Giá khí đốt châu Âu bất ngờ giảm 30% sau khi tăng mạnh vào ngày trước đó

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giá khí đốt châu Âu, vốn tăng mạnh vào thứ Năm (24/02), đã giảm vào thứ Sáu (25/02) khi tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cho biết xuất khẩu khí đốt từ Nga sẽ không bị gián đoạn bất chấp tình trạng hỗn loạn do Moscow tấn công Ukraine. Dù muốn, Liên minh châu Âu (EU) cũng khó có hành động nghiêm khắc chống lại lĩnh vực năng lượng của Nga.

Ngày 24/02, hợp đồng khí đốt tương lai tháng 3 sàn TTF của Hà Lan đóng cửa ở mức 134,316 EUR, tăng 51,1% so với mức đóng cửa của ngày trước đó là 88,891 EUR, theo dữ liệu từ Intercontinental Exchange. Ngày 25/02, khí đốt tương lai được giao dịch ở mức 93,800 EUR vào lúc 04:10 chiều (giờ GMT), giảm 30,16% so với mức đóng cửa của ngày hôm trước. Giá khí đốt tương lai sàn TTF của Hà Lan được coi là chỉ số khí đốt tự nhiên chuẩn ở châu Âu.

Hôm thứ Năm, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga đã khẳng định hoạt động xuất khẩu khí đốt qua Ukraine vẫn diễn ra bình thường và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của khách hàng. Nhu cầu về khí đốt đã tăng lên 83 triệu mét khối mỗi ngày vào ngày 24/02, tăng 31,4% so với ngày trước đó, công ty cho biết.

Mặc dù EU đã công bố các lệnh trừng phạt chống lại Moscow, khối này vẫn chưa áp đặt bất kỳ hạn chế nào đối với xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga.

Hơn nữa, các công ty châu Âu đang mua thêm khí đốt từ Nga, hầu hết được vận chuyển qua mạng lưới đường ống đi qua Ukraine. Các công ty châu Âu đã đặt nhiều đơn hàng hơn với tập đoàn Gazprom từ ngày 24/02. Nguồn cung khí đốt từ Nga qua Ukraine đã tăng vọt 38% vào 24/02.

Ngay cả khi các quốc gia thành viên EU muốn có hành động nghiêm khắc chống lại lĩnh vực năng lượng của Nga, họ cũng không thể làm như vậy vì khu vực này phụ thuộc nhiều vào Moscow về khí đốt tự nhiên. Khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của EU đến từ Nga. Gần 1/4 lượng dầu mỏ nhập khẩu của EU cũng đến từ Nga, khiến Ngà trở thành nhà cung cấp lớn nhất cho EU.

Do đó, bất kỳ hành động nào chống lại lĩnh vực dầu khí của Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến châu Âu. Việc hạn chế khả năng tiếp cận ngoại tệ của Nga cũng sẽ gây áp lực lên giá năng lượng ở châu Âu.

Bà Katja Yafimava, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: “Nếu phương Tây quyết định cắt Nga khỏi SWIFT (mạng thanh toán quốc tế), việc thanh toán cho nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sẽ trở nên bất khả thi”.

“Đó sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất khả kháng ghi trong hợp đồng, từ đó dẫn đến việc ngừng cung cấp, gây hậu quả nghiêm trọng cho người tiêu dùng châu Âu trên phương diện giá cả và tình trạng sẵn hàng”.

Chi Anh

Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Giá khí đốt châu Âu bất ngờ giảm 30% sau khi tăng mạnh vào ngày trước đó