Mẹ góa bụa bồi dưỡng 13 đứa con thành tiến sĩ, bí quyết dạy con chỉ có 15 chữ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bà là một người góa bụa ở vậy nuôi dạy 13 người con trai, con gái. Cả 13 người con đều đạt được học vị tiến sĩ. Bà là người Mỹ gốc Hoa, được 2 vị Tổng thống Clinton, Bush khen ngợi, gọi bà với cái tên "Người mẹ vĩ đại". Bà sống đến 106 tuổi.

Bà chính là Vương Thục Trinh, bà là một người mẹ vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình thường. Nói bà vĩ đại là bởi vì bà sinh ra 13 người con, cả 13 người con của bà đều trở thành tiến sĩ. Nói bà bình thường, là bởi vì bản thân bà không có nhiều tiếng tăm, chỉ là một phụ nữ nội trợ đơn giản không có sự nghiệp riêng.

Mất chồng năm 51 tuổi, một mình nuôi 13 con thành tiến sĩ

Vương Thục Trinh sinh năm 1897 tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Bà xuất thân trong một gia đình khá giả.

Năm 19 tuổi, bà kết hôn với Lý Hạo Dân, công tử của một gia đình giàu có ở địa phương. Từ đó, bà tận lực để trở thành một người vợ hiền, một người từ mẫu, giúp chồng quản nhà dạy con. Thời đó, người ta cho rằng càng có nhiều con thì phúc phận càng lớn. Vậy nên Vương Thục Trinh đã sinh 8 con gái và 5 con trai cho dòng họ Lý.

Bên ngoài, chồng bà điều hành một doanh nghiệp buôn bán lương thực, trong nhà, bà giữ vững vai trò nội trợ, là hậu phương vững chắc cho chồng mình. Hai người có với nhau 13 đứa con, họ cùng nhau sống một cuộc sống viên mãn.

Vương Thục Trinh và chồng Lý Hạo Dân. (Ảnh baidu)

Năm 1948, vợ chồng Vương Thục Trinh chuyển đến Đài Loan. Trong một chuyến vận chuyển hàng hóa bằng tàu từ Giang Tô tới Đài Loan, Lý Hạo Dân chẳng may gặp nạn qua đời. Bi kịch này khiến gia đình bà mất đi trụ cột và sa sút dần. Vương Thục Trinh trở thành góa phụ, một mình dắt theo 13 đứa con giữa nơi đất khách quê người.

Dù vậy, Vương Thục Trinh chưa từng nản lòng dù chỉ một ngày. Bà không những muốn toàn bộ con cái mình có cơm ăn no bụng, mà còn cố gắng cho chúng đi học để hưởng nền giáo dục tốt nhất. Người mẹ này tâm niệm: Có thể nghèo vật chất, nhưng không thể nghèo giáo dục!

Vì thế, người mẹ này chấp nhận làm người giúp việc để kiếm sống qua ngày. Để có tiền nuôi con, bà từ một vị phu nhân chuyên làm nội trợ trở thành một người giúp việc làm thuê. Dù là trông trẻ, giặt giũ hay nấu ăn, dạy nhạc cho gia đình giàu có, chỉ cần có thể kiếm tiền, bà đều không quản ngày đêm làm việc.

Lúc ấy, Vương Thục Trinh sống với 13 người con tại khu Đào Viên - một vùng ngoại ô vắng vẻ của Đài Loan. Các con bà đều học trong nội thành, mỗi ngày đi đi về về phải đi hàng chục cây số. Dù mệt mỏi thế nào, bà vẫn cố gắng hết sức, coi như hy sinh đời mình để tạo dựng tương lai cho các con.

Vương Thục Trinh hy vọng rằng các con sẽ trở thành những tài năng đỉnh cao xuất sắc nhất có thể, không là những người trưởng thành mà còn là những tài năng xuất chúng. Nhờ triết lý giáo dục này mà có tới 13 vị tiến sĩ được sinh ra trong dòng họ Lý - một kỳ tích không tưởng. 13 người con này hoạt động trong nhiều ngành nghề khác nhau. Họ là nhà khoa học, doanh nhân, nhà thiết kế thời trang, kỹ sư nông nghiệp nghệ sĩ, nhân viên quảng cáo, nhân viên chứng khoán, kỹ sư công nghệ thông tin, giáo sư đại học,...

