5 bức tranh cổ ‘độc nhất vô nhị’ khiến người xem kinh ngạc (P.3)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bức "Nam Đô phồn hội đồ" với niên đại 500 năm này rất nổi tiếng với nét phác họa tỉ mỉ và giá trị cổ đại của nó. Tranh lấy cảm hứng và nội dung về cuộc sống tấp nập nhộn nhịp của bách tính. Tuy nhiên, có một người đàn ông vô danh trong bức tranh này có thể làm thay đổi lịch sử.

Xem lại: Phần 1; Phần 2

3. Người đeo kính trong bức họa cổ 500 năm

Những bức tranh cổ Trung Quốc thường được vẽ trên khổ giấy lớn, phác họa chân thực từng khung cảnh với từng chi tiết nhỏ. Thậm chí hậu thế có thể nhìn thấy rõ các chi tiết dù tranh được phóng đại lên gấp 10 hay 20 lần.

Bức "Nam Đô phồn hội đồ" với niên đại 500 năm này rất nổi tiếng với nét phác họa tỉ mỉ và giá trị cổ đại của nó. Tranh lấy cảm hứng và nội dung về cuộc sống tấp nập nhộn nhịp của bách tính.


Một góc của bức vẽ 500 tuổi "Nam Đô phồn hội đồ". (Ảnh: wikipedia)

Bức tranh được chia thành ba phần, có phong cảnh nông thôn và khung cảnh náo nhiệt phi phàm trong kinh đô kéo dài cho đến tận cổng cố cung Nam Kinh.

Đó là cảnh sinh hoạt của người dân khi được sống trong 1 triều đại thịnh thế; có hàng trăm cửa hàng và có hơn 1000 người được vẽ trong tranh. Mọi thứ hiện lên sống động như thật vậy. Tuy nhiên, có một người đàn ông vô danh trong bức tranh này có thể làm thay đổi lịch sử.

Giữa 1.000 người được vẽ, hậu thế đã phát hiện ra 1 người đàn ông đang ngồi trong góc nhỏ khi phóng to bức tranh lên 10 lần. Người này trông vô cùng bình thường cho đến khi nhìn lên thứ mà ông ta đang đeo, đó chính là 1 cặp kính mắt. Các chuyên gia và hậu thế vô cùng ngạc nhiên là bởi ở thời nhà Minh, tức hơn 500 năm trước, kính mắt chưa hề ra đời. Làm sao mà tác giả có thể vẽ ra một cách chân thực một cặp kính như ở thời hiện đại thế được?


Người đàn ông trong góc nhỏ đeo cặp kính mắt giống y hệt thời hiện đại. (Ảnh: Sohu)

Cặp mắt kính này phải chăng là một nét vẽ "vu vơ" của tác giả? Chúng ta hãy xem hình dáng cặp mắt kính có gọng đầu tiên tại Trung Quốc, các bạn có thấy giống phiên bản mắt kính trong tranh không?

Theo ghi chép lịch sử, kính ra đời lần đầu tiên vào năm 1268 và xuất hiện tại Trung Quốc năm 1270 - 1271 trong các gia đình quý tộc. Nhưng lúc đó nó chỉ có hình dạng giống như 1 chiếc kính lúp mà thôi.

Cặp mắt kính có gọng đầu tiên thì được chế tạo hồi cuối thế kỷ 16. Mà lúc đó "gọng" kính còn mới là sợi dây buộc vào đầu mà thôi. Các nhà truyền giáo từ Tây Ban Nha là những người đã mang cặp kính này sang Á châu.

Thế nên bức vẽ 500 năm này đến nay, vừa có giá trị lịch sử và vừa ẩn chứa sự bí ẩn mà chưa ai giải thích chính xác được.

4. Bức tranh kỳ lạ vẽ 3 ông lão - Ai xem cũng phải chột dạ!

Bức tranh này với nội dung đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều tầng lớp nghĩa. Có người cho rằng tranh cổ Trung Hoa ngoài phác họa hoa lá, chim muông, sông núi thì cũng chỉ toàn tranh thư pháp chứ không mang tính phơi bày và châm biếm như tranh phương Tây. Thế nhưng, nổi tiếng trong mảng tranh châm biếm của Trung Quốc cổ đại có một bức tranh kỳ lạ tên là "Tam đà đồ" đã được lưu truyền hơn 400 năm.

Đây là bức tranh cổ có niên đại từ thời nhà Minh của họa sĩ Lý Sĩ Đạt. Bức tranh là một cuộn giấy dọc với chiều dài 78,5 cm và rộng 30,3 cm, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh.

Một phần bức tranh "Tam đà đồ". (Ảnh: read01)

Tổng thể tranh vô cùng đơn giản miêu tả ba ông lão lưng gù, một người vừa đi vừa xách giỏ, một người khác nhìn chằm chằm người xách giỏ, người còn lại thì vừa vỗ tay vừa cười lớn, trong tranh tướng mạo của cả ba lão đều vô cùng hài hước và kỳ dị.

