Chuyên gia: Kế hoạch năng lượng của ông Biden là một ảo tưởng nguy hiểm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tổng thống Biden vẫn tiếp tục khẳng định cam kết chuyển đổi sang năng lượng gió và mặt trời. Tuy nhiên, một sự chuyển đổi như vậy là bất khả thi về kỹ thuật và kinh tế. Nó còn ẩn chứa rủi ro chiến lược khi làm gia tăng sự phụ thuộc vào một quốc gia như Trung Quốc.

Trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang vào tuần trước, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng ông sẽ “hoàn thành công việc” với cái mà ông gọi là “quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc” từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió và mặt trời.

“Đạo luật giảm lạm phát là khoản đầu tư đáng chú ý nhất từng có để giải quyết khủng hoảng khí hậu”, ông Biden nói, đề cập đến khoản chi tiêu mới của chính phủ trị giá 370 tỷ USD cho năng lượng tái tạo, thứ sẽ giúp “giảm hóa đơn tiện ích, tạo việc làm cho người Mỹ và dẫn dắt thế giới hướng tới một tương lai năng lượng sạch”.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos vào tháng 1, đặc phái viên về khí hậu của Mỹ John Kerry có cùng chung quan điểm, tuyên bố rằng giải pháp cho tình trạng khí hậu đang thay đổi là “tiền, tiền, tiền, tiền, tiền”. Không chịu thua kém, cựu Phó Tổng thống Al Gore, đã tuyên bố tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu Cop 27 của Liên Hợp Quốc vào tháng 11 rằng nhiên liệu hóa thạch là “nền văn hóa chết chóc” và yêu cầu 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm để thay thế ngành dầu và khí đốt bằng gió, mặt trời, và pin.

Các nhà hoạt động nói rằng mối đe dọa đối với nhân loại nghiêm trọng đến mức chi phí không phải là một yếu tố cần cân nhắc. Nhưng đối với những người có thể tò mò về chi phí, ông Mark Mills, một thành viên cao cấp tại Viện Manhattan và là giáo sư tại Trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng của Đại học Northwestern, đã cố gắng tính toán chúng.

Nhiệm vụ phải làm nếu muốn thay thế nhiên liệu hóa thạch là khổng lồ: hiện tại dầu mỏ cung cấp năng lượng cho 97% các phương tiện vận chuyển trên thế giới; khí đốt tự nhiên chiếm 40% tổng năng lượng sử dụng trong công nghiệp và 25% điện năng toàn cầu; và năng lượng than chiếm 40% điện năng toàn cầu và 70% sản lượng thép. Nhìn chung, 84% năng lượng sử dụng trên thế giới đến từ nhiên liệu hóa thạch.

Ông Mills nói với The Epoch Times rằng quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo đòi hỏi “đi từ một hệ thống chủ yếu là hydrocacbon lỏng và khí sang một hệ thống chủ yếu là khoáng chất rắn, đá và kim loại”. Bởi vì năng lượng tập trung trong khoáng chất với mật độ ít hơn nhiên liệu hóa thạch, ông nói, “tùy thuộc vào máy móc, cần sử dụng khoáng chất nhiều hơn từ 1.000% đến 5.000% để tạo ra cùng một lượng năng lượng”.

Trong báo cáo của mình, “Ảo tưởng về 'Chuyển đổi năng lượng': Xác lập lại thực tế”, ông Mills viết: "Bất chấp những lời hoa mỹ ngày càng gia tăng, một 'sự chuyển đổi năng lượng' khỏi sự phụ thuộc của xã hội vào hydrocarbon là không khả thi trong bất kỳ khung thời gian hợp lý nào, và nó là một ảo tưởng nguy hiểm khi xây dựng các chính sách dựa trên ý tưởng rằng quá trình chuyển đổi như vậy là có thể thực hiện được… những thực tế về vật lý, kỹ thuật và kinh tế của các hệ thống năng lượng không liên quan tới bất kỳ niềm tin nào về biến đổi khí hậu”.