Trong số 13 người con là tiến sĩ do một tay bà bồi dưỡng, có 3 người được trao tặng danh hiệu "Top 10 thanh niên đại kiệt xuất tại Mỹ".

Ngay cả Tổng thống Clinton và Tổng thống Bush cũng đã viết thư ca ngợi bà vào Ngày của Mẹ, và gọi bà là "người mẹ vĩ đại".

15 chữ giáo dục con cái

Vương Thục Trinh giáo dục con cái rất thành công, nhưng kinh nghiệm dạy con của bà lại chỉ có 15 chữ. Điều này cũng là chứng minh đầy đủ cho những giáo huấn người xưa để lại: "Đại Đạo chí giản".

Vương Thục Trinh thường nói với các con rằng: "Đối xử tốt với người khác, làm việc phải chuyên tâm, nói ít làm nhiều”.

Kinh nghiệm dạy con của Vương Thục Trinh mặc dù chỉ có 15 chữ, nhưng lại bao hàm 4 khía cạnh lớn trong cuộc sống, có thể nói là ngôn ngữ phong phú, ý nghĩa súc tích.

Đối xử tốt với người khác, chính là phải có tâm hồn thiện lương, gieo trồng phúc điền, kết thiện duyên rộng rãi. Đây chính là ý nghĩa quan trọng nhất của việc làm người, con người có thể vô tài nhưng không thể vô đức, làm người không được có tâm địa hiểm ác. Do vậy, người xưa đã lấy "Thiện đãi người khác" làm tiêu chí hàng đầu.

Làm việc phải chuyên tâm, chính là nói chúng ta làm việc gì cũng cần phải thành tâm, cung kính. Làm việc gì cũng phải dùng tấm lòng chân thành để đối đãi, không được nghĩ đến việc đền đáp. Làm việc phải chuyên tâm còn có một tầng ý nghĩa khác đó là phải cung kính và cẩn trọng, làm bất cứ việc gì cũng không được bất cẩn, qua loa hoặc nửa vời.

Nói ít, tức là con người cần phải biết tiết chế bản thân, từ đó tránh việc tạo khẩu nghiệp cho bản thân. Người nói quá nhiều, một mặt họ sẽ có xu hướng dễ đắc tội với người khác, dễ chuốc họa vào thân. Một mặt khác, người nói nhiều thường sẽ làm ít, họ nói năng tùy tiện và khiến bản thân trở nên nông cạn. Một nhà văn nổi tiếng đã từng nói: "Khi tôi im lặng, tôi cảm thấy trong lòng mình rất phong phú. Khi vừa mở miệng, tôi cảm thấy trong lòng trống rỗng".

Làm nhiều, chính là con người cần phải làm việc siêng năng, dùng hành động để biến lý tưởng và cách nghĩ của bản thân thành hiện thực. Trong Chu Dịch có viết: "Quân tử dĩ quả hành dục đức", ý nói rằng, con người có thể thông qua hành động quyết đoán để bồi dưỡng đạo đức cao thượng. Câu nói trong Hồng Lâu Mộng cũng có ý nghĩa tương tự: "Thế sự động minh giai học vấn, nhân tình luyện đạt tức văn chương", nghĩa là: Quan sát xem xét tỏ tường thế sự thì sẽ thấy cái gì, điều gì cũng là học vấn, rèn luyện tu dưỡng được nhân tình thế thái, thì sẽ thấy cái gì, điều gì cũng là văn chương”.

15 chữ giáo dục con của Vương Thục tuy đơn giản, nhưng lại bao hàm giá trị sâu sắc để giáo dục thế hệ tương lai. Đây là điều mỗi bậc cha mẹ đáng phải học hỏi, cũng đáng để mỗi người cần học theo.

Gia Hân
Tổng hợp từ Aboluowang và nguồn khác



BÀI CHỌN LỌC

Mẹ góa bụa bồi dưỡng 13 đứa con thành tiến sĩ, bí quyết dạy con chỉ có 15 chữ