4 nhân viên Samsung bị cáo buộc đánh cắp công nghệ chip, Trung Quốc có liên quan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một số nhân viên Samsung đã bị truy tố vì đánh cắp và làm rò rỉ công nghệ bán dẫn độc quyền ra nước ngoài, trong đó có Trung Quốc. Hàn Quốc vẫn thường xuyên là mục tiêu của hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ từ Trung Quốc, khi mà mức độ bảo vệ công nghệ tiên tiến của quốc gia này được đánh giá là còn thấp.

Các công tố viên Hàn Quốc ngày 27/10 đã truy tố 4 nhân viên hiện tại và cũ của Samsung vì đã đánh cắp công nghệ bán dẫn độc quyền từ tập đoàn Hàn Quốc và để rò rỉ chúng cho các công ty nước ngoài, theo Yonhap News Agency.

Hai trong số các nhân viên là cựu kỹ sư, trong khi hai người còn lại vẫn đang là nhà nghiên cứu cho Samsung Engineering tại thời điểm đưa tin.

Công nghệ bị đánh cắp liên quan đến hệ thống nước siêu tinh khiết có giá trị cao được sử dụng trong chế tạo chip và các dữ liệu kỹ thuật quan trọng khác.

Nước siêu tinh khiết được tinh lọc theo một thông số kỹ thuật nghiêm ngặt khác thường, loại bỏ các tạp chất thông thường như các ion, chất hữu cơ và vi khuẩn. Nước này được sử dụng để làm sạch trong sản xuất chip, một quy trình quan trọng để đảm bảo sản lượng chất bán dẫn tốt. Kể từ năm 2006, Samsung Electronics đã đầu tư hơn 21 triệu USD mỗi năm để phát triển hệ thống nước siêu tinh khiết của mình.

Một trong những trường hợp trộm cắp liên quan đến một cựu nhân viên làm việc trong lĩnh vực bán dẫn bị cáo buộc lấy thông tin bí mật từ hai nhân viên vào tháng 08/2018.

Cựu nhân viên này được cho là đã có được cuốn sổ tay hướng dẫn vận hành và bản thiết kế cho một hệ thống nước siêu tinh khiết và các dữ liệu công nghệ quan trọng khác từ hai kỹ sư của Samsung và rò rỉ tài liệu cho một công ty tư vấn bán dẫn của Trung Quốc, nơi ông ấy đang định nhảy việc sang vào thời điểm đó.

Sau khi nhận được một công việc tại một công ty Trung Quốc, ông bị cáo buộc đã sử dụng các tài sản bị đánh cắp để xây dựng một hệ thống nước siêu tinh khiết cho công ty này.

Các công tố viên cho biết cựu nhân viên còn lại đã bị buộc tội đánh cắp một tệp máy tính chứa công nghệ bán dẫn quan trọng của nhà sản xuất. Ông bị cáo buộc đã làm rò rỉ tệp đó cho công ty đối thủ Intel khi vẫn làm việc tại Samsung, Yonhap đưa tin.

Mục tiêu thường xuyên của trộm cắp sở hữu trí tuệ

Samsung, một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, là mục tiêu thường xuyên của hành vi trộm cắp công nghệ công nghiệp của Trung Quốc.

4 nhân viên Samsung bị cáo buộc đánh cắp công nghệ chip, Trung Quốc có liên quan
Logo Samsung được trưng bày tại MWC (Mobile World Congress - Hội nghị Di động Thế giới) ở Barcelona, Tây Ban Nha, vào ngày 02/03/2022. MWC là nơi các công ty điện thoại thông minh và viễn thông giới thiệu các sản phẩm mới nhất và tiết lộ tầm nhìn chiến lược của họ. (Ảnh: JOSEP LAGO / AFP qua Getty Images)

Vào tháng 5, các công tố viên Hàn Quốc đã truy tố hai cựu nghiên cứu viên của SEMES, một công ty con của Samsung Electronics và là nhà cung cấp liên quan đến chất bán dẫn, và hai nhân viên khác của một nhà cung cấp của SEMES vì bị cáo buộc liên quan đến hành vi trộm cắp công nghệ, The Korea Herald đưa tin.

Vụ trộm liên quan đến việc bán “các máy làm sạch đĩa bán dẫn” quan trọng cho một thực thể Trung Quốc không được tiết lộ, theo Văn phòng Công tố Công Quận Suwon.

Các máy này được sử dụng trong giai đoạn đầu của quá trình sản xuất chip khi việc giữ sạch các đĩa bán dẫn là vấn đề quan trọng. Các giai đoạn sau sẽ yêu cầu một cách tiếp cận phức tạp hơn. Thiết bị sử dụng carbon dioxide ở trạng thái chất lưu siêu tới hạn (ở trạng thái vừa lỏng vừa khí) để làm sạch đĩa bán dẫn, khác với việc làm sạch bằng các chất lỏng khác như nước siêu tinh khiết.

Vào tháng 12 năm ngoái, 4 công dân Hàn Quốc đã bị buộc tội vì đã làm rò rỉ các công nghệ bán dẫn tiên tiến cho một công ty Trung Quốc.

Theo tờ báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, một công ty giấu tên của Hàn Quốc - được gọi là ‘công ty A’ — đã lấy công nghệ nhạy cảm từ một công ty khác của Hàn Quốc — ‘công ty B’ — một cách bất hợp pháp và sau đó bán nó cho một công ty bán dẫn mới thành lập ở Trung Quốc.

Hoạt động bất hợp pháp bị cáo buộc diễn ra từ tháng 08/2015 đến tháng 01/2016 và xảy ra khi công ty A chiêu mộ một giám đốc điều hành từ công ty B để làm việc trong một dự án liên quan đến chất bán dẫn.

Khi rời khỏi công việc tại công ty B, giám đốc điều hành đã lấy công nghệ nhạy cảm từ công ty B mà không được sự cho phép và đưa nó cho công ty A. Sau đó công ty A bị cáo buộc đã bán công nghệ cho một công ty Trung Quốc.

Công nghệ bị đánh cắp là bản vẽ thiết kế của “Vùng nóng”, được cho là thiết bị tiên tiến để sản xuất chip bán dẫn mà công ty B đã đầu tư thời gian và vốn đáng kể để tạo ra.

Bằng cách áp dụng công nghệ này, công ty bán dẫn mới thành lập của Trung Quốc đã có thể vượt qua các rào cản kỹ thuật và thu về lợi nhuận lớn.

Công tố viên cho biết công ty Trung Quốc đạt lợi nhuận vận hành khoảng 50 triệu USD trong năm 2019 và 2020.

Ý kiến chuyên gia

Theo Văn phòng Công tố Tối cao Hàn Quốc, từ năm 2017 đến tháng 9 năm nay, đã có 112 trường hợp công nghệ công nghiệp trong nước bị rò rỉ ra nước ngoài được báo cáo. Trong số đó, 36 trường hợp liên quan đến công nghệ cốt lõi quốc gia, chủ yếu trong lĩnh vực chất bán dẫn và công nghệ màn hình.

Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI) vào ngày 27/10 đã công bố một cuộc khảo sát được thực hiện trên 26 chuyên gia an ninh trong ngành. Khoảng 85% số người được hỏi nói rằng mức độ bảo vệ công nghệ tiên tiến của Hàn Quốc yếu hơn so với Mỹ, trong khi khả năng R&D của quốc gia này ngang bằng với các quốc gia đối thủ.

Dựa trên ước tính của các chuyên gia, báo cáo cho biết thiệt hại trung bình hàng năm do rò rỉ công nghệ công nghiệp, bao gồm cả rò rỉ ra nước ngoài, là khoảng 40 tỷ USD, tương đương 2,7% GDP của Hàn Quốc vào năm 2021 và 60,4% tổng chi phí R&D của nước này vào năm 2020.

Trong khi đó, 92,3% chuyên gia tin rằng Trung Quốc là quốc gia mà Hàn Quốc nên cảnh giác nhất về các vụ rò rỉ, trong khi 7,7% tin rằng đó là Mỹ.

Hàn Quốc đứng thứ 3 trong số 63 quốc gia về “cơ sở hạ tầng khoa học” trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 do Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) của Thụy Sĩ công bố vào tháng 6. Tuy nhiên, nó đã được xếp hạng thứ 37 về hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Ông Yu Hwan-ik, trưởng bộ phận nghiên cứu công nghiệp của FKI, nói rằng “Hàn Quốc có nguy cơ lớn mất đi các công nghệ cốt lõi và nguồn nhân lực khi là một quốc gia có khả năng cạnh tranh cao về các công nghệ tiên tiến”.

Ông nói thêm rằng “xã hội cần nâng cao nhận thức nói chung và cải thiện thể chế”.

Bảo Nguyên

Theo Lisa Bian & Sean Tseng - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

4 nhân viên Samsung bị cáo buộc đánh cắp công nghệ chip, Trung Quốc có liên quan