“Nếu bạn chế tạo máy móc, như tua-bin gió và ô tô [điện] thay vì máy móc hydrocacbon thông thường, thì đó là sự gia tăng lớn về số lượng kim loại và khoáng chất mà bạn phải khai thác", ông Mills giải thích. “Tất cả quá trình khai thác đều được thực hiện bằng máy đốt dầu và tất cả các loại nhựa để làm cánh tuabin gió đều được sản xuất bằng hydrocacbon. Tất cả bê tông và thép đều cần than luyện kim, khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Vì vậy, bạn không tránh được[nhiên liệu hóa thạch], bạn chỉ sử dụng ít chúng hơn, nhưng sau đó bạn sử dụng nhiều khoáng chất hơn và cần phải khai thác nhiều hơn nữa”.

Kinh tế năng lượng là một vấn đề đánh đổi. Trong trường hợp này, đó là sự đánh đổi do chính phủ áp đặt đối với năng lượng hydrocarbon, loại hình năng lượng mà Mỹ phần lớn có đủ để tự cung cấp cho nhu cầu bản thân, cho một nền kinh tế dựa trên khoáng sản phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế với trung tâm là Trung Quốc.

Chuyên gia: Kế hoạch năng lượng của ông Biden là một ảo tưởng nguy hiểm
Một công nhân dùng đèn khò để cắt các ống thép gần Nhà máy điện Trương Gia Khẩu Datang Quốc tế chạy bằng than ở Trương Gia Khẩu, tỉnh Hà Bắc phía bắc của Trung Quốc vào ngày 12/11/2021. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)

Nguồn khoáng sản đắt đỏ

Chuỗi cung ứng bắt đầu với việc khai thác nguyên liệu thô. Theo một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức ủng hộ năng lượng tái tạo, “sự chuyển đổi từ hệ thống năng lượng sử dụng nhiều nhiên liệu sang sử dụng nhiều vật liệu” sẽ yêu cầu các mức tăng sau đây trong sản xuất khoáng sản vào năm 2040: 4.200% đối với lithium , 2.500% đối với than chì, 1.900% đối với niken và 700% đối với đất hiếm.

Những khoáng chất này phải được đào lên, sàng lọc, vận chuyển, xử lý, tinh chế và sản xuất thành các bộ phận cho tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các khoáng chất này để đáp ứng các mục tiêu của quá trình chuyển đổi sẽ chuyển một nửa sản lượng nhôm và đồng hiện tại của thế giới và 80% sản lượng niken của thế giới sang các tấm pin mặt trời và tua-bin gió.

Báo cáo của IEA, có tiêu đề “Vai trò của các khoáng chất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch”, diễn đạt điều này một cách khéo léo: “Ngày nay, dữ liệu cho thấy sự không phù hợp lờ mờ giữa các tham vọng khí hậu được khẳng định mạnh mẽ của thế giới và sự sẵn có của các khoáng chất quan trọng cần thiết để thực hiện các tham vọng đó”.

Ông Mills viết: “Việc đáp ứng những nhu cầu chưa từng có như vậy sẽ đòi hỏi phải mở nhiều mỏ hơn nhiều so với hiện tại và với tốc độ nhanh hơn nhiều so với bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử". Hiện tại, hoạt động khai thác toàn cầu đã sử dụng khoảng 40% tổng năng lượng công nghiệp toàn cầu, chủ yếu được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch.

Khi nhu cầu leo thang đối với khoáng sản ngày càng khan hiếm, giá cả chắc chắn cũng sẽ leo thang và chúng ta đã thấy những dấu hiệu của điều đó. Ví dụ, giá lithium đã tăng từ 100.000 CNY (nhân dân tệ) / tấn vào năm 2018 lên hơn 500.000 CNY / tấn vào năm 2022.

Một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng là tổ chức ủng hộ năng lượng tái tạo, dự đoán rằng giá khoáng sản cho năng lượng tái tạo sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử “trong một khoảng thời gian kéo dài chưa từng thấy chừng khoảng một thập kỷ theo kịch bản phát thải ròng bằng không của IEA. Điều này có nghĩa là giá thực tế của niken, coban và lithium sẽ tăng vài trăm phần trăm so với mức năm 2020, trong khi giá đồng sẽ tăng hơn 60 phần trăm”.

