Những lần chao đảo của thị trường chứng khoán Việt Nam khi các nhân vật quan trọng bị bắt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau những vụ việc đáng ngờ về thao túng giá cổ phiếu, cuối cùng ông Trịnh Văn Quyết đã bị bắt. Cũng giống như những lần mà các nhân vật quan trọng khác của ngành tài chính bị bắt trước đây, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. May mắn là ảnh hưởng này rất có thể chỉ xảy ra trong ngắn hạn.

Ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì vụ bán chui 74,8 triệu cổ phiếu

Ngày 29/03, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Trước đó, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết đã bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng để phục vụ điều tra. Quyết định được cơ quan điều tra ban hành ngày 26/03.

Hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12/2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10/01/2022 - phiên mà Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Các sai phạm với kịch bản tinh vi của ông Quyết

Theo đó, ông Quyết đã vẽ ra một kịch bản khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư rồi bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.

Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 01/12/2021 liên tục tăng, thậm chí tăng "trần" nhiều phiên và phiên tăng "trần" cao nhất đạt 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm "ảo thuật" tăng hơn 64%.

Sau khi giá cổ phiếu FLC được "thổi" lên cao ngất ngưởng thì Chủ tịch tập đoàn này đã chỉ đạo người thân bán ra 175 triệu cổ phiếu. Tổng số cổ phiếu FLC nhóm của ông Quyết bán ra đã khớp lệnh là 74,8 triệu, với giá trung bình là 22.500 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu này đã được bán "chui", không công bố trước khi thực hiện giao dịch.

Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỷ đồng. Tuy nhiên ngay sau khi xảy ra việc bán chui cổ phiếu, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã hủy giao dịch toàn bộ số cổ phiếu do ông Quyết bán ra, những nhà đầu tư đã mua số cổ phiếu này may mắn được hoàn lại tiền.

Điều đáng nói, sau khi hành vi bán chui 74,8 triệu cổ phiếu của chủ tịch FLC gây chấn động dư luận, làm chao đảo thị trường chứng khoán, ông Quyết vẫn tiếp tục thực hiện các hành vi sai phạm khác nhằm đẩy giá cổ phiếu lên cao.

Cụ thể, sau khi bị phát hiện, để đối phó với cơ quan chức năng do bị cấm giao dịch chứng khoán sau vụ bán chui, bị can Quyết đã giao cho người thân sử dụng các tài khoản chứng khoán mở tại Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS liên tục đặt lệnh mua cổ phiếu FLC với số lượng lớn để đẩy giá cổ phiếu, tạo thanh khoản giả. Giá cổ phiếu FLC đã được "thổi" từ 12.000 đồng/cổ phiếu lên 14.500 đồng/cổ phiếu vào ngày 22/03.

Những vi phạm gần đây của Tập đoàn FLC

Gần đây nhất, ngày 24/03, UBCKNN cũng xử phạt Tập đoàn FLC 495 triệu đồng vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Cụ thể, công ty bị phạt 200 triệu do công bố thông tin sai lệch về báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020, bán niên 2021 và báo cáo tình hình quản trị công ty.

FLC cũng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính 2019, bán niên 2020 và các báo cáo từ nhiệm thành viên HĐQT, nghị quyết bổ nhiệm nhân sự, góp vốn. Báo cáo tài chính của FLC còn thuyết minh thiếu các khoản giao dịch, số dư với các công ty liên quan như Nông dược H.A.I, FLC Stone... Ngoài ra, FLC bị phạt do chưa có thành viên HĐQT độc lập theo quy định. Mức phạt cho vi phạm này là 125 triệu đồng.

Hồi tháng 1, một công ty liên quan đến FLC là FLC Homes cũng bị phạt 145 triệu đồng do công bố thông tin sai lệch lẫn không đúng thời hạn.

Lịch sử thao túng thị trường chứng khoán của ông Quyết

Ngoài vụ việc bán chui 74,8 triệu cổ phiếu vào hôm 10/01/2022, ông Quyết có dính líu tới một loạt các sai phạm trước đó. Năm 2017, ông Quyết bị xử phạt 65 triệu VND do bán chui 57 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian 20-24/10/2017. Con số xử phạt không đáng là bao so với số tiền 400 tỷ đồng chảy vào túi ông Quyết từ giao dịch trên. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros, công ty FLC, KLF cũng dính líu tới các vụ bán chui.

