Làm sao để sống thọ và có sức khỏe tốt - khám phá các phương pháp cổ xưa vì một tuổi già khỏe mạnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta vừa sống lâu lại vừa có sức khỏe tốt! Y học cổ truyền Trung Quốc, từ lâu, đã có các phương pháp hỗ trợ cho sức khỏe, hạnh phúc và một tinh thần minh mẫn khi chúng ta đang già đi.

Tuổi thọ tiếp tục tăng nhờ những tiến bộ của y học hiện đại và nhiều người khao khát được sống thọ với sức khỏe tốt nhất có thể. Trong di sản văn hóa phong phú truyền thừa từ lịch sử 5.000 năm của Trung Quốc, đặc biệt là nền y học cổ truyền (TCM), nhiều phương pháp bảo vệ sức khỏe khác nhau có nguồn gốc rất sâu xa.

Khám phá các phương pháp thực hành chống lão hóa cổ xưa mang lại cho mỗi người chúng ta một cách sống đơn giản và hiệu quả để tìm được cảm hứng từ quá khứ.

Gìn giữ sức khỏe không chỉ đơn thuần là về chế độ ăn

Giữ gìn sức khỏe được gọi là “Dưỡng sinh” trong tiếng Trung. Thuật ngữ “dưỡng” liên quan tới việc duy trì, điều chỉnh và bổ sung, trong khi “sinh” bao hàm sự sống, sự tồn tại và phát triển. Theo nghĩa rộng, chúng ta có thể phân loại việc giữ gìn sức khỏe như một khung lý thuyết và một tập hợp các phương pháp tuân theo nhịp điệu tự nhiên của cuộc sống, qua đó đạt được các mục tiêu bảo tồn sự sống, nâng cao sức khỏe tinh thần, nâng cao trí tuệ và kéo dài tuổi thọ.

Bảo vệ sức khỏe không chỉ giới hạn ở việc ăn uống thực phẩm lành mạnh, hữu cơ và không độc hại. Nó đòi hỏi sự chăm sóc và nuôi dưỡng toàn diện về cơ thể, tâm trí và tinh thần. Trên thực tế, hình thức bảo tồn sức khỏe cao nhất liên quan đến việc tu luyện và trở về với bản nguyên của mỗi người.

Trong số rất nhiều cuốn sách về bảo vệ sức khỏe thời Trung Quốc cổ đại, “Thọ Thân Dưỡng lão Tân thư”, của Tống Trần Trực (Song Chen Zhi), đời nhà Tống, sau đó được Trâu Tuyển (Zou Xuan) triển khai thêm vào đời nhà Nguyên, là chuyên luận sớm nhất tập trung vào sức khỏe và tuổi thọ của người già.

Những cuốn sách này mang đến những hiểu biết sâu sắc về bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật để kéo dài tuổi thọ. Cuốn sách chứa đựng nhiều góc nhìn cổ xưa về việc chăm sóc người cao tuổi đáng để nghiên cứu.

Ba điều quan trọng cần cân nhắc về chăm sóc chế độ ăn cho người cao tuổi

Theo quan điểm của Y học Cổ truyền Trung Quốc, khí, huyết, tinh và dịch là những chất thiết yếu cho sự sống, chúng bắt nguồn từ các mô và cơ quan, liên tục lưu chuyển trong cơ thể. Việc đảm bảo sự cung cấp đầy đủ cũng như sự tuần hoàn đều khắp cơ thể của các chất thiết yếu này đóng vai trò cực kỳ quan trọng để duy trì sức khỏe tốt. Khi trong cơ thể có sự ứ đọng hoặc thiếu hụt các chất này, một số bệnh tật hay tình trạng xấu có thể xảy ra.

Chế độ ăn đóng vai trò thiết yếu trong việc nuôi dưỡng khí, huyết, tinh, dịch trong cơ thể, tạo thành nền tảng duy trì các hoạt động sống của con người. Ăn uống đầy đủ, đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng phong phú, thúc đẩy khí huyết dồi dào. Từ đó, sức khỏe thể chất cũng được nâng cao. Vì vậy, lá lách và dạ dày (Tỳ, Vị) được coi là nền tảng của ngũ tạng.

Những người trẻ tuổi, do sinh khí mạnh mẽ, nên dù có thể bị đói, hay ngược lại, ăn quá nhiều, ăn thức ăn lạnh hoặc sống, nhưng vẫn ít bị bệnh tật là nhờ vào sức mạnh vốn có của cơ thể.

Ngược lại, ở người cao tuổi, sinh khí suy yếu, các cơ quan (tạng) suy yếu, việc duy trì sức khỏe phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn uống để bồi bổ khí huyết. Thiếu tiết chế khi ăn các thực phẩm sống, lạnh, cùng với việc thiếu hiểu biết điều tiết đói, no, sẽ gia tăng nguy cơ bệnh tật.

