Khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các công ty bất động sản Trung Quốc sống sót qua đỉnh điểm của nợ nần năm 2022 có thể sẽ không vượt qua được năm 2023. Trong khi đó, mặc dù một viện nghiên cứu cho rằng các công ty bất động sản Trung Quốc đã “nhìn thấy bình minh”, nhưng hầu hết các công ty bất động sản tư nhân vẫn không phát hành được trái phiếu ra nước ngoài.

Vào ngày 07/02, Công ty TNHH Guangzhou Times Holding Group thông báo rằng họ sẽ tạm dừng giao dịch trái phiếu của mình kể từ ngày hôm sau do sự không chắc chắn về các vấn đề lớn. Cùng ngày, công ty cũng thông báo rằng họ sẽ chuyển nhượng 9 lô trái phiếu doanh nghiệp với tổng số tiền phát hành là 10,09 tỷ CNY (nhân dân tệ) (1,5 tỷ USD) bắt đầu từ ngày 10/02. Một trong số các trái phiếu này đã được phát hành vào năm 2019, trong khi 8 trái phiếu còn lại được phát hành vào năm 2020.

Guangzhou Time Holding Group là công ty phát hành trái phiếu chính của công ty TNHH Times China Holdings tại Trung Quốc. Times China được thành lập tại Quảng Châu và từng được mệnh danh là “Ông hoàng cải tạo khu dân cư cũ” của thành phố. Vào ngày 19/03/2017, Times China đã mua lại lô AH051028 trên đường Shigang ở Quảng Châu với tổng trị giá 2,037 tỷ CNY (khoảng 300 triệu USD) và giá sàn là 55.000 CNY (khoảng 8.250 USD) mỗi mét vuông, phá vỡ kỷ lục của đơn giá cao nhất trên thị trường đất đai Quảng Châu lúc bấy giờ.

Times China cho biết trong một thông báo vào tháng 12 năm 2022 rằng điều kiện mua bán theo hợp đồng và vốn lưu động trên thị trường bất động sản Trung Quốc đã trở nên tồi tệ hơn kể từ nửa cuối năm 2021 và Times China “không tránh khỏi xu hướng này”.

Ngày 30/12, ngày làm việc cuối cùng của năm 2022, Times China đưa ra thông báo cho biết dự kiến tạm dừng thanh toán trả nợ nước ngoài.

Vào ngày 04/01, Times China đã đưa ra một thông báo “thông tin nội bộ” liên quan đến việc đình chỉ thanh toán sáu trái phiếu bằng USD. Hai trong số trái phiếu sẽ đáo hạn vào tháng 3 và tháng 7 năm 2023. Số trái phiếu còn lại sẽ đáo hạn trong khoảng thời gian từ năm 2024 đến năm 2027. Trong khi đó, giao dịch trái phiếu USD ở nước ngoài của Times China sẽ bị đình chỉ từ ngày 05/01 cho đến khi có thông báo mới.

Đáp lại thông báo ngày 07/02, thị trường tin rằng trần nợ của Times China cũng sẽ hướng tới việc tái cấu trúc nợ thị trường mở.

Tình hình của Times China không phải là duy nhất. Theo thông báo do công ty TNHH Yango Group đưa ra vào ngày 10/02, tính đến ngày thông báo, tổng số tiền gốc của các khoản nợ đến hạn và chưa trả (bao gồm các khoản vay từ các tổ chức tài chính, tiền từ các đối tác, các sản phẩm liên quan đến thị trường mở, v.v.) là 46,018 tỷ CNY (khoảng 6,9 tỷ USD). Trong đó, tổng số nợ gốc chưa thanh toán liên quan đến bảo lãnh đã lên tới 21,743 tỷ CNY (khoảng 3,3 tỷ USD). Đối với thị trường đại chúng, tổng số tiền gốc chưa thanh toán của trái phiếu thị trường mở ở nước ngoài là 1,015 tỷ USD, trong khi tổng số tiền gốc chưa thanh toán của trái phiếu thị trường mở trong nước là 19,611 tỷ CNY (khoảng 2,9 tỷ USD).

Bộ phận Nghiên cứu Chứng khoán CRIC, trực thuộc E-house China, đã công bố số liệu doanh số bán hàng tháng 1 của các công ty bất động sản vào ngày 02/02. Theo báo cáo “Doanh số bán hàng 100 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Trung Quốc tháng 1 năm 2023”, các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc sẽ có một đợt trả nợ quy mô lớn trong ba quý đầu năm 2023, trong đó hơn 70% sẽ là khoản nợ của các doanh nghiệp nhà ở tư nhân.

Kể từ năm 2021, gánh nặng nợ của các công ty bất động sản ngày càng nặng nề hơn.

