Hoàng đế Khang Hy hiếu thảo như thế nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

“Bách thiện hiếu vi tiên”, câu nói của người xưa phản ánh trọng tâm của văn hóa truyền thống các nước Á Đông rằng, dù là người dân thường hay bậc đế vương, đều coi trọng nhân luân đạo hiếu.

Những điển cố về tấm lòng hiếu thảo của các bậc Thánh vương thời cổ đại như Thuấn Đế và Hán Văn Đế đều lưu danh trong “Nhị thập tứ hiếu”. Trên thực tế, có rất nhiều vị hoàng đế lấy chữ hiếu làm nền tảng trị quốc, chẳng hạn như Hoàng đế Khang Hy của triều đại nhà Thanh, là một vị vua anh minh với lòng hiếu thảo mẫu mực. Hoàng đế Khang Hy coi trọng lòng hiếu thảo như thế nào, và ông thực hành việc báo hiếu như thế nào?

Xem thêm:

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (Bài 1) - Ngu Thuấn cày ruộng: Hiếu cảm động Trời [Radio]

24 tấm gương hiếu hạnh xưa (P-7): Hán Văn Đế nếm thuốc

Hoàng đế Khang Hy dạy bảo thần dân thiên hạ phải có lòng hiếu thảo, “lệnh cho các Nho gia, thần dân học tập những cuốn sách như “Thánh Huấn”, “Thuận Trị Đại Huấn”, “Thông Giám toàn thư”, “Hiếu kinh diễn nghĩa” của tổ tiên, để dạy thần dân, thiên hạ”. Còn bản thân ông đã hiếu thảo như thế nào?

Việc thực hành lòng hiếu thảo của Hoàng đế Khang Hy khác gì với người dân thường?

Trước hết, nói về thế nào là “hiếu thực sự”? Hoàng đế Khang Hy nhấn mạnh rằng “lòng hiếu thảo chân chính” không nằm ở sự phụng dưỡng vật chất như cơm ăn, áo mặc, mà là ở “thiện tâm”. Ông cho rằng lòng hiếu thảo thực sự nằm ở tấm lòng nhân hậu, quan tâm đến cha mẹ, người thân, làm việc hiếu hợp đạo hợp lý, khiến cha mẹ vui lòng, thanh thản.

Hoàng đế Khang Hy nói: “Người bình thường tận hiếu muốn cha mẹ vui, không ở chỗ phụng dưỡng cơm ăn áo mặc, chỉ cần duy trì thiện tâm, làm điều hợp đạo lý, để cha mẹ yên lòng và vui, đây mới có thể gọi là người có hiếu thực sự”.

Chúng ta hãy tìm hiểu xem Hoàng đế Khang Hy đã thực hành chữ hiếu như thế nào?

An ủi người thân yêu, làm họ vui lòng

Bởi vì Hoàng Thái hậu bị lung lay răng, đau nhức rất khó chịu, bà đã hỏi Hoàng đế Khang Hy cách trị đau răng. Thái hậu nói rằng, răng đã rụng thì không đau, còn cái chưa rụng thì đau nhức không chịu nổi. Mặc dù Hoàng đế Khang Hy không phải là thầy thuốc về răng, nhưng Thái hậu đã rất vui mừng sau khi nghe câu trả lời của ông.

Ông tấu bẩm với Thái hậu: “Thái hậu Thánh thọ đã hơn 70 tuổi, cháu chắt hơn trăm, hơn nữa các cháu của Thái hậu tóc đã bạc, răng sắp rụng, huống chi là một lão thái thái hưởng thọ tuổi cao như vậy! Các tiền bối thường nói: người già rụng răng là có phúc cho con cháu, đây là điềm lành phúc thọ của Thái hậu!”.

Thái hậu vô cùng tán thành những lời này của Hoàng đế Khang Hy, nói rằng lời của Hoàng đế khiến cho những người thuộc thế hệ lớn tuổi như Thái hậu nghe thấy đều rất vui mừng!

Từ đó có thể thấy rằng, Hoàng đế Khang Hy coi việc Hoàng thái hậu bị rụng răng và chịu đau là đạo lý thường tình theo lẽ tự nhiên, và ông dùng phương pháp thay đổi góc nhìn sự vật để dẫn dắt Thái hậu nhìn thấy ánh sáng trong bóng tối. Kết quả là sau khi nghe những lời an ủi của con trai, Thái hậu đã “sung sướng bội phần” và sẵn sàng nén chịu cơn đau răng.

