Huynh muội thần bí: Hiệp Nữ và Khách Râu Rồng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khách Râu Rồng lệnh cho Đổng Quốc Khánh đưa giấy tờ bổ nhiệm của triều đình nhà Tống ra làm tín vật, bằng không, trời vừa sáng sẽ đưa ông đến quan phủ. Đổng Quốc Khánh rất sợ, không thể làm gì khác hơn là giao phó giấy bổ nhiệm.

Đoan Dương điện học sĩ Hồng Mại (1123 - 1202) thời Nam Tống là người học cao hiểu rộng, ông có một bộ trước tác “Di kiên chí”, trong sách thuật lại rất nhiều điển cố nhân văn, giai thoại, nội dung đề cập đến các mặt nhân tình thế thái thời Tống. Trong đó có một câu chuyện khiến người đọc bất giác phải mỉm cười.

Đổng Quốc Khánh, tự Nguyên Khanh, là người Đức Hưng, Nhiêu Châu (thuộc tỉnh Giang Tây ngày nay), năm Tuyên Hòa thứ 6 (năm 1124) thời Tống Huy Tông thi đậu Tiến sĩ, nhậm chức chủ bộ huyện Giao Thủy, Lai Châu (thuộc tỉnh Sơn Đông).

Lúc đó, quân đội Kim và Tống giao tranh ở phương Bắc, Đổng Quốc Khánh để gia quyến ở quê hương, một thân một mình đến Sơn Đông nhậm chức. Sau khi quân Kim công phá Trung Nguyên, Đổng Quốc Khánh không có cách nào trở về quê, chỉ có thể bỏ nhiệm sở đi tị nạn trong thôn làng. Đổng Quốc Khánh và chủ trọ trong thôn rất hợp duyên, chủ trọ thương hại ông một mình ở xa, nên mua cho ông một vị tiểu thiếp bầu bạn.

Trong “Di kiên chí” không nói cô gái đó là người phương nào, chỉ biết nàng xinh đẹp thông minh, rất giỏi việc nhà. Vì để cho chồng thoát cảnh nghèo khó, tiểu thiếp bán vật phẩm trong nhà lấy tiền, mua về 7-8 con lừa, hơn 10 hộc tiểu mạch. Lừa kéo cối nghiền bột mì xong, nàng liền cưỡi lừa vào thành để bán, đến đêm thì đem những gì mua bán được về nhà. Cứ thế cách mấy ngày lại vào thành một lần. Nàng hiểu đạo lý kinh thương, cứ thế qua ba năm, lợi nhuận càng ngày càng nhiều, nhờ thế mua được ruộng vườn và nhà cửa.

Thời cổ, người ta dùng lừa kéo cối đá nghiền bột mì. Tranh minh họa “Thiên công khai vật” của Tống Ứng Tinh thời Minh. (Phạm vi công cộng)

Đổng Quốc Khánh và mẫu thân, thê tử xa cách đã nhiều năm, nhà cửa ở Giang Tây thế nào, ông hoàn toàn chẳng biết. Đổng Quốc Khánh bởi vì thương nhớ người nhà, vẫn thường u uất không vui. Tiểu thiếp đã vài lần hỏi Đổng Quốc Khánh nguyên nhân. Đến khi tình cảm hai người đã rất gắn bó, Đổng Quốc Khánh mới thành khẩn nói: "Tôi vốn là quan viên nhà Tống, cả nhà đều ở quê hương, bặt vô âm tín, ta một thân một mình phiêu bạt ở ngoài, không biết lúc nào có thể trở về. Mỗi khi nghĩ tới người nhà, thương nhớ không ngớt, làm tôi đau lòng chẳng thiết gì nữa".

Tiểu thiếp nói: "Hóa ra là như vậy. Vì sao phu quân không sớm nói cho thiếp biết?"

Tiểu thiếp nói, nàng có người anh trai, xưa nay thích tương trợ người khác, đợi anh trai tới, có thể nhờ anh trai giúp phu quân nghĩ một ít biện pháp.

Khoảng chừng mười ngày, quả nhiên xuất hiện một vị khách rất cao lớn, râu tóc xồm xoàm, cưỡi một con ngựa cao lớn, còn có hơn 10 chiếc xe theo sau. Tiểu thiếp nói, vị này chính là anh trai của cô.

Đổng Quốc Khánh và vị Khách Râu Rồng này mở tiệc kết tình người nhà, vào lúc đêm khuya khi họ đang say sưa, thì tiểu thiếp thỉnh cầu anh trai đưa phu quân mình trở về quê cũ Giang Tây.

Anh trai của tiểu thiếp là một vị Khách Râu Rồng. Tranh “Cát khánh đồ” thời Minh. (Phạm vi công cộng)

Lúc đó người Kim có lệnh, quan viên Tống triều chạy trốn ở ngoài, phải tự thú, nếu như bị người tố giác, sẽ bị xử tử. Đổng Quốc Khánh đã trót nói thân phận cho tiểu thiếp, giờ lại lo lắng anh em hai người họ sẽ mưu hại mình, không khỏi vừa hối hận vừa lo sợ, thế là ông chối bay, nói không có việc đó.

