Vì sao Tử Cấm Thành được xây dựng cách đây hơn 600 năm vẫn ‘đứng vững’ với thời gian?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Được xây dựng chủ yếu bằng gỗ, có lẽ không ít người không khỏi thắc mắc, tại sao loại gỗ này có thể "đứng vững" suốt 600 năm mà không bị mối mọt? Bí quyết gì khiến một trong năm cung điện lớn nhất thế giới vẫn còn nguyên vẹn, không hề bị mục nát dù chịu nhiều mưa gió?

Khái quát về Tử Cấm Thành

Tên gọi Tử Cấm Thành vốn xuất phát từ chữ "Tử" trong Tử Vi cung hay là Thiên Tử với ý nghĩa là con trời. Vì nơi ở của Thiên đế là Tử Vi cung nên nơi ở của con trời cũng được thêm chữ "Tử" vào. Còn "Cấm Thành" có nghĩa là khu thành nghiêm cấm dân thường ra vào.

Tử Cấm Thành (tiếng Trung: 紫禁城 Zǐjìnchéng, tiếng Anh: The Forbidden City), ngày nay còn được gọi là Cố Cung (故宮).

Nằm ở khu Đông Thành thuộc Bắc Kinh, Trung Quốc, Tử Cấm Thành là một trong những khu phức hợp cung điện lớn nhất thế giới gồm 980 tòa nhà và sân vườn, được cho là có 9.999 phòng, với tổng diện tích 720.000 mét vuông. Là cung điện của 24 triều vua từ giữa nhà Minh đến cuối nhà Thanh – 14 vua triều Minh, 10 vua triều Thanh, cũng là trung tâm nghi lễ - chính trị của Trung Quốc qua các triều đại.

Nét độc đáo của Tử Cấm Thành

Điều đáng ngạc nhiên là đã hơn 600 năm trôi qua, gỗ dựng Tử Cấm Thành không hề bị mối mọt. Nhiều bí mật về nơi này đã được các chuyên gia hé lộ.

Tử Cấm Thành được khởi công vào năm thứ 4 đời vua Vĩnh Lạc - vị hoàng đế kiệt xuất của triều Minh, và là một trong những vị vua lỗi lạc của Trung Quốc (tức là năm 1406). Ông đặc biệt cử quan chức của các bộ đến giám sát việc khai thác và vận chuyển gỗ từ các nơi để xây dựng. Những vị quan được cử đi giám sát đều là những người giữ chức vụ quan trọng của triều đình.

Quá trình xây dựng Tử Cấm Thành mất 14 năm, huy động tới hơn một triệu nhân công, trong đó có hơn 100 ngàn thợ thủ công. Vật liệu được sử dụng bao gồm gỗ quý từ các khu rừng phía Tây Nam Trung Quốc, trong đó có Giao Chỉ (tên gọi của Việt Nam trong thời kỳ Bắc Thuộc) cũng là nguồn cung cấp gỗ quan trọng cho Tử Cấm Thành và đá cẩm thạch lớn từ các mỏ đá gần Bắc Kinh, gạch Tô Châu, ngói men ngọc An Huy, đá quý Phòng Sơn. Tương truyền rằng công việc tìm kiếm và chuẩn bị này kéo dài trong suốt 11 năm để tìm ra những loại gỗ tốt nhất.‏

Các kiến trúc sư trưởng của công trình gồm Nguyễn An (1381 - 1453), một thái giám người Việt Nam cùng với Thái Tín, Trần Khuê, Ngô Trung và Trương Tư Cung thiết kế, giám sát thi công.‏

Tử Cấm Thành được xây bên trong tường thành như một khối hình chữ nhật, từ Bắc đến Nam dài 961m, từ Đông sang Tây dài 753m, tường thành cao 10m, dài 3.4km với hào sâu bao quanh thành, thành một cấm địa được bảo vệ nghiêm ngặt.

4 góc thành là 4 tòa tháp canh với kiến trúc, kiểu mái phức tạp tượng trưng cho Đằng Vương các và Hoàng Hạc Lâu, 4 mặt tường thành có 4 cổng chính nối với cầu thông ra ngoài thành: Ngọ môn ở phía Nam, Thần Vũ môn ở phía Bắc, Đông Hoa môn ở phía Đông và Tây Hoa môn ở phía Tây.

Bên trong Tử Cấm Thành được chia làm 2 khu vực:

Ngoại Đình, hay còn gọi là Tiền Triều, nằm ở phía Nam, là nơi diễn ra các nghi lễ, lễ tế quan trọng, tổ chức các lễ thi cử… Khu vực này có điện Thái Hòa nằm ở trung tâm, phía sau là điện Bảo Hòa. 2 bên Đông – Tây là điện Văn Hoa – nơi lưu trữ thư pháp, sách vở của Hoàng đế và điện Võ Anh – nơi Hoàng đế gặp các quan đại thần và thiết triều.