ROS, cổ phiếu của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros đã giúp ông Quyết được thăng hạng lên tỷ phú USD cũng có lịch sử giao dịch đáng ngờ. ROS tăng giá thần tốc và xuống dốc không phanh. Dù tài sản thật gần như không có gì, giá cổ phiếu ROS thường ở mức rất cao. P/E của ROS có lúc lên tới hơn 100, vượt quá cao và gấp nhiều lần so với các công ty cùng ngành có uy tín và hoạt động hiệu quả hơn. Phải chăng ROS và FLC đều có cùng công thức bơm thổi?

Phản ứng của thị trường chứng khoán khi ông Quyết bị bắt

Hay tin ông Trịnh Văn Quyết bị bắt, thị trường chứng khoán bị chao đảo. Tại phiên giao dịch sáng ngày 30/03/2022 ngay sau khi ông Quyết bị bắt, cổ phiếu "họ FLC" (gồm FLC, AMD, ROS, HAI, ART, KLF) tiếp tục bị nhà đầu tư bán tháo. Trên bảng điện tử trống vắng bên mua, trong khi dư bán vào lệnh liên tục với mức giá giảm kịch biên độ cho phép.

Phản ứng tiêu cực đã xảy ra từ khi thị trường đón nhận thông tin cấm xuất cảnh (hoãn xuất cảnh) đối với ông Quyết. Trong các phiên ngày 28-29/03, nhóm cổ phiếu liên quan tới "hệ sinh thái FLC" đã bị trống bên mua. Ông Quyết và Tập đoàn FLC có nhiều mối quan hệ với các đối tác ngân hàng, bất động sản, nên một số nhóm ngành cũng bị ảnh hưởng. Theo một chuyên gia, các nhóm cổ phiếu không liên quan tới hệ sinh thái FLC sẽ không bị ảnh hưởng mấy do nhóm FLC từ lâu đã được định vị ở nhóm đầu cơ.

Phản ứng của thị trường chứng khoán trong những lần yếu nhân bị bắt trước đây

Vụ bắt "bầu Kiên" ngày 21/08/2012, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB, đã gây chấn động thị trường tài chính ngân hàng tại thời điểm diễn ra. Hàng trăm cổ phiếu trên thị trường chứng khoán giảm sàn hết biên độ, thị trường hoảng loạn 3 phiên liên tiếp vào ngày 21/08, 22/08 và 23/08/2012. Ước tính vốn hóa thị trường chứng khoán bị thổi bay 6,5 tỷ USD chỉ trong mấy phiên giao dịch trên. Cụ thể, ngày 21/08, cổ phiếu ACB, EIB (Eximbank) bị bán tháo kéo nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và chứng khoán sụt giảm theo. Việc giảm mạnh chỉ số nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng kích hoạt hoạt động bán tháo tại tất cả các cổ phiếu còn lại ở trên sàn khiến số lượng cổ phiếu giảm xuống mức giá sàn tăng lên nhanh chóng, chiếm tới hơn 80%.

Ngày 22/08, thị trường tiếp tục mất điểm nhưng đà giảm đã được hãm lại. Các mã ngân hàng liên quan như ACB, STB (Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín), EIB vẫn tiếp tục giảm sàn nhưng các ngân hàng còn lại không liên quan ít giảm hơn hẳn hoặc thậm chí còn ngược dòng tăng điểm. Rõ ràng, thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng rất nhiều do tâm lý của các nhà đầu tư, chứ không hẳn ở bản thân mã cổ phiếu, đặc biệt là những mã có kết quả kinh doanh tốt.

Thậm chí, chỉ tin đồn về việc các nhân vật quan trọng bị bắt cũng gây chao đảo thị trường chứng khoán. Ngày 09/08/2017, mạng xã hội lan truyền thông tin cựu Chủ tịch của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt, giá cổ phiếu của BIDV nói riêng và của nhóm ngân hàng nói chung đều chịu tác động mạnh. Trong buổi chiều, dù đã có những thông tin bác bỏ tin đồn, cổ phiếu BIDV vẫn trắng bên mua và thị trường vẫn giảm mạnh.

Trong phiên giao dịch ngày 09/08, các chỉ số trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã đồng loạt giảm mạnh trên diện rộng, sắc đỏ phủ khắp nhóm cổ phiếu ngân hàng. Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm tới gần 18 điểm, phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ tháng 01/2016. Hàng loạt các cổ phiếu lớn như Vietcombank (VCB), Vietinbank (CTG), Ngân hàng Á Châu (ACB), Vinamilk (VNM), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Petrolimex (PLX), Sabeco (SAB)... đều giảm điểm và tác động mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư. Trong phiên 09/08, toàn thị trường niêm yết đã bay hơi 45.849 tỷ VND, tương đương 2 tỷ USD. Nhóm ngân hàng giảm mạnh nhất, với 10 ngân hàng niêm yết mất 15.725 tỷ VND, tương đương 639 triệu USD. Riêng BIDV mất 7.521 tỷ đồng.

