Áp dụng zero-COVID, bệnh viện Tân Cương bị quy trách nhiệm về cái chết của bé 6 tháng tuổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính sách zero-COVID hà khắc của Bắc Kinh được cho là đã gây ra cái chết cho một em bé khác ở Tân Cương (Trung Quốc).

Cha mẹ của bé trai 6 tháng tuổi Trương Lăng Vinh (Zhang Lingrong) cáo buộc bệnh viện ở Tân Cương đã gây ra cái chết của bé vì chính sách zero-COVID mà bệnh viện áp dụng khiến bé không được điều trị y tế kịp thời.

Kiểm duyệt khắt khe

Bà Triệu Tú Liên (Zhao Xiulian), mẹ của bé Trương, đã đăng một video lên Internet, tay cầm chứng minh thư để chứng minh danh tính. Bà mẹ trẻ kể lại rằng khu dân cư nơi bà sinh sống đã cấm bà rời đi khi bà muốn đưa con trai đến bệnh viện. Theo bà Triệu, chính việc bệnh viện Nhân dân số 2 thành phố Korla (Khố Nhĩ Lặc) trì hoãn điều trị y tế đã gây ra cái chết của con trai bà. Bà phân loại sự việc này là sai sót y khoa, đồng thời yêu cầu bệnh viện giải thích về nguyên nhân cái chết của con bà.

Video của bà Triệu đã bị xóa khỏi các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc.

Ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times đã liên hệ với bà Triệu và ông Trương Bằng (Zhang Peng) - bố của bé Trương - vào ngày 11/10, nhưng họ đã không thể nói chuyện thoải mái qua điện thoại.

Anh Lin (hóa danh), một cư dân của thành phố Korla, nói với The Epoch Times rằng tất cả các bài đăng và video do cha mẹ bé Trương Lăng Vinh tải lên đều bị xóa.

“Chính quyền Korla đã cố gắng chặn tin tức bằng mọi cách, họ sợ rằng tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát của họ”, anh Lin nói với The Epoch Times vào ngày 11/10.

Một cư dân mạng đã chụp bài đăng của vợ chồng ông Trương và chia sẻ trên Twitter.

Ông Lý (hóa danh), người họ hàng thân thiết của gia đình, đã thay mặt hai vợ chồng ông Trương cất tiếng nói. Ông Lý kể về 2 ngày cuối đời của đứa bé và những gì cha mẹ em đã trải qua.

“Trương Bằng hiện không thể tìm đến tổ chức nào để được giúp đỡ do đang bị chính quyền giám sát chặt chẽ”, ông Lý nói với The Epoch Times vào ngày 11/10.

Đâm đổ hàng rào, thoát khỏi khu dân cư

Theo ông Lý, bé Trương Lăng Vinh đã rất khỏe mạnh và không cần dùng bất kỳ loại thuốc nào kể từ khi chào đời. Nhưng vào lúc 8h sáng ngày 06/10, bé đột nhiên sốt cao và nôn mửa.

Cha của bé đang làm việc ở thành phố Hòa Điền (Hotan), cách Korla 600 dặm (965 km). Bé sống cùng mẹ và bà ngoại.

Mẹ của bé đã gọi điện đến bệnh viện số 2 Korla - nơi bà làm việc - và cầu xin họ chữa trị cho con trai mình. Bệnh viện từ chối, nói rằng họ không tiếp nhận trẻ em trong thời gian phong tỏa. Các nhân viên y tế đã gợi ý một số loại thuốc mà bà Triệu nên cho bé sử dụng.

Bà Triệu đã cố gắng làm hạ nhiệt độ cơ thể của bé nhưng các triệu chứng không cải thiện. Bé Trương nôn suốt đêm, nhiệt độ tăng lên 101,3 ℉ (38,5 °C).

Sáng hôm sau, ngày 07/10, bé bắt đầu lên cơn co giật.

Lúc 9 giờ sáng, bà Triệu quyết định đưa con trai đến bệnh viện. Tuy nhiên, các nhân viên bảo vệ của khu dân cư không cho bà ra ngoài. Người mẹ tuyệt vọng đành đâm ô tô vào hàng rào và lái xe thật nhanh đến bệnh viện.

Cha mẹ yêu cầu bệnh viện Tân Cương chịu trách nhiệm về cái chết của đứa con 6 tháng tuổi, zero-COVID hà khắc của Bắc Kinh được cho là đã gây ra cái chết cho một em bé khác ở Tân Cương
Bài đăng trên mạng xã hội của bà Triệu. Câu cuối cùng của bài viết có nội dung: “Mẹ chờ con trong những giấc mơ. Thiên đường chắc chắn rất đẹp”. (Ảnh: The Epoch Times chụp màn hình)

Chờ hơn một giờ để nhập viện

Ông Lý kể lại rằng khi bà Triệu đến cổng Bệnh viện Nhân dân số 2 Korla lúc 9:20 sáng, bà đã không được phép vào viện.

“Họ nói với bà Triệu rằng họ không nhận bất kỳ bệnh nhi nào trong thời gian phong tỏa”, ông Lý nói.

Bà Triệu quỳ ở cổng bệnh viện và cầu xin bảo vệ cho vào, nhưng vô ích.

Trong khi đó, cha của bé đang lái xe trở về từ Hòa Điền.