Nội Đình, hay Hậu Cung như những phim cổ trang Trung Quốc thường nhắc đến. Đây là nơi ở của Hoàng đế và Hoàng thất. Vào thời nhà Thanh, đây còn là nơi ở và làm việc của Hoàng đế. Tiền triều chỉ sử dụng vào các nghi lễ quan trọng. Cung Càn Thanh, cung Khôn Ninh và điện Giao Thái là 3 cung chính ở hậu cung được gọi là Hậu Tam Điện.

Cung điện thể hiện rõ nét kiến trúc cung đình truyền thống tại quốc gia này, là dấu ấn ảnh hưởng đến sự phát triển văn hóa, kiến trúc ở Đông Á cũng như nhiều nơi khác. Không những được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1987, Tử Cấm Thành còn được tổ chức này xếp vào danh sách các công trình kiến trúc cổ bằng gỗ được bảo tồn lớn nhất thế giới.

Lý do gỗ trong Tử Cấm Thành không mục nát hay hư hại

Theo các chuyên gia, không phải những thân gỗ ở Tử Cấm Thành không bao giờ mục nát, mà là không dễ dàng bị mối mọt vì chất lượng của nó. Các loại gỗ được sử dụng hầu hết đều là gỗ trinh nam, linh sam và gỗ bách - những loại gỗ quý có chất lượng rất cao. ‏

‏Trong đó, trinh nam là loài cây lớn, cao tới 30m, thuộc loài đặc hữu ở Trung Quốc, xuất hiện ở một số vùng như Quý Châu, Hồ Bắc và Tứ Xuyên, hiện đang được xếp trong danh sách bảo vệ quốc gia hạng 2. Gỗ cây trinh nam rất đắt đỏ, có màu vàng óng khi đánh bóng, chỉ Hoàng đế Trung Hoa mới được sở hữu. Loại gỗ này có thể chống được ẩm mốc và mối mọt. Một cây trinh nam vàng đạt đến kích thước trung bình phải mất ít nhất 200 năm.

Theo sử sách ghi lại, gỗ trinh nam được dùng để làm cột trụ xây dựng Tử Cấm Thành, là vật liệu làm ngai vàng, tủ đồ trong phòng ngủ của các Hoàng đế thời nhà Minh. Hiện gỗ trinh nam có giá trị cao gấp 8000 lần so với gỗ thông thường.‏ Những thân cây khổng lồ này được vận chuyển từ trong núi sâu nhờ dòng nước tự nhiên như suối và sông, sau đó được gửi đến Bắc Kinh. Cách thức khai thác gỗ này đã được phản ánh trong các tác phẩm điện ảnh và văn học.

Thêm vào đó, hầu hết gỗ trong Tử Cấm Thành đều được sơn bằng sơn mài. Điều này cũng có vai trò ngăn côn trùng và tác động của tự nhiên.

Ngoài gỗ tốt, vị trí địa lý của Tử Cấm Thành cũng có ảnh hưởng không kém. Đây là một yếu tố giúp kiến trúc bảo quản được lâu. Tử Cấm Thành nằm ở phía Bắc, với tiết trời đặc trưng là khô và lạnh. Do đó, số lượng côn trùng ăn gỗ như mối, mọt tương đối ít.‏

‏Các bức tường trong cung cũng được trang bị lỗ thông gió, có vai trò ngăn ẩm rất lớn. Điều này cũng làm cho gỗ trong Tử Cấm Thành khó bị hư hại bởi không khí ẩm, nên gỗ trong Tử Cấm Thành để lâu như vậy không bị mục nát.‏

‏Cuối cùng là khả năng thoát nước của Tử Cấm Thành rất tuyệt vời. Được bao quanh bởi một con sông rộng 52m, sâu 6m, vừa là sông bảo vệ thành, vừa có tác dụng giúp cho hệ thống thoát nước. Phía bên ngoài mỗi phòng có những điểm thoát nước được thiết kế hình đầu rồng. Khi có mưa, nước sẽ thoát ra tại đó, tạo nên một khung cảnh ngoạn mục với "hàng ngàn con rồng đang phun nước".

Lượng nước được phân tán đi nhiều nơi nên tại đây hiếm khi xảy ra ngập úng, cũng nhờ hệ thống thoát nước luôn hoạt động một cách tuyệt vời dù đã trải qua 600 năm. Tử Cấm Thành là một minh chứng hoàn hảo về kiến trúc truyền thống của Trung Quốc, đó là "Bắc cao, Nam thấp" nhằm tránh ngập.

Tố Như

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao Tử Cấm Thành được xây dựng cách đây hơn 600 năm vẫn ‘đứng vững’ với thời gian?