Cựu kỹ sư gốc Trung Quốc của Apple bị phạt tù vì trộm cắp bí mật thương mại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thêm một cựu nhân viên khác của Apple dính líu tới vấn nạn trộm cắp bí mật thương mại cho Trung Quốc. Theo một chuyên gia, đây chính là cách giúp Trung Quốc có thể thống trị mảng xe điện.

Một cựu kỹ sư của Apple Inc. đã bị thẩm phán liên bang California kết án 120 ngày tù vì ăn cắp công nghệ xe tự lái trước khi tìm cách trốn sang Trung Quốc.

Vào ngày 13/2, Thẩm phán quận Hoa Kỳ Edward Davila của Tòa án quận Hoa Kỳ cho Quận Bắc California đã đưa ra quyết định cuối cùng, đề nghị ông Zhang Xiaolang chấp hành án tù của mình trong một “cơ sở kiểu trại an ninh tối thiểu càng gần càng tốt với San Jose, California”, nơi gia đình ông Zhang sinh sống. Hơn nữa, “Tòa án nhận thấy rằng việc thăm viếng của gia đình giúp tăng cường quá trình quay trở lại cộng đồng”.

Thẩm phán cũng đề nghị cho phép ông Zhang dạy toán trong tù.

Ông Zhang đã nhận tội vào tháng 8/2022 tại tòa án liên bang ở San Jose về tội danh trộm cắp bí mật thương mại.

Cư dân thường trú tại Mỹ gốc Trung Quốc, từng làm kỹ sư phần cứng cho Apple từ năm 2015 đến năm 2018, đã bị các công tố viên Mỹ cáo buộc tải xuống bản thiết kế dài 25 trang bao gồm các bản vẽ sơ đồ của bảng mạch cho xe tự lái, mặc dù biết rõ những sơ đồ như vậy thường được coi là bí mật thương mại hàng đầu trong ngành điện tử, theo đơn kiện hình sự năm 2018 nộp lên tòa án liên bang.

Trước khi có thể bước lên chuyến bay đến Trung Quốc với tấm vé mua vào phút chót, ông Zhang đã bị bắt tại Sân bay Quốc tế San Jose vào ngày 7/7/2018. Khi đó, ông Zhang cũng đang làm việc cho một công ty xe điện (EV) của Trung Quốc tập trung phát triển hệ thống lái tự động. Ông Zhang đã được tại ngoại do bảo lãnh sau khi không nhận tội vào thời điểm đó.

Chi tiết cụ thể vụ trộm cắp bí mật thương mại

Ông Zhang làm việc trong chương trình xe tự lái của Apple, liên quan đến việc thiết kế và thử nghiệm bảng mạch để phân tích dữ liệu cảm biến. ​​Theo đơn kiện, khoảng 5.000 trong số 135.000 nhân viên của Apple được phép tìm hiểu về dự án, nhưng chỉ có 2.700 người có quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu bí mật, trong đó có ông Zhang.

Vào tháng 4/2018, ông Zhang xin nghỉ phép để làm cha trong một tháng và đi tới Trung Quốc.

Không lâu sau khi trở về Mỹ, ông Zhang nói với cấp trên rằng ông muốn từ chức để dành thời gian cho người mẹ ốm yếu ở Trung Quốc. Trong cuộc gặp, ông cũng tiết lộ có ý định làm việc cho đối thủ từ Trung Quốc là XPeng Motors.

Cựu kỹ sư gốc Trung Quốc của Apple bị phạt tù vì trộm cắp bí mật thương mại
Một người phụ nữ gọi điện trong phòng trưng bày Xiaopeng Motor, ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 19/03/2021. Nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc này thường được gọi là Xpeng. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Được thành lập vào năm 2014, XPeng chuyên về phương tiện thông minh và có trụ sở chính tại thành phố Quảng Châu. Theo đơn kiện, hãng xe Trung Quốc có một đơn vị hoạt động ở Thung lũng Silicon.

Đơn kiện cho biết, sau khi nghe về ý định của ông Zhang, Apple đã chấm dứt quyền truy cập hệ thống của ông và bắt đầu phân tích thông tin từ các thiết bị công ty của ông Zhang. Một cuộc điều tra nội bộ cho thấy hoạt động trên mạng của ông Zhang “tăng theo cấp số nhân so với hai năm làm việc trước đó” trong những ngày trước khi ông từ chức. Đơn kiện của FBI cho biết hầu hết các hoạt động này là “tìm kiếm hàng loạt và tải xuống có chủ đích nhiều trang thông tin” từ cơ sở dữ liệu bí mật của công ty.

