Đậu phộng: Bảo vệ tim và hỗ trợ chức năng nhận thức

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đậu phộng là một món ăn nhẹ ngon miệng, tiện dụng và một nắm mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh.

6 lợi ích chính của đậu phộng

Đậu phộng (lạc) giàu protein từ thực vật, phosphatidylcholine, catechin và axit linoleic, mang lại nhiều lợi ích khác nhau cho cơ thể con người. Những lợi ích này bao gồm:

- Tăng cường chức năng nhận thức và trí nhớ

Phosphatidylcholine, được tìm thấy trong đậu phộng, đóng vai trò quan trọng trong hệ thần kinh trung ương, tăng cường sức sống của tế bào não và cải thiện trí nhớ, sự chú ý và khả năng phản ứng.

Sự phong phú của choline (một thành phần của phosphatidylcholine) trong đậu phộng hỗ trợ sửa chữa các tế bào thần kinh bị tổn thương và có thể cải thiện chức năng nhận thức.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Clinical Nutrition năm 2021 cho thấy việc tiêu thụ đậu phộng và bơ đậu phộng thường xuyên có thể tăng cường chức năng trí nhớ và khả năng phản ứng với căng thẳng ở những người trẻ khỏe mạnh.

- Thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em

Canxi trong đậu phộng đóng vai trò hỗ trợ quá trình hình thành xương.

Ngoài ra, axit amin như lysine, phenylalanine và axit aspartic có trong protein đậu phộng có thể tăng cường trí thông minh, trí nhớ và sự phát triển của tế bào.

- Làm chậm quá trình lão hóa

Catechin trong vỏ đậu phộng có đặc tính chống oxy hóa, có thể chống lại tổn thương gốc tự do và trì hoãn lão hóa. Lysine còn giúp ngăn ngừa lão hóa sớm, đồng thời vitamin E và kẽm trong đậu phộng dưỡng ẩm cho da, giúp duy trì vẻ ngoài trẻ trung.

- Giảm táo bón

Đậu phộng rất giàu chất béo và chất xơ, có thể kích thích và thúc đẩy nhu động ruột, từ đó làm giảm táo bón.

- Tăng cường sức khỏe tim mạch

Axit alpha-linolenic có trong đậu phộng có thể giúp phân hủy cholesterol, ngăn chặn sự tích tụ của nó trong mạch máu và do đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và đột quỵ. Ngoài ra, folate, arginine và chất xơ trong đậu phộng có thể làm giảm huyết áp và giảm độ nhớt của máu, từ đó ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 74.793 người Nhật Bản từ 45-74 tuổi. Thời gian theo dõi trung bình là 14,8 năm, tổng cộng 3.599 trường hợp đột quỵ và 849 trường hợp mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ đã được báo cáo.

Kết quả cho thấy, tiêu thụ đậu phộng nhiều hơn có liên quan đến nguy cơ đột quỵ toàn phần, đột quỵ do thiếu máu cục bộ và bệnh tim mạch thấp hơn ở cả nam và nữ.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ năm 2017, với sự tham gia của cả nam giới và phụ nữ Mỹ, cho thấy tổng lượng tiêu thụ đậu phộng có liên quan nghịch với bệnh tim mạch và bệnh tim mạch vành.

So với những người hiếm khi ăn các loại hạt, những người ăn thường xuyên (đặc biệt là đậu phộng và quả óc chó) ít nhất 5 lần một tuần (28g mỗi khẩu phần) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 14% và nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 20%.

- Tăng sản lượng sữa mẹ

Các axit béo và protein có nhiều trong đậu phộng mang lại lợi ích dinh dưỡng và tăng cường năng lượng. Chúng hỗ trợ bổ sung máu và tiết sữa, đặc biệt có lợi cho những phụ nữ không đủ sữa. Có thể hầm chung với táo tàu, chân giò để tăng hiệu quả.

Không chỉ hạt, vỏ đậu phộng cũng có lợi ích mà ít ai ngờ đến.