Tâm thành kính, chân thành chăm sóc

Hoàng đế Khang Hy hàng ngày đều vấn an bà nội, Hiếu Trang Thái hoàng Thái hậu, vào mỗi buổi sáng và buổi tối, đồng thời bày tỏ sự quan tâm.

Vào mùa xuân năm Khang Hy thứ mười hai, tới ngày sinh nhật 60 tuổi của Thái hoàng Thái hậu, nhưng sức khỏe của bà không được tốt, Khang Hy Hoàng đế đã đích thân săn sóc thuốc, hết lòng an ủi. Khi Hoàng đế Khang Hy biết rằng bà nội rất nhớ con gái bà là Công chúa Ba Lâm Thục Tuệ, ông đã gọi Vũ Cách - thị vệ Càn Thanh Môn, cho phép anh ta dùng xe tứ mã chuyên dùng của Thiên tử đi ra khỏi kinh thành, suốt chặng đường phi ngựa không nghỉ, nhanh chóng nghênh đón công chúa trưởng. Sau đó, Thái hoàng Thái hậu rất vui mừng khi thấy công chúa vào kinh thành, và Thánh thể đã được phục hồi.

Vào đầu mùa hè sau khi bà nội khỏi bệnh, Hoàng đế Khang Hy đã viết một bài thơ “Đại đức cảnh phúc tụng” trên bức bình phong, và dành tặng cho Thái hoàng Thái hậu. Bài thơ ca ngợi công lao của bậc mẫu nghi Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang, và trong lời tựa có câu chúc bà hạnh phúc, sức khỏe và trường thọ: “Đức phúc kiêm long, khang ninh thọ khảo, khoáng cổ vị hữu” (Phúc đức to lớn, an khang, thọ dài chưa từng có).

Khi Thái hậu Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang bị bệnh nặng, Hoàng đế Khang Hy đã đích thân nếm thử thuốc sắc, hầu hạ thuốc thang 35 ngày đêm, cực nhọc vất vả, đêm không chợp mắt ngủ nghỉ, tận sức, tận tâm chăm sóc bà. Ông lo rằng nhỡ bà cần gì đó mà lại không chuẩn bị chu đáo, kịp thời; nên đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đầy đủ mọi vật dụng cho ngồi, nằm cho đến các món ăn, chẳng hạn như món cháo rất dễ ăn, ông đã cho chuẩn bị hơn 30 món.

Vào thời điểm đó, tình trạng của Hiếu Trang Thái Hoàng Thái hậu dần trở nên nghiêm trọng hơn, và trở nên chán ăn. Đôi khi bà cố tình yêu cầu món mà bà “tin chắc là” chưa chuẩn bị, nhưng không ngờ rằng chúng đều được đưa đến ngay lập tức. Điều này khiến bà vô cùng cảm động, bà vuốt lưng Hoàng đế Khang Hy, rơi nước mắt và khen ngợi: “Ta già yếu bệnh tật, khiến Hoàng đế ngày đêm lo lắng vất vả, dốc hết tâm sức, chuẩn bị đồ ăn thức uống không thiếu thứ gì. Ta thực sự không có cảm giác thèm ăn. Vừa rồi nói muốn chút gì đó, chỉ là nói bâng quơ để an ủi Hoàng đế. Không ngờ rằng Hoàng đế đã cho người chuẩn bị trước, quả là chăm sóc tận tuỵ, chân thành, vô cùng hiếu thuận. Ta chỉ mong đời sau thiên hạ noi gương Hoàng đế mà hiếu thuận như vậy”.

Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang qua đời tại Cung điện Từ Ninh ở tuổi 74. Trong di chúc, bà nói rằng, sự ra đi sớm của những người thân (Hoàng đế Thái Tông Văn và Hoàng đế Thuận Trị) trong những năm đầu khiến bà đau buồn đến mức không muốn sống. Bà đau buồn chăm sóc con nhỏ, được cháu trai là Hoàng đế Khang Hy chăm sóc, chân thành ân cần, chu đáo tỉ mỉ, cung kính hết mực, cứ như vậy suốt ba mươi năm ngày nào cũng như thế, điều này đã giúp bà nguôi ngoai nỗi đau mất đi người thân yêu nhất.

