Bắc Kinh xả lũ hồ chứa, một thành phố lân cận 'chịu trận'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Doksuri, khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc của Trung Quốc gần đây đã phải hứng chịu mưa lớn và lũ lụt. Nhiều con sông ở Bắc Kinh đã vượt giới hạn cảnh báo lũ, mực nước dâng nhanh. Để bảo vệ kinh thành, Bắc Kinh đã mở các cửa xả lũ khiến nhà cửa ở nhiều vùng hạ lưu bị ngập, gây thiệt mạng nhân mạng.

Theo tờ The Beijing News, ngày 31/7, mực nước sông Vĩnh Định ở Bắc Kinh dâng cao nhanh chóng và phải mở cửa xả lũ, sau đó trong quá trình xẻ nước lũ, dòng nước chảy xiết đến mức khiến trụ cầu nhịp thứ tư của cầu Tiểu Thanh Hà bị cuốn trôi.

Cùng ngày, hồ chứa nước Hoài Nhu ở Bắc Kinh cũng vượt mực nước giới hạn lũ và bắt đầu xả lũ vào sông Hoài Hà, sau đó tiếp tục tăng lưu lượng xả lũ vào ngày 1/8. Cùng lúc, 4 hồ chứa khác ở quận Hoài Nhu cũng lần lượt tiến hành xả lũ.

Thành phố Trác Châu thuộc tỉnh Hà Bắc - tỉnh nằm sát sườn Bắc Kinh - trở thành vùng chịu nạn trong đợt xả lũ lần này của Bắc Kinh. Theo tuần báo Southern Weekly của Quảng Châu, một nhân viên Cục quản lý Ứng phó Khẩn cấp Thành phố Trác Châu thừa nhận rằng việc xả lũ ở thượng nguồn (Bắc Kinh) là một trong những nguyên nhân khiến mực nước tại đây dâng cao trong ngày 31/7.

Tối ngày 1/8, tờ The Paper của Trung Quốc đưa tin, tất cả các con sông ở Trác Châu đã khởi động cảnh báo đỏ và chuyển sang trạng thái phòng lũ khẩn cấp từ tối ngày 31/7.

Người dân địa phương phản ánh rằng hầu như toàn bộ thành phố Trác Châu đã bị ngập, các con đường chính và khu dân cư trong thành phố về cơ bản bị úng nước. Theo tin tức trên Internet, nhiều ngôi làng đã bị nhấn chìm hoàn toàn, người dân không được di dời và chính quyền nhiều nơi đã không thông báo trước khi xả lũ.

5000 người dân trong một ngôi làng bị mắc kẹt

Vào sáng ngày 1/8, ông Lưu (Liu), một người dân tự phát đến làng Hạ Niên Đầu ở thành phố Trác Châu để cứu hộ, nói với The Epoch Times: “Nước tương đối lớn, hiện thượng nguồn đã bắt đầu xả lũ, mực nước lại dâng cao thêm 30 cm. Một số làng có thông báo xả lũ, trong khi một số khác thì không”.

Ông cho hay: "Thôn này rất lớn, dân làng nói [có] hơn 5.000 người. [Về việc] không có thông báo xả lũ, phải hỏi chính quyền. Nếu không xả lũ thì sẽ không ngập nặng như vậy. Nước trong thôn sâu chừng 2 mét, có nơi ngập nặng đến 3 mét, những ngôi nhà ở vùng trũng đã bị ngập đến nóc. Khi các thành viên trong nhóm của chúng tôi xuống nước để cứu người, vừa xuống cái là không thấy bóng dáng đâu".

Vào khoảng 9h sáng ngày 1/8, ông Lưu và hơn chục người đã đến làng Hạ Niên Đầu, sau đó cũng có những người khác lần lượt đến giải cứu, đội cứu hộ tự phát này có tổng cộng hơn 20 người.

