Trung Quốc: Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo - ‘thịnh vượng chung’ đổ bể

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xã hội Trung Quốc đang đi ngược lại với mục tiêu “thịnh vượng chung” do Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt ra. Độ phân cực giữa người giàu và người nghèo ngày một giãn rộng; số lượng tỷ phú và số lượng người dân thất nghiệp hoặc không có thu nhập cùng lúc gia tăng.

“Thịnh vượng chung” là một trong những thuật ngữ thông dụng hàng đầu tại Trung Quốc kể từ năm 2021. Khẩu hiệu này đã được các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “tái sinh” vào năm đó và liên tục sử dụng tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20 hồi tháng 10/2022 và kỳ họp Lưỡng Hội vào tháng 3 năm nay.

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 24/03 với The Epoch Times, nhà kinh tế học Lý Tùng Vân (Li Songyun) nói rằng khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, khiến đất nước này không thể đạt được mục tiêu “thịnh vượng chung”. Theo ông Lý, “thịnh vượng chung” chỉ đơn thuần là khẩu hiệu chính trị.

Hôm 23/03 vừa qua, viện nghiên cứu Hurun đã công bố “Danh sách Hurun về người giàu toàn cầu năm 2023”. Danh sách này cho thấy số lượng tỷ phú toàn cầu đã giảm ở mức kỷ lục trong năm ngoái. Mặc dù giảm, Trung Quốc vẫn dẫn đầu với 969 tỷ phú, cao hơn 40% so với nước xếp thứ hai là Hoa Kỳ (691) và gấp 5 lần so với nước đứng thứ ba là Ấn Độ (187).

Trung Quốc: Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo - ‘thịnh vượng chung’ đổ bể
Một nghệ sĩ khiếm thị chơi đàn nhị, loại nhạc cụ dây truyền thống của Trung Quốc, tại một khu mua sắm cao cấp ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 24/03/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Danh sách cho thấy Bắc Kinh vẫn là nơi có nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Theo “Báo cáo của Hurun về Mức độ Giàu có của Trung Quốc 2022”, được công bố vào ngày 10/03, số hộ gia đình tài phiệt (Ultra High Net Worth Families) ở Trung Quốc với lượng tài sản có thể dùng để đầu tư lên tới 30 triệu USD đã đạt 49.000 hộ vào năm 2022.

49.000 hộ này chiếm 1/10.000 (một phần mười nghìn) tổng số hộ gia đình ở Trung Quốc - dựa trên số liệu chính thức của chính quyền rằng năm 2022, Trung Quốc có 1,4118 tỷ người và quy mô hộ gia đình trung bình là 2,77 người.

Mô tả về cuộc sống của những cá nhân siêu giàu (High Net Worth Individuals) ở Trung Quốc trong “Khảo sát của Hurun về người tiêu dùng hàng xa xỉ Trung Quốc 2023”, ông Rupert Hoogewerf - chủ tịch kiêm giám đốc nghiên cứu của Hurun Report - cho biết: trong 3 năm đại dịch, thói quen của người tiêu dùng hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã trải qua những thay đổi đáng kể, chẳng hạn như số lượng kỳ nghỉ tăng lên và niềm đam mê du lịch của họ cũng tăng lên rõ rệt.

Báo cáo của Hurun cũng tiết lộ rằng, khoản chi tiêu cho hàng xa xỉ của những cá nhân siêu giàu đóng góp đáng kể vào nền kinh tế Trung Quốc. Quy mô thị trường tiêu dùng cao cấp của nước này năm 2022, mặc dù giảm 5% so với năm 2021, nhưng vẫn đạt 1.650 tỷ CNY (khoảng 240 tỷ USD). Theo báo cáo, lý do chính của sự sụt giảm này đến từ việc quy mô thị trường xe hơi sang trọng bị thu hẹp gần 20%.

Tuy nhiên, nhìn chung, mức tiêu thụ tổng thể ở Trung Quốc vẫn còn yếu.

Thất nghiệp cao & thu nhập thấp

Cuối năm 2022, ĐCSTQ đã dỡ bỏ chính sách hà khắc “zero-COVID” với mục đích thúc đẩy tiêu dùng và nền kinh tế. Dù vậy, nền kinh tế Trung Quốc trong những tháng đầu năm 2023 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi như kỳ vọng.

Báo cáo “Tình hình Doanh thu Tài chính tháng 01-02/2023”, do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố vào ngày 17/03, chỉ ra rằng trong những tháng đầu năm 2023, tiêu dùng của Trung Quốc tiếp tục giảm, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và nợ nhà nước ngày một phình to.

“Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên trong những năm xảy ra dịch bệnh”, ông Lý cho hay. Theo ông, chính sách “zero-COVID” đã khiến rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm. Ngoài ra, các quy định hà khắc như quy định đối với các trung tâm dạy thêm sau giờ học, đối với bất động sản và lĩnh vực công nghệ Internet đã khiến giới doanh nhân nản lòng và buộc phải rời khỏi Trung Quốc.

“Kinh tế tư nhân là xương sống của nền kinh tế Trung Quốc; nếu nó thất bại, tương lai của nền kinh tế có thể sẽ là ‘nghèo đói chung’”, ông Lý nói.

Trung Quốc: Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo - ‘thịnh vượng chung’ đổ bể
Một hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, ngày 26/08/2022. Nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc đã khiến hàng triệu thanh niên phải cạnh tranh khốc liệt để có được việc làm. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Tình trạng thất nghiệp đang gia tăng ở Trung Quốc cũng có thể thấy rõ khi nhìn vào lượng sụt giảm trong doanh thu thuế thu nhập cá nhân. Dữ liệu chính thức cho thấy tốc độ tăng thuế thu nhập cá nhân năm 2022 của Trung Quốc đã giảm xuống 6,6% so với năm trước đó, và giảm 4 điểm phần trăm vào tháng 02/2023 so với tháng trước đó.

Ngoài ra, ông Lý cho biết, thực trạng thu nhập thấp đã kéo mức tiêu dùng chung của cả nước đi xuống.

Theo các báo cáo chính thức về cân đối thu chi năm 20212022, chi tiêu cho an sinh xã hội và việc làm đã tăng 3,4% vào năm 2021 và 8,1% vào năm 2022. Con số này tiếp tục tăng lên 9,8% trong tháng 01-02/2023, đạt mức 780,5 tỷ CNY (khoảng 117 tỷ USD).

So với 612 tỷ CNY (khoảng 92 tỷ USD) được chi vào tháng 01-02/2020 - thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc, chi phí an sinh xã hội và việc làm đã tăng khoảng 28% trong 3 năm dịch bệnh hoành hành. Điều này cho thấy nhiều người Trung Quốc phải phụ thuộc vào phúc lợi xã hội để sinh tồn.

Ở Trung Quốc, phúc lợi dành cho người nghèo là rất ít ỏi. Ví dụ, trợ cấp sinh hoạt phí trung bình chỉ là 717 CNY (108 USD) mỗi người mỗi tháng ở khu vực thành thị và 581 CNY (87 USD) mỗi người mỗi tháng ở khu vực nông thôn.

Trong số 238 triệu người đóng bảo hiểm thất nghiệp, 2,97 triệu người đã nhận trợ cấp thất nghiệp vào năm 2022, nhiều hơn 380.000 người so với năm 2021, theo dữ liệu ngày 28/02 của Cục Thống kê Trung Quốc.

Trung Quốc: Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo - ‘thịnh vượng chung’ đổ bể
Một người đàn ông đi ngang qua các bức chân dung (từ trái sang phải) của các cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào và chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình, ở Diên An, tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, ngày 15/10/2022, một ngày trước khi diễn ra Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ. (Ảnh:Jade Gao/AFP qua Getty Images)

Người giàu càng giàu

Trong khi ngày càng nhiều người dân phổ thông bị cuốn vào “cơn lũ” thất nghiệp, thì tài sản của giới giàu có lại tăng lên nhanh chóng. Theo “Báo cáo của Hurun về Mức độ Giàu có của Trung Quốc 2022”, số lượng các gia đình tài phiệt với lượng tài sản lên đến 100 triệu USD (Ultra High Net Worth Families) tăng 3,5%; số lượng các gia đình siêu giàu với tài sản 10 triệu USD (High Net Worth Families) tăng 2,5%; và các gia đình giàu có với tài sản 6 triệu USD (Affluent Families) tăng 2,1% so với năm trước đó.

Theo ông Lý, không có sự khác biệt cơ bản giữa “thịnh vượng chung” của ông Tập Cận Bình và “hãy để một số người làm giàu trước” của cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

Trên thực tế, “ĐCSTQ có tiếng nói cuối cùng quyết định việc ai có thể làm giàu và ai không thể ở Trung Quốc”, ông Li nói.

Theo The Epoch Times

Xuân Hoa biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc: Giàu càng giàu, nghèo càng nghèo - ‘thịnh vượng chung’ đổ bể