Có thể thấy, bất cứ ai đã là con người, chỉ cần người đó chân thành, cung kính và chu đáo, là sẽ có thể làm cho người già trong nhà yên lòng, vui vẻ.

Hết mực chăm sóc cung kính

Hình ảnh một phần của  tranh “Nhập tất đồ” của triều đại nhà Minh (Ảnh: phạm vi công cộng)
Hình ảnh một phần của tranh “Nhập tất đồ” của triều đại nhà Minh (Ảnh: phạm vi công cộng)

Khi Hoàng đế Khang Hy mới 8 tuổi, cha ông - Hoàng đế Thuận Trị, đã qua đời. Hai năm sau, mẹ đẻ của ông, Hoàng hậu Hiếu Khang Chương Đông Giai Thị cũng qua đời vì bệnh. Hoàng đế Khang Hy rất hiếu thuận với Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang, người đã nuôi nấng ông lớn lên. Ông cũng rất hiếu kính với Hiếu Huệ Chương Hoàng hậu, trong mấy chục năm “phụng sự hai cung, kính trọng chăm sóc, phụng dưỡng”.

Ông hiếu thảo với Thái hoàng Thái hậu, ngày nào cũng “sáng dạy vấn an, quỳ gối thẳng thụ giáo”. Mỗi khi Thái hoàng Thái hậu đi tuần du, ông đều nhất định đích thân hầu hạ đưa bà ngồi lên xe, đích thân đỡ xe khi tới những đoạn đường nguy hiểm. Khi Thái hoàng Thái hậu bị ốm, ông đã đến Nam Giao Thiên Đàn để cầu nguyện cho bà.

Hoàng đế Khang Hy đăng cơ được 10 năm, vùng biên cương của đất nước yên ổn. Hoàng gia cung kính lễ bái Hiếu Lăng, tới thăm Thái Miếu và thực hiện các nghi lễ tế lễ. Khi xa giá đến núi Xương Thuỵ, ông để Thái hoàng Thái hậu, Hoàng thái hậu và Hoàng hậu đi trước, ông dẫn các vương, thị vệ, cùng các quan lại theo sau. Tiến vào Hồng Môn và Long Ân Môn, Hoàng đế đích thân đỡ xe của Thái hoàng Thái hậu, hạ xe xuống bậc thềm của Minh lầu các, cùng với Thái hậu và Hoàng hậu đi theo sau.

Vào những năm cuối đời, Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang bị chứng bệnh thấp khớp, đầu gối bị tê và đau nhức. Bà muốn tới suối nước nóng tắm để chữa bệnh. Hoàng đế Khang Hy đã nhanh chóng cử người tới suối nước nóng để xây dựng cung điện ở đó. Sau khi cung điện được xây dựng xong, Hoàng đế Khang Hy đã đích thân đi xe ngựa tháp tùng bà nội. Trên đường đi, khi đường hẹp và nguy hiểm, Hoàng đế Khang Hy đích thân xuống ngựa và đỡ xe của bà. Khi ăn và nghỉ dừng chân trên đường, Hoàng đế cũng sẽ đi theo hầu bên cạnh bà, giúp bà lên và xuống xe ngựa.

Khi xe của họ đến gần suối nước nóng, Hoàng đế Khang Hy cưỡi ngựa đến đó trước, sau khi kiểm tra kỹ lưỡng cung điện của Thái hoàng Thái hậu, ông quay trở lại chỗ Thái hoàng Thái hậu để cùng đi tới bậc thang của Minh Lâu, xuống ngựa, sau đó ông đi bộ, đỡ bà xuống xe để vào cung.

Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang đã ở trong cung bên dòng suối nước nóng 51 ngày, trong thời gian này, bất kể mưa tuyết, thời tiết lạnh giá, đường xá tốt hay xấu, Hoàng đế Khang Hy mỗi ngày đều đến bái kiến ​​bà, chặng đi và về hơn 60 dặm, và đôi khi một ngày ông tới hai lần.

Bất kể tuyết mưa, thời tiết lạnh giá, đường xá tốt hay xấu, Hoàng đế Khang Hy ngày nào cũng đến suối nước nóng để vấn an bà nội, cả chặng đi và vê hơn 60 dặm, có khi còn đến hai lần một ngày. (Dai Bing/The Epoch Times)

Sau khi Thái hậu đến suối nước nóng, Tả thị lang Giác La Tra Cáp Lạt, Hữu thị lang Thiện Bố Đô đã bị cách chức, nhưng họ vẫn được giữ chức vụ của mình và được đi lại. Vì khi Thái hoàng Thái hậu tuần du đến suối nước nóng, họ đã tu sửa cầu cẩu thả, nên đã bị trừng phạt. Việc của bà nội luôn được Hoàng đế Khang Hy để tâm, coi sóc cẩn thận, không lơ là chút nào.