Lợi ích bổ máu của vỏ đậu phộng

Khi ăn đậu phộng, nhiều người có xu hướng loại bỏ lớp vỏ màu đỏ mỏng bên ngoài hạt. Tuy nhiên, lớp vỏ này lại chứa đựng giá trị dinh dưỡng đáng kể.

Nó có thể nuôi dưỡng lá lách, bổ máu và cầm máu. Nó cũng có lợi cho những người có thể trạng suy yếu, thiếu máu, dễ chảy máu và số lượng tiểu cầu thấp.

Vì vậy, khi ăn đậu phộng, tốt nhất bạn nên tiêu thụ luôn cả lớp vỏ này.

Công dụng đa năng của rễ đậu phộng

Tăng sản tuyến tiền liệt lành tính là tình trạng thường phát sinh theo tuổi tác, dẫn đến các triệu chứng như khó tiểu, bao gồm tiểu không hết, tiểu gấp, tiểu không tự chủ và đi tiểu nhiều lần ở đàn ông trung niên và cao tuổi.

Rễ đậu phộng có thể được mua tại các cửa hàng thảo dược. Đun sôi 500g rễ đậu phộng với 3 lít nước trong khoảng 30-40 phút và uống một cốc mỗi ngày.

Tiến sĩ Hu Naiwen, một bác sĩ y học cổ truyền ở Đài Loan, báo cáo rằng một trong những học sinh của ông đã nhờ cha mẹ thử phương pháp này và kết quả là vấn đề tiểu tiện thường xuyên của họ được cải thiện một cách hiệu quả. Những người gặp phải những vấn đề như vậy có thể cân nhắc dùng thử vì nó có thể mang lại kết quả tích cực.

Ngăn ngừa ô nhiễm Aflatoxin

Aflatoxin là chất chuyển hóa độc hại được tạo ra bởi các chủng nấm mốc, chủ yếu là Aspergillus flavus. Chúng được phân loại là chất gây ung thư hóa học, có tác dụng ức chế miễn dịch và có liên quan đến tổn thương gan và ung thư gan.

Các sản phẩm thường được phát hiện có chứa aflatoxin bao gồm bơ đậu phộng, bột đậu phộng và kẹo đậu phộng. Vì vậy, khi mua và tiêu thụ các sản phẩm từ đậu phộng, điều quan trọng là phải chú ý những điểm sau:

  • Hãy tìm những hạt có hình dáng không tì vết, tránh những hạt có đốm, vết nứt hoặc ẩm ướt. Không tiêu thụ đậu phộng có mùi ôi hoặc mốc. Đậu phộng nặng hơn thường có chất lượng tốt hơn.
  • Khi mua các sản phẩm đậu phộng, hãy chọn những gói nhỏ có thể dùng được trong một khẩu phần. Sau khi mở, bảo quản đồ thừa bằng hộp kín trong tủ lạnh để tránh nấm mốc.

Theo Wang He - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch

Tiến sĩ Hu Naiwen là bác sĩ y học cổ truyền Trung Quốc tại Shanghai Tong Te Tang ở Đài Bắc (Đài Loan) và là giáo sư tại Đại học Khoa học Y tế Nine Star ở Sunnyvale, California. Ông cũng từng là nhà nghiên cứu khoa học đời sống tại Viện nghiên cứu Standford. Trong hơn 20 năm hành nghề, ông đã điều trị cho hơn 140.000 bệnh nhân. Ông được biết đến là người đã chữa trị thành công cho bệnh nhân u ác tính thứ năm trên thế giới bằng phương pháp y học cổ truyền Trung Hoa. Ông Hu hiện đang dẫn một chương trình sức khỏe trên YouTube có hơn 700.000 người đăng ký. Ông cũng được biết đến với chương trình biểu diễn đường phố nổi tiếng về sức khỏe và thể chất tại nhiều thành phố khác nhau ở Úc và Bắc Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Đậu phộng: Bảo vệ tim và hỗ trợ chức năng nhận thức