Để khách hàng tự kiểm toán, Deloitte Trung Quốc bị SEC phạt lớn

Giúp NTDVN sửa lỗi

SEC đã phạt Deloitte Trung Quốc 20 triệu USD vì không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán cơ bản của Mỹ. Một số trong những đối tượng mà Deloitte Trung Quốc đã dung túng là các công ty Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ. Động thái này thể hiện sự cần thiết để nhà chức trách Mỹ thanh tra các công ty kiểm toán Trung Quốc.

Trong một thông báo hôm 29/09, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) đã phạt Deloitte Touche Tohmatsu Certified Public Accountants LLP (Deloitte Trung Quốc) vì “không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán cơ bản của Mỹ trong các cuộc kiểm toán thành phần [kiểm toán được thực hiện trên các đơn vị thành viên của một tập đoàn] đối với các tổ chức phát hành của Mỹ và các cuộc kiểm toán các công ty ngoại quốc được niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ”.

Thông báo cho thấy rằng, “trong nhiều cuộc kiểm toán, nhân viên của Deloitte Trung Quốc đã đề nghị khách hàng chọn mẫu riêng của chính họ để kiểm tra và chuẩn bị tài liệu kiểm toán nhằm cho thấy bề ngoài rằng Deloitte Trung Quốc đã thu thập và đánh giá bằng chứng củng cố cho các giao dịch kế toán của một số khách hàng nhất định. Điều này tạo ra vẻ bề ngoài rằng Deloitte Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra theo yêu cầu đối với báo cáo tài chính và kiểm soát nội bộ của khách hàng trong khi không có bằng chứng trong hồ sơ kiểm toán cho thấy trên thực tế công ty đã làm như vậy”.

Chủ tịch SEC Gary Gensler cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhận thấy rằng Deloitte Trung Quốc đã không đáp ứng một cách nghiêm trọng các yêu cầu kiểm toán chuyên nghiệp trong nhiều cuộc kiểm toán thành phần đối với hoạt động tại Trung Quốc của các tổ chức phát hành của Mỹ và các cuộc kiểm toán đối với các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ. Mặc dù hành động của SEC hôm nay không có ngụ ý về sự vi phạm Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài, nhưng hành động này nhấn mạnh sự cần thiết đối với việc Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng có thể thanh tra các công ty kiểm toán Trung Quốc”.

Đáp lại, Deloitte Trung Quốc đồng ý trả khoản tiền phạt 20 triệu USD và thực hiện các biện pháp khắc phục sâu rộng.

Thỏa thuận SOP

Nhân viên Ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) đã đến Hong Kong để bắt đầu thanh tra kiểm toán.

Theo một bài báo đăng ngày 22/09 của Reuters, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này tiết lộ rằng Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Bộ Tài chính Trung Quốc đã cử khoảng 10 quan chức đến Hong Kong để tham gia thanh tra kiểm toán, hoạt động được bắt đầu hôm 19/09. Các nguồn tin tiết lộ thêm rằng các quan chức cũng sẽ có mặt để hỗ trợ một nhóm từ PCAOB; công việc của nhóm này là phỏng vấn và thu thập bằng chứng từ nhân viên của công ty kiểm toán.

Cuộc thanh tra kiểm toán kế toán đối với các công ty Trung Quốc do PCAOB triển khai tại Hong Kong được thực hiện theo thỏa thuận Tuyên bố về Giao thức (SOP) được ký kết giữa Trung Quốc và Mỹ vào tháng 8.

Hôm 26/08, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc và Bộ Tài chính Trung Quốc đã chính thức công bố việc ký kết thỏa thuận SOP với PCAOB và tuyên bố rằng hoạt động hợp tác với việc giám sát các công ty kế toán công đã đăng ký với PCAOB ở Trung Quốc và Hong Kong, theo yêu cầu của thỏa thuận, sẽ được khởi động trong tương lai gần.

Hai tuần trước, hôm 12/08, năm doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc — PetroChina, Sinopec, China Life, Aluminium Corporation of China và Shanghai Petrochemical — đã cùng nhau thông báo hủy niêm yết khỏi Sàn giao dịch chứng khoán New York.

Deloitte Trung Quốc để khách hàng tự kiểm toán và bị SEC phạt 20 triệu USD
Nhân viên môi giới làm việc tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE), ngày 23/09/2022, tại New York, Mỹ. (Ảnh: Spencer Platt / Getty Images)

ĐCSTQ lo sợ về việc tách rời tài chính với Mỹ

Ông Shi Shan, một chuyên gia về các vấn đề chính trị và kinh tế của Trung Quốc làm việc tại Mỹ, tin rằng vì Mỹ đã có những hành động chủ động tách khỏi Trung Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, nên Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang lo lắng về một sự tách rời về mặt tài chính và phải nhượng bộ.

Ông Shi nói với The Epoch Times rằng việc hủy niêm yết năm doanh nghiệp này khỏi Sàn Giao dịch Chứng khoán New York là một động thái tuyệt vọng của ĐCSTQ. Sự thật rằng các doanh nghiệp này được kiểm soát hoàn toàn bởi chính phủ trung ương Trung Quốc bị che dấu nhằm trốn tránh các quy định của Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài (HFCAA).

Tháng 12/2020, HFCAA đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật. Sau đó, SEC đã ban hành các quy tắc chi tiết để thực hiện đạo luật.

Các quy tắc quan trọng nhất của HFCAA quy định rằng PCAOB phải được phép thanh tra các cuộc kiểm toán của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc, được niêm yết tại Mỹ và các công ty này phải công khai rằng họ không thuộc sở hữu hoặc nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.

Ông Shi chỉ ra rằng trong cái gọi là “cải cách ba năm các doanh nghiệp nhà nước” của Trung Quốc, ĐCSTQ đã giúp các doanh nghiệp thuộc sở hữu của chính phủ trở thành những người khổng lồ trong ngành thông qua độc quyền nhà nước.

Ông nói: “Mục tiêu của họ là tham gia vào cuộc cạnh tranh toàn cầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu bằng cách thao túng thị trường trong nước”.

Trong gần một thập kỷ, các cơ quan quản lý Mỹ đã yêu cầu có được các tài liệu kiểm toán từ các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Nhưng ĐCSTQ, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia, đã từ chối cung cấp và từ chối cho phép các cơ quan quản lý Mỹ kiểm tra các công ty kế toán, dẫn đến bế tắc giữa hai bên.

Kể từ tháng 3 năm nay, các cổ phiếu khái niệm của Trung Quốc không đáp ứng yêu cầu kiểm toán của PCAOB đã được đưa vào danh sách tiền hủy niêm yết. Sau đó vào tháng 4, ĐCSTQ buộc phải sửa đổi các quy định liên quan, để cuối cùng hai nước có thể ký hiệp định SOP.

Theo ông Shi, ĐCSTQ đã phải nhượng bộ vì lo ngại rằng Mỹ sẽ bắt đầu tách rời về mặt tài chính khỏi Trung Quốc, cho thấy rằng ĐCSTQ đã rơi vào thế bị động trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Cát Duyên

Theo David Chu - The Epoch Times

Kinh tế Tin kinh tế


BÀI CHỌN LỌC

Để khách hàng tự kiểm toán, Deloitte Trung Quốc bị SEC phạt lớn