Hoàng đế Khang Hy đối với Hoàng Thái hậu trong hơn 50 năm vô cùng hiếu thuận, ông không câu nệ vào những hạn chế về nghi thức trong ngày triều kiến hoàng thất. Khi có việc tấu trình, có thể yết kiết hai hoặc ba lần một ngày, nếu không có việc thì có thể vài ngày yết kiến một lần. Vào ngày mừng thọ của Thái hậu, hoặc vào dịp thời tiết đẹp trong năm, ông cho lệnh chuẩn bị tiệc linh đình, cung thỉnh Thái hậu tới, hầu hạ và phụng dưỡng bà từ sáng đến tối.

Hoàng đế Khang Hy cũng không ngừng vấn an bà khi ông đi săn ở Giang Nam và Sái Bắc. Ngoài việc ba ngày một lần cung thỉnh Thánh an bằng văn tự, ông còn cử thái giám thân cận đến hỏi thăm, hay lập tức tiến cung ngay những con thú săn bắt được như hươu, nai sừng tấm, gà lôi, thỏ, trái cây tươi, cá tươi và các loại tươi sống theo mùa khác, dâng tặng cho Thái hậu.

Hoàng đế Khang Hy nhìn nhận hiếu như thế nào

Hoàng đế Khang Hy nói: “Tiên vương dùng đức hiếu để trị vì thiên hạ, do đó Khổng Tử nói rằng, đức cao nhất, Đạo quan trọng nhất, không gì bằng đức hiếu… từ Thiên tử đến thứ dân, lễ luân thường của gia đình khởi nguồn từ bản tính cao nhất của thiên luân, làm gì có chuyện bởi địa vị cao thấp mà khác biệt”.

Điều này chính là nói lễ nghi bình thường, hiếu đạo trong gia đình là bản chất của luân thường đạo lý trong trời đất, vua và dân không phân biệt.

Ông hạ chiếu xuống Bộ Lễ rằng, cách giáo dục quan trọng nhất đối với người dân là phải bắt đầu từ việc kính trọng người thân, như vậy phong tục của dân mới thuần phác, ổn định và hoà bình lâu dài: “Trong thiên hạ trị quốc, không lấy pháp lệnh là điều cấp thiết nhất, mà lấy việc giáo hoá là trên hết... Lập ra pháp lệnh cấm là nhất thời, duy chỉ có giáo hoá mới có thể trường tồn lâu dài”. “Đạo quân chủ phải trọng đạo hiếu, trị dân trước tiên phải trọng người thân”.

Khi Hoàng đế Khang Hy gần 70 tuổi, ông nói rằng, ông đã nhìn thấy nhiều gia đình đến đời thứ tư, thứ năm, nếu là nhà hiếu kính thì con cháu sẽ phú quý, hưởng phúc lâu dài. Còn những nhà làm điều ác ác, con cháu hoặc rất nghèo túng, hoặc chẳng ra gì, và sa vào tội ác, hay liên luỵ vào những việc chẳng lành. Từ đó có thể thấy, chỉ có thiện mới có thể mang lại phước lành cho các thế hệ con cháu

Lời kết

Hoàng đế Ung Chính lớn lên bên cạnh Hoàng đế Khang Hy, và đích thân kế thừa những lời dạy của triều đình. Ông đã viết cuốn sách “Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Đình Huấn Cách Ngôn”, ghi lại những lời dạy bảo ân cần của phụ hoàng. Ông nói rằng chỉ có một phần trăm các lời dạy đó được ghi lại. Mặc dù vậy, cuốn sách đã phản ánh “lòng hiếu thảo” vô cùng của Hoàng đế Khang Hy. Đồng thời, trong “Thanh Thật Lục Khang Hy Triều Thật Lục, “Khang Hy Triều Khởi Cư Chú, “Thanh Sử Cảo” và “Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Ngự Chế văn tập 24” cũng có thể đọc được những bằng chứng tương tự.

Theo Doãn Gia Huy - Epoch Times

Minh An biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Hoàng đế Khang Hy hiếu thảo như thế nào?