Doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm nhân sự, làm trầm trọng thêm khủng hoảng thất nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc liên tiếp cắt giảm nhân sự. Doanh nghiệp không còn đủ tiền để thuê nhân viên. Một chuyên gia cho rằng, tình hình hiện nay rất nghiêm trọng; Trung Quốc đang đứng trước bờ vực của bất ổn xã hội.

Các doanh nghiệp Trung Quốc đã thực hiện cắt giảm nhân viên kể từ đầu năm 2023, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc.

Theo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị từ 16 đến 24 tuổi lên tới 20,4% trong tháng 4.

Một chuyên gia tin rằng mặc dù con số này thậm chí có thể thấp hơn nhiều so với thực tế, nhưng đó vẫn là một tín hiệu nguy hiểm.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị lần đầu tiên vượt quá 20% vào tháng 4 năm 2023, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu ghi nhận số liệu thống kê vào tháng 01/2018.

Số lượng sinh viên tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc năm nay là 11,58 triệu người, tăng 820.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, về cơ bản tạo ra tình trạng “ra trường thất nghiệp”.

Trong khi đó, các công ty lớn của Trung Quốc đã tham gia vào làn sóng cắt giảm nhân sự, khiến tình cảnh khó khăn của thị trường việc làm trở nên trầm trọng hơn.

Theo Chỉ số gián đoạn AlixPartners năm 2023 được công bố vào ngày 27/03, 17% công ty Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm nhân viên khi suy giảm kinh tế và khủng hoảng địa chính trị gia tăng; 43% các công ty được khảo sát có kế hoạch cắt giảm nhân viên hoặc ngừng tuyển dụng trong năm tới.

Các gã khổng lồ công nghệ cắt giảm nhân sự

Kể từ đầu năm 2023, những gã khổng lồ công nghệ trực tuyến của Trung Quốc, bao gồm ByteDance, Tencent và Jingdong đã tiến hành cắt giảm nhân viên. Cũng đã có tin tức về việc cắt giảm từ Bilibili, Xiaomi và Zhihu.

Theo dữ liệu về nhân sự được tiết lộ trong báo cáo tài chính mới nhất của Alibaba, công ty có 235.216 nhân viên tính đến ngày 31/03, trong khi con số này là 239.740 vào ngày 31/12/2022. Số lượng nhân viên đã giảm 4.524 trong quý đầu tiên của năm nay.

Doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm nhân sự, làm trầm trọng thêm khủng hoảng thất nghiệp
Người dân đi ngang qua trụ sở của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, phía đông Trung Quốc, vào ngày 26/05/2022. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Năm 2022, lực lượng lao động của Alibaba giảm 4.375 trong quý I, 9.241 trong quý II, 1.797 trong quý III và 4.163 trong quý IV. Kết hợp với 4.524 người bị cắt giảm trong quý đầu tiên của năm 2023, Alibaba đã giảm 24.100 nhân viên trong 5 quý.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent có 116.213 nhân viên tính đến ngày 31/03/2022; 108.436 nhân viên tính đến ngày 31/12/2022; và 106.221 nhân viên tính đến ngày 31/03 năm nay, giảm gần 10.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc cắt giảm nhân viên của các công ty ảnh hưởng trực tiếp đến hai nhóm chính: nhân viên bị cắt giảm và sinh viên mới tốt nghiệp.

Ví dụ, trong một vụ việc gần đây của CALB Group Co., Ltd., một nhóm lớn sinh viên đã nhận được lời mời làm việc từ CALB trong đợt tuyển dụng của trường vào mùa thu năm ngoái và đã ký thỏa thuận ba bên. Tuy nhiên, họ đột nhiên bị từ chối vào ngày 24/05 và ngay sau đó nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Lý do được đưa ra là sự thay đổi vị trí công việc. Các sinh viên được yêu cầu cung cấp thẻ ngân hàng và số tài khoản của họ và được trả trước 3.000 CNY (nhân dân tệ) (khoảng 421 USD) để bồi thường cho việc vi phạm hợp đồng.

Theo một cuộc trò chuyện nhóm của nhân viên CALB, vào cuối tháng 5, nhóm đã chấm dứt hợp đồng của tất cả sinh viên tốt nghiệp năm 2023 được tuyển dụng vào mùa thu năm 2022 và mùa xuân năm 2023. Có ít nhất 2.000 người như vậy, liên quan đến các vị trí như kỹ thuật viên thiết bị, kỹ sư nghiên cứu và phát triển front-end, và nhân viên dịch vụ văn phòng, tại các thành phố như Thường Châu, Hợp Phì, Thành Đô, Hạ Môn và Vũ Hán.

Các công ty không đủ tiền để tuyển người

Xiao Ming (tên giả), chủ một doanh nghiệp tư nhân ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, nói với The Epoch Times vào ngày 30/05 rằng, các công ty không đủ khả năng chi trả các khoản phúc lợi an sinh xã hội cho nhân viên của mình.

