Bất chấp Phố Wall sốt ruột, Fed kiên định với mục tiêu tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp tới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ hôm qua một lần nữa khẳng định rằng ông đặt ưu tiên giảm lạm phát trong chính sách tiền tệ. Điều này tương đương với việc Fed sẽ kiên định tăng lãi suất cơ bản thêm 75 điểm cơ bản trong kỳ họp vào ngày 21-22/9 tới đây nhằm nhanh chóng hạ nhiệt lạm phát hoành hành đang đè nặng các gia đình Mỹ.

Theo Thời báo Phố Wall, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) dường như đang kiên định với mục tiêu tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong tháng này (cuộc họp định kỳ 20-21/9) sau khi Chủ tịch Jerome Powell cam kết giảm lạm phát dù mục tiêu này làm tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Phát biểu ngày 7/9 vừa qua, Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết Fed sẽ kiên định với mục tiêu giảm lạm phát. Để đạt được điều này, cần thời gian và cả những cái 'giá' phải trả về việc làm và tăng trưởng để đổi lấy ổn định giá cả, tiền tệ.

Các định chế, các tạp chí tài chính đều sử dụng từ khoá "diều hâu" để nói về chính sách lãi suất mà Fed đang theo đuổi hiện nay. Goldman Sachs dự báo Fed gần như chắc chắn sẽ tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản trong kỳ họp tháng 9 và 50 điểm cơ bản hai tháng sau đó (vào tháng 11). Như vậy, cho tới hết năm 2022, lãi suất cơ bản của Fed dự báo ở mức 3,75% (hiện đang là 2,5%).

Goldman Sachs cho biết các quan chức Fed gần đây "đã có vẻ diều hâu" và ngụ ý rằng tiến độ trong việc kiềm chế lạm phát không đồng đều hoặc nhanh chóng như họ mong muốn.

Sự sốt ruột của Phố Wall với chính sách lãi suất của Fed dễ lý giải. Cùng với đà tăng lãi suất cơ bản, dòng vốn rút khỏi thị trường đầu tư, đầu cơ tài chính và đổ về trái phiếu chính phủ Mỹ, dòng tiền khắp toàn cầu cũng đổ về thị trường này. Do vậy, thị trường chứng khoán sẽ suy giảm mạnh, các thị trường tài sản tài chính, vốn tăng trưởng trong thời gian dài nhờ đòn bẩy và đầu cơ, có nguy cơ đổ vỡ. Đây là điều mà hết thảy các nhà đầu tư tài chính ở Phố Wall đều không mong đợi.

Thị trường chứng khoán Phố Wall đã lao dốc kể mạnh hơn trong vài tuần gần đây từ khi các quan chức của Fed tuyên bố rằng họ ưu tiên kiểm soát lạm phát. Nỗi lo về lạm phát của Fed có vẻ như không đồng điệu với thông điệp về lạm phát của chính quyền ông Biden. Vào tháng 8/2022, chính quyền ông Biden tuyên truyền rằng lạm phát ở Mỹ đã qua đỉnh vào tháng 7/2022 và lạm phát tăng theo tháng đã về mức 0%.

Thực tế, lạm phát tháng 7/2022 ở mức 8,5%, thấp hơn mức đỉnh 9,1% vào tháng 6/2022. Nhưng lạm phát lõi (đã bỏ đi giá lương thực, giá năng lượng) tháng Bảy của Mỹ không hề giảm so với tháng trước đó (5,9%) cho thấy lạm phát đã thiết lập mặt bằng giá cả mới ở hàng hoá ngoài năng lượng và thực phẩm. Chưa kể, nguyên nhân lạm phát ở Mỹ không chỉ do giá năng lượng và lương thực tăng mạnh bởi chiến tranh Nga - Ukraine hay do đứt gãy chuỗi cung ứng vì đại dịch và Zero Covid của Trung Quốc.

Lạm phát ở Mỹ đã tăng từ tháng 2/2021 sau cả thập kỷ giữ mức lãi suất cơ bản gần bằng 0 là 0,25 -0,5%. Tiền quá rẻ khuyến khích đòn bẩy tài chính (nợ) đổ vào các thị trường tài sản tài chính, đảo nợ và đầu cơ; một số trong đó không hề tạo ra giá trị như nuôi các doanh nghiệp xác sống, đầu cơ ngành công nghệ tiền ảo, đánh bạc trên thị trường phái sinh,... Lạm phát cao, kéo dài và bền vững là kết quả tất yếu của những hoạt động kinh tế như vậy. Nếu theo đuổi chính sách lạm phát mục tiêu kiên định, Fed sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn nữa, có thể tới 5 - 6% để hạ nhiệt giá tài sản dù cái giá phải trả là sự đình đốn của tăng trưởng.

Quang Nhật



BÀI CHỌN LỌC

Bất chấp Phố Wall sốt ruột, Fed kiên định với mục tiêu tăng lãi suất thêm 0,75% trong kỳ họp tới