Nga phá huỷ các cơ sở dầu khí ở Ukraine và Tương lai u ám cho kinh tế toàn cầu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay, các quan chức Ukraine cho biết quân đội Nga đã tấn công các cơ sở dầu khí ở Ukraine, gây ra các vụ nổ lớn. Việc tấn công các cơ sở dầu khí diễn ra khi phương Tây thông báo biện pháp trừng phạt mới, bao gồm loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Hôm nay, 27/02/2022, Ukraine đang bước sang ngày thứ 4 khói lửa. Tổng thống Volodymyr Zelenskyy cho biết các lực lượng Ukraine đang ngăn chặn quân đội Nga tiến vào thủ đô Kyiv. Đây là cuộc tấn công lớn nhất nhằm vào một quốc gia châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai.

Các tên lửa của Nga có vẻ như đang nhắm vào mục tiêu là các cơ sở dầu khí; nguồn năng lượng quan trọng nhất trong chiến tranh. Một cuộc tấn công của quân đội Nga khiến một bến dầu ở Vasylkiv, một thị trấn phía tây nam của Kyiv, bốc cháy, Reuters dẫn tin từ thị trưởng thị trấn.

Thị trưởng thành phố Vasylkiv, Natalia Balasinovich, nói: “Kẻ thù muốn phá hủy mọi thứ".

Một cơ quan nhà nước Ukraine cho biết cũng có báo cáo về giao tranh ác liệt gần thành phố thứ hai của Ukraine, Kharkiv, ở phía đông bắc, nơi quân đội Nga cho nổ một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên.

Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine cho biết một tên lửa của Ukraine đã làm nổ một bến dầu ở thị trấn Rovenky, theo Reuters.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi động 'hoạt động quân sự đặc biệt' đưa quân vào Ukraine dưới danh nghĩa ủng hộ nền độc lập của hai tỉnh đòi ly khai. Chiến sự nổ ra sau khi nhiều tháng quân đội Nga mang hơn 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine khi nước này muốn gia nhập NATO.

Kể từ đó, Nga, Mỹ và NATO đã diễn ra nhiều cuộc đàm phán ở nhiều cấp lãnh đạo khác nhau, nhưng Mỹ và NATO cương quyết không nhượng bộ yêu cầu của Nga, đó là để Ukraine trở thành quốc gia trung lập, không gia nhập NATO. Bản thân Ukraine cũng cứng rắn theo đuổi mục tiêu gia nhập NATO mà cương quyết chuẩn bị một cuộc chiến vũ trang với Nga.

Sau tất thảy bế tắc ngoại giao, bất chấp các cảnh báo của Mỹ và phương Tây, ông Putin đã đưa quân đội vượt biên giới Ukraine. Nga cho rằng cho rằng chế độ "tân phát xít" ở Ukraine đe dọa an ninh của Nga - một cáo buộc mà Kyiv và các chính phủ phương Tây cho là tuyên truyền vô căn cứ.

Thực tế, nếu Ukraine trở thành một thành viên của NATO, dàn tên lửa của liên minh này áp sát vào biên giới Nga (như NATO đã làm với Ba Lan), khi đó cáo buộc 'đe doạ an ninh Nga' là có thể hiểu.

"Chúng tôi đã chống đỡ và đang đẩy lùi thành công các cuộc tấn công của kẻ thù. Cuộc chiến vẫn tiếp diễn", ông Zelenskyy cho biết trong một video thông báo từ các đường phố của Kyiv được đăng trên tài khoản mạng xã hội của mình.

Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các lực lượng của Ukraine đang "kiên quyết kháng cự" với cuộc tiến công trên không, trên bộ và trên biển của Nga, khiến hàng trăm nghìn người Ukraine chạy trốn về phía tây, làm tắc nghẽn các tuyến đường cao tốc và đường sắt chính.