Bà Triệu đã liên tục gọi điện đến Ủy ban Y tế thành phố Korla và Trung tâm Phòng chống & Kiểm soát Đại dịch nhưng các cuộc gọi của bà đều không được trả lời. Cuối cùng, bà phải gọi cảnh sát địa phương; cảnh sát đã phối hợp với bệnh viện để nhận em bé. Hai mẹ con nhập viện lúc 10:30 sáng. Lúc đó, bé Trương đang trong tình trạng nguy kịch.

Bị nhốt trong phòng bệnh

Sau khi nhập viện, bé Trương, mẹ và bà của bé đã ngay lập tức bị các nhân viên y tế đưa đến một phòng bệnh thuộc Khoa sốt ngoại trú và khóa trái cửa.

Hơn 40 phút sau, lúc 11:10 sáng, các nhân viên y tế mới đến khám cho bé Trương. Nhân viên y tế lấy máu và tiêm cho bé - khi đó đang bị co giật.

Lúc 12:20 trưa, cảm thấy tình hình cháu mình vô cùng nguy kịch, bà ngoại đã đập cửa kêu cứu. Có người đã đến đưa bé đi chụp CT và kết luận rằng bé bị mất cân bằng kali và natri. Tuy nhiên, các nhân viên bệnh viện không sử dụng bất kỳ phương pháp điều trị nào.

1:30 chiều, ông Trương gọi điện đến bệnh viện để xin họ điều trị ngay cho em bé. Tuy vậy, các bác sĩ cho biết họ đang ngủ trưa và sẽ khám cho bé sau.

Khi các bác sĩ làm việc trở lại, họ đã tống đờm ra khỏi khí quản của bé và cho bé uống thuốc an thần, ngoài ra không làm gì thêm.

Lúc 2:40 chiều, bệnh viện thông báo họ không thể điều trị cho em bé và đã bố trí xe cấp cứu để chuyển bé đến bệnh viện Châu tự trị Bayingolin.

Tình hình sức khỏe của bé không được cải thiện sau khi chuyển viện. Các bác sĩ tại bệnh viện Bayingolin nói rằng bé bị mất cân bằng điện giải và bắt đầu truyền nhỏ giọt tĩnh mạch.

Lúc 5:02 chiều, bé Trương qua đời.

Cả hai bệnh viện đều không giải thích về cái chết của bé

Bệnh viện Bayingolin đã cấp cho gia đình bé Trương giấy chứng tử và nói rằng các phương pháp điều trị không hiệu quả.

“Giấy chứng tử không nói rõ điều gì đã khiến đứa bé bị bệnh. Trong giấy chứng tử chỉ ghi khó thở và ngừng tim”, ông Lý nói với The Epoch Times. Bệnh viện Korla số 2 cũng không đưa ra lời giải thích nào.

Sau khi bé qua đời, bệnh viện Bayingolin đã không đưa bé đến nhà xác, ông Lý nói.

“Trương Bằng đang lái xe từ Hòa Điền về Korla, mẹ và bà của bé ở trong phòng bệnh, thi thể em đặt trên mặt đất vì không có chỗ nào khác để đặt em. Họ đã ở đó trong suốt 28 tiếng đồng hồ”, ông Lý vừa kể vừa lau nước mắt. “Không ai đoái hoài đến họ”.

Không ai chịu trách nhiệm

Cả chính quyền địa phương và bệnh viện đều không điều tra vụ việc hay quy trách nhiệm cho bất kỳ ai về cái chết của bé Trương.

“Bệnh viện Nhân dân số 2 ở Korla chỉ nói rằng đây là sai sót y khoa, ngoài ra không có gì khác”, ông Lý nói.

Cảnh sát địa phương còn cảnh báo cha mẹ của bé Trương rằng họ không được đăng bất cứ điều gì lên Internet.

“Mọi thứ Trương Bằng đăng đều bị chặn”, ông Lý nói với The Epoch Times. “Cảnh sát cũng gọi điện cho người thân, bạn bè của gia đình và những người tốt bụng đã đăng lại bài. Cảnh sát đe dọa họ: ‘Đừng tung tin đồn. Đừng đăng lại hoặc ấn nút ‘thích’ cho đến khi vấn đề được điều tra’”.

The Epoch Times có bản ghi âm cuộc nói chuyện giữa cảnh sát với một cư dân trong khu dân cư mà vợ chồng ông Trương sinh sống. Trong đoạn ghi âm , viên cảnh sát đã cảnh báo người này không được đăng lại vụ việc lên Douyin hoặc các nền tảng mạng xã hội khác.

“Xóa bài đăng trên Douyin [về cái chết của em bé] ngay lập tức”, viên cảnh sát nói.

Người dân đó trả lời: “Đại dịch không giết chết chúng tôi, nhưng phong tỏa thì lại làm điều đó. Chúng tôi đã bị nhốt hơn 2 tháng. Ông [cảnh sát] còn được trả tiền lương. Nhưng ai trả tiền cho chúng tôi? Ai trả tiền thuê nhà, tiền ăn và tiền vay mua xe của tôi?”.

Vào tháng 8, một em bé 17 tháng tuổi đã qua đời tại một bệnh viện ở thành phố Y Lê (Yili), Tân Cương do không nhận được điều trị y tế kịp thời - một hậu quả mà chính sách phong tỏa khắc nghiệt của chính quyền Trung Quốc mang lại.

Tân Cương đã bị phong tỏa chặt chẽ kể từ tháng 8/2022 trong bối cảnh đại dịch bùng phát trở lại.

Xuân Hoa

Theo Sophia Lam - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Áp dụng zero-COVID, bệnh viện Tân Cương bị quy trách nhiệm về cái chết của bé 6 tháng tuổi