TTCK không phản ứng tích cực trước thông tin giảm lãi suất

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giống như hai lần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất chính trong tháng 3/2023 trước đó, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đã không khởi sắc trước thông tin giảm lãi suất chính sách lần ba, công bố vào tối ngày 23/5 vừa qua.

Ngay trong ngày NHNN đưa ra công bố giảm lãi suất chính sách lần ba, TTCK đã giảm điểm. Hôm nay, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/5, thị trường có thêm một phiên giao dịch giằng co biên độ hẹp quanh mốc 1.060 điểm trong bối cảnh những tin tức tích cực gần đây không tác động nhiều đến tâm lý nhà đầu tư.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,84 điểm (+0,27%) lên mốc 1.064 điểm. Độ rộng thị trường vẫn nghiêng về bên bán với 432 mã giảm điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước đó với giá trị khớp lệnh trên HOSE đạt 11.703 tỷ đồng.

Trong một năm qua, cả VN-Index và HNX là những chỉ số chứng khoán có mức giảm lớn nhất ở Châu Á; lần lượt ở mức -30,81% và -16,08%.

TTCK yếu đi khi chứng kiến khối ngoại bán ròng. Theo CafeF, từ đầu tháng 5/2023 đến nay, khối ngoại bán ròng 2.700 tỷ đồng. Riêng trong phiên ngày 25/5, khối ngoại bán ròng 400 tỷ đồng.

Việc vốn ngoài rút khỏi TTCK dấy lên lo ngại rằng chênh lệch lãi suất VND và USD đang ở mức quá thấp khiến đồng VND không còn hấp dẫn; nỗi lo vốn ngoại rời khỏi thị trường tài chính để trú ẩn an toàn hơn có thể thúc đẩy tỷ giá USD/VND gia tăng.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, việc hiện tại NHNN giảm lãi suất chính sách lần thứ 3 liên tiếp có thể khởi tác dụng trong dài hạn, nhưng khó có thể khởi tác dụng trong ngắn hạn. Lý do là TTCK đang bị tác động tiêu cực bởi tổng cầu thế giới suy giảm, rủi ro thị trường tiền tệ và vốn gia tăng. Trong khi đó, thực tế là doanh nghiệp Việt đang hết sức khó khăn, sản xuất thu hẹp; chỉ số mở rộng đơn hàng nhà sản xuất thu hẹp tháng thứ 2 liên tiếp, về mức 46,7 điểm (mức dưới 50 điểm là hoạt động sản xuất bị thu hẹp).

Ngoài ra, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết, cho rằng dòng tiền yếu ở vốn nội và vốn ngoại trong một bài phỏng vấn đăng trên CafeF.

Để kích thích dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng thị trường cần chiết khấu thêm để hấp dẫn dòng tiền. Dù định giá P/E, P/B vẫn đang ở mức hợp lý so với quá khứ, song với dự báo EPS thị trường giảm đi khiến P/E forward có thể tăng cao hơn trong thời gian tới.

Với ước tính lợi nhuận doanh nghiệp giảm 15-20%, ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng P/E forward phải về xấp xỉ dưới 10 lần, tương đương VN-Index dao động quanh ngưỡng 950-1.000 điểm mới thực sự đủ hấp dẫn, theo CafeF.

Quang Nhật tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

TTCK không phản ứng tích cực trước thông tin giảm lãi suất