Bi kịch của người dân ở Trác Châu và thể diện của lãnh đạo ĐCSTQ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thành phố Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, có 1 triệu dân vừa trở thành Hồ Trác Châu, hồ nhân tạo lớn nhất miền bắc Trung Quốc.

Có thời điểm, mực nước sâu trong khu đô thị dâng cao lên đến 7 mét, cây cối trong khu dân cư gần như chìm nghỉm trong nước, đèn giao thông bên ngoài khu dân cư sắp bị nhấn chìm. Nhiều thôn làng cũng bị nhấn chìm, có thôn nước ngập đến tận tầng 3. Hiện vẫn còn rất đông người dân tập trung ở những nơi cao ráo chờ giải cứu.

Tại sao lần này Trác Châu lại bị ngập lụt nặng nề như vậy? Vì sao không thể xả lũ ở Tân khu Hùng An? Tại sao lại chọn một khu vực nhỏ với mật độ dân số dày đặc để giải xả lũ?

Theo các phương tiện truyền thông chính thống, nguyên nhân là do mưa quá nhiều, đây là một thảm họa tự nhiên. Thảm họa ở Trác Châu chắc chắn là do mưa lớn gây ra, nhưng đó cũng là do việc chính quyền xả lũ và phân dòng lũ. Kết quả là lũ lụt ở Trác Châu “vừa là thiên tai vừa là nhân họa”.

Vậy tại sao chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại chọn xả lũ và phân dòng lũ về Trác Châu?

Theo một người trong cuộc, không một giọt nước lũ nào ở miền Bắc Trung Quốc lọt vào Hồ Bạch Dương lần này. Tại sao Trác Châu bị lũ lụt mà không phải những nơi khác? Bởi vì nước lũ từ thượng nguồn đổ về Trác Châu và cây cầu lớn thôn Tỳ ở Cố An, nên không có chỗ thoát nước.

Nếu xả lũ về hướng Thiên Tân, đương nhiên sẽ đi qua Cố An, nhưng sân bay Đại Hưng ở đó, nên không thể xả về phía Cố An. Còn nếu xả lũ về hồ Bạch Dương như trước, thì chắc chắn nước sẽ nhấn chìm Tân khu Hùng An, vì vậy cũng không thể xả nước lũ về hướng Hùng An. Cuối cùng, Trác Châu ở phía Tây Nam đã trở thành một lựa chọn tất yếu.

Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia về tài nguyên đất và thủy lợi hiện đang sinh sống ở Đức, đã phân tích sâu hơn về vấn đề này trong một chương trình của đài NTDTV.

Ông cho biết, lũ lụt ở Bắc Kinh năm nay chủ yếu tập trung ở hai con sông lớn, một trong số đó là sông Vĩnh Định chảy qua Môn Đầu Câu ở Bắc Kinh. Ngoài ra còn có sông Cự Mã, chảy qua Phòng Sơn ở Bắc Kinh, trước khi chảy qua Trác Châu đến Bảo Định, và sau đó đến Hùng An.

Ông cho biết, Bắc Kinh đang xả lũ và đã thực hiện các biện pháp phân dòng lũ. Mục đích chính của việc phân dòng lũ là giảm áp lực cho hạ lưu và bảo vệ Tân khu Hùng An.

"Một trong những vấn đề mà Trác Châu hiện đang phải đối mặt là nó phải đảm nhận nhiệm vụ phân dòng nước lũ ở thượng nguồn của Tân khu Hùng An. Mức độ bảo vệ của Tân khu Hùng An này gần giống như của Bắc Kinh. Địa thế của nó rất thấp. Nếu lũ lụt đổ xuống, thì sẽ khó có thể bảo vệ được Tân khu Hùng An”.