TCM tin rằng khi một người ngã bệnh, liệu pháp ăn uống nên được sử dụng trước tiên. Quan sát các triệu chứng bệnh, mỗi người có thể điều chỉnh chế độ ăn uống để tự phục hồi. Chỉ được xem xét sử dụng thuốc nếu việc điều chỉnh ăn uống tỏ ra không hiệu quả. Phương pháp này chủ yếu được áp dụng vì ăn uống được cho là ít gây hại cho các cơ quan nội tạng nhất.

Một số cân nhắc quan trọng khi chăm sóc người cao tuổi:

  1. Chế độ ăn uống phải gồm các thức ăn chín, ấm, mềm (nhừ). Phải tránh các thức ăn còn sống, dai, cứng.
  2. Sau bữa ăn, đi bộ một đoạn ngắn khoảng một đến hai trăm bước có thể giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa.
  3. Tránh ăn quá nhiều trong một bữa. Thay vào đó nên chia thành nhiều bữa nhỏ để hỗ trợ cho hệ thống tiêu hóa đã suy yếu ở người lớn tuổi, đảm bảo sinh tinh, khí liên tục, có thể ngăn các cảm giác khó chịu, ví dụ như đầy hơi. Với cơ thể đã suy yếu của người cao tuổi, hệ tiêu hóa có thể gặp khó khăn khi phải xử lý cùng lúc một lượng lớn thức ăn, khiến họ dễ gặp các vấn đề về tiêu hóa hơn.

Nguyên tắc về chế độ ăn của TCM cho rằng cách tiếp cận tối ưu với ba bữa một ngày là bao gồm bữa sáng bổ dưỡng, bữa trưa đủ chất và bữa tối nhẹ.

Trong Y học cổ truyền Trung quốc, nhiều bệnh tật được cho là do “Lực” từ môi trường bên ngoài tác động gây nên. Những lực này được gọi là sáu yếu tố gây bệnh bên ngoài là phong, hàn, nhiệt (mùa hạ), táo (khô), thấp (ẩm) và hỏa. Vì vậy, cần điều chỉnh sự lựa chọn thực phẩm cho phù hợp với đặc điểm từng mùa để ngăn chặn sự xâm nhập của các mầm bệnh bên ngoài, như sau:

Mùa xuân là mùa của sức sống, thời tiết ấm dần có thể dẫn đến các triệu chứng như bồn chồn, khô miệng, chóng mặt, táo bón. Trong thời gian này, nên lựa chọn các loại rau, trái cây có tính mát, hạn chế ăn nhiều thịt, tránh đồ cay nóng và thức ăn quá nóng.

Mùa hè là mùa của xu hướng thăng lên với thời tiết chủ yếu là thường xuyên nóng bức dẫn đến các triệu chứng như đổ mồ hôi nhiều, mệt mỏi, kém ăn, thở nhanh, suy nhược. Trong thời gian này, nên ăn các loại rau, trái cây có tính mát. Ngoài ra, người ta có thể kết hợp các loại thực phẩm hoặc đồ uống thanh nhiệt, với dưa hấu là một lựa chọn tuyệt vời, cùng với những lựa chọn khác như súp đậu xanh, cháo lá sen. Nên tránh các loại thịt nhiều dầu mỡ, cũng như các món ăn cay và có tính nóng cao.

Mùa thu là mùa thu hoạch, nhiệt độ dần giảm xuống. Trong chế độ ăn, sẽ có lợi nếu bao gồm nhiều cá, thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa. Đối với những người thể chất suy yếu, nên bổ sung các thực phẩm bổ khí, bổ máu hoặc ăn các thực phẩm hỗ trợ Tỳ, Vị. Một số ví dụ bao gồm Hoàng kỳ, Đẳng sâm, Đương quy, Đông trùng hạ thảo, Bạch truật và Long nhãn. Tuy nhiên, hãy nhớ đừng ăn quá nhiều.

Mùa đông là mùa bảo tồn, đặc trưng bởi thời tiết lạnh giá. Người già, thể chất suy yếu, có thể gặp khó khăn khi chịu đựng cái lạnh. Trong thời gian này, nên kết hợp thêm các món ăn có tính ấm vào thực đơn, chú trọng bổ sung dinh dưỡng. Những thực phẩm này bao gồm cá, thịt gà và gan. Bổ sung chế độ ăn uống với các loại thảo mộc bồi bổ cơ thể như Hoàng kỳ rang, Đương quy, Đẳng sâm, Nhân sâm, Kỷ tử, Nhãn, Bạch truật, Đông trùng hạ thảo, Ba kích, Đỗ trọng và Quế, tất cả đều giúp bổ khí huyết, đồng thời tăng cường thể chất nói chung. sức mạnh. Lưu ý rằng nên tránh những thảo dược này nếu bị cảm lạnh hoặc cúm.