Dữ liệu từ CRIC cho thấy các công ty bất động sản Trung Quốc sẽ có 552,8 tỷ nhân dân tệ (83 tỷ USD) trái phiếu đáo hạn trong ba quý đầu năm 2023, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khó khăn trong phát hành trái phiếu ra nước ngoài

Cùng ngày Guangzhou Times thông báo đình chỉ và chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu bất động sản Học viện chỉ số Trung Quốc đã thông báo rằng sau 5 tháng liên tiếp không có trái phiếu nước ngoài nào được phát hành bởi các doanh nghiệp bất động sản, “[chúng ta] cuối cùng cũng thấy bình minh trở lại”, bởi vì “Yuexiu và Jinmao đã dẫn đầu trong việc phát hành thành công trái phiếu trên Sàn giao dịch vàng Macao”.

Cả Yuexiu và Jinmao đều được kiểm soát bởi các doanh nghiệp nhà nước có mối quan hệ tốt. Yuexiu là tên chỉ Công ty TNHH Yuexiu Property, một công ty con của Tập đoàn Yuexiu. Theo biểu đồ cấu trúc trên trang web của Yuexiu, Tập đoàn được hỗ trợ bởi Chính quyền thành phố Quảng Châu của ĐCSTQ và Sở Tài chính tỉnh Quảng Đông, với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 89,1% và 9,9%. Yuexiu Property cũng là công ty bất động sản duy nhất có mức tăng trưởng dương trong số 50 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc về doanh số bán hàng theo hợp đồng trong nửa đầu năm 2022.

Jinmao là tên của công ty TNHH Shanghai Jinmao Investment Management Group, đã phát hành trái phiếu với tổng trị giá 2,05 tỷ CNY (khoảng 310 triệu USD) vào ngày 19/01. Cổ đông kiểm soát của Shanghai Jinmao là China Jinmao, là nền tảng điều hành duy nhất cho nhánh bất động sản của Sinochem, một tập đoàn khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước. Shanghai Jinmao có “nền tảng cổ đông vững chắc”, theo báo cáo xếp hạng theo dõi năm 2022 của Công ty xếp hạng tín dụng Chengxin Trung Quốc.

Trong thống kê phát hành trái phiếu của các công ty bất động sản điển hình vào tháng 1, do Học viện Chỉ số Trung Quốc phân loại, trái phiếu nước ngoài, ngoài Yuexiu và Jinmao, còn có sự tham gia của công ty tư nhân Wanda Real Estate Group, với số tiền phát hành là 2,68 tỷ CNY (khoảng 400 triệu USD).

Khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn
Chủ tịch Tập đoàn Wanda Vương Kiện Lâm tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 25/08/2016. (Ảnh: Fred Dufour/AFP/Getty Images)

Tuy nhiên, người sáng lập Wanda Vương Kiện Lâm vài năm trước, trong “Báo cáo công việc năm 2015 của Tập đoàn Wanda” phát hành vào tháng 01/2016, nói rằng “vào cuối năm 2016, Wanda sẽ không còn là một doanh nghiệp bất động sản và trở thành một doanh nghiệp toàn diện. Dự kiến đến năm 2017, hơn 2/3 doanh thu và lợi nhuận ròng của Wanda sẽ đến từ ngành dịch vụ, đạt được mục tiêu chuyển đổi sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu”.

Trong báo cáo năm 2015 của mình, ông Vương đã đưa ra lý do cho sự chuyển đổi của Wanda: “Quy luật phát triển bất động sản trên toàn thế giới là ngành bất động sản sẽ thu hẹp lại khi tỷ lệ đô thị hóa đạt 75% và tỷ lệ sở hữu nhà vượt quá 80%. Wanda phải chuyển đổi để theo đuổi dòng tiền ổn định lâu dài. Wanda sẽ tiếp tục kinh doanh bất động sản, nhưng sẽ ổn định quy mô doanh thu ở mức khoảng 100 tỷ và không mở rộng quy mô. [Chúng tôi sẽ] chủ yếu dựa vào các ngành khác để tăng trưởng”.

Ngoài ra, lãi suất trung bình đối với khoản nợ nước ngoài của Yuexu và Jinmao phát hành vào tháng 1 là 4,00%, trong khi lãi suất trung bình của Wanda cao tới 11%.

Huang Lichong, chủ tịch của Huisheng International Holdings Limited, cho biết các ngân hàng đầu tư nước ngoài đang xem xét đánh giá việc phát hành trái phiếu của các công ty bất động sản Trung Quốc, nhưng “hiện tại, hầu hết các công ty bất động sản tư nhân không thể phát hành trái phiếu [ra nước ngoài]”, theo một bài báo ngày 10/02 của Yicai.com, một hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Khủng hoảng nợ của các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn