Ăn tiết canh, thái thịt tại đám cưới, người đàn ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm 14/3, các bác sĩ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đã cấp cứu, điều trị cho hai bệnh nhân nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Trước đó, một trong hai người này đã ăn tiết canh, thái thịt lợn cho một đám cưới ở Nam Định.

Cụ thể, chỉ sau một ngày ăn tiết canh, thái giúp thịt lợn cho một đám cưới, ông Đ.T.D (51 tuổi, ngụ ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, nhiệt độ tăng cao 39-40 độ C.

Bệnh nhân D được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng mệt mỏi nhiều, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao và khó thở.

Trước đó, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, ông đã được truyền dịch và dùng thuốc kháng sinh liều cao nhưng không có chuyển biến tốt.

Qua kiểm tra, bác sĩ phát hiện khuẩn liên cầu lợn trong cơ thể bệnh nhân. Sau 11 ngày điều trị, ông D hết sốt và tình trạng nhiễm trùng thuyên giảm.

Tương tự, chị Đ.T.C (44 tuổi, ngụ ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt, vật vã, hôn mê và suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định, bác sĩ chẩn đoán bị viêm màng não và chuyển chị lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương. Lúc này, trên cẳng tay/chân chị C xuất hiện các nốt ban xuất huyết dạng đám.

Kiểm tra cho thấy, chị C bị nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ và viêm phổi. Chọc dịch não tủy có màu đục như nước vo gạo. Sau 17 ngày điều trị, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Chị C cho biết trước khi nhập viện, chị là người chuyên làm nghề giết mổ, (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

Những nguy cơ tiềm ẩn mà người ăn tiết canh phải đối mặt

Tiết canh là món ăn có nguồn gốc từ máu sống của gia súc (lợn, ngựa, dê…) hoặc gia cầm (vịt, ngan, ngỗng…).

Sau khi cắt, máu chảy từ cổ của động vật được cho vào một bát nước đã pha mắm, muối, mục đích là để tránh làm đông máu. Phần máu trong bát trộn đều với sụn, thịt nạc băm rồi ăn sống.

Không phải ai ăn tiết canh cũng mắc bệnh ngay lập tức, nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như tình trạng sức khỏe của gia súc và gia cầm, mức độ vệ sinh trong quá trình làm món… Tuy nhiên, tiết canh là một món ăn sống, giàu dinh dưỡng nên vi khuẩn dễ xâm nhập và phát triển nhanh chóng.

Nói chung, người ăn tiết canh có thể sẽ đối mặt với những nguy cơ dưới đây:

1. Rối loạn tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa thường gây đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy cấp hoặc sốt (trong trường hợp nhiễm trùng). Phần lớn triệu chứng của bệnh nhân chỉ ở mức trung bình nhẹ, nhưng đôi khi nó cũng gây nguy hiểm tính mạng.

Nguyên nhân có thể là do các vi khuẩn như tả, lỵ, E.Coli hoặc ngoại độc tố của tụ cầu vàng, vốn là một tác nhân thường xâm nhập vào thức ăn để lâu ngoài không khí.

Ngoài ra, trong máu của động vật có thể tồn tại nhiều hóa chất, chất tăng trưởng, thuốc kháng sinh và các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi. Điều này làm tăng nguy cơ lây nhiễm chất độc, chất phụ gia hoặc dị ứng các thành phần trong tiết canh.

2. Ấu trùng sán lợn xâm nhập

Trứng sán tồn tại trong các món sống như tiết canh, nem chua… có thể khiến người ăn bị nhiễm khuẩn. Ấu trùng sán thường ký sinh dưới da, mắt, cơ và đặc biệt là não bộ.

Sán não thường không gây triệu chứng rõ rệt cho đến khi người nhiễm xuất hiện những cơn co giật. Nó ít gây tử vong, nhưng hay để lại di chứng thần kinh nặng.

3. Nhiễm liên cầu khuẩn

Đây là một bệnh nhiễm khuẩn toàn thân nghiêm trọng do các vi khuẩn và độc tố của chúng liên tục xâm nhập vào máu.

Người nhiễm liên cầu khuẩn thường sốt cao, nổi ban xuất huyết ở bụng, ngực, chi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết, tổn thương thính lực…

Bệnh có thể dẫn tới sốc nhiễm trùng, suy đa tạng và tử vong.

4. Nhiễm virus

Trong dịch đường hô hấp của gia cầm thường tồn tại nhiều virus sống ký sinh. Một số chủng virus nguy hiểm như H1N1, H7N9… có độc tính rất cao.

Chúng chủ yếu lây lan qua đường hô hấp; tiếp xúc với gia cầm hoặc vật dụng có mầm bệnh; sử dụng thức ăn, nước, dụng cụ giết mổ… chứa virus từ dịch hô hấp. Mặt khác, bàn tay cũng là một tác nhân lây nhiễm cần lưu ý.

Các loại virus này thường gây tổn thương đường hô hấp trên và phổi của người bệnh, thậm chí dẫn tới tử vong.

5. Gout

Tiết canh có thể làm tăng đột biến lượng axit uric trong máu, từ đó gián tiếp làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh Gout cấp với nhiều triệu chứng gồm sưng, đỏ, nóng, đau khớp ngón chân cái…

Con đường nhiễm bệnh

Rất nhiều yếu tố biến món tiết canh trở thành một “ổ bệnh”, bao gồm:

  • Tiết canh gia súc, gia cầm thường lấy tại các khu vực giết mổ tập trung, vốn khó đảm bảo vệ sinh, có thể trở thành ổ chứa hàng triệu vi khuẩn.
  • Các vật dụng như dao, thớt, chậu và những đồ đựng kém vệ sinh.
  • Bản thân người giết mổ không vệ sinh tay sạch sẽ; hoặc virus, vi khuẩn lây nhiễm từ con vật nhiễm bệnh sang con vật khỏe mạnh.
  • Gia súc, gia cầm chứa nhiều mầm bệnh như virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng (theo báo Sức khỏe & Đời sống).

Ăn tiết canh có nguồn gốc từ lợn nuôi (tại nhà) có an toàn hơn không?

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Thực phẩm - Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: lợn sạch có thể không mắc bệnh, song rất khó để biết tình trạng sức khỏe thật sự của nó. Có khả năng lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn hoặc nhiều bệnh khác mà mắt thường không thấy được.

Mặt khác, lợn trong quá trình nuôi có thể tích lũy các chất độc trong máu. Vậy nên, ông khuyên rằng dù tiết canh có nguồn gốc từ lợn nuôi tại nhà hay không, mọi người vẫn nên duy trì thói quen ăn chín, uống sôi trong mọi thời điểm, (theo Vnexpress).

Hoàng Tuấn tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Ăn tiết canh, thái thịt tại đám cưới, người đàn ông bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn