Điều trị sỏi thận: Đừng chỉ chú trọng sỏi lớn, mà cần lấy cả những viên sỏi nhỏ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bất cứ ai đã từng trải qua cảm giác đau đớn do sỏi thận đều muốn tránh lặp lại tình trạng cũ. Giờ đây, thử nghiệm mới nhất đã xác nhận một chiến lược phòng ngừa hiệu quả, đó chính là loại bỏ những viên sỏi nhỏ “thầm lặng” trước khi chúng thực sự gây rắc rối.

Khi viên sỏi trong thận phát triển đủ lớn để gây đau đớn và cần loại bỏ, các xét nghiệm hình ảnh thường cho thấy bên trong cũng chứa những viên sỏi nhỏ hơn, nhưng chúng không gây ra triệu chứng.

Mặc dù vậy, các bác sĩ hiểu rằng có nhiều khả năng những viên sỏi đó sẽ gây ra triệu chứng sau này.

Một số người cho rằng tại sao các bác sĩ phẫu thuật không “tiện tay” gắp những viên sỏi nhỏ ra ngoài, giảm thiểu nguy cơ sỏi thận trong tương lai?

Nghiên cứu mới - được công bố vào ngày 11 tháng 8 trên Tạp chí Y học New England - đã đưa giả định đó vào thử nghiệm.

Các nhà nghiên cứu đã tuyển chọn 73 bệnh nhân đang bị sỏi thận gây đau đớn và phân ngẫu nhiên họ vào một trong hai nhóm.

Ở nhóm một, các bác sĩ đã loại bỏ bất kỳ viên sỏi nhỏ (không gây triệu chứng đau đớn) nào mà họ nhìn thấy khỏi thận. Trong khi đó ở nhóm hai, những viên sỏi li ti được để nguyên tại chỗ.

Kết quả gây bất ngờ đáng kể: Khả năng tái phát sỏi thận ở những bệnh nhân được lấy bỏ sỏi nhỏ thấp hơn 82% trong bốn năm tiếp theo. Tái phát có nghĩa là một đợt sỏi gây đau đớn khác, hoặc những viên sỏi còn sót lại đã lớn lên.

Tiến sĩ David Goldfarb, chuyên gia về thận tại Trường Y khoa NYU Grossman ở New York (Hoa Kỳ) cho rằng đây là một kết quả có ý nghĩa.

Tuy nhiên, ông Goldfarb lưu ý rằng các nhà nghiên cứu trong thử nghiệm này là chuyên gia nội tiết niệu - bác sĩ tiết niệu chuyên về các kỹ thuật xâm lấn tối thiểu được sử dụng để lấy sỏi thận.

Không rõ liệu bệnh nhân có thể mong đợi kết quả tương tự đối với bất kể ai khác thực hiện phẫu thuật loại bỏ sỏi hay không.

Goldfarb cũng chỉ ra một câu hỏi: Có nên loại bỏ sỏi nhỏ hơn, không có triệu chứng ngay cả khi không có sỏi lớn? Ông nói rằng nghiên cứu này không trả lời điều đó.

Theo Tổ chức Thận Quốc gia (Hoa Kỳ), sỏi thận là bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 10% số người tại một thời điểm nào đó.

Thông thường, sỏi có thể được thải ra ngoài qua nước tiểu mà không gây quá nhiều đau đớn. Nhưng khi sỏi lớn hơn gây tắc nghẽn nước tiểu hoặc đau không chịu nổi thì cần phải điều trị.

Ngày nay, để điều trị, người ta thường sử dụng một ống mỏng được trang bị máy ghi hình, được gọi là ống nội soi niệu quản.

Ống nội soi được luồn qua niệu đạo và bàng quang cho đến khi chạm tới viên sỏi, và bác sĩ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để lấy nó ra ngoài.

Trong trường hợp sỏi rất lớn, nó có thể được lấy ra thông qua một vết rạch nhỏ ở phía sau — được gọi là phẫu thuật lấy sỏi thận qua da.

Ở thử nghiệm mới, các nhà nghiên cứu do Tiến sĩ Mathew Sorenson tại Đại học Washington dẫn đầu, đã tuyển chọn những bệnh nhân cần loại bỏ sỏi có triệu chứng.

Hầu hết họ được làm nội soi niệu quản, trong khi một số ít được tán sỏi thận qua da.

Tất cả các bệnh nhân cũng có một đến ba viên sỏi không có triệu chứng.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ định ngẫu nhiên 38 người để loại bỏ những viên sỏi qua phương pháp nội soi niệu quản; trong khi 35 bệnh nhân còn lại vẫn để nguyên sỏi không có triệu chứng.

Trong bốn năm tiếp theo, 16% bệnh nhân trong nhóm ưu tiên bị tái phát - so với 63% bệnh nhân trong nhóm đối chứng.

Nhiều người tái phát đã phải vào phòng cấp cứu, cần phẫu thuật hoặc cả hai; rong khi những người khác cho thấy sự phát triển trong những viên sỏi còn sót lại.

Tiến sĩ Philip Zhao là bác sĩ tiết niệu tại NYU Langone Health, chuyên điều trị sỏi thận. Ông cho biết việc loại bỏ những viên sỏi không gây triệu chứng trong quá trình làm thủ thuật lấy bỏ sỏi có vấn đề đã là tiêu chuẩn.

Ông Zhao không tham gia vào nghiên cứu nói trên, ông cho biết: “Đó là lẽ thường và là một thông lệ tốt. Nếu đã nội soi niệu quản rồi, hãy tiện thể lấy hết sỏi ra”.

Tiến sĩ cũng nói thêm, nghiên cứu mới đã thực sự đưa phương pháp đó vào thử nghiệm - và “về cơ bản đã chứng minh điều hiển nhiên”.

Có những trường hợp sỏi thận được điều trị không xâm lấn bằng thủ thuật gọi là tán sỏi bằng sóng xung kích. Nó đưa sóng âm thanh năng lượng cao xuyên qua da để phá vỡ viên đá thành những mảnh nhỏ có thể đi qua được ống niệu quản.

Nhưng, ông Zhao nói, cách tiếp cận đó đã không còn được ưa chuộng - một phần vì nó để lại những viên hoặc mảnh sỏi nhỏ phía sau. Ngay cả khi loại bỏ sỏi thứ cấp, sỏi mới vẫn có thể hình thành.

Tiến sĩ Zhao cho biết điều quan trọng đối với những người từng bị sỏi là nói chuyện với bác sĩ của họ về những cách ngăn ngừa các viên sỏi mới, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và lối sống.

Ông Goldfarb lưu ý rằng sỏi có xu hướng "theo mùa" - phổ biến hơn trong thời tiết nóng vì mọi người đổ mồ hôi nhiều hơn và đi tiểu ít hơn, điều này có thể khiến sỏi dễ hình thành hơn.

Vì vậy, điều quan trọng là, cơ thể cần duy trì sản xuất nước tiểu bằng cách uống nhiều nước hơn.

Theo The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Điều trị sỏi thận: Đừng chỉ chú trọng sỏi lớn, mà cần lấy cả những viên sỏi nhỏ