Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vắc-xin COVID-19 có khả năng gây ra viêm tim dẫn đến tử vong

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những báo cáo trong Hệ thống báo cáo các tác dụng phụ của vắc xin cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim điển hình cao hơn ở nam giới trong độ tuổi từ 5 đến 49 và nữ giới từ 12 đến 29 tuổi. Tỷ lệ cao nhất là 75,9 trên một triệu người khi tiêm mũi thứ hai.

Theo một nghiên cứu mới có một tác dụng phụ nghiêm trọng liên quan đến vắc-xin COVID-19 có thể dẫn đến tử vong.

Viêm cơ tim sau tiêm vắc xin, là một dạng viêm tim, được phát hiện ở một nhóm những người “đột tử” tại nhà trong vòng 20 ngày sau khi tiêm vắc xin COVID-19. Các nhà nghiên cứu đã phân tích kết quả khám nghiệm tử thi được tiến hành trên những người này và thực hiện nghiên cứu bổ sung, bao gồm cả nghiên cứu các mẫu mô.

Các nhà nghiên cứu tiến hành nghiên cứu trên một nhóm gồm 35 người. Nhưng sau đó 10 người đã được loại khỏi nghiên cứu vì họ được xác định tử vong do các nguyên nhân khác. Trong số 25 người còn lại, các nhà nghiên cứu đã tìm được bằng chứng viêm cơ tim ở 5 người.

Tất cả 5 người này đều được tiêm vắc xin Moderna hoặc Pfizer trong vòng 7 ngày trước khi họ qua đời, thời gian trung bình là 2,5 ngày. Độ tuổi trung bình của 5 người này là 58 tuổi. Không ai trong số những người này nhiễm COVID-19 trước khi tiêm vắc xin và xét nghiệm Covid bằng dịch mũi họng có kết quả âm tính.

Kết quả khám nghiệm tử thi cùng với việc thiếu bằng chứng cho thấy bệnh nhân tử vong do các nguyên nhân khác và thời điểm tiêm vắc xin rất gần thời điểm tử vong cho phép các nhà nghiên cứu xác định rằng đối với 3 trong số những trường hợp này, tiêm vắc xin “có khả năng cao là nguyên nhân” gây ra tình trạng viêm cơ tim và bệnh lý tim mạch “là nguyên nhân gây ra đột tử”.

Ở một trường hợp khác, viêm cơ tim được cho là nguyên nhân gây tử vong nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện được vi rút herpes, một nguyên nhân khác giải thích cho tình trạng viêm tim. Trường hợp còn lại không phát hiện được nguyên nhân khác nhưng các nhà nghiên cứu nhận thấy tác động của tình trạng viêm ở trường hợp này “rời rạc và chủ yếu quan sát thấy ở lớp mỡ quanh tim”. Nhóm nghiên cứu đã phân loại hai trường hợp trên vào nhóm “có thể là do tiêm vắc xin”.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nhìn chung, mối liên hệ nhân quả giữa tình trạng viêm cơ tim và việc tiêm vắc xin phòng SARS-CoV-2 được chứng minh bởi nhiều yếu tố”, trong đó bao gồm “thời điểm tử vong gần với thời điểm tiêm vắc xin”; “không có các bệnh tim trước đó”; và “xét nghiệm kiểm tra các tác nhân gây viêm cơ tim âm tính”.

Hạn chế của nghiên cứu là quy mô đoàn hệ nhỏ.

Nghiên cứu này (pdf) được công bố trên Tạp chí Clinical Research in Cardiology vào ngày 27 tháng 11. Tất cả các nhà nghiên cứu đều làm việc tại Bệnh viện Đại học Heidelberg. Họ được chính quyền Đức tài trợ.

Hai hãng dược phẩm Moderna và Pfizer đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Tiến sĩ Andrew Bostom, một chuyên gia tim mạch làm việc tại Rhode Island, đã nói với tờ The Epoch Times rằng việc loại trừ tỉ mỉ những nguyên nhân khác ngoài việc tiêm chủng cho thấy các ca bệnh được phát hiện chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

“Về cơ bản, nếu một người khỏe mạnh đột tử trong khi ngủ, thì những trường hợp này thường được khám nghiệm tử thi và nguyên nhân phổ biến nhất là những dạng bệnh mạch vành do xơ vữa động mạch. Nhưng các nhà nghiên cứu đã loại trừ được nguyên nhân này ở những trường hợp trên. Và sau đó họ nghĩ rằng nguyên nhân hợp lý nhất có lẽ là do việc tiêm vắc xin”, ông nói. “Vì vậy, điều này cho thấy rằng hiện tượng trên có thể phổ biến hơn nhiều so với những gì chúng ta nghĩ”.