Từ nét vẽ đơn giản có phần kỳ quái đến ý nghĩa của bức tranh đều được các chuyên gia đánh giá rất cao. Phía trên bức họa có đề bài thơ của Tiền Doãn Trị tạm dịch là:

"Trương gù xách giỏ thăm người thân
Lý gù trông thấy hỏi nguyên nhân
Triệu gù vỗ tay cười ha hả
Trên đời hóa ra chẳng người ngay"

Ẩn ý thâm sâu của bức tranh là gì? Bức "Tam đà đồ" (Ba ông lão gù) được vẽ dựa trên câu chuyện trào phúng giữa ba ông lão. Chính giữa bức tranh là ông lão họ Lý, khi lão Lý gặp lão Trương đang trên đường đi thăm họ hàng thì cúi người lớn tiếng chào hỏi, lão Trương nhìn nghiêng đáp lại.

Đột nhiên một lão Triệu từ phía sau đi ra, vỗ tay cười ha hả nói lớn: "Tưởng có mỗi mình ta lưng cong, hoá ra mọi người đều là những kẻ lưng gù​​."

Câu cuối cùng trong bài thơ thực chất là một lời châm biếm vô cùng thâm sâu. Cái lưng gù trong tranh ám chỉ "người không ngay thẳng", lươn lẹo, nghĩa là trên thế gian này vì ai cũng là người không ngay thẳng nên con người luôn có cảm giác hả hê rằng mọi việc dối trá đều không phải là tội.

Ở xã hội hiện đại cũng đầy rẫy những kẻ "không ngay thẳng", và không ít những kẻ dối trá vẫn dửng dưng với tâm lý hả hê "ai cũng gù như thế", thế là họ vẫn vô tư “làm người gù” như lão Triệu gù trong bức tranh.

Thế nên, bức họa kỳ lạ đã được lưu truyền 400 năm này dường như vẫn còn nguyên giá trị trào phúng của nó cho đến ngày nay. Dù chỉ vẽ vỏn vẹn ba ông lão, nhưng ý nghĩa đằng sau nó lại khiến không ít người cảm thấy chột dạ và xấu hổ.

5. Địa ngục biến tướng đồ

Vào triều đại nhà Đường, có một họa sĩ nổi tiếng được người đời gọi ông là họa thánh, đó chính là Ngô Đạo Tử. Ông vẽ bộ bích họa “Địa ngục biến tướng đồ” dựa trên sự tích “Mục Liên cứu mẹ” của đạo Phật. Những hình quỷ quái yêu ma ở địa ngục sống động tới mức khi xem tranh, người ta có cảm giác sởn gai ốc như yêu ma sắp bước xuống.

Bộ tranh vẽ xong, dân trong kinh thành đến xem, đều sợ phải xuống địa ngục chịu tội, nên dốc tâm làm việc thiện; có những người đồ tể và chài lưới bỏ nghề sang làm nghề khác.

Ngày nay, khi đạo đức xã hội nhân loại tuột trên dốc lớn, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật người ta đánh mất đạo trong tâm. Nếu như con người trong xã hội quá khứ khi nhắc tới địa ngục liền quy chính lại bản thân, lo tích đức hành thiện, thì ngày nay nhắc tới địa ngục người ta liền coi đó là mê tín.

Thậm chí, khi xem bức tranh "Ông lão đánh cá" (The Old Fisherman) mà họa sĩ thời cận đại Csontváry Kosztka Tivadar vẽ, cũng phản ánh hiện thực xã hội. Bức tranh có vẻ không có gì đặc biệt. Tuy nhiên, nếu ai đó đặt một tấm gương vào giữa bức tranh thì bạn sẽ nhận ra hai khuôn mặt với hai vẻ mặt trái ngược.

TFile:Csontváry Kosztka, Tivadar - Old Fisherman (1902).jpg
"Ông lão đánh cá" (The Old Fisherman) của họa sĩ Csontváry Kosztka Tivadar (Phạm vi công cộng)

Phải chăng đây chính là phản ánh rằng lòng người ngày nay đã ma biến, không còn tin vào tín ngưỡng, thần linh. Cho nên bức ‘Địa ngục biến tướng đồ’ tuy không lời, nhưng lại ẩn chứa những hàm ý thâm thúy. Đời người như một màn kịch mà chính ta là một diễn viên trong vở diễn đó. Nam tào có sổ, Phật có thiên nhãn, tội hay công đều rõ ràng rành mạch. Nhập cửa địa ngục mà nghe phán tội mới rùng mình hoảng sợ, chối cãi nào được khi được ngồi mà xem lại chính vở diễn của đời mình.


Mỗi lần ném một tội nhân vào, chỉ nghe thấy tiếng kêu vô cùng thê thảm. (Ảnh: Wikipedia)

Hay những kẻ nói lời thị phi, vu oan kết tội cho người tốt, dùng lời xảo trá mà hãm hại người, ăn gian nói dối, khuấy đảo thị phi… tạo khẩu nghiệp rất nặng, nên khi qua đời phải bị hình phạt kéo lưỡi vô cùng đau đớn.

Phải nói rằng tác phẩm “Địa ngục biến tướng đồ” không chỉ dừng lại ở một kiệt tác nghệ thuật, mà đây còn là sự cảnh tỉnh và có tác dụng khuyến thiện, giáo hóa cho con người thế gian.

Chiêm ngưỡng các bức họa cổ, chúng ta càng khâm phục nét vẽ rất có thần của các họa sĩ xưa, cũng như ẩn ý sâu xa mà thâm thúy bên trong các bức họa.

(Hết)

Bách Diệp
Theo Ngẫm Radio



BÀI CHỌN LỌC

5 bức tranh cổ ‘độc nhất vô nhị’ khiến người xem kinh ngạc (P.3)