Trong nhà không có 3 âm thanh này, gia đình khó thuận hòa, con cháu khó phú quý

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời còn trẻ, hầu hết chúng ta luôn nghĩ rằng, thế giới bên ngoài thật rộng lớn và tốt đẹp, chúng ta mong muốn có thể du ngoạn khắp thế gian. Mãi cho tới sau này mới chợt nhận ra rằng: Chúng ta sẽ không thể làm nên chuyện nếu không có “gia đình” bên cạnh. Con đường trở về nhà mới là phong cảnh tươi đẹp nhất của đời người.

Gia đình là điểm tựa tinh thần vững chắc, là nơi “ấp ủ” những hy vọng, niềm tin trong tương lai. Gia đình quan trọng đối với cuộc sống của chúng ta biết nhường nào!

Người xưa có câu: “Nhà không có tiếng ồn thì không phải là nhà, nhà không có tiếng ồn cũng khó mà trở nên phú quý”. Không khí trong nhà quá trầm mặc, tịch mịch, thì sẽ thiếu niềm vui, khiến cho các thành viên trong gia đình cảm thấy khó chịu, khó gắn kết lại với nhau.

Nếu trong gia đình thiếu 3 tiếng ồn này, gia đình sẽ khó hòa thuận, phú quý:

Thứ nhất: Tiếng cười tiếng nói của con trẻ trong nhà, thể hiện niềm vui và hy vọng cho gia đình

Không phải ai trong số chúng ta cũng thích sự ồn ào, náo nhiệt của trẻ con.

Nhưng bạn đã bao giờ có cảm giác này chưa? Khi con bạn ốm sốt, chúng chỉ nằm trên giường, chúng không chịu ăn uống và nói cười. Lúc này, niềm hy vọng lớn nhất của bạn không phải là mong con ngoan ngoãn nghe lời, cũng không phải là thành tích học tập xuất sắc, mà là hy vọng chúng nhanh khỏe mạnh, tung tăng chạy nhảy và nói cười như ngày thường.

Đừng phàn nàn về sự mệt mỏi khi chăm sóc những đứa trẻ ồn ào, vài năm nữa thôi, chúng sẽ lớn lên và ngày càng xa bạn. Lúc đó, khi bạn nhìn căn phòng trống vắng, bạn sẽ nhớ bóng dáng bé nhỏ ấy vô cùng.

Lúc đó, tiếng cười nói của con trẻ chính là âm thanh quý giá trong nhà. Sự tinh nghịch, hiếu động vốn là bản tính của trẻ nhỏ, thời gian cha mẹ có thể bên con cũng không phải là nhiều, hãy trân quý khoảng thời gian đồng hành cùng con.

Chúng ta thường gửi những lời chúc ý nghĩa, tốt đẹp đến những người cao tuổi, câu chúc đó thường là: “Chúc ông/bà sống lâu trăm tuổi, con cháu đầy đàn”. Ý nghĩa rằng, con cháu là phúc đức, là món quà quý từ Trời cao, cũng là nguồn hy vọng của gia tộc.

Một gia đình lâu ngày không có tiếng cười nói của con trẻ, người cao tuổi trong nhà sẽ luôn cảm thấy thiếu vắng một thứ gì đó. Âm thanh ‘ồn ào’ từ tiếng cười, tiếng nói của con trẻ, thực chất là nguồn vui, là sự kỳ vọng vào tương lai, tiếp nối huyết thống cũng như gửi gắm vào một tương lai tươi sáng.

Âm thanh ‘ồn ào’ từ tiếng cười, tiếng nói của con trẻ, thực chất là nguồn vui, là sự kỳ vọng vào tương lai. (Pixabay)

Thứ hai: Tiếng nói ‘cằn nhằn’ của người vợ, thể hiện sự quan tâm xuất phát từ tình yêu đích thực

Trong cuộc sống hôn nhân, dù có mặn nồng và sâu đậm đến đâu cũng sẽ không tránh khỏi những lúc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn hoặc bất hòa ý kiến.