Phương pháp sáng suốt trong sử dụng thuốc cho người cao tuổi và người suy yếu sức khoẻ

Cách tiếp cận để điều trị bệnh ở người cao tuổi thường đối nghịch với cách điều trị cho những người trẻ tuổi - sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau, vội vàng áp dụng châm cứu - nhằm mục đích phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với những người cao tuổi, khí huyết và sinh lực suy yếu, thể lực và tinh thần suy giảm, tình trạng của họ giống như ngọn nến lung linh dễ bị gió dập tắt.

Họ dễ mắc các căn bệnh khác nhau, dẫn đến mắt mờ, tai kém, mệt mỏi, vận động kém, chóng mặt và không có khả năng thích ứng với những thay đổi của môi trường, khí hậu. Họ có các triệu chứng thường gặp như bệnh cũ tái phát, táo bón, tiêu chảy, chân tay lạnh và nóng trong người. Nếu việc điều trị không tính đến đặc điểm sinh lý, thể trạng của người cao tuổi mà nóng vội dùng châm cứu hay thuốc mong muốn nhanh chóng hồi phục thì có thể dẫn đến những nguy cơ không lường trước được.

Nói chung, thuốc dành cho người cao tuổi nên đóng vai trò là liệu pháp hỗ trợ và bổ sung. Họ chỉ nên sử dụng các loại thuốc nhẹ và tác dụng từ từ để thúc đẩy dòng khí lưu thông trôi chảy, cải thiện thói quen ăn uống, bồi bổ những thiếu hụt, duy trì sự cân bằng tổng thể. Điều quan trọng là tránh sử dụng các loại thuốc bán sẵn trên thị trường, những loại thuốc được cho tặng hoặc những loại thuốc không được kê đơn rõ ràng, cũng như các loại thuốc công dụng mạnh. Nên được khám và tìm hiểu cẩn thận trước khi dùng các loại thuốc đó.

Khi bệnh tái phát, cần điều trị phù hợp với các triệu chứng, sử dụng các loại thảo dược nhẹ và cân bằng. Thông thường, các triệu chứng sẽ giảm bớt một cách tự nhiên sau ba đến năm ngày điều trị. Sau đó, cần điều chỉnh chế độ ăn, tuân thủ các nguyên tắc của liệu pháp ăn uống. Xem xét tính chất ấm, nóng, mát, lạnh và hương vị chua, đắng, ngọt, cay, mặn, của thực phẩm. Chế độ ăn uống có thể được điều chỉnh để trở thành phương pháp bảo vệ sức khỏe hiệu quả nhất.

Ngoài người cao tuổi, việc phòng ngừa và điều trị cho những người suy yếu sau khi bị bệnh cũng nên áp dụng cách tiếp cận tương tự. Ví dụ, khi cơ thể bị suy nhược và các thủ tục y tế thông thường như phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị được coi là cần thiết thì nên cân nhắc cẩn thận. Việc tiến hành mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng có thể dẫn đến sự thành công của việc điều trị nhưng lại làm suy giảm đáng kể sức khỏe thể chất.

Do những thay đổi sinh lý trong cơ thể người cao tuổi, đặc điểm riêng biệt của các bệnh liên quan đến lão hóa và sự khác biệt của từng cá nhân, cần phải thận trọng trong việc lựa chọn loại thuốc và liều lượng.

Trên thực tế, liều điều trị và liều gây độc cho người cao tuổi thường rất gần nhau và đáp ứng thuốc cũng có thể rất khác nhau giữa các cá nhân. Một liều lượng còn chưa hiệu quả ở bệnh nhân này lại có thể gây ra ngộ độc ở một bệnh nhân khác. Ngoài ra, do người cao tuổi cùng lúc mắc nhiều bệnh nên có thể sẽ dùng nhiều loại thuốc khác nhau, dẫn đến nguy cơ bị tương tác thuốc. Một số cá nhân lại có thể tự dùng thuốc, tùy tiện tăng liều, hoặc tự dùng thuốc bổ, tất cả đều có thể gây ra các tác dụng phụ đáng kể.

Hiểu và thích nghi với tính khí của người cao tuổi

Mặc dù thể chất yếu đuối nhưng người cao tuổi có thể vẫn nuôi dưỡng những khát vọng và hoài bão. Tuy nhiên, do không thể nắm bắt kịp những cơ hội và đáp ứng kỳ vọng của xã hội nên ước muốn của họ khó được thực hiện. Ngay cả khi có cuộc sống thoải mái, thì cảm giác thiếu thốn vẫn thường trực, dẫn đến thường xuyên thở dài, lo lắng, tâm lý phản kháng, bướng bỉnh, tâm trạng thất thường. Họ có thể đột nhiên vui sướng hoặc tức giận không giải thích được, bộc lộ những tâm trạng khó lường, tương tự như một đứa trẻ chưa hiểu thế giới.

