Thủ tướng: Cần tháo gỡ khó khăn bất động sản để giải quyết nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thông điệp ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới của Thủ tướng Chính phủ là nhấn mạnh sự cần thiết phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; coi đây là giải pháp quan trọng để giải quyết nợ xấu, giảm rủi ro vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023.

Tại cuộc họp ngày 27/1/2023, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tại Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Tháo gỡ được những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ góp phần tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp và sở hữu chéo… Khó khăn là có, nhưng chúng ta không bó tay trước khó khăn, chọn điểm đột phá để thực hiện", theo Báo Chính phủ.

Trong những ngày làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Chính phủ cũng liên tiếp ra các chỉ thị yêu cầu các ban ngành rà soát, tháo gỡ khó khăn cho bất động sản. Không những vậy, Chính phủ cũng huy động các chuyên gia đầu ngành để thảo luận về giải pháp chính sách.

Sáng 13/01/2023, Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm: "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" với sự tham dự các vị khách mời là các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp với mong muốn nhận diện những khó khăn, vướng mắc mà ngành bất động sản đang phải đốt mặt cũng như xu hướng, triển vọng phát triển của thị trường này trong năm 2023.

Ngành bất động sản tại nhiều vùng miền đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, tạo ra nhiều việc làm cho người dân cũng như các nguồn lợi thiết thực khác cho xã hội. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, thị trường này vấp phải một số khó khăn về hồ sơ, thủ tục rườm rà, sự phát triển của phân khúc thị trường bị lệch, giá nhà ở tăng cao so với mức thu nhập của người dân,....

Hiện chưa rõ Chính phủ sẽ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản theo giải pháp cụ thể nào. Tuy nhiên, thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính về vấn đề này ngay trong ngày đầu tiên của năm mới cho thấy Chính phủ Việt Nam coi đây là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu.

Thực tế, rủi ro lây nhiễm từ nợ ngân hàng và nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản sang hệ thống ngân hàng thương mại nói riêng và thị trường tài chính nói chung đang ngày một trầm trọng.

Cuộc đua lãi suất huy động đã trở rất nóng vào trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến mức Ngân hàng Nhà nước đã âm thầm áp mức trần lãi suất huy động 9,5%/năm cho tất cả các ngân hàng thương mại. Mức 'trần lãi suất' này được đưa ra dưới danh nghĩa 'đồng thuận chung' mà các ngân hàng thương mại tự nguyện thống nhất.

Tuy nhiên, cuộc đua lãi suất huy động cuối năm 2022 cho thấy các ngân hàng đang lâm vào rủi ro thanh khoản trầm trọng; có thể các khoản nợ đến hạn đã không thể trả hoặc không thể đáo nợ.

Mất niềm tin trên thị trường phát hành trái phiếu cũng khiến thị trường này hoàn toàn tê liệt. Khối nợ của các doanh nghiệp BĐS (chiếm khoảng 21% tổng dư nợ) tại các ngân hàng thương mại có thể trở thành nợ xấu trong năm 2023 nếu Chính phủ không có giải pháp thích đáng khơi thông lại thị trường này.

Ngoài nhấn mạnh phải tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh việc Ngân hàng Nhà nước cần phải tập trung chấn chỉnh, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát toàn hệ thống. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, rà soát, xử lý và ngăn ngừa tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, sở hữu chéo, "sân sau", cho vay không đúng quy định của pháp luật.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Thủ tướng: Cần tháo gỡ khó khăn bất động sản để giải quyết nợ xấu và trái phiếu doanh nghiệp