“Các công ty bây giờ ngại tuyển người vì không đủ tiền. Các công ty không đủ khả năng cung cấp tiền an sinh xã hội và tiết kiệm hưu trí cho nhân viên. Tất cả đều đang cố gắng duy trì hiện trạng nên họ không dám tuyển nhân viên như thường lệ”, Xiao nói.

“Thấy tình hình năm nay, nhiều công ty vốn định đến trường tuyển dụng cũng e ngại. Nhiều công ty đã tuyển dụng cũng đã hủy hợp đồng của họ, và những sinh viên này đang bị cắt giảm trước cả khi họ đi làm”.

Xiao tin rằng năm nay sẽ là năm bắt đầu một làn sóng cắt giảm lớn.

Ông nói: “Đối với doanh nghiệp, cần cân nhắc nguồn nhân lực và chi phí". “Với ít đơn hàng hơn và vốn nước ngoài rút đi, nhiều ngành công nghiệp chế biến xử lý đã chuyển dịch sang các nước khác ở Đông Nam Á, và số lượng việc làm đương nhiên giảm đi”.

Doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm nhân sự, làm trầm trọng thêm khủng hoảng thất nghiệp
Người dân tham dự một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/08/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Bất ổn xã hội

Việc cắt giảm nhân viên của các tập đoàn lớn là một biểu hiện đáng chú ý của sự suy yếu của kinh tế toàn cầu, nhưng đối với các nước phương Tây, thất nghiệp không đồng nghĩa với mất nguồn sinh kế, ông Tạ Điền, giáo sư kinh doanh tại Đại học Nam Carolina Aiken và là cộng tác viên của The Epoch Times, nói với The Epoch Times vào ngày 02/06.

Ông Tạ nói: “Hãy lấy Mỹ làm ví dụ, mọi người ở Mỹ đều có bảo hiểm thất nghiệp". “Với ít hơn 5% dân số Mỹ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân về cơ bản không gặp vấn đề thất nghiệp”.

“Dân số phi nông nghiệp ở đô thị nếu đã có thời gian làm việc thì khi thất nghiệp có thể được hưởng BHTN, từ vài tháng, 6 tháng đến 1 năm. Đặc biệt trong thời kỳ COVID-19, đã có những người nhận bảo hiểm thất nghiệp từ sáu tháng đến một năm. Tiền trợ cấp thất nghiệp không nhiều nhưng cũng đủ sống và không bị đói".

Ông Tạ nói: “ĐCSTQ không gọi 'thất nghiệp' là 'thất nghiệp'. Nó gọi đó là 'chờ việc làm', đó là một cái tên mang tính lừa đảo".

“Bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc không bao quát toàn bộ dân số và phần lớn lao động nông thôn không có nó… Chính quyền không có đủ bảo hiểm thất nghiệp để chi trả cho những người bị mất việc làm ở thành phố, bao gồm cả lao động nông thôn. Một khi họ mất việc làm, họ sẽ quay trở lại nông thôn, nơi không cần nhiều lao động như vậy, vì vậy Trung Quốc hiện đang gặp khó khăn nghiêm trọng”.

Ông Tạ đã so sánh tình hình trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970 với tình hình hiện tại. Ông tin rằng tình hình hiện nay thậm chí còn nghiêm trọng hơn.

Ông nói: “Trung Quốc cũng đã trải qua sự sụp đổ kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong giai đoạn sau của Cách mạng Văn hóa, khi lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Mao Trạch Đông kêu gọi thanh niên trí thức về nông thôn và đẩy họ về nông thôn”.

“Bây giờ [nhà lãnh đạo Trung Quốc] Tập Cận Bình cũng đang cố gắng lôi kéo những người trẻ tuổi về nông thôn, nhưng ông ấy không có đủ sức hút để làm điều đó, và người dân không lắng nghe ông ấy, vì vậy ĐCSTQ không thể sử dụng chiến thuật này nữa. Vấn đề là rất lớn. Bảy mươi đến tám mươi phần trăm sinh viên đại học tốt nghiệp năm nay sẽ không thể tìm được việc làm”.

“Tỷ lệ thất nghiệp chung ở Mỹ hiện vào khoảng 3 đến 3,5%. Hầu như ai cũng có việc làm. Chính phủ Trung Quốc thừa nhận rằng tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao tới 20%. Mặc dù [con số này] thấp hơn nhiều so với thực tế, nhưng đó vẫn là một tín hiệu đáng báo động".

“Ví dụ, nếu tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Đông hoặc các quốc gia Nam Mỹ khác vượt quá 15 đến 20%, tình trạng bất ổn xã hội sẽ bùng phát. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang đứng trước bờ vực của bất ổn xã hội”, ông Tạ nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Doanh nghiệp Trung Quốc cắt giảm nhân sự, làm trầm trọng thêm khủng hoảng thất nghiệp