Chiến tranh Ukraine sẽ đẩy nhiều triệu người đến vực thẳm của nạn đói vì những nguyên nhân này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước cuộc chiến Nga - Ukraine, nhiều gia đình trên khắp thế giới vốn đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Chiến tranh bùng nổ sẽ khiến khủng hoảng lương thực xảy ra ở Ukraine và lan ra toàn cầu; cấp độ đói nghèo đang tăng vọt ở tầng lớp nghèo khó và lao động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, mà nguyên nhân nào cũng rất khó để tìm ra lời giải trong ngắn hạn.

Lúa mì được trồng vào mùa thu năm ngoái, phát triển trong một thời gian ngắn ngủi thì rơi vào trạng thái ngủ đông. Để lúa mì tiếp tục sinh trưởng vào mùa xuân, nông dân thường rải phân bón để kích thích cây non đẻ nhánh. Mỗi thân cây có thể ra 3-4 nhánh, làm tăng năng suất trên mỗi thân lúa mì theo cấp số nhân.

Nhưng nông dân Ukraine - những người đã thu hoạch ngũ cốc với năng suất kỷ lục vào năm ngoái - nói rằng họ đang thiếu phân bón, cũng như thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Và ngay cả khi họ có đủ những sản phẩm đó, họ cũng không có đủ nhiên liệu để chạy thiết bị máy móc.

Ukraine và Nga là những nước xuất khẩu lúa mì lớn, chiếm khoảng 1/3 lượng lúa mì xuất khẩu của thế giới. Hầu hết các tuyến đường xuất khẩu đều đi qua Biển Đen.

Giám đốc kinh doanh Elena Neroba tại công ty môi giới ngũ cốc Maxigrain có trụ sở tại Kyiv cho biết, sản lượng lúa mì vụ đông của Ukraine có thể giảm 15% so với những năm gần đây. Một số nông dân Ukraine thì cho rằng tình hình có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Họ nói với Reuters rằng sản lượng lúa mì có thể giảm một nửa, hoặc thậm chí nhiều hơn nữa.

Tác động của việc này sẽ vượt khỏi biên giới Ukraine, đặc biệt tại những quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung lúa mì của Ukraine, ví dụ như Lebanon, Ai Cập và Yemen. Chiến tranh Nga - Ukraine khiến nạn đói ở các nước nghèo trở nên trầm trọng hơn, trong khi đẩy rất nhiều người khác vào tình trạng mất an ninh lương thực. Số người phải sống trong tình trạng mất an ninh lương thực - tức là buộc phải thỏa hiệp về số lượng hoặc chất lượng lương thực (ăn ít hơn, cha mẹ nhường đồ ăn cho con cái, đồ ăn thiếu dinh dưỡng, nhịn đói, v.v.) - hiện đã tăng lên đến 2,38 tỷ người, ông Maximo Torero Cullen - nhà kinh tế trưởng tại FAO nói với The Washington Post. Thế giới đang chứng kiến ​​sự gia tăng của các cuộc khủng hoảng lương thực cục bộ và do xung đột, đặc biệt là ở châu Phi cận Sahara.

Thiếu phân bón

Ông Oleksandr Chumak là một nông dân Ukraine trồng lúa mì, ngô, hướng dương và hạt cải dầu trong một trang trại rộng 3.000 ha, cách cảng Odessa của Biển Đen 200 km về phía bắc. Ông Chumak nói rằng ông không có đủ phân bón, không có đủ nhiên liệu để chạy máy móc, và cũng không mua được thuốc diệt cỏ.

“Thông thường chúng tôi có thể làm ra 6-7 tấn [lúa mì]/ha. Năm nay, thu hoạch được 3 tấn/ha đã là chuyện rất tốt rồi”, ông Chumak nói. Ông vẫn hy vọng nông dân Ukraine sẽ tìm ra cách để trồng đủ lượng lương thực nuôi sống đồng bào, nhưng ông không nghĩ sẽ thừa để xuất khẩu.

Hiện tại, ông Chumak dành nhiều thời gian để chuẩn bị đương đầu với cuộc tấn công của Nga. “Tôi sống ở Odessa. Ngày nào tôi cũng thấy tên lửa bay qua nhà mình”.

Không giống như nhiều người khác, ông Pastushenko có một kho dự trữ 50 tấn phân bón gốc nitơ. Tuy nhiên với cuộc chiến đang diễn ra, ông không chắc đó là một điều tốt bởi phân bón rất dễ nổ. “Nếu một thứ gì đó rơi xuống từ trực thăng, nó có thể thổi bay cả nơi này”, ông nói.

Ông Pastushenko dự đoán năng suất vụ thu hoạch năm nay sẽ rất kém. Năm ngoái, những cánh đồng lúa mì và lúa mạch đã cho năng suất khoảng 5 tấn/ha. Theo tính toán của ông, nêu không phun thuốc trừ sâu và rải phân bón thì năng suất chỉ đạt bằng ⅓ năm ngoái. “Có lẽ sẽ thu hoạch được gì đó, nhưng sẽ không đủ để nuôi gia súc và trả lương cho nhân viên”, ông Pastushenko nói.

Trong khi đó, ông Val Sigaev, nhà môi giới ngũ cốc tại công ty R.J. O’Brien ở Kyiv, cho biết khí đốt tự nhiên - nguyên liệu đầu vào chính của phân bón - đang có mức giá cao, từ đó đẩy giá phân bón lên cao. Do vậy, một số nông dân đã hoãn mua phân bón.

Tỷ phú ngành phân bón và than Andrei Melnichenko, người sáng lập EuroChem - một trong những nhà sản xuất phân bón lớn nhất của Nga, nói với Reuters rằng “cuộc chiến [Nga- Ukraine] đã đẩy giá phân bón tăng vọt, không còn phù hợp với túi tiền của người nông dân”. “Nó sẽ khiến lạm phát lương thực gia tăng ở châu Âu và có thể gây ra tình trạng khủng hoảng lương thực ở các nước nghèo nhất thế giới”.

Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ đẩy nhiều triệu người đến vực thẳm của nạn đói vì những nguyên nhân này, nguồn cung phân bón từ Nga bị gián đoạn, thiếu nhiên liệu để sản xuất lương thực, thiếu phân bón cho cây trồng, cảng Biển Đen ngừng hoạt động, các cường quốc xuất khẩu lương thực hạn chế xuất khẩu lương thực, lạm phát giá lương thực toàn cầu, các quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đã tăng cường tích trữ lương thực, khủng hoảng lương thực làm nạn đói và bất ổn chính trị trầm trọng hơn
Ngũ cốc mới thu hoạch ở làng Stadnytca, cách Kiev (Ukraine) 170 km về phía Nam, ngày 10/08/2009. (Ảnh: Genya Savilov / AFP qua Getty Images)

Nguồn cung phân bón từ Nga bị gián đoạn

Nga cung cấp 13% sản lượng phân bón toàn cầu, là nước xuất khẩu urê lớn nhất và xuất khẩu kali lớn thứ hai thế giới. Nga cũng là nhà sản xuất hàng đầu loại phân bón chứa nitơ và phốt phát.

Bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nguồn cung phân bón từ Moscow có thể bị gián đoạn nghiêm trọng. Giá phân bón tăng cao hơn sẽ đẩy chi phí sản xuất lương thực lên cao, qua đó làm tăng giá lương thực trên toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 10/3 cảnh báo rằng nếu phương Tây gây trở ngại cho xuất khẩu phân bón của Nga, giá lương thực sẽ tăng cao hơn nữa trên khắp thế giới.

