Các nhà nghiên cứu dự báo số ca tử vong do đột quỵ ​​​​sẽ tăng 50% vào năm 2050

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một báo cáo mới, số ca tử vong do đột quỵ có thể tăng 50% trong ba thập kỷ tới, trong đó các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình chiếm tới 91% trường hợp.

Đột quỵ, còn gọi là đột quỵ não, xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần não bị tắc nghẽn hoặc khi mạch máu trong não bị vỡ. Trong cả hai tình huống này, các bộ phận của não có thể bị tổn thương hoặc chết. Đột quỵ có thể dẫn đến tổn thương não kéo dài, tàn tật và thậm chí tử vong.

Năm 2020, đột quỵ là nguyên nhân gây ra 6,6 triệu ca tử vong trên toàn cầu và là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai. Một báo cáo ngày 9 tháng 10 từ Tổ chức Đột quỵ Thế giới - Ủy ban Thần kinh Lancet ước tính con số này sẽ tăng lên 50%, tức 9,7 triệu ca vào năm 2050.

“Chúng tôi dự đoán một cách tuyệt đối về sự gia tăng số lượng của các ca tử vong do đột quỵ ở những người từ 60 tuổi trở lên (từ 5,6 triệu) vào năm 2020 lên 8,8 triệu vào năm 2050, có thể là do dân số già đi”.

“Ngược lại, số ca tử vong ở những người dưới 60 tuổi vào năm 2050 được dự đoán sẽ gần bằng năm 2020”.

Có sự khác biệt lớn về tỷ lệ tử vong do đột quỵ giữa các quốc gia có thu nhập cao, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, sự khác biệt mà báo cáo dự kiến ​​sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới.

“Một cách tuyệt đối, số người được dự đoán tử vong vì đột quỵ sẽ chỉ giảm nhẹ ở nhóm quốc gia có thu nhập cao, trong khi tăng mạnh ở nhóm quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

Năm 2020, 86% số ca tử vong toàn cầu do đột quỵ xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, con số này được dự đoán sẽ tăng lên 91% vào năm 2050. Đến thời điểm này, các quốc gia có thu nhập cao sẽ chỉ chiếm 9% tổng số ca tử vong do đột quỵ toàn cầu.

Trong số 9,7 triệu ca tử vong do đột quỵ vào năm 2050, 4,9 triệu sẽ xảy ra ở khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Châu Đại Dương. Nam Á dự kiến ​​sẽ có 1,6 triệu người chết. Tỷ lệ tử vong chuẩn hóa theo độ tuổi được dự đoán sẽ giảm ở Trung Âu, Trung Á và Đông Âu.

Báo cáo cho rằng gánh nặng đột quỵ cao ở các nước có thu nhập thấp và trung bình là do nhiều yếu tố như tăng huyết áp không được phát hiện và kiểm soát, thiếu các dịch vụ y tế dễ tiếp cận và lối sống không lành mạnh.

Theo báo cáo, vào giữa thế kỷ 21, 52,4% số ca tử vong do đột quỵ là do xuất huyết nội sọ hoặc chảy máu vào mô não.

“Yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đột quỵ - đặc biệt là xuất huyết nội sọ - là tăng huyết áp”. Do đó, “dự đoán của chúng tôi ủng hộ lời kêu gọi cải thiện công tác phòng ngừa và điều trị bệnh tăng huyết áp”.

Báo cáo dự đoán chi phí kinh tế do tai biến đột quỵ sẽ tăng cao trong những thập kỷ tới. “Chi phí kinh tế tổng hợp ước tính của đột quỵ, bao gồm chi phí trực tiếp và tổn thất thu nhập, dao động từ 746 tỷ USD đến 1,08 nghìn tỷ USD theo giá năm 2017. Nhưng đến năm 2050, những chi phí này được dự đoán sẽ tăng lên từ 880 tỷ USD đến 2,31 nghìn tỷ USD theo giá năm 2017”.

“Tuy nhiên, sự gia tăng này có thể tránh được vì đột quỵ có khả năng phòng ngừa và điều trị cao”, đồng thời đề xuất thực hiện các biện pháp phòng ngừa như nâng cao nhận thức cộng đồng và nhấn mạnh thay đổi lối sống để giảm thiểu rủi ro đột quỵ.

Có hai loại đột quỵ là thiếu máu cục bộ và xuất huyết. Hầu hết các cơn đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, xảy ra khi cục máu đông hoặc các hạt khác chặn các mạch máu trong não. Chất béo tích tụ được gọi là mảng bám cũng có thể gây tắc nghẽn như vậy.

Đột quỵ xuất huyết xảy ra khi một động mạch trong não bị rò rỉ máu hoặc bị vỡ. Máu bị rò rỉ sẽ tạo ra quá nhiều áp lực lên các tế bào não, cuối cùng làm hỏng chúng.

Dấu hiệu của đột quỵ bao gồm tê hoặc yếu đột ngột ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể. Người đó có thể thấy mình bối rối và gặp khó khăn khi nói hoặc hiểu lời nói.

Có thể gặp khó khăn đột ngột khi nhìn ở một hoặc cả hai mắt. Nhức đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân, đi lại khó khăn, mất thăng bằng, thiếu phối hợp và chóng mặt là những triệu chứng khác của đột quỵ.

“Các phương pháp điều trị đột quỵ hiệu quả nhất chỉ khả dụng nếu đột quỵ được nhận biết và chẩn đoán trong vòng 3 giờ kể từ khi có triệu chứng đầu tiên. Bệnh nhân đột quỵ có thể không đủ điều kiện nhận những dịch vụ này nếu họ không đến bệnh viện kịp thời”, CDC cảnh báo đồng thời khuyên những người nghi ngờ bị đột quỵ không nên tự đến bệnh viện.

Một nghiên cứu vào tháng 8 năm 2023 cho thấy thời gian ít vận động ở trẻ em có liên quan đến các cơn đau tim và đột quỵ sau này trong cuộc sống.

Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Andrew Agbaje thuộc Đại học Đông Phần Lan, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng việc tích lũy thời gian không hoạt động có liên quan đến tổn thương tim bất kể trọng lượng cơ thể và huyết áp”.

“Cha mẹ nên khuyến khích trẻ em và thanh thiếu niên vận động nhiều hơn bằng cách đưa chúng ra ngoài đi dạo và hạn chế thời gian dành cho mạng xã hội và trò chơi điện tử”.

Theo Naveen Athrappully - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

Naveen Ahrappully là một phóng viên tin tức đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.



BÀI CHỌN LỌC

Các nhà nghiên cứu dự báo số ca tử vong do đột quỵ ​​​​sẽ tăng 50% vào năm 2050