Thông thường, khi xảy ra mâu thuẫn, người chồng thường sẽ là phía im lặng, phía người vợ lại không thể ngừng ‘cằn nhằn, phàn nàn’.

Lúc chưa kết hôn, người đàn ông thường bị bố mẹ cằn nhằn. Sau khi kết hôn lại bị vợ cằn nhằn, những lời cằn nhằn đó kỳ thực là sự kỳ vọng và yêu thương của đối phương dành cho bạn.

Người xưa có câu: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, chỉ những người yêu và thật lòng muốn tốt cho bạn nói ra những lời khó nghe như vậy. Tuy nhiên, đó là những lời thật lòng. Trong cuộc sống, hãy coi chừng trước những lời đường mật ngoài kia, đó có thể là ‘cạm bẫy’ của bạn”.

Đôi khi, người vợ ‘cằn nhằn’ với chồng một chút, điều đó không nhất định là không tốt. ‘cằn nhằn’ của người vợ thể hiện sự quan tâm và nâng niu tình cảm gia đình, khát vọng xây dựng nên một mái ấm hạnh phúc. Thực chất, đó chính là tình yêu đích thực.

Ngược lại, nếu một người phụ nữ luôn thờ ơ, lạnh nhạt với chính gia đình của mình, cô ấy sẽ không thèm nói một lời. Đôi khi, sự im lặng đến lạnh lùng với nhau còn đáng sợ hơn cả sự tan vỡ.

Bởi vậy, những bậc phu quân hãy trân trọng những người vợ biết cách ‘cằn nhằn’.

Thứ ba: Tiếng xoong nồi bát đũa, thể hiện sự ấm áp của gia đình

Căn bếp là nơi giữ lửa cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình. (Pexels)

Trên mạng từng đăng tải một câu chuyện: Có một cặp vợ chồng quyết định ly hôn, và lý do chính là họ đã không sử dụng căn bếp trong 3 năm qua, biến căn nhà trở thành như khách sạn.

Trước khi kết hôn, cả hai vợ chồng họ thường ăn cơm ở ngoài tiệm hoặc về nhà bố mẹ đẻ ăn. Sau khi kết hôn và sinh con, họ càng có nhiều vấn đề phải lo nghĩ, vì không có kinh nghiệm tự nấu nướng nên họ thiếu kỹ năng chăm sóc gia đình.

Thời gian lâu dần, trong nhà dần mất đi hương vị tình thân, gian bếp dẫu tiện nghi và sáng sủa, nhưng lại thiếu đi sự ấm áp của khói lửa, hương vị thơm ngon của những món ăn.

Căn bếp là nơi giữ lửa cho hôn nhân và hạnh phúc gia đình, là nơi người vợ tự tay nấu cho gia đình những món ăn ngon, là nơi người chồng có thể phụ vợ nấu nướng, là nơi có tiếng cười của con trẻ mỗi khi gia đình quân quầy cùng ăn cơm.

Trong cuộc đời này, bạn sẽ gặp rất nhiều người có thể cùng ăn với mình, nhưng rất khó để gặp được người sẵn sàng nấu ăn cho bạn mỗi ngày.

Mong bạn hãy trân trọng từng bữa cơm bên gia đình và trân quý người sẵn sàng nấu cơm cho bạn hàng ngày.

Đôi khi, tiếng khóc của trẻ nhỏ, tiếng cằn nhằn của vợ hoặc tiếng xoong chảo bát đũa có thể khiến bạn thấy phiền phức, nhưng không có những âm thanh này, ngôi nhà sẽ rất trống rỗng, thậm chí không còn là tổ ấm thực sự.

Hạnh phúc của đời người đôi khi rất đơn giản: Đó là khi ta cùng chơi với con, nghe tiếng cằn nhằn của người bạn đời, và cùng người thân quây quần bên mâm cơm gia đình.

Có nhà để về, có người để đợi, có cơm để ăn, cuộc sống như vậy là đủ!

Gia Hân tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trong nhà không có 3 âm thanh này, gia đình khó thuận hòa, con cháu khó phú quý