Định nghĩa mới của FDA về 'lành mạnh'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cùng với thuốc lá, rượu và ít vận động, dinh dưỡng kém là một trong những nhân tố chính gây ra một số bệnh mãn tính. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), cứ 10 người trưởng thành ở Hoa Kỳ có 6 người mắc bệnh mãn tính và cứ 10 người thì có 4 người mắc hai bệnh mãn tính trở lên.

Hàng năm người Mỹ phải chi 4.100 tỷ đô la Mỹ để điều trị bệnh tim, ung thư, bệnh phổi mãn tính, đột quỵ, bệnh Alzheimer, bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính. Hầu hết mọi người ở Hoa Kỳ tiêu thụ quá nhiều natri, chất béo bão hòa và đường, là những chất làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính này.

Ngày 28/9, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đề xuất các hướng dẫn mới được cập nhật về dinh dưỡng “lành mạnh” trên bao bì thực phẩm. Mặc dù việc tuyên bố thực phẩm “lành mạnh” là tự nguyện đối với các công ty cung cấp thực phẩm, nhưng một số công ty sẽ cố gắng tuân thủ hướng dẫn mới này để làm an lòng những người tiêu dùng có ý thức về sức khỏe.

Khuôn khổ mới

Các hướng dẫn dinh dưỡng mới của FDA đã được công bố trước Hội nghị Nhà Trắng về Đói, Dinh dưỡng và Sức khỏe cùng ngày. Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ Hội nghị đầu tiên và duy nhất trước đó vào năm 1969.

Chính quyền tổng thống Biden hứa sẽ cam kết dành khoản ngân sách 8 tỷ đô la cho mục tiêu “Chấm dứt nạn đói và tăng cường ăn uống lành mạnh cũng như hoạt động thể chất vào năm 2030, để ít người Mỹ mắc các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống như tiểu đường, béo phì và tăng huyết áp”.

Trong một tuyên bố do Nhà Trắng đưa ra, hệ thống ghi nhãn trước gói hàng (FOP) được quảng cáo là một cách để “truyền đạt thông tin dinh dưỡng một cách nhanh chóng và dễ dàng” và “trao quyền cho người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn lành mạnh”.

Các đề xuất dựa trên khoa học dinh dưỡng hiện tại và có thể bao gồm các công cụ như “xếp hạng sao hoặc cơ chế đèn giao thông”.

Khuôn khổ mới nhằm mục đích cung cấp cho người tiêu dùng các loại thực phẩm đậm đặc chất dinh dưỡng. Các sản phẩm thực phẩm được yêu cầu phải có một lượng thực phẩm đáng kể từ ít nhất một nhóm hoặc phân nhóm thực phẩm, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc, sữa và thực phẩm chứa protein.

Trong đó cũng đưa ra các giới hạn cụ thể đối với đường bổ sung, chất béo bão hòa và natri khác nhau tùy theo loại sản phẩm, bao gồm cả việc sản phẩm có chứa nhiều nhóm thực phẩm hay là món chính và bữa ăn chính.

Theo FDA, “Ví dụ về các loại thực phẩm hiện không đủ điều kiện để được tuyên bố 'lành mạnh' dựa trên định nghĩa quy định hiện hành, nhưng sẽ đủ điều kiện nếu đảm bảo điều kiện có chứa nước, bơ, các loại hạt, cá có nhiều chất béo hơn, chẳng hạn như cá hồi, và một số loại dầu”.

Ngược lại, "Các sản phẩm hiện đủ điều kiện là 'tốt cho sức khỏe' nhưng lại không được duyệt theo nguyên tắc cập nhật bao gồm bánh mì trắng, sữa chua có độ ngọt cao và ngũ cốc có độ ngọt cao".

Các loại trái cây và rau tươi sống sẽ tự động đủ điều kiện là “lành mạnh” do thành phần dinh dưỡng của chúng và có lợi cho một chế độ ăn uống lành mạnh.

Ý kiến ​​chuyên gia

Theo The Washington Post, Sean McBride, người sáng lập DSM Strategy Communications và là Cựu Giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất hàng tạp hóa, cho biết: “Trên thực tế, nguyên tắc đề xuất của FDA cần được xem xét và sửa đổi đáng kể để đảm bảo nó không đặt nặng vấn đề chính trị thực phẩm lên trên yếu tố khoa học và thực tế.

Ông Peter Lurie, Giám đốc điều hành của Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng, nói với tờ The Washington Post rằng việc dán nhãn thực phẩm như vậy thể hiện lời hứa của các công ty thực phẩm nhưng chúng cần phải là bắt buộc, đơn giản và cụ thể.

Cô Eva Greenthal, cũng từ Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng, nói với CNN, “Tác động tiềm tàng như chúng tôi thấy là khá hạn chế”.

Cô chỉ ra rằng hiện nay chỉ có một số công ty thực phẩm tự nguyện tuyên bố sản phẩm của mình là tốt cho sức khỏe. Nguyên tắc cập nhật của FDA có thể khiến con số này còn giảm hơn nữa. Cô cho biết tuyên bố tốt cho sức khỏe sẽ không giúp mọi người hiểu thực phẩm nào bổ dưỡng.

Nhãn dinh dưỡng

Để cho phép người tiêu dùng đưa ra lựa chọn thực phẩm sáng suốt hơn, FDA trước đó đã cập nhật nhãn Thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói vào năm 2016. Khẩu phần và lượng calo đã được sửa đổi để phản ánh tốt hơn lượng thực phẩm mọi người thường ăn và uống trong một ngày.

Phần trăm Giá trị hàng ngày (% DV), cho biết mỗi chất dinh dưỡng đóng góp bao nhiêu vào tổng chế độ ăn hàng ngày, đã được điều chỉnh sao cho 5% DV trở xuống của một chất dinh dưỡng trên mỗi khẩu phần được coi là thấp, trong khi 20% DV trở lên của một chất dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn được coi là cao.

Ngoài ra, nhãn dinh dưỡng không còn bắt buộc phải liệt kê lượng calo từ chất béo do nghiên cứu cho thấy lượng chất béo ít quan trọng hơn loại chất béo được tiêu thụ. Không liệt kê vitamin A và C trong nhãn dinh dưỡng nữa do tình trạng thiếu hụt hai loại Vitamin này là hiếm khi xảy ra.

Canxi và sắt vẫn được ghi trên nhãn, trong khi Vitamin D và kali được bổ sung vì chế độ ăn nhiều chất dinh dưỡng này có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và huyết áp cao.

Đường bổ sung được ghi trên nhãn vì đường từ quá trình chế biến thực phẩm, xi-rô, mật ong và nước ép trái cây hoặc rau quả cô đặc khiến chúng khó duy trì trong giới hạn calo trong khi vẫn đáp ứng các mục tiêu dinh dưỡng.

Theo Vision Times tiếng Anh
Hải Quỳnh biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Định nghĩa mới của FDA về 'lành mạnh'