Kế hoạch cắt giảm dự trữ bắt buộc của Trung Quốc sẽ phản tác dụng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chính quyền Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Tuy nhiên với thực trạng kinh tế yếu kém, chính sách này nhiều khả năng sẽ phản tác dụng và làm gia tăng rủi ro về tài chính cho cả các công ty và ngân hàng.

Vào ngày 25/11, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm 0,25 điểm phần trăm trong tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có hiệu lực vào ngày 05/12/2022. Điều này sẽ giải phóng lượng thanh khoản dài hạn trị giá 500 tỷ CNY (nhân dân tệ) (tương đương 69,7 tỷ USD) ra thị trường.

Đây là lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thứ hai vào năm 2022, sau lần cắt giảm đầu tiên vào ngày 25/04 và sẽ đưa tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân gia quyền (theo tỷ trọng) của các tổ chức tài chính xuống 7,8%.

Các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác được yêu cầu duy trì một tỷ lệ phần trăm tiền gửi ngân hàng nhất định như một khoản dự trữ với Ngân hàng Trung ương để đảm bảo rằng tổ chức đó có khả năng đáp ứng các khoản nợ trong trường hợp rút tiền đột ngột, điều này cũng cung cấp cho các ngân hàng một lớp bảo vệ. Việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ tăng khả năng cho vay của ngân hàng và cải thiện tính thanh khoản của thị trường, điều này được kỳ vọng sẽ kích thích nền kinh tế nói chung.

Liệu nó sẽ hoạt động đúng như mong đợi? Tác động của lần cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 4 này đã bị triệt tiêu hoàn toàn bởi sự gián đoạn của các hoạt động kinh tế dưới chính sách “zero-COVID” của đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống 3% trong ba quý đầu năm, từ mức 4,8% trong quý I năm 2022.

Kế hoạch cắt giảm dự trữ bắt buộc của Trung Quốc sẽ phản tác dụng
Trụ sở của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBC hay PBOC), Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 07/08/2011. (Ảnh: MARK RALSTON / AFP qua Getty Images)

Thực trạng tồi tệ của nền kinh tế khiến chính sách bị phản tác dụng

Dữ liệu kinh tế mới nhất cho tháng 10 thậm chí còn đáng lo ngại hơn. Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI), một chỉ số phản ánh xu hướng kinh tế phổ biến trong lĩnh vực sản xuất được ghi nhận ở mức 49,2%, dưới mức chuẩn 50%, cho thấy nền kinh tế đang bị thu hẹp. Chỉ số phụ sản xuất và chỉ số phụ đơn đặt hàng mới ở mức thấp lần lượt là 49,6% và 48,1%, cho thấy cung và cầu đều yếu. Lĩnh vực dịch vụ cũng xấu đi với mức tiêu thụ điện giảm liên tiếp trong tháng 9 và tháng 10.

Một số người có thể lập luận rằng các công ty có thể vay thêm tiền từ ngân hàng để tăng sản xuất hoặc đầu tư sau khi có sự cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Điều này đúng. Nhưng mặt khác, mức nợ của họ sẽ bị đẩy lên cao dẫn đến rủi ro tài chính cao hơn. Họ có khả năng thanh toán các khoản nợ đó không?

Câu trả lời rất có thể là không, vì không dễ để họ bán sản phẩm của mình khi tiêu dùng bị kìm hãm và niềm tin của người tiêu dùng yếu. Doanh số bán lẻ toàn quốc giảm 0,68% so với tháng trước trong tháng 10, tháng thứ 7 chứng kiến ​​mức tiêu dùng giảm trong năm 2022. Dữ liệu kinh tế xấu đi và tin tức kinh tế xấu sẽ càng làm xói mòn niềm tin của cả người tiêu dùng và nhà sản xuất, vốn khó có thể phục hồi chỉ bằng cách giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Rủi ro vỡ nợ doanh nghiệp thường tăng lên trong thời kỳ suy thoái kinh tế. Các khoản nợ quá hạn dẫn đến nợ xấu cao hơn đối với các ngân hàng, đe dọa đến chất lượng tài sản và mức an toàn vốn của ngân hàng, cũng dẫn đến rủi ro tài chính cao hơn cho các ngân hàng.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Kate Jiang - The Epoch Times

Tác giả Kate Jiang là một nhà phân tích tài chính và là cộng tác viên của The Epoch Times ở Hong Kong.



BÀI CHỌN LỌC

Kế hoạch cắt giảm dự trữ bắt buộc của Trung Quốc sẽ phản tác dụng