Tại sao Trung Quốc chưa tiến hành kích thích tài chính và tiền tệ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với thách thức lớn nhất trong thế kỷ. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa tiến hành các kích thích tài chính và tiền tệ. Lý do có thể là Trung Quốc đang gặp phải nhiều vấn đề về tài chính và chính trị.

Trong phần lớn thời gian trong khoảng từ 10 đến 15 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc đi theo mô hình bùng nổ và sụp đổ quen thuộc, ngay cả khi có sự đáng ngờ về dữ liệu GDP chính thức.

Chính quyền trung ương có thể làm tràn ngập thị trường với các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ cho đến khi thị trường trở nên quá nóng và sau đó họ sẽ chuyển sang thắt chặt tiền tệ. Giới chức trách dùng các biện pháp này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hướng đến các mức mục tiêu cao hơn, trong khi luôn cố gắng giảm thiểu các rủi ro theo cả hai hướng [kích thích và thắt chặt]. Với dữ liệu kinh tế chính thức hầu như không tăng trưởng và thị trường dự đoán chính quyền Trung Quốc sẽ tiến hành kích thích, tại sao Trung Quốc lại không kích thích?

Lý do Trung Quốc không bơm tiền vào thị trường

Ngay cả khi đánh giá chặt chẽ dựa trên dữ liệu chính thức (tình hình thực tế có thể xấu hơn), nền kinh tế Trung Quốc có thể đang phải đối mặt với giai đoạn thách thức nhất trong thế kỷ này. Doanh thu của chính quyền địa phương trên đà giảm, một số nơi giảm từ 20 đến 40%. Các ngân hàng đang hứng chịu nhiều cuộc biểu tình do người dân bị từ chối thanh toán. Trong khi vấn đề của các nhà phát triển bất động sản tràn ngập các mặt báo, nhiều công ty trên khắp Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc trả nợ cho một bảng cân đối dùng đòn bẩy quá mức và việc ngừng hoạt động do đại dịch COVID-19. Vậy tại sao Trung Quốc không bơm tiền vào hệ thống để kích thích tăng trưởng?

Đáng tiếc là, chúng ta chỉ đơn giản là không giải thích được điều này. Các nhà quản lý nền kinh tế Trung Quốc đang nói về tất cả những điều đúng đắn của việc không kích thích kinh tế - nhưng họ đã nói điều tương tự vào trước đây và vẫn tiến hành kích thích, làm tăng nợ ở mức đáng kinh ngạc. Có thể các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thay đổi quan điểm, trở thành những người bảo thủ về tài khóa. Tuy nhiên, từ các cơ quan quản lý đến ngân hàng, phần lớn trong số họ đều là những người đã nắm quyền điều hành trong thập kỷ qua. Một sự thay đổi về triết lý quản lý có vẻ sẽ khó xảy ra.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ưu tiên nhiều hơn vào việc tuân thủ chỉ đạo tập trung của đảng. Liệu các chính sách về ngân hàng, nhắm mục tiêu vào tham nhũng, và hạn chế tăng trưởng nợ cuối cùng có được đền đáp? Chúng ta đang ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập, và tất cả những điều này đều là những chính sách mà ông Tập đã thúc đẩy trong nhiều năm.

Có phải chính trị đang phá hoại nền kinh tế Trung Quốc? Với việc ông Tập dự kiến ​​sẽ được tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, có những báo cáo đáng tin cậy về sự phản đối chống lại chính sách của ông Tập. Việc cắt nguồn vốn - vốn có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc kể từ năm 2008 - có thể là cách thức để làm suy yếu ông Tập trong năm bầu cử khi ĐCSTQ thường làm tràn ngập nền kinh tế với các biện pháp kích thích. Tuy nhiên, điều này dường như có vấn đề bởi vì, với các vấn đề trên toàn quốc, nó sẽ đòi hỏi sự hợp tác của nhiều cơ quan cùng chống lại ông Tập.

Tại sao Trung Quốc chưa tiến hành kích thích tài chính và tiền tệ?
Năm ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc phải đối mặt với các khoản nợ xấu ngày càng trầm trọng. (Ảnh: Getty Images)

Không có khả năng nào trong số này có vẻ thỏa đáng. Còn một khả năng cuối cùng nhưng rất đáng lo ngại: Liệu Trung Quốc chỉ đơn giản là đang hết tiền?

Trung Quốc đang hết tiền?

Các ngân hàng đang giữ lại các khoản gửi tiền hoặc hạn chế việc rút tiền và mức vốn. Ngay cả khi chính quyền muốn tiến hành một biện pháp kích thích đáng kể, vẫn có rất ít bằng chứng cho thấy khu vực tài chính Trung Quốc có đủ vốn để hấp thụ sự gia tăng nhanh chóng của nợ công. Các hộ gia đình Trung Quốc cũng không có khả năng như vậy, với mức độ đòn bẩy cao hiện vượt quá hầu hết các nước OECD.

Điều này có nghĩa là nguồn duy nhất có khả năng mua trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu công ty ở quy mô cần thiết để có thể hấp thụ một chương trình kích thích đáng kể của Trung Quốc sẽ là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC). Các vấn đề lớn sẽ buộc PBOC phải tài trợ cho các biện pháp kích thích. Có các vấn đề từ phía cầu do sự thiếu nhu cầu về tín dụng bổ sung từ các công ty hoặc hộ gia đình.

Điều này đặt ra nhiều vấn đề đối với Trung Quốc bởi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên nợ của nước này. Nếu tăng trưởng giảm đáng kể, điều này sẽ gây rủi ro lớn cho việc trả nợ. Tuy nhiên, nếu họ không phát hành nợ mới, tăng trưởng sẽ giảm xuống, tạo ra một vòng xoáy tử thần.

Khi nền kinh tế Nhật Bản trải qua giai đoạn tương tự vào cuối những năm 1980, giá tài sản thực sự đã đi ngang trong 30 năm mặc dù đã trải qua 30 năm kích thích và lãi suất bằng không. Trung Quốc hiện đang hy vọng đạt được kết quả này chứ không phải điều gì đó tệ hơn.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Bảo Nguyên

Theo Christopher Balding - The Epoch Times

Tác giả Christopher Balding từng làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam và Trường Kinh doanh HSBC thuộc Đại học Bắc Kinh. Ông chuyên nghiên cứu về kinh tế, thị trường tài chính và công nghệ Trung Quốc. Là thành viên cao cấp của tổ chức Henry Jackson Society, ông đã sống ở Trung Quốc và Việt Nam trong hơn một thập kỷ trước khi chuyển đến Mỹ.



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao Trung Quốc chưa tiến hành kích thích tài chính và tiền tệ?