Đoạn phim CCTV cho thấy ông Zhang đã vào phòng thí nghiệm xe tự hành của Apple vào ngày 28/4/2018. Khi rời khỏi khu vực, ông mang theo một bàn phím máy tính, một số dây cáp và một chiếc hộp lớn, đơn kiện cho biết.

Với bằng chứng đó, Apple đã triệu tập ông Zhang trở lại để họp lần thứ hai vào ngày 2/5/2018.

Ông Zhang thừa nhận rằng ông đã theo đuổi công việc tại công ty khởi nghiệp xe điện Trung Quốc khi vẫn còn làm việc cho Apple, nhưng ông phủ nhận việc vào phòng thí nghiệm xe tự hành. Theo đơn kiện, sau khi đối mặt với bằng chứng, ông Zhang sau đó thừa nhận rằng ông đã lấy hai bảng mạch và một máy chủ Linux từ phòng thí nghiệm. Ông cũng tiết lộ rằng ông đã chuyển dữ liệu của Apple sang máy tính xách tay của vợ thông qua AirDrop, một tính năng chia sẻ tệp không dây trên các thiết bị của Apple.

Đơn kiện nêu rõ, các nhóm điều tra kỹ thuật số của Apple đã tiến hành xem xét máy tính xách tay của vợ ông Zhang và phát hiện ra rằng “khoảng 60% dữ liệu” là “rất có vấn đề”.

Theo đơn kiện, vào ngày 5/5/2018, ông Zhang đã “tự nguyện chấm dứt hợp đồng với Apple” và đã làm việc cho XPeng tại văn phòng ở California.

XPeng sau đó đã tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội Weibo của Trung Quốc rằng công ty không có tranh chấp với Apple về vấn đề này và công ty không liên quan đến vụ việc của ông Zhang dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong một vụ việc khác, một cựu nhân viên khác của Apple, ông Chen Jizhong, cũng đang phải đối mặt với cáo buộc tương tự. Các công tố viên cho biết công dân Mỹ này bị cáo buộc đã lấy hơn 2.000 hồ sơ từ bộ phận ô tô điện của Apple trước khi bị bắt vào năm 2019 trước chuyến đi tới Trung Quốc. Ông Chen đã không nhận tội và vụ việc vẫn đang chờ xử lý.

Vào tháng 5/2023, chính phủ Hoa Kỳ công bố vụ án thứ ba liên quan đến một cựu kỹ sư của Apple, người bị cáo buộc đã đánh cắp công nghệ lái xe tự hành của gã khổng lồ công nghệ trong lúc bí mật làm việc cho một công ty Trung Quốc.

Ông Wang Weibao, một kỹ sư phần mềm tại Apple từ năm 2016 đến 2018, phải đối mặt với sáu tội danh trộm cắp hoặc cố gắng trộm cắp bí mật thương mại; mỗi tội danh có thể dẫn tới 10 năm tù nếu bị dẫn độ và kết án. Ông Wang đã trốn sang Trung Quốc một thời gian ngắn sau khi cơ quan thực thi pháp luật Hoa Kỳ khám xét nơi ở của ông vào năm 2018.

Công tố viên Hoa Kỳ không xác định được ông Wang làm việc cho công ty Trung Quốc nào. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ ra rằng ông Wang đã được tuyển dụng vào làm việc tại một công ty khởi nghiệp xe điện thuộc sở hữu của gã khổng lồ công nghệ Baidu.

Vào thời điểm đó, Công tố viên của Quận Bắc California Ismail Ramsey cho biết: “Sự đổi mới vẫn tồn tại và phát triển ở Thung lũng Silicon - thực sự là trên khắp Quận phía Bắc của California”. “Thật không may, sẽ luôn có một số kẻ lừa đảo hệ thống bằng cách ăn cắp và thu lợi từ thành quả lao động của người khác. Vụ truy tố ông Wang chỉ là một ví dụ”.