Khách Râu Rồng giận dữ, nói: "Em gái tôi và ông làm vợ chồng bao năm, tôi đối đãi ông cũng giống người nhà thân thiết, cho nên mới phải nghĩ cách mạo hiểm chống lệnh cấm đưa ông trở về quê quán phía Nam, thế mà ông lại có lòng ngờ như vậy. Nếu như nửa đường sinh biến, ông chẳng phải sẽ liên lụy tôi sao?"

Khách Râu Rồng lệnh cho Đổng Quốc Khánh đưa giấy tờ bổ nhiệm của triều đình nhà Tống ra làm tín vật, bằng không, trời vừa sáng sẽ đưa ông đến quan phủ. Đổng Quốc Khánh rất sợ, không thể làm gì khác hơn là giao phó giấy bổ nhiệm.

Sớm hôm sau, Khách Râu Rồng dắt tới một con ngựa, giục Đổng Quốc Khánh nhanh lên ngựa. Đổng Quốc Khánh muốn ái thiếp đồng hành cùng mình, tiểu thiếp nói có việc phải xử lý, sang năm nhất định sẽ đi tìm ông, lại giao cho ông một cái nạp bào (áo dùng nhiều mảnh vải vụn may lại) do đích thân nàng khâu.

Tiểu thiếp căn dặn Đổng Quốc Khánh tuyệt đối không vứt nạp bào đi, "Sau khi về quê, nếu như anh trai thiếp tặng phu quân tiền tài, phu quân chớ có nhận. Giả như phu quân thực sự không cự tuyệt được, thì có thể đưa cái nạp bào này cho anh ấy xem”.

"Thiếp vốn có ơn với anh trai, lần này anh ấy đưa phu quân về Nam, cũng chưa đủ báo đáp ân tình của thiếp đối với anh ấy. Nếu như phu quân nhận tài vật của anh trai, anh ấy có thể nghĩ đã báo đáp ân tình của thiếp xong, sẽ không trở lại hộ tống thiếp đến phương Nam đoàn tụ với phu quân nữa".

Đổng Quốc Khánh nghe xong lời của tiểu thiếp, cảm thấy kinh ngạc và khó hiểu, nhưng để không làm láng giềng sinh nghi, chỉ có thể rơi lệ nói lời từ biệt. Đoàn người lên ngựa đi nhanh, đi tới duyên hải, có một chiếc thuyền lớn đang tháo dây chuẩn bị khởi hành. Khách Râu Rồng lệnh cho Đổng Quốc Khánh lập tức lên thuyền, đến lúc đó mới thi lễ tiễn biệt.

Đổng Quốc Khánh đi vội vàng, không mang theo tài vật gì, trong lòng hoang mang không biết làm sao. Lại cái là, người trên thuyền đối với ông đều rất kính cẩn, chuẩn bị cơm canh cho ông, ông đi về đâu cũng chẳng hỏi.

Đội thuyền đi mấy ngày, khi vào địa phận Nam Tống, thuyền vừa mới cập bờ, đã thấy Khách Râu Rồng ở trên đó chờ. Hai người mời nhau vào trong nhà hàng, Khách Râu Rồng lấy ra 20 lượng vàng, nói là muốn tặng mẫu thân Đổng Quốc Khánh.

Đổng Quốc Khánh nhớ lại căn dặn của tiểu thiếp trước khi chia tay, chối từ không lấy. Khách Râu Rồng nói: "Ông tay không về quê, lẽ nào để vợ con chết đói sao?"

Thế là, cương quyết để vàng lại, xoay người rời đi. Đổng Quốc Khánh đuổi theo, giơ cho anh ta thấy chiếc nạp bào. Khách Râu Rồng vô cùng kinh ngạc, lập tức cười nói: "Trí tuệ của tôi quả nhiên kém nàng ta. Xem ra, việc của tôi còn chưa chấm dứt. Sang năm, phải hộ tống người đẹp về bên Đổng quân". Dứt lời, liền rời bước đi thẳng.

Đổng Quốc Khánh về đến quê nhà, thấy mẫu thân, thê tử và hai đứa con trai đều bình an vô sự, người một nhà cuối cùng cũng được đoàn tụ. Đổng Quốc Khánh đem nạp bào ra cho người nhà xem, lúc này mới phát hiện giữa đường khâu lộ ra ánh vàng, tháo ra nhìn, hóa ra bên trong toàn là vàng lá.

Đổng Quốc Khánh mau chóng tới kinh thành, triều kiến vua Tống, được thăng làm huyện úy Nghi Hưng. Năm sau, Cầu Nhiệm Khách quả nhiên đưa ái thiếp của Đổng Quốc Khánh tới đoàn tụ với ông.

Theo: Quyển 1 “Di kiên chí - Ất quyển”.

Tác giả: Đỗ Nhược - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Huynh muội thần bí: Hiệp Nữ và Khách Râu Rồng