Việc sàn chứng khoán Việt chao đảo do tin đồn không phải là hiếm. Những tin đồn tương tự về ông Hà đã xuất hiện vào tháng 02/2013 và khiến chứng khoán Việt Nam bị thổi bay khoảng 1,5 tỷ USD, bất chấp việc ông Trần Bắc Hà lên tiếng bác bỏ thông tin thất thiệt.

Các tin đồn các nhân vật quan trọng bị bắt khiến thị trường chứng khoán rối loạn. Các nhà đầu tư lùng sục thông tin và bán tháo cổ phiếu. Phần lớn các nhà đầu tư bán theo tâm lý đám đông, bán vì thấy thị trường giảm mạnh và do không chắc chuyện gì sẽ đến.

Điều thú vị là, sau hai lần thị trường chao đảo do tin đồn ông Hà bị bắt, khi ông Hà bị bắt thật vào ngày 29/11/2018, thị trường lại không hề phản ứng tiêu cực. Trong phiên giao dịch 30/11, cổ phiếu BID của BIDV tăng điểm. Cổ phiếu BID trong phiên giao dịch 03/12 thậm chí còn tăng kịch trần, với mức giao dịch lớn và dư mua ở mức giá trần cũng rất lớn. Có lẽ lần bắt này diễn ra khi ông Hà đã về hưu được một thời gian lâu, không còn ảnh hưởng nhiều tới ngành tài chính. Hoặc có thể do thị trường đã làm quen với thông tin xấu về ông Hà trong hai lần tin đồn trước đó.

Trong vụ bắt giữ ông Trầm Bê, cựu Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), dù thị trường chứng khoán xuất hiện phản ứng tiêu cực, đặc biệt ở cổ phiếu ngân hàng, nhưng không xuất hiện sự hoảng loạn quá lớn. Có thể là do thông tin xấu đã được dự đoán trước trong một thời gian dài. Các nhân viên ngân hàng bị bắt liên quan đa số cũng không giữ các chức vụ quan trọng và đã nghỉ việc từ 2-3 năm trước.

Trong vụ bắt giữ ông Đinh La Thăng vào ngày 08/12/2017, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT, tâm lý hoảng loạn cũng đã bao trùm lên các nhà đầu tư. Vào phiên giao dịch sáng thứ Hai ngày 11/12, chỉ số VN-Index giảm điểm sâu. Nhóm cổ phiếu dầu khí có vốn hóa lớn chịu áp lực lớn hơn cả. Nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán, nhóm cổ phiếu đang có hoạt động thoái vốn nhà nước cũng chìm trong sắc đỏ. Đáng chú ý là cổ phiếu PVX của Tổng Công ty Xây lắp dầu khí - PVC, có liên quan đến vụ bắt tạm giam ông Đinh La Thăng lại tăng kịch trần. Một số nhà đầu tư đánh giá việc bắt tạm giam ông Đinh La Thăng sẽ giúp doanh nghiệp có thể thu hồi được tài sản và có lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này.

Thị trường sẽ hồi phục tốt trong dài hạn

Thị trường chứng khoán Việt Nam luôn rất nhạy cảm với tin tức bị bắt của các yếu nhân. Chỉ số giao dịch của các công ty liên quan đến các nhân vật quan trọng bị bắt sẽ nhanh chóng bị ảnh hưởng nặng nề, lây lan ra cả thị trường chứng khoán nói chung. Các công ty có ra các công bố trấn an dư luận, đảm bảo tình hình hoạt động sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy vậy, thị trường chứng khoán vẫn lao đao trong các phiên ngay sau ngày các yếu nhân bị bắt, không chỉ do bản thân vụ việc mà còn là vì các thông tin bên lề.

Tuy các cuộc bắt giữ các nhân vật quan trọng đa phần đều khiến thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, nhưng dữ liệu cho thấy sau đó thị trường đều hồi phục tốt trong dài hạn.

Bảo Nguyên

 

Kinh tế Phân tích


BÀI CHỌN LỌC

Những lần chao đảo của thị trường chứng khoán Việt Nam khi các nhân vật quan trọng bị bắt