Viêm cơ tim

Viêm cơ tim là một bệnh lý nghiêm trọng của tim có thể biểu hiện triệu chứng đau ngực và thường khiến người bệnh phải nhập viện để điều trị.

Các bác sĩ thường khuyên bệnh nhân không thực hiện tất cả hoặc hầu hết các hoạt động thể chất trong một khoảng thời gian.

Nguyên nhân gây bệnh bao gồm vi khuẩn, vi rút và sốt.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng tình trạng viêm cơ tim cấp tính sẽ khỏi trong khoảng từ hai đến bốn tuần đầu tiên ở một nửa số trường hợp. Nhưng một phần tư số trường hợp sẽ có những vấn đề tim mạch lâu dài và nhiều trường hợp còn lại có thể tử vong hoặc cần phải ghép tim.

Các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ, Israel và nhiều quốc gia khác đã phát hiện rằng tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim ở những người được tiêm vắc-xin COVID-19 cao hơn bình thường. Tỷ lệ này cao nhất ở những người trẻ tuổi, đặc biệt là nam giới trẻ tuổi.

Ước tính tỷ lệ mắc bệnh viêm cơ tim điển hình là từ 0,2 đến 2,2 trên một triệu người trong bảy ngày. Những báo cáo trong Hệ thống báo cáo các tác dụng phụ của vắc xin cho thấy tỷ lệ viêm cơ tim điển hình cao hơn ở nam giới trong độ tuổi từ 5 đến 49 và nữ giới từ 12 đến 29 tuổi. Tỷ lệ cao nhất là 75,9 trên một triệu người khi tiêm mũi thứ hai. Theo các nghiên cứu, những báo cáo của Hệ thống báo cáo các tác dụng phụ của vắc xin không chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa tình trạng viêm cơ tim và tiêm vắc xin nhưng vẫn còn rất nhiều trường hợp chưa được báo cao, vì vậy tỷ lệ thực tế thậm chí còn cao hơn.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn đang tiếp tục khuyến cáo tất cả những người từ 6 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin. Cơ quan khẳng định rằng lợi ích của việc tiêm vắc xin lớn hơn rủi ro. Tuy nhiên, một số chuyên gia không đồng ý và cho rằng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ như viêm cơ tim cao hơn ở một số nhóm tuổi.

Một người đang được tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Jackson Memorial ở Miami, Florida, Hoa Kỳ, vào ngày 15 tháng 4 năm 2021.
Một người đang được tiêm vắc xin COVID-19 tại Bệnh viện Jackson Memorial ở Miami, Florida, Hoa Kỳ, vào ngày 15 tháng 4 năm 2021. (Ảnh: Joe Raedle / Getty Images)

Các quan chức chính phủ nhiều lần nói rằng hầu hết các trường hợp viêm cơ tim sẽ khỏi trong vòng vài tuần, nhưng vào tháng 9, các nhà nghiên cứu của CDC đã phát hiện rằng nhiều người trẻ tuổi bị viêm cơ tim sau khi tiêm vắc-xin vẫn có kết quả bất thường nhiều tháng sau đó trên phim chụp cộng hưởng từ (MRI).

Theo các nhà chức trách Hoa Kỳ, tỷ lệ xảy ra tác dụng phụ này ở nhóm người lớn tuổi thấp hơn nhiều. Tuy nhiên họ lại từ chối công khai kết quả khám nghiệm tử thi và nhiều nghiên cứu về những người tử vong sau khi tiêm vắc-xin.

Tiến sĩ Tracy Høeg, một nhà dịch tễ học tham gia cố vấn cho Bộ Y tế Florida, đã đăng trên trên Twitter rằng nghiên cứu mới “cho thấy chúng tôi đã bỏ sót một số trường hợp viêm cơ tim nặng trong các nghiên cứu của chúng tôi”.

