Nỗ lực giảm phát thải đang làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây

Giúp NTDVN sửa lỗi

WEF đang kêu gọi thế giới chuyển đổi sang năng lượng xanh, điều giúp bảo vệ nền dân chủ. Trong khi đó, các chính sách năng lượng xanh đã khiến nước Mỹ gia tăng phát thải carbon, làm suy yếu an ninh năng lượng của phương Tây. Ở Hà Lan, nông dân và lái xe tải biểu tình chống lại các quy định về môi trường.

Năng lượng xanh giúp bảo vệ nền dân chủ?

Một bài báo đăng trên trang web của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã kêu gọi thế giới chuyển đổi sang “năng lượng xanh”, nhấn mạnh rằng đó là chìa khóa để bảo vệ nền dân chủ.

Trong bài báo, giáo sư kinh tế Edward Barbier của Đại học bang Colorado tuyên bố thế giới đang phải đối mặt với hai cuộc khủng hoảng toàn cầu là biến đổi khí hậu và suy yếu dân chủ. Để đảm bảo sự nóng lên toàn cầu nằm dưới 1,5 độ C (34,7 độ F), ông cho biết thế giới phải hành động ngay lập tức và giảm lượng khí thải carbon, bao gồm việc tăng cường sử dụng các công nghệ năng lượng xanh.

Ông Barbier đã so sánh dữ liệu từ 83 quốc gia được phân loại là “tiên tiến”, “thị trường mới nổi” và “đang phát triển” nhằm củng cố cho giả thiết rằng các quốc gia thực hiện các bước hướng tới năng lượng xanh “phần lớn là tự do và dân chủ”. Ngược lại, các quốc gia không tiến hành đủ các bước hướng tới quá trình chuyển đổi xanh “thường ít tự do hơn và chuyên quyền hơn”, ông tuyên bố.

Tuy nhiên, lập luận từ bài báo của WEF rằng cắt giảm tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp chống ô nhiễm và biến đổi khí hậu mâu thuẫn với dữ liệu thực tế về lượng khí thải của Mỹ.

Hậu quả của chính sách năng lượng xanh

Sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào năm 2021, ông đã thúc đẩy một số chính sách năng lượng xanh nhằm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhưng lượng khí thải carbon của Mỹ thực sự đã tăng vào năm 2021 sau khi giảm trong 10 năm.

Nỗ lực giảm phát thải đang làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trực tuyến trong Diễn đàn các nền kinh tế lớn về Năng lượng và Khí hậu (MEF) tại Thính phòng Sân phía Nam tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ngày 17/06/ 2022 ở Washington, DC. (Ảnh: Alex Wong / Getty Images)

Một số giải thích sự gia tăng khí thải là do nền kinh tế mở cửa sau đại dịch COVID-19.

Nhưng những người khác đã chỉ ra rằng Mỹ tăng cường sử dụng than dưới thời chính quyền Biden vì thái độ thù địch của ông Biden đối với ngành dầu và khí đốt, điều đã dẫn đến mức giá cao và thiếu đầu tư vào sản xuất và đường ống mới.

Tính đến giữa tháng 06/2022, công suất lọc dầu của Mỹ đã giảm 800.000 thùng mỗi ngày. Một nửa các nhà máy lọc dầu đã đóng cửa vì chúng đang được chuyển đổi sang sản xuất nhiên liệu tái tạo.

Các nhà lãnh đạo Canada cũng đã lưu ý đến cuộc khủng hoảng năng lượng.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 11/03, bà Sonya Savage, Bộ trưởng năng lượng của Alberta, Canada, lưu ý rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã cho thấy điểm yếu trong chính sách năng lượng của Mỹ. Trong nhiều thập kỷ qua, các nền dân chủ phương Tây đã tập trung vào biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon mà không tính đến vấn đề an ninh năng lượng, bà nói.

"Chiến lược năng lượng Bắc Mỹ thất bại" này hiện đã đặt Mỹ và Canada vào tình thế rất khó để nâng cao hoặc thậm chí duy trì sản xuất năng lượng trong nước, bà nói. Ngược lại, Nga có thể tăng cường sản xuất năng lượng mà không cần phải tuân theo bất kỳ tiêu chuẩn môi trường nào.

Điều này về cơ bản dẫn đến việc “chuyển hoạt động sản xuất dầu và khí đốt từ Bắc Mỹ sang những nơi như Nga”, bà Savage nói.

Ông Barbier đã nói về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng theo sau cuộc xâm lược nhằm củng cố lập luận của ông rằng các quốc gia không hướng tới một nền kinh tế carbon thấp có thể đối mặt với "hiểm họa kinh tế lớn hơn".

