Câu chuyện kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc: Mâu thuẫn, dối trá và phản kháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một cựu nhân viên kiểm duyệt của ByteDance, công ty mẹ của Tiktok cho hay, ông không thể làm công việc này thêm nữa vì nó trái với tiêu chuẩn đạo đức của ông. Ông cho biết, ByteDance có toàn quyền tiếp cận dữ liệu của người dùng mạng xã hội này, từ đó có thể kiểm duyệt cũng như xóa sổ các nội dung mà họ không muốn người dùng bên ngoài Trung Quốc biết đến, trong đó có 'sự kiện Thiên An Môn'.

“Tôi không suy nghĩ gì nhiều khi làm công việc này, bởi vì công việc là công việc. Nhưng sâu thẳm trong trái tim, tôi biết việc kiểm duyệt là không phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức của mình. Và một khi đã làm việc trong lĩnh vực này quá lâu… thì mâu thuẫn sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn”, ông Zeng Jiajun, một cựu nhân viên kiểm duyệt Internet Trung Quốc cho biết.

Ông Zeng Jiajun, 29 tuổi, hiện sống ở trung tâm Thung lũng Silicon của California. Gần đây ông đã tiết lộ một số kinh nghiệm trong quá khứ của mình với công chúng. Sinh ra ở Quảng Đông, ông lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính thời học tiểu học,tờ AFP đưa tin.

Khi lên mạng, ông phát hiện ra nhiều nội dung gây sốc.

"Nó giống như một thế giới hoàn toàn mới đang chờ tôi khám phá", ông nói.

Trong những ngày đầu, chính phủ Trung Quốc chưa quá gắt gao về mặt kiểm duyệt trực tuyến, và ông có thể tiếp cận nhiều chủ đề và thông tin không được thảo luận công khai ở Trung Quốc thông qua VPN (Mạng riêng ảo). Những chủ đề này bao gồm, một bộ phim tài liệu dài 3 giờ về phong trào ủng hộ dân chủ Thiên An Môn năm 1989.

Ông Zeng Jiajun cho biết, ông đã bị sốc khi chứng kiến ​​cuộc đàn áp bạo lực của quân đội đối với những sinh viên không mang vũ khí, sát hại hàng trăm, nếu không muốn nói là hàng nghìn người.

"Không ai nói với chúng tôi về "sự cố Thiên An Môn" và quý vị cũng không thể tìm thấy nội dung xung quanh chủ đề này trên Internet Trung Quốc". Ông nói rằng ông cảm thấy "có một sự dối trá lớn và lịch sử đang bị che đậy".

Ông Zeng Jiajun quay trở về Trung Quốc sau khi lấy bằng quản trị kinh doanh ở Estonia. Nhờ nền tảng kỹ thuật của mình, ông đã thành công gia nhập ByteDance, công ty mẹ của nền tảng video Trung Quốc Douyin (TikTok), với mức lương hàng tháng lên đến 4.000 USD, cao hơn nhiều so với mức lương bình quân ở Bắc Kinh.

Ông Zeng Jiajun, một thành viên của nhóm phát triển một hệ thống tự động để lọc ra những nội dung mà công ty không muốn người dùng bên ngoài Trung Quốc biết đến.

Các hệ thống này kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để nghiên cứu về hình ảnh và kiểm tra âm thanh đi kèm với chúng, phiên âm các bình luận và tìm kiếm những từ ngữ cấm kỵ. Nếu hệ thống phát hiện ra sự cố, nội dung sẽ được chuyển cho hàng nghìn người điều hành, những người có quyền xóa video hoặc dừng phát trực tiếp, ông nói.

Nội dung mà họ cho là không phù hợp chủ yếu là tự làm hại bản thân, khiêu dâm, quảng cáo trái phép, nhưng cũng có thể là các nội dung nhạy cảm về mặt chính trị.

Theo ông Zeng Jiajun, một số hình ảnh luôn bị cấm, chẳng hạn như hình ảnh xe tăng, nến hoặc ô vàng, những biểu tượng sau này của các cuộc biểu tình ở Hong Kong.

