Cồng kềnh mà chẳng sinh lời - kinh tế công lại vẫn được ĐCSTQ ưu tiên

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ tiếp tục ưu tiên cho khu vực kinh tế công, dù đây là khu vực có các doanh nghiệp lớn nhưng không hiệu quả. Theo chuyên gia, chính sách gia tăng sự độc quyền cho các doanh nghiệp nhà nước sẽ làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng và giúp tầng lớp có đặc quyền hưởng lợi và làm giàu.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố “củng cố và phát triển” nền kinh tế khu vực công tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 vào ngày 16/10.

Tại Đại hội, ĐCSTQ tuyên bố rằng “nền kinh tế thực thể” nên được phát triển, “vai trò của chính phủ” phải được thực thi, và khu vực công cần được “củng cố và phát triển”, đối lập với khu vực ngoài công lập.

Kinh tế khu vực ngoài công lập chủ yếu bao gồm kinh tế cá thể, kinh tế tư nhân, kinh tế tư bản nước ngoài.

“Cải cách ba năm” của ĐCSTQ đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã kết thúc vào năm nay và đã tạo ra một số DNNN lớn.

Có 136 công ty Trung Quốc lọt vào danh sách Fortune Global 500 năm 2022, trong đó có 99 DNNN, nhiều hơn 3 công ty so với năm 2021. Các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đưa tin có tổng cộng 145 công ty vì 9 công ty Đài Loan đã được đưa vào danh sách. Mỹ có 124 công ty trong danh sách, tiếp theo là Nhật Bản với 47.

Mặc dù số lượng các công ty Trung Quốc trong danh sách Global 500 đã vượt qua các công ty Mỹ kể từ năm 2020, nhưng lợi nhuận của các công ty Trung Quốc trong danh sách đã tụt lại đáng kể so với các công ty khác trong danh sách.

Lợi nhuận trung bình của các công ty Trung Quốc trong danh sách là 4,12 tỷ USD, trong khi lợi nhuận trung bình của các công ty trong danh sách là 6,20 tỷ USD, cao hơn khoảng 50%, theo Shangguan News, một cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ.

Nói về các chỉ số sinh lời khác, tỷ suất lợi nhuận trên doanh số bán hàng, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của các công ty Trung Quốc trong danh sách lần lượt là 5,1%, 1,15% và 9,5%, thấp hơn nhiều so với các con số 8,2%, 1,94% và 14,8% của 500 công ty hàng đầu thế giới.

Cồng kềnh mà chẳng sinh lời

Nếu trừ lợi nhuận của 10 ngân hàng khỏi danh sách các công ty Trung Quốc, lợi nhuận trung bình của các công ty phi ngân hàng chỉ là 2,6 tỷ USD, chưa bằng 30% lợi nhuận trung bình của các công ty phi ngân hàng Mỹ trong danh sách.

Tại sao các ngân hàng của Trung Quốc có lãi nhưng các công ty của nó lại có ít lãi như vậy?

Tiến sĩ Tạ Điền, giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học Nam Carolina, tin rằng điều này liên quan đến hệ thống nhà nước của Trung Quốc.

“ĐCSTQ ngăn cản các ngân hàng nước ngoài hoạt động hiệu quả và không cho phép trao đổi CNY (đồng nhân dân tệ) tự do”, ông Tạ nói với The Epoch Times vào ngày 15/10.

“Các ngân hàng dựa vào vị trí độc quyền của mình để kiếm lợi nhuận cao, trong khi các doanh nghiệp phải đối mặt với sự cạnh tranh, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm: ngay cả khi họ có một vị trí độc quyền nhất định ở Trung Quốc, thì cũng không dễ dàng [đối với họ] để có được lợi nhuận cao hơn”.

Cồng kềnh mà chẳng sinh lời - kinh tế công lại vẫn được ĐCSTQ ưu tiên
Một người đàn ông làm việc tại trạm Sinopec ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 22/03/2018. (Ảnh: Johannes Eisele / AFP qua Getty Images)

China National Grid, China National Petroleum và Sinopec được xếp hạng từ thứ 3 đến thứ 5 trong top 5 của Global 500, với China National Grid bao phủ 88% lãnh thổ của đất nước Trung Quốc.

“Xã hội Mỹ và cộng đồng doanh nghiệp không quan tâm có bao nhiêu công ty Trung Quốc lọt vào danh sách Fortune 500, và những người nghiên cứu kinh tế Trung Quốc không thấy ngạc nhiên [vì điều đó] bởi Trung Quốc có dân số lớn và cơ sở rộng lớn”, ông Tạ nói.

“ĐCSTQ chỉ đang hợp nhất các công ty thành một công ty 'lớn' - điều đó không có ý nghĩa đến như vậy và không tạo ra bất kỳ sản phẩm hữu ích nào. Nó có thể trông có vẻ lớn, nhưng không hiệu quả. Khả năng sinh lời thấp cho thấy điều đó”.

Tại cuộc họp đặc biệt về “cải cách” các DNNN vào ngày 01/09, ông Weng Jieming, Phó Giám đốc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước của Trung Quốc, nói rằng cần phải tăng cường chuyên môn hóa và hợp nhất các doanh nghiệp trung ương. Điều này được thực hiện nhằm phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp có lợi thế và thực hiện kế hoạch “Một ngành một doanh nghiệp, một doanh nghiệp một ngành” ở nhiều doanh nghiệp và khu vực hơn để các doanh nghiệp trung ương đạt được vị thế độc quyền trong ngành.

Ông Tạ không tin rằng mô hình “Một ngành một doanh nghiệp, một doanh nghiệp một ngành” có thể giải quyết vấn đề lợi nhuận thấp của các DNNN “lớn”.

“Tuy nhiên, nó sẽ củng cố sự độc quyền của ngành”, ông nói. “Không cạnh tranh có nghĩa là không cần quan tâm đến người tiêu dùng… Thiệt hại lớn nhất là quyền lợi của người tiêu dùng”.

“ĐCSTQ đã biến một ngành kinh doanh phúc lợi công cộng thành một ngành công nghiệp có lợi nhuận để tầng lớp có đặc quyền của nó có thể hưởng lợi và làm giàu cho túi tiền của họ”.

Bảo Nguyên

Theo Kathleen Li & Ellen Wan - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Cồng kềnh mà chẳng sinh lời - kinh tế công lại vẫn được ĐCSTQ ưu tiên