Chi phí khoáng sản tăng cao sẽ không chỉ làm tăng chi phí năng lượng tái tạo; nó cũng sẽ làm tăng giá trên tất cả các ngành sản xuất khác sử dụng các đầu vào khoáng sản này. Theo báo cáo của ông Mills, “toàn bộ thế kỷ 20 là thời kỳ giá khoáng sản trung bình giảm chậm, một xu hướng có lợi bắt đầu bị đảo ngược chỉ một thập kỷ trước và [việc tăng giá] sẵn sàng tăng tốc nếu các kế hoạch chuyển đổi được theo đuổi”.

“Chúng ta đã được chứng kiến tình trạng thiếu thiết bị cơ bản cho lưới điện, bao gồm cả dây máy biến áp", ông Robert Bryce, tác giả cuốn “A Question of Power: Electricity and the Wealth of Nations” (Câu hỏi về năng lượng: Điện và sự thịnh vượng của quốc gia), nói với The Epoch Times. “Tôi không hiểu làm thế nào chúng ta có thể có được sự phát triển khổng lồ này khi chúng ta đang thiếu những thành phần quan trọng đó".

Khả năng lưu trữ

Một trong những lợi thế của nhiên liệu hóa thạch là chúng có tính di động và dễ dàng được lưu trữ. Điều này rất cần thiết khi sản xuất điện vì nhu cầu rất khác nhau tùy thuộc vào thời tiết, mùa và thời gian trong ngày. Các tiện ích phải có khả năng đáp ứng nhu cầu cao nhất của người tiêu dùng bất cứ khi nào nó xảy ra.

Theo ông Mills, việc lưu trữ nhiên liệu hóa thạch chỉ tốn chưa đến 1 USD mỗi thùng mỗi tháng, điều này đã cho phép xây dựng một mạng lưới điện ở Mỹ có thể cung cấp điện bất cứ khi nào cần thiết với chi phí dưới 3% GDP. Mỹ thường có nhu cầu dự trữ từ một đến hai tháng cho từng loại nhiên liệu hóa thạch.

Ngược lại, gió và mặt trời chỉ hoạt động dưới thời tiết thích hợp và thường chỉ hiệu quả về mặt chi phí ở những địa điểm đặc biệt nhiều nắng hoặc gió, đòi hỏi phải lắp đặt hàng nghìn dặm dây dẫn bằng đồng hoặc nhôm để kết nối chúng với lưới điện. Tua-bin gió không thể hoạt động khi nhiệt độ giảm xuống dưới khoảng -22 độ F (-30 độ C). Nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân ngày càng được sử dụng nhiều hơn như một giải pháp hỗ trợ, một nguồn thứ cấp khi gió và mặt trời không hoạt động.

Một số người cho rằng có thể sử dụng pin để lưu trữ năng lượng tái tạo; tuy nhiên, sử dụng công nghệ pin lithium hiện tại, sẽ tốn hơn 30 USD để lưu trữ năng lượng tương đương với một thùng dầu.

“Nói một cách thẳng thừng”, ông Mills nói, “ở mức giá hiện nay và nhiều khả năng trong tương lai, việc xây dựng đủ pin để lưu trữ điện trong 12 giờ cho Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 1,5 nghìn tỷ USD, và quy mô lưu trữ đó vẫn khiến quốc gia thường xuyên rơi vào trạng thái tối tăm của thế giới thứ 3". Chi phí xây dựng hệ thống lưu trữ điện quốc gia trong nhiều tuần bằng nhiên liệu hóa thạch là khoảng 100 tỷ USD.

Bất chấp điều đó, việc Mỹ đổ xô sử dụng năng lượng tái tạo có nghĩa là khoảng gần 1/4 số nhà máy điện than dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2029, theo IEA. Ông John Moura, giám đốc đánh giá độ tin cậy của Công ty Độ tin cậy Điện lực Bắc Mỹ (NERC), nói với The Epoch Times rằng điều này giống như “vừa chạy vừa buộc dây giày”.