Chờ được vạ thì má đã sưng

Phương Tây trừng phạt Nga bằng cách loại một số ngân hàng chủ chốt của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, các đòn trừng phạt khác để đảm bảo Nga không dùng được hệ thống dự trữ ngoại hối của mình nhằm duy trì chiến tranh. Dĩ nhiên, mọi đòn trừng phạt đều có giá trị, làm Nga suy yếu và khô kiệt dần về tài chính.

Tuy nhiên, đó là kết quả, ít nhất, trong trung và dài hạn. Nhưng dù vậy, Nga còn có liên minh ma quỷ với Trung Quốc, Iran, các nhóm chiến binh hồi giáo khủng bố thân Nga, hệ thống thanh toán ngầm Bitcoin cũng như hệ thống thanh toán quốc tế với Trung Quốc bằng đồng nhân dân tệ. Chưa kể, giá dầu thế giới đang trên 100 USD/thùng, một lợi thế lớn với Nga. Đồng thời, ở Mỹ và châu Âu, các mối đe doạ về lạm phát, bong bóng chứng khoán, bong bóng nhà ở đang rình rập... Rất có thể, cuộc chiến này chỉ để châm ngòi nổ cho một cuộc khủng hoảng khác mà thôi.

Trong ngắn hạn, các đòn trừng phạt từ phương Tây không thể ảnh hưởng đến sức tàn phá của Nga trên đất Ukraine.

Các đòn trừng phạt của phương Tây và Mỹ dành cho Nga sẽ không bao giờ có tác dụng ngay với chiến tranh Nga - Ukraine cũng như không thể khiến Nga ngừng leo thang.

"Chúng tôi quyết tâm tiếp tục áp đặt chi phí lên Nga, khiến Nga bị cô lập hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và các nền kinh tế của chúng tôi", tuyên bố của Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Canada, Ý, Anh và Ủy ban châu Âu.

Tương lai xám cho kinh tế toàn cầu

Các đồng minh cho biết họ cam kết "đảm bảo rằng các ngân hàng Nga được lựa chọn sẽ bị loại bỏ khỏi hệ thống nhắn tin SWIFT".

Họ không nêu tên các ngân hàng sẽ bị trục xuất, nhưng một nhà ngoại giao EU cho biết khoảng 70% thị trường ngân hàng Nga sẽ bị ảnh hưởng, theo Reuters.

Quyết định này - mà Bộ trưởng Tài chính Pháp gọi là "vũ khí hạt nhân tài chính" vì những thiệt hại mà nó gây ra cho nền kinh tế Nga - đã giáng một đòn mạnh vào thương mại của Nga và khiến các công ty của nước này gặp khó khăn hơn trong kinh doanh.

SWIFT, một mạng nhắn tin an toàn hỗ trợ thanh toán xuyên biên giới nhanh chóng, cho biết họ đang chuẩn bị triển khai các biện pháp này.

Các biện pháp trừng phạt đối với Ngân hàng Trung ương Nga có thể hạn chế ông Putin trong việc sử dụng hơn 630 tỷ USD dự trữ quốc tế của mình, được nhiều người coi là cách ly Nga khỏi một số tổn hại kinh tế.

Tuy nhiên, những điều này cũng thúc đẩy giá dầu, giá hàng hoá tiếp tục tăng cao; qua đó khiến lạm phát ở Mỹ không thể hạ nhiệt. Lạm phát kéo dài thì tất yếu chính sách tiền tệ phải thay đổi, các quả bóng đã được bơm căng trên thị trường tài chính có thể vì thế mà bị châm ngòi nổ nhanh hơn. Đây không phải là điều tốt với Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Dù ở chiến tuyến nào, trừ các hãng vũ khí, các tài phiệt đằng sau các hãng này, thì kinh tế của Nga, Mỹ và toàn cầu đều mất mát.

Thanh Đoàn



BÀI CHỌN LỌC

Nga phá huỷ các cơ sở dầu khí ở Ukraine và Tương lai u ám cho kinh tế toàn cầu