Trộm cắp tài sản trí tuệ cho phép Trung Quốc thống trị ngành xe điện

Hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ cho phép Trung Quốc thống trị lĩnh vực xe điện (EV), theo cựu quan chức tình báo cấp cao Mỹ và tác giả Nicholas Eftimiades.

“Họ [Trung Quốc] đã đưa ra rất nhiều ưu đãi không chỉ cho các công ty mà cả các trường đại học đầu tư vào lĩnh vực này, công nghệ pin, v.v. Và họ đã thực hiện rất nhiều hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ”, ông Eftimiades nói với “China in Focus” trên NTD, một kênh truyền thông liên kết với The Epoch Times, vào năm ngoái.

Cựu kỹ sư gốc Trung Quốc của Apple bị phạt tù vì trộm cắp bí mật thương mại
Một chiếc xe chạy điện mẫu của nhà sản xuất xe Trung Quốc BYD được trưng bày tại một triển lãm ô tô ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/04/2018. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Là tác giả của cuốn sách “Hoạt động tình báo Trung Quốc”, ông chỉ ra cơ sở dữ liệu mà ông có về các vụ gián điệp Trung Quốc được báo cáo trên toàn thế giới.

“Trong số 724 trường hợp gián điệp của Trung Quốc [được báo cáo vào thời điểm đó], chúng tôi thấy khoảng 500 trường hợp hướng tới các công nghệ chính yếu, [bao gồm] công nghệ hàng không vũ trụ, công nghệ CNTT, công nghệ năng lượng sạch và công nghệ ô tô, xe điện”, ông Eftimiades cho biết.

Ông nói, “họ hiểu rằng việc đánh cắp công nghệ và tự mình làm điều đó sẽ cho phép nền kinh tế trong nước của họ phát triển và cho phép họ xây dựng một nền kinh tế trong nước rất, rất mạnh. Vì vậy, họ đang tích cực đánh cắp các công nghệ chọn lọc”.

Không giống như hoạt động gián điệp truyền thống, chính quyền Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận “toàn xã hội” để chiếm được tài sản trí tuệ nước ngoài và “họ đang biến khả năng thu thập của mình trở thành công cụ chống lại ngành công nghiệp”, ông nói.

Trong khi đó, ông Eftimiades cho biết, Mỹ gặp khó khăn trong việc tự bảo vệ mình trước những thách thức này vì “bộ máy an ninh của chúng ta đều hướng đến việc bảo vệ chính phủ. Vì vậy, chúng ta thực sự không hướng tới việc bảo vệ ngành công nghiệp tư nhân, nơi chứa đựng những công nghệ cũ, công nghệ tiên tiến.

Cựu kỹ sư gốc Trung Quốc của Apple bị phạt tù vì trộm cắp bí mật thương mại
Một mẫu máy bay chở khách C919 được trưng bày trong Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc 2022 tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 03/09/2022. (Ảnh: VCG/VCG qua Getty Images)

“Vì vậy, thông thường, họ [khu vực tư nhân] khá bị bỏ mặc để tự bảo vệ mình... Tuy nhiên, nhiều người trong số họ không phải là đối thủ của chính phủ Trung Quốc”.

Hàng triệu việc làm đã bị mất chỉ riêng ở Mỹ “do những nỗ lực gián điệp của họ”, ông Eftimiades nói, vì nó “được chuyển đổi sang năng lực sản xuất”.

Theo chuyên gia này, chiến dịch gián điệp của chế độ Trung Quốc cho phép nó tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng thông qua cưỡng chế và tha hóa.

Ông Eftimiades nói: “Trung Quốc làm điều đó thông qua việc giữ hoặc giải phóng tài trợ ngầm cho các học giả để họ im lặng về một số vấn đề liên quan đến Trung Quốc".

Ông mô tả cách tiếp cận này là “đáng sợ đối với bất kỳ quốc gia - dân tộc nào vì điều đó có nghĩa là bạn đang mất quyền kiểm soát đất nước của mình, lá phiếu của bạn là vô nghĩa hoặc sẽ vô nghĩa vì Trung Quốc thực sự đang kiểm soát rất nhiều vấn đề chính sách mà quốc gia của bạn buộc phải đối mặt".

Bảo Nguyên tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Cựu kỹ sư gốc Trung Quốc của Apple bị phạt tù vì trộm cắp bí mật thương mại