Ông khuyến nghị các quốc gia công nghiệp phát triển nên bỏ dần việc giảm thuế đối với nhiên liệu hóa thạch, áp thuế cao hơn đối với hàng nhập khẩu “nhiều carbon” từ các nước khác, và cải cách thị trường nhiên liệu hóa thạch để tài trợ cho đầu tư và đổi mới xanh.

Nếu các bước này được thực hiện, nó sẽ làm tăng giá nhiên liệu hóa thạch và do đó, làm tăng giá xăng và năng lượng.

Nông dân Hà Lan chống lại các quy định về môi trường

Tình hình hiện tại ở Hà Lan giữa chính quyền Hà Lan và nông dân Hà Lan có vẻ cho thấy các chính sách môi trường không củng cố sự tự do của người dân.

Trong nỗ lực giảm phát thải nitơ để đáp ứng các mục tiêu phát thải theo khuyến nghị của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chính quyền Hà Lan đã công bố kế hoạch yêu cầu nông dân ở một số khu vực giảm 95% lượng phát thải nitơ và tiêu hủy bớt đàn gia súc, dẫn đến việc giết thịt hàng loạt động vật và sự tàn phá đáng kể đối với các hoạt động canh tác. Đặc biệt, điều này diễn ra khi một nạn đói toàn cầu đang đe dọa sắp xảy ra.

Theo một báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, những nông dân không tuân theo mệnh lệnh sẽ phải đối mặt với việc bị chính quyền tịch thu đất nông nghiệp.

Hà Lan là nước xuất khẩu lương thực lớn thứ hai trên thế giới.

Nông dân và những người lái xe tải ở Hà Lan đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn chống lại các quy định về môi trường, phong tỏa các trung tâm phân phối thực phẩm và sân bay trong nỗ lực buộc chính quyền đảo ngược các mệnh lệnh.

Nỗ lực giảm phát thải đang làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây
Máy kéo di chuyển xuống đường cao tốc A1 giữa Apeldoorn và Stroe trên đường trở về sau cuộc biểu tình của nông dân nông thôn phản đối kế hoạch của chính quyền nhằm hạn chế 70% ô nhiễm nitơ vào năm 2030, ở Stroe, Hà Lan, cách Amsterdam 70 km về phía đông vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: VINCENT JANNINK / ANP / AFP qua Getty Images)

Câu chuyện phát thải bịa đặt tước đi tài sản của nông dân

Ông Mark de Jong, một người biểu tình và là chủ sở hữu của một công ty vận tải với 30 nhân viên, nói với The Epoch Times vào ngày 02/07 rằng cuộc khủng hoảng nitơ ở Hà Lan là do chính quyền Hà Lan và Liên minh châu Âu (EU) gây ra.

Ông nói: “Nông dân không phải là vấn đề - họ là những người luôn chăm sóc đất đai và thiên nhiên".

Ông Thierry Baudet, thành viên của Hạ viện Hà Lan, và một số cộng sự của ông đã thúc đẩy giảm bớt các tiêu chuẩn phát thải khí nhà kính nitơ ở Hà Lan, tương tự với các tiêu chuẩn ở Đức.

Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận năm 2019 về chủ đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp khi đó là Carola Schouten khẳng định rằng “các quy định phải nghiêm ngặt hơn” tại Hà Lan, theo Tổ chức Phát thanh truyền hình Hà Lan.

“Những gì các chính trị gia của chúng tôi đang làm là tạo ra toàn bộ câu chuyện bịa đặt này về các oxit nitơ rất độc hại, rất nguy hiểm và gây ô nhiễm cho môi trường”, ông Baudet nói với The Epoch Times. "Bằng cách đưa ra câu chuyện đó, họ có thể bán dự án này - sự chiếm đoạt [tài sản] đối với nông dân của chúng tôi".

Một người lái xe tải muốn dấu tên, nói với The Epoch Times vào ngày 02/07 rằng ông không quan tâm nếu mình bị bắt khi biểu tình. Ông nói, sinh kế của ông phụ thuộc vào những người nông dân ở gần ông.

“Nếu họ muốn dừng [hoạt động] những người nông dân ở đây, tôi sẽ không có việc làm nữa".

“Người nông dân là trái tim của đất nước và đó là lý do tại sao chúng tôi chiến đấu”, ông nói và lưu ý rằng bản thân ông xuất thân từ một gia đình nông dân.

Bảo Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Nỗ lực giảm phát thải đang làm suy yếu các nền dân chủ phương Tây