Nhân quả

Một số vắc-xin đã được phát hiện có liên quan đến tình trạng viêm cơ tim và một bệnh khác kèm theo là viêm màng ngoài tim. Những loại vắc xin này là sản phẩm của hai công ty dược phẩm Moderna và Pfizer và là loại vắc xin được sử dụng phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và Đức.

Quan hệ nhân quả ở đây chính là vắc-xin đã gây ra những bệnh lý này.

Các nhà nghiên cứu hàng đầu của CDC đã cho biết (pdf) bằng chứng hiện tại cho thấy mối liên hệ nhân quả giữa các vắc xin mRNA và bệnh viêm tim. Một số nhà nghiên cứu khác cũng có kết luận tương tự.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cảnh báo những người tiêm vắc xin rằng “dữ liệu sau khi đưa ra thị trường của vắc xin cho thấy nguy cơ viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim gia tăng, đặc biệt là trong vòng 7 ngày sau khi tiêm liều thứ hai”.

Bostom cho biết những bằng chứng mà ông đánh giá cho thấy mối liên hệ nhân quả này.

Ông nói rằng: “Hầu hết các hiệp hội có tiếng nói trong giới y học đều chắc chắn về vấn đề này”.

Một số nghiên cứu đã xác định COVID-19 là một nguyên nhân gây ra tình trạng viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, nhưng một số nghiên cứu khác lại cho thấy chúng không có sự liên quan.

Một số kết quả khám nghiệm tử thi khác

Trước nghiên cứu của Đức, những nhà nghiên cứu khác trên thế giới đã báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi của những người đột tử sau khi tiêm vắc-xin.

Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã báo cáo hai trường hợp người trưởng thành bị viêm cơ tim trong vòng hai tuần sau khi tiêm vắc-xin COVID-19 và họ không thể tìm thấy nguyên nhân nào khác ngoài việc tiêm vắc-xin.

Vào năm 2021, các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đã đưa ra báo cáo sau khi đánh giá trường hợp một người đàn ông 22 tuổi đột tử 5 ngày sau khi tiêm vắc xin Pfizer. Họ đã xác định nguyên nhân chính trong trường hợp này là "viêm cơ tim, có quan hệ nhân quả" với vắc xin.

Vào tháng 1, các nhà nghiên cứu New Zealand đã đưa ra kết luận rằng vắc xin Pfizer có thể là nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim dẫn đến tình trạng đột tử của một người phụ nữ 57 tuổi. Trong báo cáo này các nhà khoa học cũng viết thêm rằng “những nguyên nhân khác đã được loại trừ một cách kỹ lưỡng”.

Vào tháng 2, các nhà nghiên cứu tại nhiều bang của Hoa Kỳ đã đưa ra báo cáo kết luận rằng hai trường hợp thanh thiếu niên tử vong một thời gian ngắn sau khi tiêm vắc xin của Pfizer là do bị viêm tim và chứng viêm tim là nguyên nhân chính gây ra cái chết của hai thiếu niên này.

Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu của CDC cũng báo cáo một trường hợp bé trai tử vong sau khi tiêm vắc-xin, trong đó viêm cơ tim cũng nguyên nhân chính gây tử vong trong trường hợp này.

Vào tháng 9, một nhà nghiên cứu người Đức cũng báo cáo về trường hợp một người đàn ông 55 tuổi tử vong sau khi tiêm vắc-xin Pfizer 4 tháng vì bệnh viêm cơ tim. Báo cáo cho biết “những phát hiện này cho thấy bệnh viêm cơ tim cũng như các biến cố về thuyên tắc và huyết khối sau khi tiêm các loại vắc xin dựa trên công nghệ gen protein gai có liên quan nhân quả với phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân này”.

Và mới gần đây, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng báo cáo kết quả về một trường hợp người đàn ông 27 tuổi tử vong sau 28 ngày nhập viện vì tiêm vắc-xin.

Tác giả: Zachary Stieber: Zachary Stieber là một phóng viên cấp cao của tờ The Epoch Times làm việc tại Maryland. Ông đưa tin về Hoa Kỳ và các tin tức thế giới).

Theo The Epoch Times - Epoch Health tiếng Anh

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vắc-xin COVID-19 có khả năng gây ra viêm tim dẫn đến tử vong