Tôn trọng, đồng cảm và đồng hành

Do đó, khi tiếp xúc với người cao tuổi, điều quan trọng là phải thể hiện sự tôn trọng, chú ý đến lời nói và cách diễn đạt của họ, đáp ứng sở thích và nâng cao tinh thần của họ. Trẻ em nên cố gắng không làm trái với mong muốn của người già.

Do khí huyết suy giảm ở người già, việc buồn bã, tức giận có thể làm rối loạn tiêu hóa, dẫn đến rối loạn chức năng các cơ quan và khởi phát bệnh tật. Vì vậy, điều quan trọng là phải đồng cảm và hiểu được cảm xúc của người cao tuổi. Sự đồng hành thường xuyên là rất quan trọng và không nên để họ một mình trong thời gian dài. Ở tuổi già, con người có xu hướng trở nên cô độc hơn và dễ rơi vào trạng thái u sầu. Khi họ cảm thấy cô đơn, điều đó có thể dẫn đến trầm cảm và thất vọng.

Vì vậy, cách tốt nhất để con cái trưởng thành chăm sóc người già là phù hợp với tính khí và sở thích của họ. Ví dụ, nếu họ thích đọc sách, vẽ tranh, chơi cờ hoặc tham gia thể thao, hãy khuyến khích và ủng hộ sở thích của họ. Điều này mang lại niềm vui một cách tự nhiên, khiến họ dễ dàng quên đi nỗi cô đơn hay u sầu.

Một số người cao tuổi có thể cảm thấy mệt mỏi về thể chất hoặc thiếu hoạt động để tham gia. Để họ một mình ở nhà không có việc gì làm có thể dẫn đến cảm giác buồn chán và trầm cảm. Ngược lại, khi họ thấy những thứ họ thích và có thể tập trung tâm trí vào đó, họ cảm thấy vui vẻ. Ngay cả khi họ cảm thấy mệt mỏi, buồn bã, u sầu hay lo lắng, tính khí và tâm trạng của họ cũng có thể được xoa dịu một cách tự nhiên.

Bấm một số huyệt đạo có lợi cho người cao tuổi

1. Huyệt Dũng tuyền

Huyệt Dũng tuyền nằm ở lòng bàn chân và được cho là điểm xâm nhập của hơi ẩm.

Vị trí: Ở lòng bàn chân, ở 1/3 phía trước của đường nối khe ngón chân thứ hai và thứ ba với gót chân.

Phương pháp: Một bàn tay ôm giữ các ngón chân, tay kia xoa huyệt. Sau một lát, lòng bàn chân sẽ ấm lên. Nhẹ nhàng di chuyển các ngón chân và nghỉ ngơi một chút nếu cảm thấy mệt mỏi. Mặc dù có thể nhờ người khác day ấn huyệt, nhưng hiệu quả có thể không rõ rệt như khi tự mình thực hiện.

Huyệt Dũng tuyền có lợi cho người cao tuổi. (The Epoch Times)

2. Huyệt Thận du

Vị trí: Nằm ở phía sau thắt lưng. Hai huyệt đối xứng nhau, cách đường giữa (dọc theo cột sống lưng) khoảng hai ngón tay ở hai bên, ngay sau rốn.

Phương pháp: Dùng tay xoa mỗi huyệt 20 lần.

Tác dụng: Bổ thận và tăng cường tinh chất. Giảm đi tiểu dắt và đau thắt lưng.

Huyệt Thận du có lợi cho người cao tuổi. (The Epoch Times)

Lưu ý: Một số loại thảo mộc được đề cập trong bài viết này có thể chưa quen thuộc nhưng chúng thường có sẵn ở các cửa hàng bán thực phẩm sức khỏe và cửa hàng tạp hóa Châu Á. Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị có thể khác nhau tùy theo từng cá nhân. Vui lòng tham khảo ý kiến của bác sĩ về kế hoạch điều trị cụ thể.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Kuo-Pin Wu

Kuo-pin Wu là giám đốc Bệnh viện Tim Xinyitang Đài Loan, năm 2008, ông bắt đầu học y học cổ truyền Trung Quốc và lấy bằng cử nhân của Đại học Y khoa Trung Quốc tại Đài Loan.



BÀI CHỌN LỌC

Làm sao để sống thọ và có sức khỏe tốt - khám phá các phương pháp cổ xưa vì một tuổi già khỏe mạnh