Ông Vương Duy Lạc cho biết, phải mất sáu năm và 30 tỷ nhân dân tệ để xây dựng hệ thống kiểm soát lũ lụt ở Tân khu Hùng An. Ở bờ nam sông Cự Mã, phía bắc Hùng An, đã xây dựng một bờ kè ngăn lũ rất cao và dày. Tuy nhiên, nếu lượng lũ quá lớn đổ về từ thượng nguồn thì hệ thống kiểm soát lũ này cũng trở nên vô hiệu. Do đó, vì phải hấp thụ một phần lũ ở khu vực thượng nguồn trước khi lũ về, nên mới khiến Trác Châu rơi vào tình thế “nguy kịch”.

Giới chức ĐCSTQ cũng công khai đề cập đến tầm quan trọng của việc bảo vệ Hùng An. Ông Lý Quốc Anh (Li Guoying), Bộ trưởng Bộ Thủy lợi của ĐCSTQ, đã tuyên bố trong buổi họp chuyên đề hôm 01/08 rằng: phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc kiểm soát lũ lụt ở thủ đô Bắc Kinh và sân bay Đại Hưng, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho việc kiểm soát lũ lụt ở Tân khu Hùng An.

Thế nào là "an toàn tuyệt đối"? Theo ngôn ngữ chính thức của ĐCSTQ, thì chính là phải được thực hiện bằng mọi giá.

Vậy thì tại sao ĐCSTQ lại phải phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tân khu Hùng An mà không phải những nơi khác như Trác Châu? Giống như những gì một cư dân mạng đã nói: “Cứ cho là sinh mạng của người dân ở Bắc Kinh là sinh mạng của giới thượng lưu, so với sinh mạng của thường dân thì quý giá hơn. Tuy nhiên, Tân khu Hùng An còn chưa xây dựng xong, ít người sinh sống, thậm chí càng ở hạ lưu thì thời gian di tản càng nhanh, vậy tại sao không thể xả lũ về đây? Vì sao phải chọn một nơi nhỏ bé, đông dân như Trác Châu để xả lũ?”.

Phản hồi về vấn đề này, ông Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc, đã đưa ra câu trả lời rõ ràng.

Theo tài khoản chính thức của chính quyền Trác Châu, trong chuyến thị sát công tác kiểm soát lũ lụt và cứu hộ ở Bảo Định và Tân khu Hùng An hôm 01/8 và 02/8, ông Nghê Nhạc Phong nói rằng việc xây dựng Tân khu Hùng An là một kế hoạch thiên niên kỷ và là một sự kiện trọng đại của quốc gia, nên không thể để xảy ra vấn đề sai sót. Hàm ý của tuyên bố này là Tân khu Hùng An là một dự án được lãnh đạo cấp cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình chỉ định, và đó là vấn đề thể diện của ông ấy. Vậy thì có thể để an ninh bị tổn hại không? Dĩ nhiên là không!

Bằng cách này, tính mạng và tài sản của 1 triệu người ở Trác Châu nghiễm nhiên trở thành một trong những cái giá phải trả cho việc này. Điều này có gì lạ không? Không có gì lạ. Để bảo vệ thể diện và quyền lực của mình, lãnh đạo ĐCSTQ chưa bao giờ quan tâm đến cuộc sống của người dân!

Đối với người dân Trác Châu, mặc dù bây giờ rất khốn khổ, nhưng thảm họa thực sự có thể không phải là xả lũ và phân dòng lũ, mà là mực nước dâng cao kéo dài liên tục, khiến nhiều nạn nhân bị mắc kẹt trong dòng nước lũ.

Mực nước cao ở nhiều khu vực của vùng lũ sẽ giảm trong ít nhất một tháng. Ngâm lâu trong nước lũ dẫn đến vô số thảm họa thứ cấp. Kết quả là, tai họa tồi tệ nhất có thể chỉ mới bắt đầu.

Theo The Epoch Times Tiếng Trung

Huyền Anh biên dịch

Trung Quốc


BÀI CHỌN LỌC

Bi kịch của người dân ở Trác Châu và thể diện của lãnh đạo ĐCSTQ