Ông nói: "Dân làng đều bị mắc kẹt trong làng, không có người dẫn đường, chúng tôi phải tự lái thuyền vào trong và đưa mọi người ra theo từng chuyến một. Nhưng cũng không kéo được nhiều người ra ngoài vì có quá nhiều dòng nước ngầm trong làng. Thiết bị của chúng tôi không thể đưa quá nhiều người đi cùng một lúc. Chúng tôi đã cứu được 20-30 người".

Có rất nhiều người kêu cứu trên mái nhà. Cột điện bị đổ nên trong làng đã mất điện. "Chiếc thuyền kayak nhân tạo của chúng tôi hoàn toàn không thể chèo vào được, dòng chảy ngầm rất xiết, (việc giải cứu) rất khó khăn".

Nhóm của ông Lưu thấy rằng khả năng cứu hộ có hạn nên họ đã báo cho dân làng để tự cứu chính mình. "Tôi đã vào thôn và hô hào thông báo rồi. Năng lực cứu hộ của chúng tôi không đủ, [bà con] hãy bịt miệng thùng nước uống để dùng nó làm vật thể nổi [mà bám vào]".

Chính quyền địa phương không giúp đỡ gì cho đội cứu hộ tự phát

Ông Lưu đã gọi điện cho Chính quyền thành phố Trác Châu vào buổi sáng, nhưng không có số nào trong số ba số đó bắt máy. Ông cũng đã liên hệ với 110 địa phương (để gọi cảnh sát phản ứng nhanh), phía 110 nói rằng họ rất cảm ơn nhưng cũng không thể làm gì được.

Ông Lưu cho biết: "Hình như chiều nay có tàu thuyền của chính quyền đến, nhưng không phải để cứu người dân ở đây mà đi nơi khác. Tôi là người ở huyện bên cạnh nên không biết họ đi đâu. Tôi cũng không biết các lãnh đạo ủy ban thôn đang làm gì, tôi thật muốn chửi đổng họ, không biết đang làm cái gì nữa".

"Đội cứu hộ của chúng tôi có một chiếc thuyền bị hỏng ở vùng lũ. Chúng tôi hiện đang tự cứu chính mình và không thể làm gì được (để giải cứu dân làng)".

Ông Lưu nói rằng họ đã cố gắng hết sức, nhưng họ không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ chính quyền địa phương. "Chúng tôi không uống một chai nước của họ, không ăn một cái bánh quy của họ, cũng không đổ xăng của họ, chúng tôi thậm chí không thấy người của chính quyền đến giải cứu".

Theo ông Lưu, mực nước vẫn đang dâng cao: "Chúng tôi đến vùng đất khô ráo vào buổi sáng, nhưng bây giờ nước [ở đó cũng] đang chảy xiết rồi. Chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc sơ tán. Trời sẽ tối sớm. Người của chúng tôi cũng bị mắc kẹt bên trong, có 7 người bị mắc kẹt, chiếc thuyền bị hỏng bên trong đó không thể sửa chữa được. Nước bên trong [làng] rất sâu, dòng nước ngầm lại chảy xiết. Nếu không có dòng chảy ngầm, chúng tôi có thể chèo thuyền kayak ra ngoài, nhưng căn bản là không chèo được”.

Ông cho biết, ở Trác Châu có quá nhiều nơi bị nạn, ông đã nhận được rất nhiều cuộc gọi kêu cứu.

Tình hình ở nơi khác cũng nguy cấp: Nhiều người bị mắc kẹt, không có nước, điện và thức ăn

Ông Cao (Gao) ở làng Ninh thuộc thành phố Trác Châu nói với tờ The Paper rằng, hiện trời không còn mưa nhưng nơi ngập sâu nhất trong làng là khoảng 4 mét, có một số ngôi nhà "chỉ còn có thể nhìn thấy phần mái”.

