm chức năng của thận. Ngay cả trong giai đoạn sau của bệnh suy thận, việc áp dụng hiệu quả liệu pháp ăn kiêng có thể làm trì hoãn việc điều trị lọc máu.

Cách điều chỉnh chế độ ăn cho bệnh nhân biến chứng thận

Các vấn đề thường gặp mà bệnh nhân thận gặp phải là mất cân bằng nước, kali, natri, canxi và các chất điện giải khác trong cơ thể, cũng như rối loạn chuyển hóa protein, chất béo và đường, đặc biệt nghiêm trọng đối với bệnh nhân suy thận mãn tính.

Vì vậy, điều chỉnh sự mất cân bằng và rối loạn này là chiến lược điều trị cơ bản nhất, trong đó việc kiểm soát protein, hàm lượng calo, nước và muối là quan trọng nhất. Trên cơ sở bổ sung đủ lượng calo, chế độ ăn uống phải được điều chỉnh tùy theo bệnh lý và chức năng thận của bệnh nhân.

Ví dụ, những người có protein niệu hoặc tiểu máu nhưng chức năng thận bình thường có thể ăn uống bình thường hoặc chỉ cần giảm lượng protein và muối ăn vào. Những người bị phù nề và huyết áp cao nên hạn chế nghiêm ngặt lượng nước và muối ăn vào, kiểm soát lượng muối ở mức 2-3g mỗi ngày. Bệnh nhân bị suy tim hoặc tăng huyết áp nặng có thể phải giảm lượng muối hơn nữa hoặc thậm chí áp dụng chế độ ăn không có muối.

Cụ thể như sau:

1. Lượng calo

Lượng calo (năng lượng) nạp vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình tổng hợp protein của cơ. Vì vậy, những bệnh nhân có chế độ ăn ít protein trong thời gian dài phải tiêu thụ đủ lượng calo mỗi ngày.

Bệnh nhân suy thận mãn tính nên tiêu thụ 30-40 calo/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, chủ yếu từ carbohydrate. Họ có thể chọn khoai tây, khoai lang, bún miến, bột củ sen, khoai môn và bí ngô. Những thực phẩm này hoàn toàn phù hợp vì chúng đều có đặc tính là hàm lượng protein thấp và lượng calo cao.

2. Chất đạm

Y học hiện đại tin rằng việc hấp thụ quá ít hoặc quá nhiều chất đạm đều không tốt cho thận.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn đầu có thể duy trì tình trạng tương đối ổn định bằng cách tiêu thụ 30-70g protein mỗi ngày và chỉ cần điều trị lọc máu trung bình 7,6 năm sau đó, còn những bệnh nhân không hạn chế lượng protein cần phải lọc máu sau trung bình chỉ 16 tháng.

  • Kiểm soát thời gian

Bệnh nhân suy thận mãn tính phải thực hiện chế độ ăn ít protein trong giai đoạn đầu của rối loạn chức năng thận. Tuy nhiên, nhiều người cảm thấy chế độ ăn kiêng như vậy khó thực hiện, không thể duy trì liên tục và dễ bị suy dinh dưỡng.

Những bệnh nhân có chức năng thận bình thường nhưng mắc bệnh cầu thận cũng nên kiểm soát lượng protein nạp vào trong giai đoạn phát triển của bệnh.

  • Lượng tiêu thụ

Ăn quá ít chất đạm có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, sụt cân, giảm sức đề kháng với bệnh tật. Các bệnh và mức độ rối loạn chức năng thận khác nhau đòi hỏi chế độ hạn chế protein khác nhau. Đối với bệnh nhân suy thận mãn tính, lượng protein ăn vào hàng ngày nên được giới hạn ở mức 0,5-0,75g cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.

  • Chọn protein chất lượng cao

Khi bổ sung protein, bạn nên chọn loại chất lượng cao, tức là thực phẩm có hàm lượng axit amin thiết yếu cao. Nói một cách đơn giản, đó có nghĩa là protein động vật. Do đó, bạn nên ăn lòng trắng trứng, sữa, cá và thịt nạc. Ngoài ra, tỷ lệ ăn vào protein thực vật cũng cần hạn chế.

Ngược lại, những thực phẩm có hàm lượng protein thực vật cao như đậu, sản phẩm từ đậu nành và các loại hạt phải hạn chế nghiêm ngặt. Thực phẩm giàu protein nên chia đều cho 3 bữa thay vì dùng hết trong một bữa để nâng cao hiệu quả hấp thu.

  • Những người nên tránh chế độ ăn ít protein

Bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối có triệu chứng tiêu hóa rõ ràng, viêm màng ngoài tim hoặc bệnh lý thần kinh ngoại biên không nên áp dụng chế độ ăn ít protein.

Những bệnh nhân có tình trạng dinh dưỡng kém, người quá già hoặc mắc bệnh tiêu hao mãn tính hoặc nhiễm trùng (chẳng hạn như bệnh lao) không nên áp dụng chế độ ăn ít protein. Nó cũng không nên được sử dụng ở những bệnh nhân bị protein niệu nặng hoặc có triệu chứng giữ nước và natri nghiêm trọng.

3. Muối ăn

Lượng muối ăn vào nên được điều chỉnh phù hợp tùy theo tình trạng bệnh nhân và tình trạng chức năng thận. Không phải tất cả bệnh nhân rối loạn chức năng thận mãn tính đều cần hạn chế nghiêm ngặt lượng muối ăn vào.

Nói chung, lượng muối ăn vào của bệnh nhân suy thận mãn tính nên ít hơn 5g mỗi ngày.

4. Nước

Cơ sở để tính lượng nước uống hàng ngày là "lấy vào theo lượng nước ra" (take in according to outflow), tức là thêm 400-500ml vào lượng nước tiểu của ngày hôm trước, khoảng 400-500ml ở đây là ước tính sơ bộ về lượng ẩm bị mất qua da và đường hô hấp.

Theo Tiến Sĩ Wu Kuo-Pin - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Bác sĩ Wu Kuo-pin là giám đốc của Phòng khám Tim Xinyitang Đài Loan. Năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền Trung Quốc và lấy bằng cử nhân tại Đại học Y khoa Trung Quốc ở Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

4 điều quan trọng về chế độ ăn uống cho bệnh nhân thận để tránh điều trị lọc máu sớm