Trung Quốc không có lợi thế trong thương chiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thương chiến đã diễn ra 18 tháng, những tổn thất của thương chiến với hai nền kinh tế và với cả thế giới đều đáng kể. Tuy nhiên, khả năng chống đỡ của Trung Quốc dường như không quá mạnh như phân tích của nhiều chuyên gia kinh tế, chính trị gia trước đó. Nguyên nhân nằm ở chính các bất cân đối quá lớn về kinh tế của Trung Quốc và thời điểm thương chiến diễn ra khi Trung Quốc đang thực hiện chương trình tái cơ cấu tổng cung, nợ xấu tăng cao, nền kinh tế nhiều rủi ro...

Thứ nhất, bom nợ trong ngân hàng do bong bóng bất động sản và do nợ doanh nghiệp SOEs

Trên số liệu thống kê, nợ xấu trong ngân hàng Trung Quốc hiện là 1,7%/ tổng dư nợ. Tuy nhiên, mức nợ xấu của Trung Quốc hiện không được tính theo chuẩn mực quốc tế bởi cách phân loại nợ đặc thù. Theo một công bố của HSBC năm 2016, cách phân loại nợ xấu của Trung Quốc như sau: Một, nợ xấu do chính ngân hàng thương mại (NHTM) tự xếp hạng dựa trên giá của tài sản đảm bảo. Ngay cả khi khách hàng đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ cả lãi và gốc, thì NHTM vẫn xếp hạng khoản nợ đó là nợ tốt (nợ loại 1) nếu NHTM này đánh giá giá trị của tài sản đảm bảo vẫn lớn hơn giá trị khoản vay của khách hàng tại ngân hàng đó. Hai, khi nợ xấu quá lớn, các NHTM nhỏ không thể “chịu đựng”, các khoản nợ xấu nhất được chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ các NHTM lớn trong hệ thống mua lại những khoản nợ này (do Chính phủ yêu cầu), và họ hạch toán vào khoản “đầu tư chứng khoán”. Về hình thức, nợ xấu biến mất trên sổ sách, nhưng thực tế, khối nợ ngày một lớn và không thể xử lý nằm nguyên trong hệ thống NHTM nước này.

Ngoài ra, với cách phân loại nợ xấu như vậy, NHTM rất sợ thị trường bất động sản (BĐS) rớt giá. Trong khi đó, chính quyền địa phương cần có kết quả tăng trưởng cao thông qua đầu tư vào hạ tầng. Đó là lý do khiến Trung Quốc trong một thập kỷ cuối cùng này xuất hiện rất nhiều thành phố ma, các công trình BĐS xây xong bỏ hoang. Trong ngắn hạn, đầu tư hoang phí đó được tính vào GDP. Nhưng trong dài hạn, khoản đầu tư đó không mang lại doanh thu, chỉ tạo thêm nợ xấu.

Embed from Getty Images

Trung Quốc trong một thập kỷ cuối cùng này, xuất hiện rất nhiều thành phố ma, các công trình BĐS xây xong bỏ hoang. Ảnh khu công nghiệp Caofeidian gần Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

Không chỉ BĐS, nợ xấu của hệ thống NHTM Trung Quốc còn có nguyên nhân từ nhóm doanh nghiệp SOEs (doanh nghiệp nhà nước), đặc biệt là doanh nghiệp thuộc nhóm khai khoáng, sản xuất nhôm thép. Trong 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp này buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp không thể tuyên bố phá sản bởi các ràng buộc nợ với NHTM trong nước. Nợ doanh nghiệp/GDP của Trung quốc hiện ở mức 165%. Nợ xấu của SOEs và tình trạng thiếu hiệu quả tại một số ngành của khu vực này khiến Trung quốc thực hiện chương trình “tái cơ cấu tổng cung” từ năm 2015. Thực tế, cuộc chiến thương mại xảy ra khi chương trình tái cơ cấu đang được thực thi.

Thứ hai, thương chiến xảy ra khi chương trình “tái cơ cấu tổng cung” đầy thách thức của Trung Quốc còn dang dở

Tình trạng dư cung tại các ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho nền kinh tế trong nước và toàn cầu. Trong số đó, điển hình là ngành Thép và Xi măng, Than đá, nơi nguồn cung vượt xa mức cầu của thị trường. Sản lượng thép của Trung Quốc lớn hơn tổng sản lượng của Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Nga cộng lại. Trong vòng hai năm 2016-2017, sản lượng xi măng của Trung Quốc đã cao bằng với mức mà Mỹ sản xuất trong suốt thế kỷ 20. Có thể nói, tình trạng dư cung đang ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành công nghiệp của nước này trong những năm trở lại đây. Không những thế, tình trạng này còn tạo ra căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và các nước phát triển, khi những nước này cáo buộc Bắc Kinh bán phá giá các sản phẩm trên thị trường quốc tế.