Khi nước lũ dâng cao vào sáng sớm, loa phát thanh thôn Ninh đã thông báo cho dân làng sơ tán khẩn cấp. Dân làng tạm ở trên những ngôi nhà cao tầng nhưng luôn trong tình trạng mất điện, nước sinh hoạt, thực phẩm cũng thiếu hụt.

Ngoài ra, nhiều người bị mắc kẹt nói với tờ Jiemian News vào ngày 1/8 rằng họ vẫn đang chờ giải cứu và tình hình rất khẩn cấp.

Ông Vương Bằng (Wang Peng) sống trong một khu chung cư ở đường Bắc Hoàn, thành phố Trác Châu nói với Jiemian News rằng trong nhà có 5 người, kể cả người già và trẻ em. “Không có nước, điện và gas, buổi trưa tôi chỉ biết lấy những quả trứng còn sót lại trong tủ rồi nhóm lửa luộc chúng”. Ông cũng cho biết nước đã tràn đến hành lang tầng 2 của khu chung cư.

Bà Triệu (Zhao) ở khu Đông Quan, thành phố Trác Châu cho biết người dân đã được ủy ban khu phố thông báo chuyển đi vào chiều ngày 31/7, nhưng do thời gian hạn chế nên gia đình 9 người của bà khó có thể sơ tán nhanh chóng. “Tôi còn đang ở cữ, trong nhà còn 4 đứa con nên căn bản là không di chuyển được”.

Tất cả các cửa hàng quanh khu vực bà Triệu sinh sống đều đóng cửa, thực phẩm trong nhà cũng khó có thể bảo quản lâu.

Bốn người, bao gồm cha và anh em trai của bà Triệu cũng đang bị mắc kẹt tại quê nhà của họ ở làng Bắc Quan. Bà cho biết, nước lũ bắt đầu dâng lên từ nửa đêm 31/7. Đến khoảng 13h ngày 1/8, bà gọi điện thoại cho cha thì được biết nước lũ đã ngập vào tầng 1, các ngôi nhà ở vùng trũng thấp đều đã bị ngập chìm, người dân chỉ biết chờ đợi trên mái nhà. Không có nước, không có điện, không có thức ăn, một nửa số người ở làng Bắc Quan đang bị mắc kẹt tại chỗ.

Jiemian News cho biết, do trạm tín hiệu bị ngập, liên lạc bị gián đoạn nên không thể liên lạc với nhiều người bị mắc kẹt ở Trác Châu, trong đó có nhiều người già và trẻ em.

Ông Giả Bân (Jia Bin), người bị mắc kẹt tại Khu công nghiệp Bao Tử Phố, cho biết ông bị mắc kẹt trong nhà máy vào đêm 31/7 và có tổng cộng 19 người đang chờ được giải cứu. "Nhà máy nơi chúng tôi ở rất gần sông. Đêm qua, tôi đang ngủ say thì được thông báo phải mau chóng sơ tán. Nước lũ đã tràn vào ký túc xá cạnh nhà máy".

Ông Giả Bân cho biết: "Trong số 19 người bị mắc kẹt, chỉ có điện thoại di động của tôi vẫn còn chút pin".

Theo thông báo chính thức, đến trưa ngày 1/8, tại Trác Châu đã có 9 người chết và 6 người mất tích. Tuy nhiên, vì chính quyền Trung Quốc luôn che giấu sự thật nên công chúng thường không tin vào con số này.

Trong khi chưa thấy bóng dáng của lực lượng cứu hộ từ chính quyền, các kênh truyền thông chính thống cũng không quan tâm, phần lớn người dân chỉ có thể lên mạng tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Theo thống kê từ cư dân mạng, đến 14h ngày 1/8 trên Internet đã xuất hiện hơn 800 tin nhắn cầu cứu từ người dân vùng lũ.

Theo The Epoch Times tiếng Trung

Minh Lý biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Bắc Kinh xả lũ hồ chứa, một thành phố lân cận 'chịu trận'