Trung Quốc: Hơn 130.000 người ở Trác Châu gặp nạn, thông báo sơ tán không đề cập đến xả lũ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người dân ở Trác Châu, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt mưa lũ vừa qua của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc phản ánh rằng thông báo ban đầu chỉ đề nghị sơ tán chứ không đề cập đến việc xả lũ. Khi dân làng biết thông tin xả lũ thì đã quá muộn. Trong đợt thảm họa này có hơn 130.000 người bị ảnh hưởng, đến nay vẫn còn một lượng lớn người dân trong làng mất liên lạc, bị mắc kẹt trên mái nhà, thấp thỏm chờ được giải cứu.

Sau khi hứng chịu mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp, thủ đô Bắc Kinh và nhiều nơi ở tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc xảy ra lũ lụt nghiêm trọng. Nhiều video quay cảnh lũ lụt được đăng trên Internet cho thấy, sau khi đỉnh lũ qua đi, phát hiện xác người chết nằm trong nước bùn, rất nhiều ô tô cá nhân bị lũ cuốn trôi. Hiện tại vẫn rất khó để thống kế số người tử vong và mất tích thực tế.

Sau khi các hồ chứa lớn, nhỏ ở Bắc Kinh lần lượt xả lũ trong thời gian ngắn, thành phố Trác Châu, nơi tiếp giáp với quận Phòng Sơn của Bắc Kinh ở phía bắc, đã trở thành khu vực bị ngập lụt nghiêm trọng. Rất đông người dân không kịp sơ tán, nước lũ dâng cao khoảng 3m và họ bị mắc kẹt trên mái nhà, điện thoại di động hết pin hoặc không có tín hiệu, lương thực gần như cạn kiệt.

Một số video được đăng tải trên Internet cho thấy, khu dân cư gần chợ Đại Thạch Kiều trên quốc lộ 107 ở thành phố Trác Châu vẫn bị nước bao phủ, có rất nhiều lời kêu cứu.

Ngoài ra còn có video cho thấy, ngôi nhà của dân làng ở Trác Châu đã nhà bị nhấn chìm, chỉ có thể chờ cứu hộ trên cột điện.

Tài khoản WeChat công chúng “Bắc Thanh Thâm Nhất Độ” (Beiqingshenyidu) đã liên hệ với một số dân làng bị mắc kẹt ở Trác Châu vào ngày 1/8 và biết được một số tình hình thực tế trước khi địa phương xả lũ.

Theo những cư dân này phản ánh, hầu hết họ đã nhận được thông báo sơ tán vào ban ngày 31/7. Tuy nhiên, do thông báo chỉ đề nghị mọi người sơ tán mà không đề cập đến việc xả lũ nên nhiều người dân hoàn toàn không nhận thức được mức độ nghiêm trọng của tình hình. Khi các hồ chứa lớn, nhỏ ở thượng nguồn bắt đầu xả lũ, tốc độ nước lũ dâng lên thay đổi “theo từng giờ đồng hồ một” đã nằm ngoài dự tính của mọi người.

Ông Lưu Khánh (Liu Qing), 52 tuổi, và gia đình sống ở phía tây làng Đại Mã, một ngôi làng nằm ở vị trí khá cao. Ông từng trải qua trận mưa xối xả vào ngày 21/7/2012. Lúc đó, lũ chỉ tràn vào từ phía nam của ngôi làng và ngừng dâng khi đến cửa nhà ông. Phán đoán theo kinh nghiệm năm đó, sau khi cho hai đứa con của mình sơ tán vào sáng ngày 31/7, ông đã một mình ở lại nhà.

Tuy nhiên, chỉ sau khi mực nước đột ngột dâng cao vào đêm 31/7, ông mới phát hiện ra rằng so với trận mưa ngày 21/7/2012, trận lũ lần này nhanh và mạnh hơn, mực nước gần như thay đổi theo từng giờ. Sáng 1/8 khi nhìn thấy cây cầu gần làng đột ngột biến mất, ông Lưu Khánh cảm thấy "lạnh sống lưng".

Bà Trương Đình (Zhang Ting) sống ở làng Sa Oa, nằm xa hơn về phía hạ lưu sông Bắc Cự Mã. Bà nói với phóng viên Trung Quốc rằng đã nhận được thông báo "khuyến nghị di chuyển" từ nhóm chat của dân làng vào chiều ngày 31/7, nhưng thông báo không đề cập rõ ràng rằng họ sắp xả lũ. Lúc đó bà Trương thấy nước trong làng không nhiều nên cũng không quan tâm. Mãi đến 8-9h tối mới có thông báo xả lũ. Nhưng lúc này, dòng nước ở bốn lối ra vào thôn chảy rất xiết, bà phát hiện rằng không thể ra ngoài được nữa.

Gia đình của bà Vương Mẫn (Wang Min) ở cùng làng với bà Trương Đình, họ bị mắc kẹt trên tầng hai của ngôi nhà, đứa con ba tháng tuổi của bà khóc liên tục. Ban đêm bị cắt điện, nước uống cạn kiệt, điện thoại di động của bà chỉ còn 20% pin. "Từ khi có thông báo đến khi mất điện chưa đến 10 phút, đã quá muộn để chuẩn bị".

Do thiếu lực lượng cứu hộ, người dân ở một số ngôi làng bắt đầu tập trung người trên các nhóm WeChat và dùng xe nâng để tự giải cứu. Nhưng có quá nhiều người bị mắc kẹt, cách giải cứu tự phát này vẫn chỉ là muối bỏ bể.

Bà Lý Huệ (Li Hui) sống ở làng Tây Đàn, nằm trên bờ tây sông Bắc Cự Mã. Toàn bộ già trẻ lớn bé trong nhà bà bị mắc kẹt trên tầng hai của ngôi nhà, trong đó có một người già vừa mới phẫu thuật tim. Bà Lý nói với phóng viên Trung Quốc rằng thức ăn còn lại trong nhà “chỉ đủ cho một bữa ăn nữa".

Anh Triệu Minh (Zhao Ming) ở làng Tây Đàn đã bị mắc kẹt trên mái nhà của mình cả đêm. Đến trưa ngày 1/8, anh không còn gì để ăn. Triệu Minh nói rằng, theo như những gì anh có thể nhìn thấy quanh nhà mình, ngoại trừ những người dân làng đang lánh nạn ở tầng hai, tầng ba hoặc trên nóc nhà của họ, xung quanh chỉ thấy một vùng ngập nước. Công trình nhà xưởng cao hơn 3m cũng đã bị nhấn chìm.

Theo số liệu thống kê chính thức do thành phố Trác Châu công bố, tính đến 10h sáng ngày 1/8, trong đợt mưa lũ này có 133.913 người và 146 ngôi làng ở Trác Châu bị ảnh hưởng, trên một phạm vi rộng 225,38 km2. Tính đến 5h chiều ngày 31/7, diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai lũ lụt được thống kê là 9.726 mẫu (hơn 648 ha).

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Hơn 130.000 người ở Trác Châu gặp nạn, thông báo sơ tán không đề cập đến xả lũ