“Cải cách cơ cấu tổng cung” trở thành khẩu hiệu, trung tâm của kế hoạch cải cách kinh tế của Trung Quốc kể từ tháng 11/2015. Chương trình này bao gồm một loạt các chính sách nhằm cắt giảm dư thừa nguồn cung, đóng cửa một số công ty không còn hiệu quả, hỗ trợ cho lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề ra chương trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng, từ mô hình dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng (tăng tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng cá nhân trong GDP).

Tuy nhiên, chương trình này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức do các nguyên nhân sau: (i) các địa phương khó có thể đóng cửa các nhà máy, doanh nghiệp theo kế hoạch; nợ của nhóm doanh nghiệp này tại NHTM là khá lớn; (ii) lượng lao động dôi dư lớn.

Embed from Getty Images

Trong vòng hai năm 2016-2017, sản lượng xi măng của Trung Quốc đã cao bằng với mức mà Mỹ sản xuất trong suốt thế kỷ 20.

Khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, bất kể nền kinh tế nào - dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, bao gồm cả Trung Quốc - đều phải trả giá là tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng, bất ổn xã hội gia tăng, chi phí tái cơ cấu lớn. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế thì Trump kiên quyết đẩy Trung Quốc vào cuộc chiến thương mại không mong muốn này.

Thứ ba, các con số tăng trưởng của Trung Quốc

Ngay cả thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc cũng từng nói: ông không tin vào số liệu tăng trưởng của nước này. Một tổ chức tư vấn nước ngoài dự đoán, tăng trưởng thực GDP của TQ năm 2018 chỉ ở mức 4%/năm, trong 10 năm tới chỉ ở mức 3,4-3,5% (tăng trưởng bình quân). Năm 2018, Trung quốc đã phải công bố số liệu tăng trưởng giảm mạnh nhất trong 20 năm qua, ở mức 6,5%. Thất nghiệp của Trung Quốc đã ở mức cao nhất.

Thứ tư, kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng lớn bởi Mỹ, trong khi Mỹ có đồng minh và lợi thế chính trị tốt hơn so với Trung Quốc

Bảng: Tương quan thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ so với quy mô kim ngạch xuất khẩu và quy mô nền kinh tế

Tại thời điểm bắt đầu thương chiến, nền kinh tế Trung Quốc phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ ở mức độ cao hơn so với chiều ngược lại. Chưa kể, nếu số liệu GDP của Trung Quốc thấp hơn so với công bố thì mức phụ thuộc còn cao hơn. Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại xảy ra khi dự trữ ngoại hối của Trung Quốc bắt đầu suy giảm sau khi đạt đỉnh vào năm 2014 (3,84 nghìn tỷ USD), hiện dưới 3 nghìn tỷ USD (thấp hơn 15% GDP của Mỹ).

Cuối cùng, Trung Quốc không thể tránh cuộc chiến này bởi Thương chiến là điểm khởi đầu của một chiến lược kiên định, được nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài của Mỹ

Chiến tranh thương mại chỉ là công cụ khởi đầu, mục tiêu của Trump là “Trung Quốc phải thay đổi” theo cách mà Trump cho là “chân chính” hơn, bản chất là theo đúng quy luật thị trường và cạnh tranh lành mạnh. Mỹ đưa ra “Khung giám sát” cho Trung Quốc. Trong khung giám sát đó, Mỹ liệt kê các vấn đề về công bằng thị trường (Luật), về dân chủ yêu cầu quốc gia phải thay đổi. Đây là lý do tại sao vừa qua Trung Quốc phải xóa bỏ điều khoản luật buộc các công ty đầu tư FDI vào Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc.

Các diễn biến trên phương diện ngoại giao, dân chủ, công nghệ và ý thức hệ suốt 18 tháng qua giữa Mỹ - Trung không chỉ sôi động, gay gắt, rõ ràng mà còn hết sức lý trí. Cuộc chiến thương mại là điểm khởi đầu của một chiến lược kiên định, được nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị lâu dài của Mỹ; nơi Trump và nội các của ông nhận thức sâu sắc nền kinh tế gây “ung thư và bệnh dịch” toàn cầu như Trung Quốc cần phải được khu trú và điều trị.

Trung Quốc dường như mất lợi thế kháng cự lại cuộc chiến này, bởi Trump đã chọn thời điểm hoàn hảo để bắt đầu chiến tranh: (1) Nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ đầy bất ổn, rủi ro như đã đề cập ở trên; (2) Trung Quốc đang tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế do bất cân đối trầm trọng, khi tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, Trung Quốc phải trả giá: tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp tăng, bất ổn xã hội gia tăng, chi phí tái cơ cấu lớn. Tuy nhiên, vào đúng thời điểm bắt đầu tái cơ cấu nền kinh tế thì Trump tiến hành chiến tranh thương mại. Điều này không khác gì đánh vào tử huyệt của Trung Quốc. Trung Quốc có quá nhiều mục tiêu buộc phải hoàn thành, buộc phải chi tiền, buộc phải lo sợ - Mỹ thì không!

Trà Nguyễn



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc không có lợi thế trong thương chiến