Vào ngày 12/8, Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc, cũng đã ban hành một thông tư, yêu cầu 30 công ty Internet Trung Quốc công khai dữ liệu thuật toán, ByteDance cũng nằm trong số đó.

Danh sách kiểm duyệt do ĐCSTQ liệt kê không cố định và các sự kiện cụ thể sẽ kích hoạt việc cập nhật danh sách. Ví dụ, vào đầu năm 2020, ByteDance bổ sung kiểm duyệt mới về bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang), người cố gắng gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm phổi ở Vũ Hán.

"Khi bác sĩ Lý Văn Lượng đưa ra tin tức này, thông tin đó đã bị kiểm duyệt, và giới chức nói rằng bác sĩ đã lan truyền thông tin sai lệch", ông cho hay.

Ông Zeng Jiajun nói rằng cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng là giọt nước tràn ly.

"Vào đêm bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời, tôi cảm thấy rằng tôi không thể tiếp tục làm điều này được nữa", ông Zeng Jiajun bỏ việc và trở về quê nhà để học thêm lập trình và nộp đơn xin trở thành nghiên cứu sinh tại Đại học Northeastern ở Thung lũng Silicon.

Ông gọi cuộc chiến chống kiểm duyệt là "cuộc chiến của nhân dân". Cha mẹ ông muốn ông phát ngôn thận trọng ở nước ngoài, nhưng ông nói "Tôi không đồng tình với họ về vấn đề này", và ước tính rằng ông sẽ không thể trở lại Trung Quốc trong ít nhất 10 năm tới.

Mối liên hệ giữa Tiktok và ĐCSTQ

TikTok là ứng dụng chia sẻ video ngắn phổ biến toàn cầu với hơn 1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, chủ yếu là giới trẻ. Công ty mẹ của TikTok, ByteDance, có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc và những tranh cãi xung quanh nó vẫn tiếp tục. Cuộc tranh cãi lớn nhất mà thế giới bên ngoài quan tâm là mối quan hệ của họ với ĐCSTQ là gì? Dữ liệu người dùng do TikTok nắm giữ có bị rò rỉ vào tay ĐCSTQ hay không?

TikTok đã hứa trong nhiều năm rằng thông tin của người dùng Hoa Kỳ được lưu trữ ở Hoa Kỳ, không phải ở Trung Quốc. Nhưng trang tin tức BuzzFeed của Hoa Kỳ đã báo cáo vào tháng 6 rằng các bản ghi âm bị rò rỉ của 80 cuộc họp nội bộ TikTok tiết lộ rằng dữ liệu không công khai của người dùng Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc liên tục truy cập.

Các thuật toán được điều chỉnh theo sở thích của từng người dùng cụ thể thông qua trí tuệ nhân tạo (AI). Ông Zhu Wei, phó giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, nói rằng thuật toán không phải là một chương trình tính toán đơn giản, nó liên quan nhiều hơn đến thông tin cá nhân và dữ liệu lớn.

Vào năm 2020, cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một lệnh hành pháp để cấm TikTok hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, lệnh cấm này phải đối mặt với những thách thức pháp lý và chưa bao giờ có hiệu lực.

Tờ Bloomberg đưa tin vào ngày 02/9 rằng một người quen thuộc với vấn đề này nói rằng chính quyền ông Biden cũng có thể có hành động để hạn chế đầu tư vào các công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả TikTok.

Trong một lệnh hành pháp được ký vào năm ngoái, Tổng thống Biden nói rằng chính phủ liên bang nên đánh giá các mối đe dọa do các ứng dụng có trụ sở tại Trung Quốc gây ra thông qua “phân tích nghiêm ngặt, dựa trên bằng chứng”; và nên giải quyết bất kỳ rủi ro nào không thể chấp nhận hoặc không đáng có sao cho phù hợp với những đòi hỏi của an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và các mục tiêu kinh tế.

Tính đến nay, TikTok đã có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn cầu, trong đó Hoa Kỳ được xem là một trong những thị trường lớn nhất của ứng dụng này với khoảng 80 triệu người dùng.

Thanh Hải



BÀI CHỌN LỌC

Câu chuyện kiểm duyệt Internet ở Trung Quốc: Mâu thuẫn, dối trá và phản kháng