Bằng chứng cho thấy có hành tinh giống Trái đất mới ẩn náu trong hệ Mặt trời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hai nhà thiên văn học ở Nhật Bản gần đây đã phát hiện ra bằng chứng khả thi cho thấy sự tồn tại của một hành tinh giống Trái đất, được gọi là "hành tinh thứ Chín" ở vòng ngoài của hệ Mặt trời, nằm xa hơn so với sao Hải Vương.

Hai nhà thiên văn học - Patryk Sofia Lykawka thuộc Đại học Kindai Nhật Bản và Takashi Ito thuộc Đài quan sát Thiên văn Quốc gia Nhật Bản - đã công bố nghiên cứu của họ trên Astronomical Journal vào ngày 25/8.

Nghiên cứu tiết lộ khả năng có sự hiện diện của một hành tinh khổng lồ giống Trái đất trong Vành đai Kuiper - “một vòng tròn có hình dạng giống chiếc bánh vòng của các vật thể băng giá” bao quanh Mặt trời, trải dài xa hơn ngoài quỹ đạo của sao Hải Vương, theo NASA.

Các nhà khoa học cho biết: “Chúng tôi dự đoán sự tồn tại của một hành tinh giống Trái đất và một số TNO [vật thể bên ngoài sao Hải Vương] trên các quỹ đạo đặc biệt trong hệ Mặt trời, có thể đóng vai trò là các dấu vết có thể kiểm chứng bằng quan sát về sự nhiễu loạn của hành tinh giả định này”.

Các nhà khoa học dự đoán rằng, nếu hành tinh thứ Chín thực sự tồn tại, nó sẽ có khối lượng gấp 1,5 đến 3 lần Trái đất, nằm cách Mặt trời 500 đơn vị thiên văn (AU), với quỹ đạo nghiêng 30 độ.

Họ tin rằng việc phát hiện ra một hành tinh như vậy có thể giúp làm sáng tỏ các đặc tính cơ bản của Vành đai Kuiper, bao gồm “một quần thể đáng kể các TNO có quỹ đạo nằm ngoài ảnh hưởng hấp dẫn của sao Hải Vương, một quần thể đáng kể các vật thể có độ nghiêng lớn và sự tồn tại của một số vật thể cực đoan có quỹ đạo đặc biệt”.

Các nhà nghiên cứu viết: “Điều hợp lý là một vật thể hành tinh nguyên thủy có thể tồn tại trong Vành đai Kuiper xa xôi dưới dạng KBP [hành tinh Vành đai Kuiper], giống như nhiều vật thể như vậy đã tồn tại trong hệ Mặt trời sơ khai”.

“Thông tin chi tiết hơn về cấu trúc quỹ đạo trong Vành đai Kuiper xa xôi có thể tiết lộ hoặc loại trừ sự tồn tại của bất kỳ hành tinh giả định nào tại vòng ngoài hệ Mặt trời”.

“Sự tồn tại của một hành tinh trong vành đai Kuiper cũng có thể đưa ra những hạn chế mới đối với sự hình thành hành tinh và sự phát triển động học trong vùng bên ngoài sao Mộc”.

Theo NASA, các nhà thiên văn học đang nghiên cứu về khả năng tồn tại của hành tinh thứ Chín có thể giúp giải thích quỹ đạo đặc biệt của một số vật thể trong Vành đai Kuiper.

Một phát hiện trước đây về hành tinh có quỹ đạo kỳ lạ và rất dài

Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu của Viện Công nghệ California đã tìm thấy bằng chứng về một hành tinh “có quỹ đạo kỳ lạ, rất dài” ở vòng ngoài hệ Mặt trời, có khối lượng gấp khoảng 10 lần Trái đất và có quỹ đạo cách xa Mặt trời trung bình khoảng 20 lần so với sao Hải Vương.

Các nhà nghiên cứu Konstantin Batygin và Mike Brown ước tính rằng hành tinh mới này sẽ mất từ ​​10.000 đến 20.000 năm để đi hết một vòng quỹ đạo quanh Mặt trời.

Hành tinh này chưa được quan sát trực tiếp. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra sự tồn tại của hành tinh này thông qua mô hình toán học và mô phỏng máy tính.

Ông Brown cho biết hành tinh thứ Chín trong giả thuyết, lớn hơn sao Diêm Vương 5.000 lần, đủ lớn để không cần phải tranh cãi về việc liệu nó có phải là hành tinh thực sự hay không.

“Đây sẽ là hành tinh thứ Chín thực sự”, ông nói.

"Chỉ có hai hành tinh thực sự được phát hiện kể từ thời cổ đại, và đây sẽ là hành tinh thứ ba. Nó là một phần khá lớn của hệ Mặt trời của chúng ta vẫn còn đang chờ được khám phá, điều đó khá thú vị”.

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Bằng chứng cho thấy có hành tinh giống Trái đất mới ẩn náu trong hệ Mặt trời