Đối thủ lớn nhất của Chủ tịch Tập sau Đại hội Đảng 20: 'Tê giác xám' tấn công

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc vẫn đang trượt dốc không phanh, rủi ro tài chính cũng tăng mạnh. Các phân tích chỉ ra rằng, "tê giác xám" (chỉ suy thoái kinh tế) đang lao tới và nếu sau Đại hội 20 các cơ quan chức năng không thể xử lý ổn thỏa thì sẽ dẫn đến rất nhiều vấn đề.

Dự kiến, Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ​​sẽ cung cấp manh mối về việc ai thăng chức, ai thay thế vị trí thủ tướng của ông Lý Khắc Cường – người quản lý nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo Hiến pháp, ông Lý sẽ rời chức vụ vào tháng 3 năm sau, sau khi đã phục vụ hai nhiệm kỳ thủ tướng.

Reuters đưa tin hôm 14/9, một người (muốn giấu tên) trong ban chính sách của ĐCSTQ chỉ ra rằng, "theo cấu trúc chính trị hiện tại, bất kỳ ai lên nắm quyền (làm thủ tướng) đều sẽ không có quá nhiều ảnh hưởng".

Tuy nhiên, nhóm ra quyết sách kinh tế mới của Trung Nam Hải sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có, từ việc tìm ra lối thoát khỏi chính sách "Zero Covid”, đến những nguy cơ đe dọa sự ổn định tài chính và cuộc khủng hoảng bất động sản khó hóa giải, cho đến mối quan hệ ngày càng căng thẳng với các nước phương Tây. Cuộc đàn áp trước đó đối với các công ty công nghệ và các tổ chức giáo dục tư nhân cũng đã giáng đòn mạnh vào lòng tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Tờ Economic Daily News của Đài Loan gần đây đăng một bài báo có tiêu đề "Đại hội 20 tới gần, Đại lục đề phòng Tê giác xám kinh tế”. Bài viết cho rằng tê giác xám trong nền kinh tế Trung Quốc đang lao tới trong khi nước này tiếp tục duy trì “Zero Covid”, đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá, cơn bão các tòa nhà dang dở ập tới… Nếu không được xử lý đúng cách, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro tài chính mang tính hệ thống.

Khái niệm "tê giác xám" lần đầu tiên được học giả người Mỹ Michele Wucker đưa ra tại Diễn đàn kinh tế Davos tổ chức hồi tháng 1/2013. Trong cuốn sách "Tê giác xám: Cách nhận biết và hành động trước những nguy cơ rõ ràng mà chúng ta bỏ qua", bà Wucker mô tả như sau: "Tê giác xám là cụm từ để chỉ một rủi ro có xác suất cực lớn và lực tác động cực lớn, nhưng lại bị bỏ qua, một rủi ro mà chúng ta nên nhận thức được, giống như một con tê giác nặng hai tấn đang hướng cặp sừng của nó vào chúng ta và tấn công với tốc độ tối đa".

Bộ Chính trị ĐCSTQ đã họp trước đó và bày tỏ phải tăng cường điều chỉnh các chính sách vĩ mô, ổn định kinh tế, duy trì vận hành ổn định của thị trường vốn; ngăn chặn các sự cố “thiên nga đen” và “tê giác xám” có thể xảy ra.

Bài báo trên tờ Economic Daily News cho rằng, con tê giác xám đầu tiên là đồng Nhân dân tệ mất giá. Việc phá giá đồng CNY đã trở thành con dao hai lưỡi, kết quả của việc rớt giá mạnh là làm suy yếu sức mua của đồng Nhân dân tệ, thậm chí dẫn đến lạm phát nhập khẩu, điều này sẽ càng thắt chặt thị trường nhu cầu trong nước (vốn đã rất yếu). Đồng nội tệ mất giá còn khiến dòng vốn tháo chạy, tình trạng phổ biến trên thị trường tài chính là cổ phiếu và ngoại hối đồng loạt giảm. Nếu các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thấp đồng Nhân dân tệ, họ sẽ bán cổ phiếu và trái phiếu đổi lấy tiền mặt, sau đó rút khỏi Trung Quốc, nó tạo thành một vòng tuần hoàn ác tính.

Một con tê giác xám khác là chính sách "Zero Covid". Chính quyền các địa phương ra lệnh phong tỏa bất cứ lúc nào, gây ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế địa phương và cuộc sống của cư dân. Hiện Trung Quốc có ít nhất 70 thành phố đang trong trạng thái phong tỏa một phần. Điều này cũng khiến tài chính của chính quyền địa phương càng bị thắt chặt do dòng tiền chảy vào (thu thuế) bị giảm đáng kể, còn dòng tiền chảy ra (chi tiêu cho công tác phòng chống dịch bệnh) lại tăng cao.

Đáng chú ý là, có rất ít dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ sớm loại bỏ chính sách “Zero Covid”. Một số nhà phân tích dự đoán, kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% trong năm nay.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ ​​khai mạc vào ngày 16/10 và ban lãnh đạo trung ương mới của ĐCSTQ sắp lộ diện.

Ngoại giới dự đoán, ​​ông Tập Cận Bình sẽ được bầu lại làm Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Đại hội 20, và sẽ tái đắc cử chức Chủ tịch nước vào tháng 3 năm sau tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc.

Theo nội dung do Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ công bố mới đây, Đại hội 20 có thể sẽ sửa đổi Điều lệ đảng. Theo thông lệ, các quan chức cấp cao vẫn tại chức cho đến kỳ họp “Lưỡng Hội" được tổ chức vào tháng 3 năm sau.

Đông Phương

Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Đối thủ lớn nhất của Chủ tịch Tập sau Đại hội Đảng 20: 'Tê giác xám' tấn công