Phần 2: “Não bộ” của WTO chính thức bị Trump vô hiệu hóa vào ngày 11/12/2019

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước những thất bại của WTO đối với Trung Quốc, Trump đã không ngừng chỉ trích gay gắt tổ chức này. Trump thậm chí còn có bước đi quyết liệt hơn trong việc vô hiệu hóa WTO: bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body) của WTO…

Đằng sau thương chiến Mỹ - Trung là một lịch sử dài về chiến lược lớn nhắm vào Trung Quốc của Mỹ được hình thành 35 năm qua, là thỏa hiệp giữa nhiều thế hệ lãnh đạo của hai nước về quyền lợi kinh tế, chính trị… Tổng thống Trump, người châm ngòi cuộc chiến, rốt cuộc là người được nước Mỹ lựa chọn để thực thi chiến lược nhắm vào Trung Quốc. Không có Tổng thống Trump, nước Mỹ hẳn có lựa chọn khác, nhưng nhất định đó là con đường mà nước Mỹ sẽ phải trải qua bởi đó là quyền lợi, là trách nhiệm của Mỹ trong bản đồ kinh tế - chính trị toàn cầu.

Tổng thống Trump đổ lỗi cho WTO về việc đã để Trung Quốc lạm dụng nhằm hưởng các ưu đãi bất công bằng về thuế, tiếp cận thị trường và cưỡng chế chuyển giao công nghệ. Trong khi đó, bản thân Trung Quốc cũng vi phạm các cam kết với mọi tổ chức quốc tế khác mà nó tham gia về vấn đề bảo vệ môi trường, nền kinh tế thị trường đầy đủ, thể chế dân chủ và minh bạch. Các vi phạm này trở thành cơ hội để Trung Quốc tăng trưởng phi giới hạn, hàng hóa Trung Quốc ngập tràn thế giới bằng giá rẻ. Sau đó Trung Quốc lại mang chính năng lực sản xuất hàng hóa giá rẻ này lên bàn đàm phán với các tổ chức quốc tế, với các nền kinh tế khác để đổi lấy sự im lặng trong lợi ích kinh tế, chính trị của họ.

Bởi vậy, Trump đã sử dụng việc loại bỏ WTO để ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc về công nghệ. Đây cũng là chiến lược trừng phạt được lưỡng viện Mỹ thông qua từ năm 1986 nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm… leo thang thương chiến mà vẫn không vi phạm quy định của WTO

Mỹ đã viện dẫn đến điều khoản về “an ninh quốc gia” để biện minh cho việc đơn phương áp các sắc thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc. Tổng thống Mỹ dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được chính quyền Hoa Kỳ sử dụng: Điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.

WTO cũng có điều khoản tương tự, Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch), vẫn có hiệu lực với WTO, quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định “cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu”.

Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden thuộc viện tư vấn Mỹ Council on Foreign Relations, thì ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì định chế này ắt hẳn cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn (theo RFI). Điều đó đã thực sự xảy ra. Thương chiến leo thang ngày một khốc liệt, chưa nhìn thấy hồi kết trước sự bất lực của WTO - một tổ chức thực tế từ lâu đã bó tay trước Trung Quốc.

Trump từ chối bổ nhiệm mới và tái bổ nhiệm thành viên cơ quan phúc thẩm của WTO, “não bộ” WTO chính thức bị vô hiệu hóa ngày 11/12/2019...

Khác với các tổ chức khác, WTO có quyền tài phán, giống như một khuôn khổ pháp lý quốc tế đặt ra để đảm bảo một sân chơi công bằng, minh bạch. Bởi vậy, quyền tài phán - nơi các thành viên tham gia đều phải tôn trọng và tuân thủ - nếu bị tước đi thì WTO được coi như tổ chức “chết não”, sự tồn tại hay không của WTO không còn nhiều ý nghĩa. Thế giới sẽ thiết lập cuộc chơi mới với các nguyên tắc mới.

Từ năm 2017, Mỹ đã kiên trì bác bỏ việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm thành viên của Cơ quan Phúc thẩm (Appellate Body) của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Quyết định của Mỹ phản ánh quan điểm của Tổng thống Trump đối với WTO nói chung. Trong phát biểu ngày 22/3/2018 khi ký văn kiện nhằm chống lại “sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc”, Tổng thống Trump cho rằng:

Chúng ta đã chi rất nhiều tiền kể từ khi thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới – thực sự là một thảm họa cho chúng ta. Tổ chức này rất không công bằng với chúng ta. Các vụ việc được giải quyết rất không công bằng. Phán quyết rất không công bằng. Và như đã biết, chúng ta luôn là thiểu số ở đó và điều đó là không công bằng”.

Quan điểm của Mỹ khiến cho số lượng thành viên của cơ quan này giảm dần do lần lượt hết nhiệm kỳ. Cuối năm 2017, AB còn 4 thành viên, và từ cuối năm 2018 chỉ còn lại 3 thành viên. Đến ngày 11/12/2019, AB sẽ chỉ còn lại 01 thành viên, và chính thức bị vô hiệu hóa.

Cơ quan Phúc thẩm (AB) của WTO là cơ quan thuộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, được thành lập theo Quy chế về giải quyết tranh chấp của Tổ chức này (Dispute Settlement Understanding – DSU). Điều 17 của DSU quy định rằng AB sẽ là cơ quan thường trực do Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (Dispute Settlement Body – DSB) thành lập, gồm 07 thành viên.

Thiếu thành viên, AB buộc phải ngừng hoạt động kể từ ngày 11/12/2019 tới đây. Một giải pháp để giải quyết tranh chấp khi AB dừng hoạt động có thể là Trọng tài theo Điều 25 DSU. Điều kiện để sử dụng trọng tài là phải có thỏa thuận của các bên tranh chấp. Do đó, biện pháp trọng tài cần có sự thiện chí của các bên tranh chấp cùng mong muốn giải quyết tranh chấp thương mại giữa họ. Có học giả gợi ý rằng thủ tục trọng tài theo Điều 25 có thể được sử dụng như một thủ tục phúc thẩm thay thế cho AP đối với các vụ việc đã có báo cáo của ban hội thẩm.[1]

Theo Trần. H.M. Minh (2019), việc vô hiệu hóa AB cũng có thể là một biện pháp chống lại các vụ kiện mà Trung Quốc khởi kiện Mỹ kế từ khi Chiến tranh thương mại giữa hai nước bùng nổ năm 2018. Với Trung Quốc, sáu vụ việc khởi kiện bao gồm: DS543, DS544, DS562, DS563, DS565, và gần đây nhất DS587. Sau ngày 10/12/2019, khi AB thực sự ngừng hoạt động thì quá trình giải quyết các vụ việc trên sẽ đình trệ khi một hay cả hai nước có yêu cầu phúc thẩm báo cáo của ban hội thẩm.

Trà Nguyễn (tổng hợp)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Jennifer Hillman, Three approaches to sixing the World Trade Organization’s Appellate Body: The Good, the Bad and the Ugly?”, tr. 8, https://www.law.georgetown.edu/wp-content/uploads/2018/12/Hillman-Good-Bad-Ugly-Fix-to-WTO-AB.pdf
  2. Trần H.D Minh,[154] Khủng hoảng bổ nhiệm thành viên Cơ quan Phúc thẩm (AB) của WTO, https://iuscogens-vie.org/2019/09/22/154/#_ftn1



BÀI CHỌN LỌC

Phần 2: “Não bộ” của WTO chính thức bị Trump vô hiệu hóa vào ngày 11/12/2019