Ngoài ra, Nga đã thúc giục các nhà sản xuất phân bón trong nước cắt giảm xuất khẩu vào đầu tháng này. Động thái của Nga gây thêm nhiều bất ổn cho thị trường toàn cầu khi mà nông dân ở Brazil - nhà nhập khẩu phân bón lớn nhất thế giới - vốn đang gặp khó trong việc mua phân bón cho cây trồng. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết đất nước của ông sẽ cung cấp phân bón cho các quốc gia có “quan hệ hữu nghị” với Nga; đồng thời nước này ưu tiên đảm bảo nguồn cung phân bón cho thị trường nội địa.

Ông Svein Tore Holsether - Chủ tịch của Yara International có trụ sở tại Na Uy, nhà sản xuất phân bón gốc nitơ lớn nhất thế giới - nói với BBC: Một nửa dân số thế giới sử dụng nguồn lương thực được nuôi lớn bởi phân bón... và nếu các cánh đồng thiếu phân bón thì sản lượng sẽ giảm 50%.

Thiếu nhiên liệu

Ông Andriy, Chủ tịch Hội đồng Nông nghiệp Ukraine - đại diện cho khoảng 1.000 nông dân canh tác 5 triệu ha đất, cảnh báo nhiên liệu là vấn đề cấp thiết hiện nay. Trừ khi nông dân Ukraine có đủ dầu diesel để vận hành thiết bị, việc canh tác vào mùa xuân sẽ không thể thực hiện được và mùa màng sẽ thất bát. Ông nói: “Nông dân đang tuyệt vọng. Một mối đe dọa đang treo lơ lửng là chúng tôi sẽ không có đủ lương thực để nuôi sống mọi người”.

Giám đốc kinh doanh Neroba của Maxigrain cho biết nông dân Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu vì nhiên liệu đang được ưu tiên cho quân sự.

Tình trạng thiếu nhiên liệu đặc biệt nghiêm trọng ở thành phố cảng phía nam Kherson, thành phố đầu tiên mà Nga chiếm được sau khi tiến đánh Ukraine vào ngày 24/02. Ông Andrii Pastushenko là quản lý của trang trại rộng 1.500 ha phía tây thành phố, gần cửa sông Dnipro. Mùa thu năm ngoái, trang trại của ông đã gieo trồng khoảng 1.000 ha lúa mì, lúa mạch và hạt cải dầu. Hiện tại, trang trại này không thể tiếp cận với nguồn nhiên liệu. "Chúng tôi hoàn toàn bị tách khỏi thế giới văn minh và phần còn lại của Ukraine", ông Pastushenko nói.

Ngoài ra, nhiều người trong số 80 nhân công của ông Pastushenko không thể đến trang trại làm việc vì họ sống cách đó vài dặm về phía bắc, bên kia chiến tuyến. Bên cạnh đó, người quản lý còn phải đương đầu với vấn đề phức tạp hơn, đó là khu vực này khô hơn các vùng nông nghiệp khác của Ukraine, nên cánh đồng cần được tưới tiêu đầy đủ. Và điều này cũng đòi hỏi nhiên liệu.

Nông dân Ukraine Oleksandr Chumak kể rằng ở miền bắc Ukraine, những người bạn của ông đã lấy nhiên liệu từ một con mương chứa dầu diesel sau một cuộc tấn công của Nga nhằm vào đoàn tàu có một số toa chứa nhiên liệu. Những người bạn khác ở các khu vực bị chiếm đóng gần Kherson đang vét dầu diesel từ các đoàn xe chở dầu bị phục kích và bỏ rơi của Nga.

Giá nhiên liệu tăng thẳng đứng cũng khiến việc sưởi ấm chuồng trại bị gián đoạn.

Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ đẩy nhiều triệu người đến vực thẳm của nạn đói vì những nguyên nhân này, nguồn cung phân bón từ Nga bị gián đoạn, thiếu nhiên liệu để sản xuất lương thực, thiếu phân bón cho cây trồng, cảng Biển Đen ngừng hoạt động, các cường quốc xuất khẩu lương thực hạn chế xuất khẩu lương thực, lạm phát giá lương thực toàn cầu, các quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đã tăng cường tích trữ lương thực, khủng hoảng lương thực làm nạn đói và bất ổn chính trị trầm trọng hơn
Máy gặt đập liên hợp ở làng Mala Divytsa, Ukraine, ngày 27/07/2015. (Ảnh: Sergei Supinsky / AFP qua Getty Images)

Cảng Biển Đen ngừng hoạt động

Trong thời bình, phần lớn nông sản xuất khẩu của Ukraine được đưa lên những con tàu tại cảng Biển Đen (Black Sea) của Odessa, biến nơi đây trở thành một trong những địa điểm bận rộn nhất Ukraine. Vào những ngày này, không có tàu nào rời đi, trong khi thành phố bị lực lượng Nga bao vây.

Lo ngại về sự an toàn của thủy thủ đoàn và phí bảo hiểm tăng cao cũng đang ngăn cản các chủ tàu gửi tàu đến Ukraine hoặc Nga.

Ông Steve Mathews, Giám đốc chiến lược của Gro Intelligence, đánh giá rằng nếu nguồn cung ngũ cốc từ Biển Đen vẫn gián đoạn, thì thương mại lương thực toàn cầu cần phải định tuyến lại. Ông nói: “Việc tái thiết lập chuỗi cung ứng sẽ rất đau đớn và sự đau đớn được phân bổ theo tỷ lệ của ngân sách dành cho lương thực tương quan với thu nhập hoặc sự giàu có tổng thể của quốc gia”.

Hạn chế xuất khẩu lương thực

Ukraine

Giới chức Ukraine cho biết họ vẫn hy vọng đất nước sẽ có một năm thu hoạch tương đối ổn định. Phần lớn hy vọng đó đặt vào những người nông dân ở miền tây, nơi mà tình hình chiến sự ít nóng bỏng hơn.

Tuy nhiên, Ukraine vẫn thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn cung trong nước với mong muốn người dân Ukraine được cung cấp đủ đồ ăn. Điều này tác động đáng kể đến các lô hàng xuất khẩu. Bộ trưởng Nông nghiệp Ukraine Roman Leshchenko mới đây cho biết nước này cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực, bao gồm cả lúa mì. Ông Leshchenko thừa nhận mối đe dọa đối với nguồn cung lương thực của Ukraine và khẳng định chính phủ đang làm những gì có thể để giúp đỡ nông dân.

“Chúng tôi hiểu rằng nguồn lương thực cho toàn bộ đất nước phụ thuộc vào những gì đang có trên các cánh đồng”, ông Leshchenko nói trong bài phát biểu trên truyền hình vào tuần trước.

Nhà xuất khẩu lương thực lớn của Ukraine MHP SE đã chuyển sang cung cấp lương thực thực phẩm cho quân đội và dân thường Ukraine tại các thành phố bị đánh bom.

Các cường quốc lương thực khác

Chính phủ nhiều nước khác cũng đã thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn cung lương thực trong nước, một động thái có khả năng khiến lạm phát lương thực kéo dài.

Hungary, Indonesia và Argentina là một vài trong số các quốc gia đã áp đặt rào cản thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu, từ lúa mì đến dầu ăn. Những nước này muốn hạ nhiệt giá cả trong nước đang tăng cao và bảo đảm nguồn cung nội địa sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Nga cũng tham gia xu hướng bảo hộ này khi đưa ra kế hoạch hạn chế bán một số nguyên liệu thô.

Theo ông Mathews của Gro Intelligence, các hạn chế thương mại có thể khiến giá lương thực quốc tế tăng cao hơn nữa do nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.

Một số nhà cung ứng có khả năng lấp vào khoảng trống nguồn cung lương thực. Ví dụ, Ấn Độ đã đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì trong những năm gần đây và từng đạt mức kỷ lục 7 triệu tấn.

Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia vốn có thể giúp bù đắp sự thiếu hụt trong nguồn cung lương thực lại đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong sản xuất. Tại Brazil, nhà cung cấp ngô và đậu nành lớn của thế giới, hạn hán đã làm cây trồng khô héo. Thời tiết khô hạn cũng làm héo rũ những cánh đồng ở Canada và nhiều bang của Mỹ vào năm ngoái. Nông dân Bắc Mỹ có thể sẽ gieo trồng nhiều hơn trong những tuần tới, nhưng phải vài tháng nữa những mẫu đất của họ mới cho thu hoạch.

Lạm phát giá lương thực

Chi phí vận chuyển cao hơn, lạm phát năng lượng, thời tiết khắc nghiệt và tình trạng thiếu lao động đã khiến việc sản xuất lương thực trở nên khó khăn hơn. Nguồn cung lương thực đang bị thu hẹp: Lượng ngũ cốc tại các kho dự trữ nhiều khả năng sẽ giảm trong năm thứ 5 liên tiếp, theo Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế.

Chiến tranh Nga - Ukraine đe dọa nhiều loại cây trồng chủ lực ở các khu vực trồng ngũ cốc quan trọng của châu Âu. Một cuộc khủng hoảng lương thực là hoàn toàn có thể xảy ra, đẩy giá cả lên cao hơn nữa, đẩy nạn đói lên mức chưa từng thấy.

“Nỗi sợ hãi lớn nhất của tôi là xung đột leo thang. Khi đó chúng ta sẽ phải đối mặt tình trạng giá lương thực tăng đáng kể ở các nước nghèo vốn đã bị Covid-19 tàn phá tình hình tài chính”, ông Maximo Torero - nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) - nói với The Guardian.

Giá lương thực toàn cầu đang ở mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 2, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Cơ quan thực phẩm của Liên Hợp Quốc công bố vào đầu tháng 3. Tình trạng mất an ninh lương thực đã tăng gấp đôi trong 2 năm trở lại đây với việc 45 triệu người được ước tính đang trên bờ vực của nạn đói.

Chiến tranh Nga - Ukraine sẽ đẩy nhiều triệu người đến vực thẳm của nạn đói vì những nguyên nhân này, nguồn cung phân bón từ Nga bị gián đoạn, thiếu nhiên liệu để sản xuất lương thực, thiếu phân bón cho cây trồng, cảng Biển Đen ngừng hoạt động, các cường quốc xuất khẩu lương thực hạn chế xuất khẩu lương thực, lạm phát giá lương thực toàn cầu, các quốc gia phụ thuộc vào lương thực nhập khẩu đã tăng cường tích trữ lương thực, khủng hoảng lương thực làm nạn đói và bất ổn chính trị trầm trọng hơn
Biểu đồ thể hiện giá cả hiện tại và dự báo đà tăng/giảm trong 4 quý năm 2022 của một số sản phẩm nông nghiệp chính của thế giới, theo thứ tự từ trên xuống dưới: đậu nành, lúa mì, gỗ xẻ, dầu cọ, phô mai, sữa, len, gạo, trà, bông, cao su, nước cam, cà phê, cải dầu, lúa mạch, ca cao, đường, ngô. Đơn vị: USD. (Nguồn: tradingeconomics.com, ngày 23/03/2022)

Tăng cường tích trữ lương thực

Nếu như các cường quốc lương thực hạn chế xuất khẩu thì các quốc gia phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài lại tăng cường tích trữ.

Ở Thổ Nhĩ Kỳ, lo ngại giá dầu hướng dương tăng cao đã kích thích người dân mua với số lượng lớn. Ngay cả Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, cũng đang cảm thấy căng thẳng. Nhiều siêu thị tại Indonesia đã hạn chế lượng dầu ăn mà mỗi khách hàng có thể mua. Các gia đình đang đưa trẻ nhỏ cùng đến xếp hàng để có thể mua nhiều hơn.

Nỗi lo về nguồn cung lương thực cũng đang gia tăng ở 2 quốc gia đông dân nhất thế giới - Trung Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc đang tăng cường mua ngô và đậu tương của Mỹ để đảm bảo nguồn cung khi Bắc Kinh cần duy trì an ninh lương thực trong nước, qua đó ổn định trị an xã hội. Bắc Kinh đang nắm giữ một nửa lượng lúa mì của thế giới trong kho dự trữ và hoạt động tích trữ ‘điên cuồng’ của họ tiếp tục đẩy giá lên cao. Trong khi đó tại Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, dầu thực vật đang tăng giá chóng mặt trong khi người tiêu dùng Ấn Độ cực kỳ nhạy cảm với giá cả.

Một quan chức chính quyền Biden cho biết: “Giống như việc tích trữ thời đại dịch, nhưng đó không phải là giấy vệ sinh, mà là hàng triệu giạ ngũ cốc - vốn là nguồn lương thực của một phần lớn dân số thế giới”. “Các quốc gia đang kiểm soát chặt nguồn lương thực vì họ không chắc khi nào mọi chuyện sẽ kết thúc”.

Khủng hoảng lương thực làm nạn đói và bất ổn chính trị trầm trọng hơn

Chủ tịch của Yara International, ông Holsether, cho biết ông lo lắng rằng hàng chục triệu người sẽ thiếu lương thực vì cuộc khủng hoảng nông nghiệp ở Ukraine. Ông nói: “Đối với tôi, vấn đề không phải là liệu chúng ta có đang bước vào một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu hay không. Vấn đề là mức độ của cuộc khủng hoảng đó”.

Phần lớn nông sản của Ukraine được xuất khẩu sang Bắc Phi, Trung Đông và Levant. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), Ukraine chiếm hơn 50% lượng lúa mì nhập khẩu của Lebanon, 42% của Tunisia và gần 25% của Yemen. Ukraine đã trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất của WFP.

Đối với nhiều quốc gia, giá lương thực thực phẩm tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến chính phủ, vì các khoản trợ cấp lương thực của nhà nước sẽ trở nên đắt đỏ hơn.

Ai Cập, quốc gia ngày càng phụ thuộc vào lúa mì của Ukraine và Nga trong thập kỷ qua, đã trợ cấp rất nhiều bánh mì cho người dân. Bà Sikandra Kurdi, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế tại Dubai, cho biết giá lúa mì tăng đã gây áp lực khiến chính phủ Ai Cập có thể phải tăng giá bánh mì trợ cấp.

Chương trình trợ cấp lương thực của Ai Cập hiện tiêu tốn của nước này khoảng 5,5 tỷ USD mỗi năm. Hiện nay, gần 2/3 dân số Ai Cập có thể mua 5 ổ bánh mì tròn mỗi ngày với giá 50 xu/tháng.

Các nước đang phát triển khác đang thực thi chính sách trợ cấp lương thực tương tự cũng sẽ phải vật lộn khi giá lúa mì tăng cao. Năm 2019, các cuộc biểu tình liên quan đến việc tăng giá bánh mì trợ cấp ở Sudan đã góp phần vào vụ lật đổ cựu Tổng thống Omar al-Bashir.

Đối với những quốc gia cung cấp các khoản trợ cấp lớn, giá lương thực tăng đồng nghĩa với việc chính phủ phải gánh nhiều nợ hơn hoặc người tiêu dùng sẽ phải trả giá cao hơn, bà Kurdi giải thích thêm.

Các quốc gia nghèo nhất thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong trường hợp nguồn cung cấp lương thực bị gián đoạn nghiêm trọng. Ít nhất 50 quốc gia phụ thuộc vào 30% hoặc hơn nguồn cung lúa mì từ Ukraine và Nga.

Ông Manish Raizada, giáo sư Khoa Nông nghiệp tại Đại học Guelph ở Canada, nói với Fox News rằng cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine có thể ảnh hưởng đến hàng tỷ người trên thế giới sống dựa vào canh tác tự cung tự cấp.

Chi Anh



BÀI CHỌN LỌC

Chiến tranh Ukraine sẽ đẩy nhiều triệu người đến vực thẳm của nạn đói vì những nguyên nhân này