Đồng thời, các khoản trợ cấp cho ô tô điện và lệnh cấm tiềm tàng đối với động cơ đốt trong, hệ thống sưởi trong nhà bằng khí đốt và thậm chí cả bếp gas đang gây áp lực nhiều hơn nữa lên lưới điện.

“Lưới điện vốn đã oằn mình đáp ứng nhu cầu hiện tại", ông Bryce nói. “Ý tưởng rằng chúng ta nên đưa tất cả nhu cầu năng lượng vận chuyển, nhu cầu năng lượng gia đình và nhu cầu thương mại của chúng ta lên lưới điện chắc chắn sẽ thất bại vì lưới điện đơn giản là không thể xử lý chừng ấy những phụ tải như vậy tại thời điểm hiện nay, và tôi thực sự nghi ngờ rằng chúng ta sẽ có thể xử lý nó trong 10 hoặc thậm chí 20 năm nữa”.

Chuyên gia: Kế hoạch năng lượng của ông Biden là một ảo tưởng nguy hiểm
Một máy kéo di chuyển qua một nhà máy than bên ngoài thành phố Welch ở vùng nông thôn West Virginia vào ngày 19/05/2017 tại Welch, West Virginia, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt/Getty Images)

Phụ thuộc vào nước ngoài

Về mặt rủi ro chiến lược, khoáng sản cho năng lượng tái tạo chủ yếu được tìm thấy bên ngoài biên giới Mỹ và có mật độ tập trung cao hơn ở một số ít quốc gia, ví dụ, so với hoạt động sản xuất dầu giữa các quốc gia OPEC. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới và sản xuất ra 80% polysilicon, cả hai đều là vật liệu thiết yếu trong ngành. Đồng thời Trung Quốc là nguồn cung cấp 60% khoáng sản đất hiếm.

Cộng hòa Dân chủ Congo sản xuất hơn hai phần ba lượng coban của thế giới. Nga sản xuất 10% niken của thế giới. Chile sản xuất 20% lượng đồng trên thế giới.

Một báo cáo của Viện Brookings, một tổ chức cố vấn ở Washington D.C., tuyên bố rằng “Trung Quốc hiện kiểm soát hầu hết hoạt động tinh chế khoáng sản thiết yếu toàn cầu và mức độ kiểm soát thượng nguồn của nước này đối với hàng hóa thô cũng đang gia tăng".

“Điều quan trọng là nó kiểm soát phần lớn hoạt động sản xuất pin EV của thế giới, cũng như hoạt động sản xuất trong lĩnh vực tua-bin gió, tấm pin mặt trời, lưu trữ năng lượng và truyền tải điện, cùng các ứng dụng khác. Tại thời điểm hiện tại, thế giới phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng và đáp ứng các mục tiêu khử cacbon”.

“[Bộ trưởng Năng lượng] Jennifer Granholm thích nói về liên minh OPEC, và tôi đồng ý rằng đó là một hội cartel [liên minh các nước nhằm kiểm soát thị trường]”, ông Daniel Turner, giám đốc điều hành của Power the Future, nói với The Epoch Times. “Nhưng nếu chúng ta tự giải phóng mình khỏi OPEC, chỉ để trói mình vào [người đứng đầu Trung Quốc] ông Tập Cận Bình, thì chúng ta không thực sự đạt được tiến bộ nào”.

Các chính phủ phương Tây đang chi hàng tỷ USD để đưa một số hoạt động sản xuất này vào biên giới của họ, nhưng do phần lớn nguyên liệu thô nằm ở nước ngoài và thường nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, nên việc sản xuất máy móc tái tạo của Mỹ sẽ bị giới hạn ở khâu lắp ráp cuối cùng. Chính quyền Biden đã tích cực trợ cấp khai thác, đồng thời cũng ngăn cản hoạt động của các mỏ vì lý do môi trường.

Ông Biden đã sử dụng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng để phân loại lithium, coban, than chì, niken và mangan là thiết yếu đối với an ninh quốc gia, bật đèn xanh cho Bộ Quốc phòng trợ cấp cho hoạt động khai thác trong nước. Đồng thời, Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) đã tích cực ngăn chặn các mỏ mới. Gần đây nhất, vào ngày 31/01, EPA đã hủy bỏ dự án Pebble Mine, dự án từng có thể trở thành một trong những mỏ đồng lớn nhất của Mỹ, gần Vịnh Bristol của Alaska.

Con đường nào cho nước Mỹ?

Chính quyền Biden khẳng định rằng quá trình chuyển đổi là có tính thực tế và sẽ có lợi cho người Mỹ. Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL), một đơn vị của Bộ Năng lượng Mỹ, đã tuyên bố trong một tài liệu có tiêu đề “Xem xét các lựa chọn từ phía cung để đạt được 100% điện sạch vào năm 2035″ rằng có “nhiều kịch bản đạt được một hệ thống điện sạch 100% (được định nghĩa là phát thải khí nhà kính ròng bằng 0) vào năm 2035 có thể đặt Mỹ vào con đường tiến tới mức phát thải ròng bằng 0 trên toàn nền kinh tế vào năm 2050”.

Báo cáo nêu rõ rằng “dựa trên mức giảm chi phí giả định của các công nghệ năng lượng tái tạo, con đường đạt được khoảng 90% điện sạch là khá nhất quán trong các kịch bản và gió và mặt trời cung cấp nhiều năng lượng nhất trong ba trong số các kịch bản, được bổ sung bằng việc triển khai hạt nhân ở mức đáng kể trong kịch bản [thứ tư]”, với sự kết hợp của nhiều công nghệ khác bao gồm thu hồi carbon. Tuy nhiên, khi The Epoch Times yêu cầu làm rõ kết luận, NREL đã từ chối lời mời phỏng vấn.

Trong khi chính quyền Biden nỗ lực hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước, nhu cầu toàn cầu đối với chúng đang tăng lên nhanh chóng. Hai quốc gia không tham gia vào “sự chuyển đổi đáng kinh ngạc” là Trung Quốc và Nga. Vào năm 2021, Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng 33 gigawatt sản lượng điện từ than đá, chiếm hơn một nửa số nhà máy điện than mới trên thế giới.

Ông Bryce đã nêu trong một báo cáo vào tháng 10/2022 rằng “vào năm 2021, việc sử dụng hydrocarbon toàn cầu đã tăng nhanh hơn gần năm lần so với mức tăng trưởng của gió và mặt trời cộng lại. Năm ngoái, chỉ riêng sự gia tăng sử dụng hydrocarbon toàn cầu… đã gần bằng sản lượng của tất cả các dự án năng lượng mặt trời và gió trên Trái đất”. Thực tế này diễn ra bất chấp mức chi tiêu toàn cầu là 1,5 nghìn tỷ USD cho năng lượng tái tạo từ năm 2004 đến 2019.

“Những lý do là rất rõ ràng”, ông Bryce nói. “Gió và mặt trời đơn giản là không thể cung cấp quy mô năng lượng đáng kinh ngạc mà thế giới cần với mức giá mà người tiêu dùng có thể mua được”.

“Các nhà hoạch định chính sách đang bắt đầu hiểu được khó khăn to lớn trong việc thay thế dù chỉ 10% lượng hydrocarbon toàn cầu - phần do Nga cung cấp - chưa kể tới sự bất khả thi khi cố gắng thay thế toàn bộ việc sử dụng hydrocarbon của xã hội bằng năng lượng mặt trời, gió và công nghệ pin (SWB)”, báo cáo của ông Mills nêu rõ. “Con đường duy nhất để giảm đáng kể giá năng lượng trong khi duy trì nền kinh tế sôi động - và tách chúng khỏi dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga - là tăng mạnh sản xuất hydrocarbon".

“Mỹ nắm giữ tiềm năng lớn nhất để đạt được kết quả này mà không cần trợ cấp của chính phủ", ông nói. “Ngược lại: tăng sản lượng của những nguồn năng lượng này sẽ tạo ra doanh thu cho chính phủ, tăng quyền lực mềm địa chính trị của Mỹ, và với thời gian thích hợp, tiết kiệm cho thế giới hàng nghìn tỷ USD".

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Chuyên gia: Kế hoạch năng lượng của ông Biden là một ảo tưởng nguy hiểm